Nam Hàn xin gia nhập CPTPP, giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc

Lisa Bian

(Từ trái qua phải) Các vị bộ trưởng thương mại hoặc bộ trưởng ngoại giao của Singapore, New Zealand, Malaysia, Canada, Úc, Chile, Brunei, Nhật Bản, Mexico, Peru, và Việt Nam chụp ảnh chính thức sau khi ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thế hệ mới gồm 11 quốc gia tại Santiago, vào ngày 08/03/2018. (Ảnh: Claudio Reyes/AFP/Getty Images) Đông Dương

Bộ trưởng Tài chính Nam Hàn cho biết nước này sẽ bắt đầu nộp đơn tham gia một thỏa thuận thương mại tự do lớn ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trước khi Tổng thống Moon Jae-in sắp đi hết nhiệm kỳ của mình. Thỏa thuận thương mại này có thể thúc đẩy thương mại đa phương của Nam Hàn trong khu vực và giảm việc nhập cảng phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) này là phiên bản đàm phán lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định TPP vào năm 2017. Theo Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn, biện pháp của ông Trump được coi là đối trọng chính đối với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Thỏa thuận thương mại tự do đa phương mới này đã được 11 quốc gia thành viên trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đưa ra vào năm 2018. Tất cả các thành viên bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore, và Việt Nam. Hiện tại, Nhật Bản đang chủ trì hiệp ước này. Hồi tháng Chín năm nay, Trung Quốc và Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập [CPTPP].

Hôm 13/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Nam Hàn Hong Nam-ki, cho biết chính phủ nước này sẽ bắt đầu thủ tục đăng ký gia nhập CPTPP, để không bị tụt lại phía sau một hiệp ước kinh tế quan trọng trong khu vực này, theo tờ báo Nikkei Asia có trụ sở tại Nhật Bản.

“Chúng tôi không thể giữ các cuộc đàm phán [CPTPP] trong nội bộ chính phủ được nữa, vì trật tự kinh tế đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương,” ông Hong nói trong một cuộc họp với các bộ trưởng kinh tế. “Chúng tôi nên xem xét địa vị của mình như một quốc gia thương mại cởi mở, cũng như giá trị kinh tế và chiến lược trong việc mở rộng thương mại và đầu tư.” Ông nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược và khu vực của CPTPP đối với Nam Hàn trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo của Yonhap trích dẫn một tổ chức tư vấn của nhà nước Nam Hàn, tổng kim ngạch thương mại của 11 quốc gia tham gia CPTPP đã đạt 5.7 ngàn tỷ USD vào năm 2019, chiếm 15.2% tổng thương mại toàn cầu.

Ông Hong nói với các phóng viên ngoại quốc theo báo cáo của Yonhap rằng: “Chính phủ [của ông Moon Jae-in] có mục tiêu nộp đơn gia nhập CPTPP trước khi nhiệm kỳ 5 năm của ông kết thúc.” Nam Hàn sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng Ba năm sau.

Vào tháng 11/2020, Nam Hàn đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) có hiệu lực vào tháng Hai năm sau. RECEP bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 thành viên, Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, và New Zealand. Hiệp định thương mại này được biết đến là một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất thế giới, vì 15 quốc gia thành viên của tổ chức này kết hợp lại chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Việc Nam Hàn có khả năng sẽ gia nhập CPTPP có thể là một động lực đáng kể cho việc mở rộng thương mại của nước này bên cạnh việc thực hiện hiệp định RECEP theo kế hoạch.

Tuy nhiên, do các thủ tục bổ sung trước khi gia nhập hiệp ước này cũng như sự phản đối mạnh mẽ của các chuyên gia nuôi trồng và đánh bắt do lo ngại về sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ ngoại quốc, nên có thể sẽ mất vài năm để hoàn tất thủ tục gia nhập thành viên này. Việc gia nhập cuối cùng yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tán đồng từ tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Nhật Bản, vốn là quốc gia vẫn chưa lên tiếng ủng hộ đề xướng này của Nam Hàn, trích dẫn từ Korea Economic Daily.

Nam Hàn đã từng do dự về việc tham gia hiệp ước này, một phần vì lo ngại về việc làm tổn hại mối liên hệ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Nam Hàn đã nhìn nhận lại lợi ích của mình sau khi Trung Quốc đệ trình đơn gia nhập CPTPP vào tháng Chín, và Đài Loan đã làm theo một tuần sau đó.

CPTPP tự hào có mức độ [cam kết] mở cửa thị trường cao, với tỷ lệ xóa bỏ thuế quan tối đa đến 96%. Các nhà phân tích cho rằng đây có thể là biện pháp của Seoul nhằm giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc và đa dạng hóa thị trường xuất cảng bằng cách tham gia CPTPP, trích dẫn từ tờ báo Nam Hàn Dong-A Ilbo.

Theo tờ Bưu điện Nam Hoa Tảo Báo (South Morning China Post), 11 nền kinh tế trong CPTPP đã nhập cảng tổng cộng 126 tỷ USD hàng hóa của Nam Hàn, tương ứng với 23.2% tổng kim ngạch xuất cảng của cả nước trong năm 2019. Họ cũng bán 124.9 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ cho Nam Hàn, chiếm 24.8% hàng hóa nhập cảng của họ cùng năm đó.

Nam Hàn vẫn đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc để nhập cảng nguyên liệu thô. Vào tháng Mười Một, quốc gia này đã trải qua tình trạng thiếu hụt urea trầm trọng — một hóa chất được sử dụng để giảm lượng khí thải trong xe hơi chạy bằng động cơ diesel — sau khi Trung Quốc hạn chế xuất cảng chất này trong những tháng gần đây. Theo báo cáo của Reuters, sự sụt giảm đột ngột của urea đã khiến chính phủ Nam Hàn phải thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm đa dạng hóa hàng nhập cảng của mình ngoài Trung Quốc bằng cách tìm một nhóm nhà cung cấp mới.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Úc, hôm 13/12, Tổng thống Nam Hàn Moon đã có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Úc. Hai nước này đã đồng ý việc bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định và tăng cường liên hệ quốc phòng. Theo báo cáo của Yonhap, ông Moon là tổng thống Nam Hàn đầu tiên có chuyến thăm cấp nhà nước tới Úc trong 12 năm qua và là nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm nước này kể từ sau đại dịch COVID-19.

Nam Hàn cũng đã đạt được thỏa thuận quốc phòng trị giá gần 700 triệu USD trong chuyến thăm này. Theo thỏa thuận đó, Úc sẽ mua xe pháo tự hành K-9 Thunder từ nhà sản xuất vũ khí Hanwha Defense của Nam Hàn, theo Reuters.

Theo Korea JoongAng Daily, một tuyên bố chung do ông Moon và Thủ tướng Úc Scott Morrison đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh nêu rõ hai nước này công nhận “sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm Biển Đông,” nhấn mạnh rằng các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không.

Tuyên bố này không chỉ trích công khai Trung Quốc, nhưng vấn đề gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung đã xuất hiện xuyên suốt hội nghị thượng đỉnh này khi Nam Hàn cố gắng duy trì ngoại giao cân bằng.

Trong một cuộc họp báo trong chuyến thăm này, ông Moon nói rằng Nam Hàn “đang không xem xét tới một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Bắc Kinh, cũng như chúng tôi chưa nhận được bất kỳ yêu cầu tham gia nào từ phía Hoa Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.”

Bà Lisa Bian là một nhà văn người Nam Hàn của The Epoch Times chuyên tập trung vào xã hội Nam Hàn, văn hóa của nước này và các mối quan hệ quốc tế.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts