Covid-19: “Sóng thần” Omicron đang ập vào Pháp nguy hiểm đến đâu?

Cảnh xếp hàng chờ tiêm chủng tại thành phố Nantes, miền tây nước Pháp ngày 30/12/2021. AP – Jeremias Gonzales

Với số ca nhiễm mới vượt mức 200.000 liên tiếp trong hai ngày 29 và 30/12/2021, với những số liệu đáng sợ do chính bộ trưởng Y Tế đưa ra  theo đó “cứ mỗi một giây là có hơn 2 người dân” bị nhiễm virus, “10% dân chúng” là F1, tức là những ca tiếp xúc…, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tình hình dịch bệnh tại Pháp vào cuối năm 2021 này, đặc biệt là mức độ nguy hiểm của điều được gọi là một trận “sóng thần” Covid-19 đang tràn vào nước Pháp.

Trong một bài phân tích công bố ngày 30/12, kênh truyền hình Nhà nước Pháp France Télévisions đã liệt kê một số vấn đề liên quan đến tốc độ lây lan chóng mặt hiện nay của dịch Covid-19, để hiểu rõ hơn về tính chất nguy hại của đợt dịch thứ năm này tại Pháp, chủ yếu do biến thể Omicron gây nên.

Phải nói là nước Pháp chưa bao giờ bị nhiều ca nhiễm Covid-19 như vào lúc này. Vào hôm qua 30/12, số người bị nhiễm virus corona trên toàn quốc được phát hiện thông qua xét nghiệm vẫn lên đến hơn 206.000 ca, thấp hơn một chút so với kỷ lục hơn 208.000 ca nhiễm một hôm trước đó, những vẫn cao hơn nhiều so với mức gần 180.000 của ngày 28/12 hay trên 100.000 trường hợp vào Ngày Giáng sinh.

Ngay từ hôm 27/12 vừa qua, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran đã không loại trừ một kịch bản lây nhiễm nặng nề hơn nữa khi cho rằng số ca nhiễm tại Pháp có thể vượt mức 250.000 trường hợp mỗi ngày vào đầu năm tới 2022.

Omicron là nguyên do chính khiến dịch bệnh tái bùng phát dữ dội

Câu hỏi đầu tiên mà mọi người đặt ra là vì sao mà dịch Covid-19 lại bùng phát mạnh mẽ trở lại trong những ngày cuối năm này, không chỉ ở Pháp mà cả ở châu Âu hay Bắc Mỹ? Đối với các chuyên gia, có ít nhất ba nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng lên dữ dội: Mùa đông bắt đầu, các ngày lễ cuối năm và quan trọng hơn cả là sức lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron.

Trả lời đài France-Télévisions, ông Mahmoud Zureik, giáo sư dịch tễ học và y tế cộng đồng tại Đại Học Pháp Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines xác định: “Omicron là một biến thể dễ lây lan hơn Delta, và hơn tất cả các biến thể khác. Đây là điều đang xảy ra ở Anh Quốc cũng như ở vùng Ile-de-France (tức là Paris và vùng phụ cận): Với Omicron, số ca nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi hai hoặc ba ngày, so với mỗi 10 hoặc 12 ngày trong trường hợp Delta”.

Nhiều người cho rằng sở dĩ số ca nhiễm tăng vọt, đó là vì số xét nghiệm tăng vọt. Đối với giáo sư Zureik, điều đó chỉ đúng một phần, nhưng sự gia tăng số người được xét nghiệm chỉ giải thích được một phần rất nhỏ các ca nhiễm, “vì tỷ lệ dương tính (tức là số người bị nhiễm so với số người được xét nghiệm) vẫn tiếp tục tăng.”.

Biến thể có sức lây nhiễm mạnh Omicron lại xuất hiện trong bối cảnh mùa đông đến, trời rét khiến mọi người tụ tập ở trong nhà, cửa sổ thường đóng kín, một môi trường thuận lợi cho virus lây lan, nhất là khi hai ngày Giáng Sinh và Tết Dương Lịch là dịp tụ tập truyền thống.

Không chỉ có Pháp, mà dịch bệnh cũng tái bùng phát dữ dội, phá vỡ những kỷ lục ca nhiễm mới ở nhiều nước khác. Đây là trường hợp của các láng giềng châu Âu của Pháp, từ Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, cho đến Anh, Đức, Đan Mạch… Ngoài châu Âu, các nước như Mỹ, Achentina, Úc cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Hệ thống bệnh viện có nguy cơ sớm bị quá tải?

Một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra là liệu hệ thống bệnh viện có nguy cơ bị quá tải hay không? Nhìn chung, số lượng ca nhiễm tăng vọt tất yếu kéo theo nhiều ca nhập viện hơn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vấn đề còn tùy thuộc vào độc lực của biến thể Omicron đang càng lúc càng chiếm đa số các ca nhiễm.

Theo giáo sư Mahmoud Zureik, cần phải phân biệt rõ ràng hai thực tế: bệnh viện bị căng thẳng và bệnh viện bị quá tải và tất cả đều phụ thuộc vào mức độ độc hại của biến thể Omicron. Trên vấn đề độc lực, giáo sư Zureik không đến nỗi bi quan lắm vì các nghiên cứu gần đây đều xác định rằng Omicron ít độc hại hơn Delta.

Một ví dụ cụ thể: Số người chết vì Covid-19 dù đã tăng lên trong những tuần gần đây, nhưng đà tăng có dấu hiệu không liên quan đến đến đà tăng vọt của những ca nhiễm mới. Trong khi các ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong bệnh viện tăng bình quân từ 28 lên 173 ca tử vong trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 29 tháng 12 vừa qua, tương đương với một mức tăng gấp 6 lần, thì số ca nhiễm mới đã tăng từ 4.713 lên 105.190 ca trong cùng một giai đoạn, tức là gấp 22 lần.

Những gì ghi nhận tại Pháp về tính chất ít độc hại tương đối của biến thể Omicron cũng được thấy tại các nước khác như Anh Quốc, Đan Mạch, Nam Phi…

Viện Pasteur: Số ca nhập viện từ 1500 đến 5000 mỗi ngày

Viện Pasteur của Pháp hôm 27/12 đã công bố một loạt các mô hình dự đoán số ca nhập viện tuy theo các kịch bản từ “có thể yên tâm” cho đến đáng lo ngại, với mức thấp là 1.400 đến mức cao là 5.000 ca nhập viện hàng ngày.

Theo Viện Pasteur, trong đợt dịch đầu tiên, mức nhập viện hàng ngày cao nhất lên đến 3.500 người, trong lúc nhân đợt dịch thứ hai, mức này chỉ khoảng 2.700.

Ngoài yếu tố tính độc hại của biến thể Omicron, viện nghiên cứu Pháp còn nhắc đến các thông số khác cần chú ý là hiệu quả của vac-xin chống biến thể này, hiện được cho là chỉ có tác dụng ngừa các ca bệnh năng, cũng như tác dụng của các biện pháp hạn chế y tế vừa được tăng cường tại Pháp.

Tăng đến mức nào và cho đến thời điểm nào?

Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là đà tăng vọt của các ca nhiễm sẽ lên đến mức nào và sẽ kéo dài trong bao lâu. Nhận xét chung của các chuyên gia là số ca nhiễm mới sẽ không thể giảm đáng kể trong những ngày sắp tới đây ở Pháp.

Một trong những lý do là ngày Tết Dương Lịch đồng nghĩa với những sinh hoạt tụ tập, trong đó các cử chỉ gọi là “rào cản” để phòng dịch thường ít được tôn trọng một cách chặt chẽ. Ngoài ra, ngày nhập học trở lại sau dịp lễ dự trù hôm 03/01/2022 cũng tạo môi trường cho Omicron tung hoành.

Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran đã không ngần ngại báo động là số ca lây nhiễm sẽ tiếp tục tăng và có thể lên tới “hơn 250.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng Giêng”. Theo giáo sư Zuriek, ông Véran đã dựa trên một mô hình dự báo khá thực tế của Viện Pasteur, nhưng cần phải hết sức thận trọng vì có nhiều hiện tượng chưa được biết đến đầy đủ.

Trong tình hình đó, diễn biến tại một số nước bị Omicron tràn ngập trước nước Pháp với dịch bệnh bùng phát mạnh, đạt đỉnh rồi giảm hẳn nhanh chóng sau đó, có thể khiến nước Pháp an tâm hơn.

Covid-19 lan mạnh, các nước “mạnh ai nấy làm”, coi thường khuyến nghị của WHO

Thùy Dương

Logo của Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO trước trụ sở tại Genève ( Thụy Sĩ) ngày 02/12/2021. Ảnh minh họa. Fabrice Coffrini AFP

Số ca nhiễm mới thường nhật cơ quan y tế công của Pháp ghi nhận hôm qua 30/12/2021 vẫn ở mức trên 200.000 ca, thuộc mức cao chưa từng có từ đầu đại dịch đến nay. Những ngày gần đây, mỗi hôm Pháp có thêm 2.000 người nhập viện điều trị vì nhiễm virus corona, 20% phải điều trị tại các khoa chăm sóc tích cực. Các chỉ số dịch bệnh đều ở mức cao kỷ lục. Tình hình cũng tương tự ở nhiều nước châu Âu và Mỹ

Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) báo động đang xảy ra một “cơn sóng thần” về số các ca nhiễm Covid-19 và nguy cơ hệ thống y tế của các nước “sụp đổ”. Từ khi Covid-19 nổ ra, đây không phải là lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới gióng lên hồi chuông báo động kiểu như vậy, nhưng dường như các cảnh báo và khuyến nghị của WHO không được các quốc gia lắng nghe và làm theo, mà chính phủ các nước hành động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Tại sao lại như vậy ?

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche giải thích :

“Có thể đó là vì Tổ chức Y tế Thế giới, giống như tất cả các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc, chịu sự ràng buộc của các thành viên tổ chức. Cơ quan này chỉ là tập hợp các Nhà nước tham gia. Theo quan điểm này, Tổ chức Y tế Thế giới không thể làm điều mà trong tiếng Anh gọi là “name and shame” như một tổ chức phi chính phủ làm được, tức là lên tiếng tố cáo, chỉ trích các chính sách của một Nhà nước nào đó.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới là một tổ chức khoa học, chính trị, buộc phải lên tiếng báo động về tình trạng bất bình đẳng vac-xin và việc các quốc gia giàu có chiếm độc quyền về số liều vac-xin, nhưng không bao giờ có thể khiển trách một Nhà nước hay một công ty dược phẩm nào đó.

Chính vì thế, chúng ta thấy từ khoảng một năm nay, từ khi có các loại vac-xin đầu tiên ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới hàng tuần đều tổ chức nhiều cuộc họp báo để nói rằng đại dịch sẽ chỉ kết thúc nếu tất cả các quốc gia có đủ liều vac-xin để tránh sự xuất hiện của các biến thể mới.

Đây là chính xác những điều đã xảy ra. Và với tiến độ mà vac-xin đến được với các nước nghèo như hiện nay, hoàn toàn có thể dự đoán được rằng Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng xuất hiện và kéo dài đại dịch”.

Related posts