Hun Sen “tiếp tay” phá “Đồng thuận 5 điểm” của ASEAN về Miến Điện

Thu Hằng

Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin của chính quyền quân sự Miến Điện hội kiến thủ tướng Hun Sen tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 07/12/2021. REUTERS – HANDOUT

Mười tháng kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện, hơn 1.340 thường dân đã chết vì bạo lực của quân đội. Gần đây nhất là 35 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, khi chạy lánh nạn đã bị quân đội Miến Điện phóng hỏa thiêu sống trong xe ở bang Kayah.

Cộng đồng quốc tế lên án những tội ác của tập đoàn quân sự. ASEAN không công nhận tính chính đáng của chính quyền tướng Min Aung Hlang. Thế nhưng, mọi nỗ lực gây áp lực có nguy cơ thất bại do kiểu « ngoại giao cao bồi » của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen.

Hun Sen cổ vũ độc tài Miến Điện trở lại chính trường khu vực
Cam Bốt sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 từ ngày 29/12/2021. Nhưng ngay từ đầu tháng 12,chính quyền Phnom Penh đã đi ngược lại hoàn toàn những chủ trương của ASEAN về Miến Điện, trong đó có việc từ chối đại diện chính trị cấp cao của tập đoàn quân sự. « Đồng thuận 5 điểm » (chấm dứt các bạo lực, mở đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên, bổ nhiệm một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên Miến Điện, trợ giúp nhân đạo và tổ chức chuyến đi của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN tới Miến Điện), được 10 nước Đông Nam Á kiên trì thảo luận, có nguy cơ biến thành tờ giấy lộn.

ASEAN để ngỏ khả năng để Miến Điện tiếp tục tham gia hoạt động của khối thông qua « một đại diện phi chính trị ». Tuy nhiên, thủ tướng Cam Bốt lại tìm cách đưa tập đoàn quân sự Miến Điện trở lại khối và từng bước công nhận tính chính đáng của lực lượng đảo chính này.

Ngày 07/12, thủ tướng Cam Bốt đã tiếp ngoại trưởng Wunna Maung Lwin của tập đoàn quân sự Miến Điện ở Phnom Penh. Một ngày sau, tướng Vong Pisen, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Cam Bốt, hội đàm trực tuyến với tướng Min Aung Hlang và mời người cầm đầu cuộc đảo chính tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM) lần thứ 19 vào tháng 03/2022.

Cam Bốt dường như đơn phương quyết định bổ nhiệm ngoại trưởng Prak Sokhonn làm tân đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện. Không dừng ở đó, ông Hun Sen dự kiến công du Naypyidaw ngay tháng Giêng. Câu hỏi đặt ra là ông Hun Sen đến Miến Điện gặp giới lãnh đạo quân sự cấp cao với tư cách cá nhân, thủ tướng Cam Bốt hay chủ tịch luân phiên của ASEAN ?

Lại đơn phương phá hoại uy tín của ASEAN
Theo ông Charles Santiago, nghị sĩ Malaysia kiêm chủ tịch tổ chức các nghị sĩ ASEAN về nhân quyền (APHR), được trang Al Jazeera trích dẫn ngày 22/12, « ông Hun Sen đơn phương quyết định. Ai trao cho ông quyền đó ? Người đến Miến Điện phải là đặc phái viên ». Nói một cách khác, « ông Hun Sen đang tìm cách phá hoại » cách tiếp cận của ASEAN, dù Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á chỉ đạt được « một số thành công nhỏ, trong đó có việc hạn chế Miến Điện tham gia các cuộc họp của ASEAN » trong năm 2021.

Để giải thích cho kiểu « ngoại giao cao bồi », theo cách gọi của một số nhà quan sát, thủ tướng Cam Bốt lập luận rằng Miến Điện là một « thành viên của gia đình ASEAN », « nếu không làm việc với chính quyền Miến Điện thì chúng ta phải làm việc với ai ? ». Còn chuyên gia Charles Dunst, thành viên chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), cho rằng ông Hun Sen tỏ ra « tự tin vì nghĩ ông là một tác nhân vì hòa bình, rất nhiều lần ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm ở Cam Bốt sau chiến tranh » liên quan đến lực lượng Khờme đỏ vào cuối thập niên 1990.

Liệu ông Hun Sen có sử dụng kinh nghiệm trấn áp xã hội dân sự, giải tán các đảng đối lập ở Cam Bốt để « thuyết phục »« đồng cảm » với tướng Min Aung Hlang, người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện ? Không phải lần đầu tiên Cam Bốt đơn phương hành động trong khối ASEAN. Khi nước này giữ chức chủ tịch luân phiên năm 2012, lần đầu tiên ASEAN đã không ra được tuyên bố chung tại thượng đỉnh, vì Phnom Penh ủng hộ lợi ích của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nhiều nước Đông Nam Á. Một thập niên sau, vẫn ông Hun Sen đang làm suy yếu uy tín của ASEAN trước cả khi Cam Bốt chính thức nhậm chức chủ tịch.


Bạo lực ở Miến Điện: Thái Lan tăng cường bảo vệ biên giới

Thu Hằng

Những người chạy trốn khỏi một cuộc giao tranh giữa quân đội Miến Điện và lực lượng dân quân của các sắc tộc thiểu số, tại một nơi tạm cư ở huyện Mae Sot, tỉnh Tak, Thái Lan, ngày 18/12/2021. REUTERS – ATHIT PERAWONGMETHA

Quân đội Miến Điện sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công một vùng kháng chiến của các lực lượng vũ trang ở bang Kayah, sát biên giới Thái Lan, từ nhiều tuần nay. Đến sáng 28/12/2021, người dân địa phương vẫn nghe thấy tiếng đạn pháo, cho thấy các cuộc tấn công chưa chấm dứt. Hơn 5.000 người dân Miến Điện đã phải chạy sang lánh nạn ở Thái Lan. Trước tình hình này, chính quyền Bangkok buộc phải tăng cường bảo vệ biên giới.

Thông tín viên Carol Isoux tại Bangkok tóm lược tình hình :

Tiếng súng cối vang trên trời, giao tranh trên bộ, xe cộ bị đốt cháy… rõ ràng giờ là cuộc chiến giữa quân đội Miến Điện (Tatmadaw) và các lực lượng dân quân vũ trang, trong đó có Liên Minh Quốc Gia Karen (KNU), một trong những lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số lâu đời nhất ở Miến Điện và Các Lực lượng Phòng vệ Các dân tộc Karen, một tổ chức mới được thành lập, quy tụ nhiều nhóm công dân vũ trang.

Quân đội Miến Điện cũng bị tố cáo là đã vây ráp tàn phá nhiều ngôi làng để trừng trị người dân liên kết với các chiến binh vũ trang. Các cuộc giao tranh đã kéo dài từ nhiều tháng nay, nhưng việc Miến Điện đang vào mùa khô từ vài tuần qua đã tạo điều kiện cho quân đội thâm nhập được vào các vùng chiến sự rộng hơn. Vài nghìn người dân đã phải chạy lánh nạn sang Thái Lan. Hơn 5.000 người đã được phép ở lại trên lãnh thổ nước láng giềng vì lý do nhân đạo. Cử chỉ bất thường này từ phía Bangkok phản ánh rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Quân đội Thái Lan đã thông báo tăng cường hiện diện ở tỉnh Tak, ở biên giới với Miến Điện. Những người dân Thái sống quá gần chiến tuyến có thể đến trú ẩn ở những ngôi chùa hay nhà kho, cách xa đường biên giới hơn ».

Những sự kiện gần đây phản ánh rõ tình hình khốc liệt ở Miến Điện. Quân đội không loại bất kỳ thủ đoạn nào để triệt hạ đối lập, cũng như bất kỳ « cá nhân nào bị tình nghi hợp tác với phe đối lập ». Trả lời RFI, ông Tom Andrews, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc, khẳng định vụ sát hại 35 thường dân một ngôi làng theo Công Giáo ở bang Kayah hôm 24/12 là bằng chứng cho « chiến lược tiêu thổ » của tập đoàn quân sự, để cho thấy là « không một ai, nếu chống tập đoàn quân sự, có thể thoát khỏi việc bị trả thù”.

Ông Francis Waltari, điều hành hoạt động tại chổ của tổ chức Village Kareni, cho biết 35 người bị chết trong xe, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, trước đó chỉ tìm cách thoát khỏi vùng chiến sự. Xe của họ đã bị quân đội Miến Điện chặn lại và phóng hỏa, những người trong xe bị thiêu sống.


Thảm sát thường dân tại Miến Điện: LHQ kêu gọi “điều tra nghiêm túc và minh bạch”

Trọng Nghĩa

Cảnh tàn phá tại thị trấn Hpruso, bang Kayah, Miến Điện ngày 24/12/2021. Ảnh do Lực Lượng Phòng Vệ Các dân tộc Karen (KNDF) cung cấp. Quân đội chính phủ Miến Điện bị cáo buộc tấn công sát hại thường đân. AP

Sau khi nhiều mạng xã hội tiết lộ thông tin và hình ảnh về vụ 35 thi thể cháy đen được phát hiện trong nhiều chiếc xe bị đốt tại thị trấn Hpruso, thuộc bang Kayah, miền đông Miến Điện, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các vấn đề nhân đạo ngày 26/12/2021 đã đánh giá đây là những thông tin “đáng tin cậy” và kêu gọi chính quyền Miến Điện mở một cuộc “điều tra nghiêm túc và minh bạch” về vụ thảm sát.

Trong một bản tuyên bố, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths đã bày tỏ thái độ “kinh hoàng” trước sự kiện này. Ông lên án vụ việc “nghiêm trọng” đó, cũng như “mọi vụ tấn công vào thường dân tại Miến Điện”, đồng thời kêu gọi chính quyền Miến Điện là phải “khởi động ngay lập tức một cuộc điều tra nghiêm túc và minh bạch”.

Hôm thứ Bảy 25/12 vừa qua, các bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy hai chiếc xe tải và một chiếc xe hơi bốc cháy trên một con đường ở thị trấn Hpruso, với nhiều thi thể bên trong.  

Trả lời hãng tin Pháp AFP, một thủ lĩnh của Lực Lượng Phòng Vệ Các dân tộc Karen, thuộc phong trào vũ trang nổi dậy chống chính quyền quân sự Miến Điện, xác nhận đã tìm thấy ít nhất 27 thi thể tại hiện trường. Còn theo trang thông tin Myanmar Witness, đã có “35 người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, đã bị quân đội đốt và giết vào ngày 24/12 tại thị trấn Hpruso.”

Về phía chính quyền, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự Zaw Min Tun thừa nhận rằng các cuộc đụng độ đã nổ ra tại khu vực này vào thứ Sáu 24/12, lực lượng chính phủ đã hạ sát một số người, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Miến Điện đã chìm vào hỗn loạn kể từ cuộc đảo chánh ngày 1/2 do quân đội tiến hành, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Chính quyền quân sự Miến Điện đã thẳng tay đàn áp phong trào phản đối bằng những biện pháp tàn bạo, kể cả bắn thẳng hay tông xe vào đám đông biểu tình, trong lúc quân đội Miến Điện thường xuyên bị tố cáo thảm sát thường dân trong những vụ bố ráp.

Tư Pháp Miến Điện dời ngày công bố bản án nhắm vào bà Aung San Suu Kyi

Về tình hình chính trị, một tòa án Miến Điện vừa quyết định dời việc công bố bản án nhắm vào cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi qua ngày 10/01/2022 thay vì hôm nay, 27/12/2021, trong vụ xử bà về tội danh vi phạm các quy định về viễn thông.

Bị bắt giam từ cuộc đảo chánh, bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quân sự truy tố trong gần 10 vụ án, với mức án tù có thể lên đến tổng cộng hơn 100 năm. Nhà lãnh đạo 76 tuổi đã phủ nhận mọi cáo buộc đối với bà, trong lúc những người ủng hộ bà đã tố cáo các thủ tục pháp lý vô căn cứ nhằm mục đích chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà và cho phép quân đội củng cố quyền lực.

Hồi đầu tháng 12 này, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bị tuyên án 4 năm tù về tội vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Bản án này sau đó được giảm xuống còn hai năm và bà hiện bị giam giữ tại địa điểm bí mật. 

Related posts