Bắc Kinh đang mở rộng quyền lực mềm ở Nam Mỹ như thế nào?

An Liên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Nam Mỹ (ảnh: Từ video của CGTN America)

Epoch Times cho hay, ngoại giao quốc phòng là động thái ​​bí mật mà Bắc Kinh sử dụng để mở rộng quyền lực mềm của mình ở Nam Mỹ. Cụ thể, chính quyền Trung Quốc thông qua hoạt động bán vũ khí, giao lưu và huấn luyện quân sự để gây ảnh hưởng lên khu vực.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cung cấp vũ khí, các khoản vay và đầu tư cho Mỹ Latinh và Caribe để đổi lấy tài nguyên khoáng sản và lòng trung thành chính trị. Khoảng 75% quặng sắt và 60% đồng mà ĐCSTQ nhập khẩu là đến từ Mỹ Latinh.

Liên minh ALBA, một liên minh của các nước thiên tả, là những quốc gia mua vũ khí đầu tiên của Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Các thành viên của liên minh này bao gồm Argentina và Barbuda, Bolivia, Cuba, Dominica, Grenada, Nicaragua, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent, Grenadines, và Venezuela.

Sử dụng các quốc gia ALBA làm bàn đạp, hoạt động bán vũ khí của ĐCSTQ đã dần dần lan rộng ra toàn bộ lục địa Nam Mỹ. Venezuela, Ecuador và Bolivia đã tăng đáng kể việc mua vũ khí của Trung Quốc.

Năm 2005, doanh số bán vũ khí của ĐCSTQ cho các nước Mỹ Latinh và Caribe gần như bằng không, nhưng đến năm 2014, doanh số bán vũ khí này đã tăng lên 130 triệu đô-la Mỹ. Các lô hàng quân sự mà các nước Nam Mỹ nhập từ Trung Quốc không chỉ bao gồm các loại vũ khí nhỏ, mà còn cả xe cộ và máy bay.

Năm 2008, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã mua máy bay huấn luyện quân sự K-8 và radar tìm kiếm trên không từ Trung Quốc. Sau đó người kế nhiệm ông là Tổng thống Nicolas Maduro đã mua máy bay vận tải và pháo tự hành của quân đội Trung Quốc, cũng như các xe bọc thép được sử dụng để chống lại những người biểu tình Venezuela vào năm 2014.

Hiện tại, các nước Nam Mỹ mua nhiều vũ khí của ĐCSTQ nhất là Venezuela, Bolivia, Trinidad và Tobago, Peru và Ecuador. Venezuela chiếm 85% doanh số bán vũ khí của ĐCSTQ cho Mỹ Latinh.

ĐCSTQ cũng đã và đang tăng cường liên hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribe, đồng thời thuyết phục nhiều quốc gia ở khu vực này cắt đứt ngoại giao với Đài Loan. Theo sách trắng về quân sự của Trung Quốc được China Daily công bố, hợp tác quân sự giữa ĐCSTQ với Mỹ Latinh và Caribe là bước tiếp theo trong chiến lược ảnh hưởng toàn cầu của ĐCSTQ.

Bắc Kinh đang thúc đẩy mạnh các hoạt động giao lưu quân sự để tăng cường ảnh hưởng lên khu vực Nam Mỹ. Năm 2002, Hải quân Quân Trung Quốc cùng với Ecuador, Peru và Brazil, đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên. Ban nhạc của quân đội Trung Quốc đã biểu diễn ở Grenada. Đội nhào lộn của quân đội Trung Quốc đã biểu diễn tại Peru, Ecuador, Guyana, Venezuela và Bolivia. Các máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã tham gia các cuộc triển lãm hàng không ở Chile, Argentina, Peru và Brazil.

Cuộc tập trận chung là một cái cớ nữa để ĐCSTQ tạm thời đóng quân và tàu chiến ở châu Mỹ. Quân Giải phóng Nhân dân đã tiến hành cuộc tập trận quân sự, mang tên “Thiên sứ hoà bình”, song phương đầu tiên ở khu vực này vào năm 2010. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc đã điều động tàu y tế “Phương chu hoà bình” đến Peru.

Kể từ đó, ĐCSTQ đã gửi quân đến Mỹ Latinh và Caribe để huấn luyện và tham gia các sứ mệnh nhân đạo. Ví dụ, từ năm 2004 đến năm 2012, Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đã thực hiện các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Haiti.

Uruguay đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với ĐCSTQ vào năm 2016. ĐCSTQ đã tặng cho họ xe tải, xe cứu thương, ô tô và áo chống đạn. Bắc Kinh cũng bán máy bay chiến đấu L-15 và trực thăng Z-9 cho Uruguay. Nhiều sĩ quan quân đội Uruguay đã tham gia đào tạo tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh, cũng như các khóa tham mưu tổng hợp ở Nam Kinh.

Hướng dẫn quân sự và các cuộc tập trận chung là một phương tiện ngoại giao quân sự khác của ĐCSTQ. Venezuela thường xuyên gửi quân nhân đến Trung Quốc để đào tạo. Vào năm 2017, Venezuela đã tham gia một cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ mang tên “Trời quang”.

Trong vài năm qua, hơn 100 sĩ quan từ 12 quốc gia Mỹ Latinh đã tốt nghiệp Học viện Quân Giải phóng Nhân dân, bao gồm Học viện Chỉ huy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bằng cách cung cấp các khóa học cho các sĩ quan cấp dưới, Bắc Kinh hy vọng sẽ xây dựng mối quan hệ với những người có thể nắm giữ các vị trí cao nhất trong tương lai.

Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có nhiều tổ chức, tất cả đều nhận các sĩ quan từ Mỹ Latinh. Trường Cao đẳng Quốc phòng Quốc tế thuộc Đại học Quốc phòng nằm ở quận Trường Bình, Bắc Kinh, có một trường dành riêng cho quân đội nước ngoài. Chile đã gửi các sĩ quan đến học viện từ năm 1997, trong khi các quân nhân Uruguay bắt đầu học tại đây vào năm 2009. Các quốc gia khác được đào tạo tại học viện quân sự bao gồm Mexico, Peru và Colombia.

Các sĩ quan quân đội đến từ Colombia, Peru, Barbados và Jamaica đã theo học tại Trường Chỉ huy Quân đội ở Nam Kinh. Trường Cao đẳng Chỉ huy Hải quân Trung Quốc bên ngoài Nam Kinh đã dạy các sĩ quan đến từ Uruguay và Brazil. Các sĩ quan Uruguay cũng tham gia một khóa học dành cho lực lượng đặc biệt kéo dài 5 tháng ở Thạch Gia Trang. Thủy quân lục chiến Chile được huấn luyện tại Trung tâm Chỉ huy Quân sự.

Cho đến nay, quân đội Trung Quốc vẫn chưa có căn cứ nào được xây dựng ở Mỹ Latinh và Caribe, nhưng các nhân viên của họ đóng quân tại Cuba trong ít nhất ba cơ sở giám sát từ thời Liên Xô là: Lourdes, Bejucal, và Santiago de Cuba. Một công ty Trung Quốc đang mua một hòn đảo ngoài khơi El Salvador và hy vọng sẽ xây dựng một cảng vận chuyển ở đó.

ĐCSTQ đang xây dựng một mạng lưới các cảng trên khắp thế giới. ĐCSTQ hiện có quyền sở hữu một phần trong ít nhất một chục cảng ở châu Âu, cũng như các cảng ở Pakistan, Argentina, Uruguay, Cuba, Mexico và Panama. Các chuyên gia quốc phòng Hoa Kỳ lo lắng rằng các cảng vận chuyển của Trung Quốc có thể được thiết kế như các cảng lưỡng dụng, đủ lớn để chứa các tàu hải quân của quân đội Trung Quốc.

Related posts