Truyền thông Mỹ: Nguồn nước của TQ sắp cạn kiệt, châm ngòi xung đột địa chính trị

An Liên

Hình ảnh minh họa hạn hán ở Trung Quốc trích xuất từ video của SCMP.

Theo Sound of Hope, gần đây, cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc liên tục được đề cập và các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ thường xuyên ra lệnh đảm bảo an ninh lương thực, nhưng Trung Quốc còn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn đang đến gần. Phương tiện truyền thông nước ngoài cảnh báo rằng nguồn nước của Trung Quốc đang cạn kiệt. 

Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2008, Quốc vụ viện ĐCSTQ đã thông báo rằng nguồn nước của Trung Quốc về cơ bản sẽ cạn kiệt vào năm 2030. Một số nhà quan sát lo lắng rằng nếu ĐCSTQ cảm thấy bất an về môi trường trong nước, họ có thể phát động các cuộc tấn công nhằm vào những đối thủ cạnh tranh quốc tế của mình, và vấn đề tài nguyên nước vẫn có thể trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột địa chính trị.

Thiếu nước trầm trọng

Tờ Bloomberg ngày 29/12 đưa tin, Trung Quốc đã từng gần như tự chủ về đất, nước và nhiều nguồn nguyên liệu thô, lao động giá rẻ cũng cho phép nước này khai thác nhiều nhất có thể, đây là điều kiện thuận lợi giúp Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Trung Quốc đã là dĩ vãng. Một cuốn sách sắp ra mắt, The Danger Zone, cảnh báo rằng Trung Quốc đã cạn kiệt nhiều nguồn tài nguyên.

Mười năm trước, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Do đất đai bị thoái hóa và sử dụng quá mức nên diện tích đất canh tác ngày càng giảm. Sự phát triển nhanh chóng cũng đã đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới: khi Hoa Kỳ trở thành nước xuất khẩu năng lượng ròng, 3/4 lượng dầu của Trung Quốc được mua từ nước ngoài.

Tình hình tài nguyên nước của Trung Quốc đặc biệt nghiêm trọng, với 20% dân số thế giới, nhưng chỉ có 7% nguồn nước ngọt của thế giới. Toàn bộ khu vực của Trung Quốc, đặc biệt là khu vực phía Bắc, bị thiếu nước nghiêm trọng hơn cả Trung Đông bị hạn hán.

Hàng nghìn con sông đã biến mất, quá trình công nghiệp hóa và ô nhiễm đã phá hủy hầu hết lượng nước còn lại. Người ta ước tính rằng 80% đến 90% nước ngầm và một nửa nước sông ở Trung Quốc quá bẩn để uống, và hơn một nửa nước ngầm và 1/4 nước sông thậm chí không thể được sử dụng cho công nghiệp hoặc nông nghiệp.

Trung Quốc buộc phải chuyển nước từ các khu vực tương đối ẩm ướt về phía bắc khô hạn, và chi phí cho việc này cũng rất cao. Các chuyên gia ước tính rằng Trung Quốc mất hơn 100 tỷ USD mỗi năm do thiếu nước. Thiếu tài nguyên và phát triển nông nghiệp không bền vững đang dẫn đến sa mạc hóa các vùng đất rộng lớn. Tình trạng thiếu năng lượng liên quan đến nước đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc, và ngay cả những khu vực có nguồn nước dồi dào cũng không thể tránh khỏi.

Vào tháng 12 năm 2021, chính quyền ĐCSTQ thông báo rằng Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ đối mặt với hạn hán nghiêm trọng vào năm 2022, và hai thành phố này nằm ở đồng bằng sông Châu Giang, nơi có nguồn nước tương đối dồi dào.

80% nguồn cung cấp nước của Trung Quốc đến từ khu vực phía nam sông Dương Tử, nhưng dân số ở đó chỉ bằng một nửa cả nước. Miền Bắc Trung Quốc bị thiếu nước triền miên. Dân số của Đồng bằng Hoa Bắc chiếm hơn 40% dân số cả nước, nhưng có ít hơn 15% tài nguyên nước của quốc gia và lượng nước tiêu thụ nước bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu. Nguồn nước có hạn đang bị ô nhiễm trầm trọng. 90% nước ngầm ở các thành phố lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm. Ngân hàng Thế giới cho biết hơn 300 triệu người Trung Quốc thiếu nước uống an toàn.

Có thể gây ra xung đột địa chính trị

Tờ Bloomberg nhận định, tài nguyên thiên nhiên và địa chính trị có thể tương tác theo những cách thức không tốt. Nhà sử học Jeffrey Parker lập luận rằng trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài vào thế kỷ 17, các mô hình thời tiết thay đổi đã thúc đẩy chiến tranh, cách mạng và biến động. Giờ đây, chính quyền đầy tham vọng của ĐCSTQ thường thể hiện ý định định hình lại trật tự quốc tế, và đang làm cạn kiệt nguồn nước của Trung Quốc theo cách có thể gây ra xung đột trong và ngoài nước.

Phần lớn các nguồn nước ngọt của Trung Quốc tập trung ở Tây Tạng và các khu vực khác, đã bị chính quyền ĐCSTQ cưỡng đoạt bằng vũ lực. Trong nhiều năm, chính quyền ĐCSTQ đã cố gắng giải quyết các thách thức về tài nguyên của mình bằng cách cưỡng bức và chiếm đoạt tài nguyên từ các nước láng giềng.

Thông qua việc xây dựng một loạt đập lớn trên sông Mekong, các hành động của ĐCSTQ đã gây ra hạn hán lặp đi lặp lại và lũ lụt tàn phá ở các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào sông Mekong, chẳng hạn như Thái Lan và Lào. Sự chuyển hướng của các con sông ở Tân Cương đã gây ra những tác động tàn phá đối với vùng hạ lưu Trung Á.

Một lý do khiến căng thẳng trên dãy Himalaya ngày càng gia tăng là do chính quyền ĐCSTQ có kế hoạch xây đập ở các vùng biển quan trọng dọc biên giới Trung-Ấn, gây tổn thất cho Ấn Độ và Bangladesh. Như các nhà phân tích chiến lược Ấn Độ đã nói: “sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Himalaya đã đi kèm với việc khai thác tài nguyên nước trong các lưu vực sông xuyên quốc gia một cách âm thầm”.

Ngay từ năm 2005, Thủ tướng ĐCSTQ vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng tình trạng thiếu nước đe dọa sự tồn vong của đất nước Trung Quốc. Một vị bộ trưởng ngành thuỷ lợi đã tuyên bố rằng Trung Quốc phải “đấu tranh cho từng giọt nước, nếu không nó sẽ chết”. Đặt vấn đề cường điệu sang một bên, sự khan hiếm tài nguyên và bất ổn chính trị thường đi kèm với nhau.

Một số nhà quan sát lo lắng rằng nếu ĐCSTQ cảm thấy bất an về môi trường trong nước, nó có thể phát động các cuộc tấn công nhằm vào các đối thủ cạnh tranh quốc tế và các vấn đề tài nguyên nước vẫn đang gây ra xung đột địa chính trị.

Sẽ tiếp tục trầm trọng hơn

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng lặp đi lặp lại, ĐCSTQ vẫn đang đặt cược an ninh năng lượng vào than đá.

Reuters ngày 28/12 đưa tin rằng để đảm bảo an ninh năng lượng vào năm 2022, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia của ĐCSTQ tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng như một “viên đá dằn” của than đá.

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố tại cuộc họp của Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương vào tháng 11 năm 2021 rằng cần phải cải cách và hoàn thiện cơ chế hình thành giá điện và than theo định hướng thị trường, đồng thời cải thiện cơ chế truyền tải giá điện.

Vào đầu mùa hè và mùa thu năm 2021, một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đã xảy ra ở Trung Quốc, kể từ đó, chính quyền ĐCSTQ đã can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để trấn áp giá than. Mặc dù cuộc khủng hoảng đã tạm thời được dập tắt, nhưng nguy cơ tiềm ẩn cho một cuộc khủng hoảng năng lượng khác vào năm 2022 đã được đặt ra. Đồng thời, ĐCSTQ phải đưa than trở thành nguồn năng lượng hàng đầu một lần nữa.

Tuy nhiên, phương thức sản xuất nhiệt điện than rất tốn nước, từ quá trình khai thác, chế biến than đến quá trình làm mát đều tiêu tốn một lượng lớn nước. Theo số liệu của Bộ Thủy lợi Trung Quốc năm 2010, sản xuất nhiệt điện than của Trung Quốc tiêu thụ 114 nghìn tỷ lít nước, chiếm 20% tổng lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc và tỷ lệ này dự kiến ​​sẽ đạt 40% trong 10 năm tới, điều này sẽ khiến tình trạng thiếu nước của Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn.

Bloomberg đưa tin rằng, chính quyền ĐCSTQ có kế hoạch hạn chế tổng lượng nước tiêu thụ hàng năm của nước này xuống còn 700 tỷ mét khối vào năm 2030. Sản xuất nhiệt điện than tiêu thụ 20% hoặc thậm chí 40% tổng lượng nước tiêu thụ, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt vì nguồn nước khan hiếm giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng, và khu vực chứa nước ở miền bắc Trung Quốc đã bị khai thác quá mức.

Là khủng hoảng lớn nhất

Jim Rogers, một nhà đầu tư và giáo sư tài chính nổi tiếng thế giới, ông đã thành lập Quỹ lượng tử cùng với ông trùm tài chính Soros và tạo ra Chỉ số Hàng hóa Quốc tế Rogers (RICI).

Ông Rogers từng đến thăm Trung Quốc vào năm 1984. Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 11 tháng 12 năm 2013, ông được hỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc là gì, câu trả lời của ông Rogers là “tình trạng thiếu nước”. Ông nói: “Đối với Trung Quốc, tôi lo lắng về vấn đề nước. Vấn đề nước của các bạn rất nghiêm trọng”.

Ông Rogers nói: “Nếu không có nước, nó sẽ kết thúc và không thể làm gì được. Chiến tranh, đói kém, hoặc nội chiến, tất cả những cuộc suy thoái hay đại suy thoái này đều có thể vượt qua được. Nếu không có nước, bạn không thể vượt qua được. Bạn không thể xây dựng một xã hội hoặc một quốc gia nếu thiếu nước”.

Hàng năm, ngày 22 tháng 3 được Liên Hợp Quốc chỉ định là “Ngày Nước thế giới”. Mọi người đặc biệt quan tâm đến vấn đề nước vào ngày này.

Tài nguyên nước bình quân đầu người của thế giới là 12.900 mét khối. Tài nguyên nước bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 2.300 mét khối, chưa bằng 1/4 tài nguyên nước bình quân đầu người của thế giới, 1/5 của Mỹ, 1/7 của Nga và 1/5 của Canada, khiến Trung Quốc trở thành một trong 13 các quốc gia nghèo nước do Liên hợp quốc liệt kê.

Sẽ cạn kiệt vào năm 2030

Ngay từ đầu năm 2008, Quốc vụ viện ĐCSTQ đã ban hành Thông cáo số 2 năm 2008, nêu rõ rằng với việc xem xét đầy đủ về bảo tồn nước, mức tiêu thụ nước của Trung Quốc sẽ đạt hoặc gần bằng tổng lượng tài nguyên nước hiện có vào năm 2030, có nghĩa là nguồn nước về cơ bản đã cạn kiệt.

Theo thông cáo, nguồn nước của Trung Quốc đang thiếu trầm trọng, vấn đề hạn hán và thiếu nước ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây khi sự phát triển kinh tế và xã hội làm tăng nhu cầu nước.

Theo ước tính chính thức của ĐCSTQ, Trung Quốc chiếm 7% nguồn tài nguyên nước của thế giới, nhưng nguồn nước này cần được phân bổ cho 20% dân số toàn cầu.

Cùng với tình trạng thiếu nước, cuộc khủng hoảng lương thực vẫn thường trực trong tâm trí các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ. Các nhà khoa học trước đây đã tuyên bố rằng trừ khi các giống cây trồng được mở rộng và các phương pháp canh tác được cải thiện để thích ứng với biến đổi khí hậu, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc có thể giảm 10% vào năm 2030.

Related posts