TT Biden ký dự luật chi tiêu quốc phòng trị giá 768 tỷ USD thành luật

Isabel Van Brugen

Tổng thống Joe Biden diễn thuyết trong một sự kiện kỷ niệm Ngày Cựu Chiến Binh tại Hội trường Tưởng niệm tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Arlington, Virginia, hôm 11/11/2021. (Ảnh: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images)Hoa Kỳ

Hôm thứ Hai (27/12), Tòa Bạch Ốc thông báo Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký thành luật dự luật quốc phòng trị giá gần 770 tỷ USD, thiết lập chính sách cho Ngũ Giác Đài về một số lĩnh vực.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng sâu rộng (NDAA) cho năm tài chính 2022 này cho phép tăng 5% (25 tỷ USD) chi tiêu quân sự so với năm ngoái và đưa vào mức tăng lương 2.7% cho hầu hết các thành viên của lực lượng quân đội.

Hồi đầu tháng, Quốc hội đã gấp rút thông qua dự luật thường niên này, với việc Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu áp đảo ủng hộ dự luật sau một số rào cản về chính sách Trung Quốc và Nga.

Ông Biden cho biết trong một tuyên bố sau khi thông qua chính sách này, “Đạo luật này mang lại những lợi ích quan trọng và tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho quân nhân và gia đình của họ, đồng thời bao gồm cả những người nắm chức trách quan trọng để hỗ trợ nền quốc phòng của đất nước chúng ta.” 

Dự luật trị giá 768.2 tỷ USD này đã được Hạ viện thông qua vào đầu tháng 12/2021 trong một cuộc bỏ phiếu với kết quả 363-70, trong khi Thượng viện thông qua NDAA bằng một cuộc bỏ phiếu với kết quả 88-11.

NDAA thu hút sự theo dõi sát sao của rất nhiều ngành nghề và nhiều người quan tâm khác vì nó là một trong những phần dự luật chính duy nhất sẽ trở thành luật hàng năm và vì dự luật này giải quyết một diện rộng các vấn đề. NDAA đã trở thành luật hàng năm trong sáu thập niên qua.

Đạo luật này lập ra chính sách cho Ngũ Giác Đài về một loạt các lĩnh vực, và dự luật năm nay đề cập đến việc mua thêm phi cơ và tàu Hải quân để ứng phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền nhắm vào Đài Loan, đồng thời vạch ra các chiến lược đặc biệt tập trung vào “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc và Nga.

Về vấn đề Trung Quốc, dự luật này tăng gấp ba lần khoản ngân sách cho Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với chi phí 7.1 tỷ USD và đưa ra tuyên bố của Quốc hội ủng hộ việc bảo vệ Đài Loan. Dự luật cũng bao gồm một lệnh cấm Bộ Quốc phòng mua sắm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức từ vùng viễn tây Tân Cương của Trung Quốc.

Ông Biden đã yêu cầu một con số thấp hơn là 5.1 tỷ USD dành cho các hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khoản tiền 7.1 tỷ USD này sẽ hỗ trợ các kế hoạch của Ngũ Giác Đài nhằm phân bổ và cung ứng thêm cho các lực lượng của Hoa Kỳ trên khắp chuỗi đảo đầu tiên, từ Philippines đến Đài Loan và Nhật Bản, để giúp họ phòng thủ tốt hơn trước các cuộc tấn công hỏa tiễn từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng có thể đang nỗ lực để theo kịp Trung Quốc và Nga về vũ khí siêu thanh, qua việc chỉ thị cho Ngũ Giác Đài so sánh các năng lực quân sự của mình.

Dự luật năm nay cũng dành 300 triệu USD cho Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine để cung cấp hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang của Ukraine, 4 tỷ USD cho Sáng kiến ​​Phòng thủ Âu Châu, và 150 triệu USD cho hợp tác an ninh Baltic.

Dự luật [quyết định] thành lập một ủy ban gồm 16 thành viên để nghiên cứu cuộc chiến ở Afghanistan. TT Biden đã kết thúc cuộc xung đột đó hồi tháng Tám sau khi ông rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ còn lại khỏi đất nước này trước thời hạn tự đặt ra vào ngày 31/08. Chính phủ TT Biden đã vấp phải nhiều lời chỉ trích về cách họ giải quyết cuộc rút quân.

Dự luật cũng đề ra chính sách về việc bắt buộc chích vaccine COVID-19 của Bộ Quốc phòng, theo đó buộc phần lớn quân nhân Hoa Kỳ phải chích vaccine để được tiếp tục phục vụ trong ngành. Dự luật quy định rằng những quân nhân nào bị cho xuất ngũ vì không đáp ứng thời hạn chích ngừa ít nhất sẽ được giải ngũ chung theo các điều kiện danh dự, điều này sẽ cho phép những người đó đủ điều kiện để xin tái nhập ngũ.

Trong tuyên bố của mình, ông Biden cũng nhấn mạnh một số điều khoản mà ông phản đối, trong đó có chính sách cấm sử dụng ngân quỹ để chuyển những tù nhân ở Vịnh Guantanamo vào Hoa Kỳ hoặc đến trại giam giữ ở một số quốc gia nước ngoài trừ khi đáp ứng một số điều kiện nhất định.

“Chính vì quan điểm cố hữu đó của cơ quan hành pháp mà những điều khoản này làm suy yếu đáng kể khả năng của cơ quan hành pháp trong việc xác định thời gian và địa điểm để truy tố những tù nhân ở Vịnh Guantánamo và tìm ra nơi để thả họ,” tổng thống nói.

TT Biden cũng cho biết ông phản đối một điều khoản “sẽ yêu cầu các cơ quan và bộ phận điều hành nộp báo cáo lên các ủy ban cụ thể”.

Báo cáo này sẽ “bao gồm cả thông tin mật rất nhạy cảm, trong đó có những thông tin có thể tiết lộ về các nguồn tình báo quan trọng hoặc các kế hoạch hoạt động quân sự,” ông cho hay.

Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.

Nguyệt Minh biên dịch

Related posts