Hoàng Chi Phong: Chúng tôi không đầu hàng, quỳ gối trước Trung Quốc

  • Như Ngọc

Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hôm thứ Hai (20/7) đã chính thức nộp hồ sơ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới. Hoàng khẳng định với báo giới  “không lựa chọn đầu hàng, không lựa chọn quỳ gối trước Trung Quốc”.

Hoàng Chi Phong là một trong những ứng viên hàng đầu nổi lên sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ không chính thức của các đảng phái ủng hộ dân chủ trong hai ngày 11-12/7 vừa qua. Các đảng ủng hộ dân chủ đang đặt mục tiêu sẽ chiếm đa số ghế trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông 70 ghế.

Trả lời báo chí hôm 20/7, Hoàng Chi Phong cho hay: “Chúng tôi hy vọng sẽ khiến cho thế giới biết cách chúng tôi không lựa chọn đầu hàng, cách chúng tôi không lựa chọn quỳ gối trước Trung Quốc”.

Trong khi đó, các nhà phê bình luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông từ đầu tháng Bảy lo ngại rằng luật này có thể bị sử dụng để ngăn cản các ứng viên ủng hộ dân chủ tham gia tranh cử vào cơ quan lập pháp Hồng Kông.

Luật an ninh quốc gia mới cấm các nhà hoạt động ly khai, các hành vi lật đổ và khủng bố, cũng như cấm thông đồng với các thế lực bên ngoài để can thiệp vào công việc của Hồng Kông. Luật này cũng tuyên bố rằng bất cứ ai bị kết tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia sẽ bị loại khỏi các cuộc bầu cử của thành phố hoặc nắm giữ chức vụ trong cơ quan công quyền.

Hoàng Chi Phong, 23 tuổi, cho đến nay đã hai lần bị bỏ tù vì tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014. Hoàng cũng thường xuyên lên án việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát Hồng Kông và thường gặp gỡ các nhà lập pháp và chính trị gia nước ngoài của Mỹ và các nước khác.

Bất chấp sức ép từ Bắc Kinh và luật an ninh quốc gia mới, Hoàng Chi Phong khẳng định: “Dù đe dọa bị dẫn độ về Trung Quốc, dù sự không chắc chắn về việc bị gửi tới một nhà tù đen tối tại Bắc Kinh, dù khả năng phải đối mặt với án tù chung thân … tôi vẫn hy vọng sẽ tham gia chạy đua tranh cử và nhận được ủy quyền của người dân, và để cho thế giới biết rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu của mình cho tới hơi thở cuối cùng”.

Năm 2017, bốn nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, trong đó có La Quán Thông (Nathan Law) đã bị loại khỏi cơ quan lập pháp Hồng Kông sau khi một tọa án địa phương tuyên bố rằng những người này đã không tuyên thệ và cam kết trung thành với Bắc Kinh đúng cách. Hai nhà lập pháp ủng hộ dân chủ khác cũng đã bị loại khỏi hội đồng lập pháp năm 2016 do lời tuyên thệ của họ không được công nhận.

Hiện tại, La Quán Thông đã rời Hồng Kông tới Anh Quốc sau khi luật an ninh quốc gia mới có hiệu lực. Theo Taiwan News, La Quán Thông khẳng định rằng anh sẽ tiếp tục ủng hộ cho nền dân chủ Hồng Kông dù sinh sống ở nước ngoài.

Sau khi kết thúc thành công hai ngày bỏ phiếu sơ bộ của các đảng ủng hộ dân chủ, từ hải ngoại, La Quán Thông đã gửi lời khen ngợi, nói rằng đoàn người xếp hàng dài bên ngoài hơn 200 trạm bỏ phiếu, giống như hơn 200 lần diễu hành biểu tình cỡ nhỏ, để cho cộng đồng quốc tế biết người Hồng Kông rất nhiệt huyết với việc đòi công bằng chính nghĩa. Càng nhiều người bỏ phiếu, càng có thể công phá “tuyên truyền nước ngoài” của Bắc Kinh, khiến ngoại giới nhìn thấy được ý chí phản đối của người Hồng Kông đối với luật an ninh quốc gia.

Thời điểm bỏ phiếu kết thúc sơ bộ, Hoàng Chi Phong cũng đã phát biểu cảm nghĩ, anh cho biết số người bỏ phiếu sơ tuyển lần này khiến ngoại giới nhìn thấy người Hồng Kông “vẫn không lựa chọn đầu hàng, không bỏ cuộc”. Anh nói thẳng, trong ngày luật an ninh quốc gia được thông qua, chưa từng nghĩ rằng sẽ có hơn 500.000 người dám bước ra bỏ phiếu. Anh sẽ không xem nhẹ sự đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Hồng Kông, càng không xem thường dũng khí và trí tuệ của người Hồng Kông, sáng tạo hết kỳ tích này đến kỳ tích khác: “Ngăn chặn ĐCSTQ, bảo vệ Hồng Kông là lựa chọn duy nhất của chúng ta”.

Trong khi đó, một ngày sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ do các đảng dân chủ tự tổ chức, Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm 13/7 nói rằng cuộc bầu cử sơ bộ này thể đã vi phạm luật an ninh quốc gia.

Nếu mục đích của cái gọi là bầu cử sơ bộ này để đạt mục tiêu cuối cùng là phản đối, chống lại mọi sáng kiến chính sách của chính quyền đặc khu Hồng Kông, thì nó có thể được coi như hành vi ‘lật đổ quyền lực nhà nước,’ – hiện là một trong bốn tội theo luật an ninh quốc gia mới”, Hong Kong Free Press dẫn lời bà Lam.

Bà Lam cũng cho biết văn phòng của bà đã nhận được “một lượng lớn các khiếu nại” rằng cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ đã “gây ra sự hỗn loạn, phá vỡ các quy tắc tụ tập trong dịch COVID-19 và vi phạm quyền riêng tư”.

Những bình luận của bà Lam lặp lại y chang các phát ngôn của Bộ trưởng Các vấn đề Hiến pháp và Đại lục Erick Tsang, người nói rằng cuộc bầu cử sơ bộ vào cuối tuần vừa rồi sẽ không được công nhận chính thức, và cảnh báo rằng những người tham gia có thể bị buộc tội theo luật an ninh.

Chính quyền Bắc Kinh hôm 13/7 cũng đã tuyên bố các cuộc bầu cử sơ bộ là “bất hợp pháp”, tố cáo đó là những hành động khiêu khích được bí mật dàn dựng bởi các thế lực thù địch nước ngoài âm mưu lật đổ chính quyền Hồng Kông.

Với sự hỗ trợ của các lực lượng bên ngoài, các nhóm đối lập và lãnh đạo của họ đã cố tình nghĩ ra kế hoạch tổ chức cái gọi là ‘bầu cử sơ bộ’ này. Đây là một sự khiêu khích nghiêm trọng đối với hệ thống bầu cử hiện tại và gây tổn hại lớn đến sự công bằng và công lý của Hội đồng Lập pháp bầu cử”, Văn phòng Liên lạc Hồng Kông của Trung Quốc cho biết.

Các nhà tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đã trả lời rằng việc bầu ra các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ của họ sẽ không gây ra bất kỳ nguy hiểm thực sự nào để có thể “can thiệp nghiêm trọng, phá vỡ hoặc làm suy yếu việc thực thi nhiệm vụ và chức năng của chính quyền” như bà Lam cáo buộc, bởi vì bà có quyền giải tán cơ quan lập pháp và kêu gọi bầu cử nhanh.

Làm thế nào mà một quyền lợi được công nhận bởi Luật Cơ bản có thể vi phạm luật an ninh quốc gia?” nhà tổ chức và học giả Benny Tai đặt câu hỏi, đề cập đến quyền của cơ quan lập pháp trong việc phủ quyết ngân sách theo Luật Cơ bản đã được xác định trong hệ thống pháp lý của Hồng Kông từ năm 1997.

Ông Tai đã bị Văn phòng Liên lạc Hồng Kông ở Bắc Kinh đe dọa, truy vấn ông về “ai là người đã hướng dẫn ông công khai thao túng cuộc bầu cử như vậy?” đồng thời cảnh báo rằng ông và những nhà tổ chức khác có thể phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm vì tội “thông đồng với thế lực nước ngoài” chiếu theo luật an ninh.

Như Ngọc

Related posts