Tin thế giới tối thứ Tư

Do Thái ghi nhận ca bệnh đầu tiên mắc cả COVID-19 lẫn cúm, gọi là ‘Flurona’

Katabella Roberts

Một y tá Do Thái nhận liều thứ tư vaccine COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech tại Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan gần Tel Aviv, hôm 27/12/2021. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

Theo các bản tin từ kênh thông tấn địa phương, Israel đã ghi nhận một trường hợp được cho là ca nhiễm bệnh “flurona” đầu tiên, tức là nhiễm cả virus corona lẫn virus cúm mùa, gọi là nhiễm trùng kép. Hiện tượng này xuất hiện trên một thai phụ chưa được chích ngừa.

Hamodia đưa tin, hôm 30/12, người phụ nữ ẩn danh này biểu hiện ra các triệu chứng nhẹ của virus tại Trung tâm Y tế Rabin ở thành phố Petah Tikva. Cô ấy vẫn khỏe và dự kiến ​​sẽ được xuất viện vào cuối ngày thứ Năm (06/01), theo các quan chức.

“Cô ấy được chẩn đoán mắc bệnh cúm và virus corona ngay khi đến viện. Cả hai xét nghiệm đều cho kết quả dương tính, ngay cả khi chúng tôi xét nghiệm lại một lần nữa,” giáo sư Arnon Vizhnitser, một chuyên gia sản phụ khoa và là Giám đốc Khoa Phụ sản của bệnh viện này cho biết. “Hai bệnh này đều là bệnh [về hô hấp]; đều mang virus và gây khó thở vì cả hai chủng virus này đều tấn công vào đường hô hấp trên.”

Giáo sư Vizhnitser cho biết ông đang chứng kiến ngày càng nhiều trường hợp mà trong đó vừa nhiễm virus corona vừa nhiễm cúm mùa. Cả hai bệnh đường hô hấp dễ lây nhiễm này đều có thể biểu hiện ra các triệu chứng giống nhau như ho, đau họng, sốt, đau nhức cơ, đau người, và cảm thấy mệt mỏi.

Ông Vizhnitser cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi đã không chứng kiến ​​trường hợp bị bệnh cúm ở thai phụ hoặc bà mẹ mới sinh. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến những trường hợp nhiễm cả virus corona và virus cúm đang bắt đầu xuất hiện.”

Trong khi phần lớn những người nhiễm cúm có xu hướng hồi phục trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, thì ở một số trường hợp, bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm tim (viêm cơ tim), và suy chức năng đa cơ quan, mặc dù điều này là hiếm.

Tuần trước, một thai phụ 31 tuổi đã tử vong ở Jerusalem sau khi nhiễm cúm, tờ Times of Israel đưa tin. Người phụ nữ này đã hạ sinh một bé trai bằng phương pháp phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Hadassah qua đời ngay sau khi được đặt máy thở do biến chứng hô hấp. Con của cô được cho là ở trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Tuy nhiên, ông Elias Mossialos, giáo sư về chính sách y tế tại Trường Kinh tế London, cho biết không có lý do gì để hoảng sợ về cái gọi là “flurona” này cả, mặc dù ông thừa nhận rằng chúng ta có thể thấy ngày càng nhiều trường hợp như vậy xuất hiện trên toàn cầu.

Mossialos viết trên Facebook hôm Chủ Nhật: “Đây không phải là một loại virus mới, mà là sự lây nhiễm đồng thời từ virus corona và virus cúm. Chuyện này đã xảy ra trên một thai phụ ở Israel, nhưng có khả năng chúng ta sẽ thấy một vài trường hợp như vậy ở nhiều quốc gia.”

“Vì vậy, việc chích vaccine ngừa cúm là cần thiết, nhất là đối với những đồng bào dễ bị tổn thương của chúng ta. Đó là điều mà các cơ quan y tế trên toàn thế giới nhấn mạnh,” ông Mossialos nói thêm. “Không có gì phải hoảng sợ cả.”

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra giấy thông hành vaccine và quy định chích ngừa bắt buộc.

Tháng trước, các quan chức chính phủ đã chấp thuận mũi chích bổ sung thứ hai của vaccine COVID-19 cho những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng.

Sự chấp thuận này được đưa ra gần một tuần sau khi Ủy ban Chuyên gia về Đại dịch của quốc gia đề nghị chích mũi thứ tư của vaccine Pfizer-BioNTech cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người trên 60 tuổi, và nhân viên y tế.

Hôm 27/12, Bộ Y tế Israel cũng đã cấp phép khẩn cấp cho một loại thuốc uống kháng virus dạng viên [để điều trị] COVID-19 do Pfizer phát triển, có tên là Paxlovid. Thuốc được uống hai lần mỗi ngày trong năm ngày kết hợp với một loại thuốc thứ hai gọi là ritonavir, một loại thuốc kháng virus thông thường.

Các quan chức nước này và Pfizer cho biết loại thuốc này được cho là dành cho những bệnh nhân đang bị các triệu chứng COVID-19 từ “nhẹ đến trung bình” như một biện pháp phòng ngừa để ngăn không cho bệnh tình trở nặng đến mức phải nhập viện.

Israel đã đặt khoảng 100,000 liều thuốc viên trong nỗ lực giúp chống chọi với đợt bùng phát virus corona mới do biến thể Omicron lây lan với tốc độ rất cao mang lại.

Mặc dù vậy, theo số liệu chính thức, 63.69% dân số nước này đã được chích hai mũi vaccine, trong khi 6.91% được chích một mũi.

Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

Hồng Ân biên dịch

Phát triển chip điện tử cấy dưới da để lưu trữ thông tin tiêm chủng Covid-19

Ngọc Mai

Một con chip điện tử được cấy dưới cánh tay và đã lập trình con chip này để lưu trữ thông tin tiêm. (Ảnh: AFP)

Công ty Thụy Điển DSruptive Subdermals, chuyên về vi điện tử cấy ghép, đã phát triển chứng chỉ tiêm chủng Covid-19 dưới dạng một con chip điện tử được cấy dưới da.

Hannes Sjoblad, Giám đốc điều hành của DSruptive Subdermals – người đặc biệt quan tâm đến quyền riêng tư – nói rằng ông có một con chip điện tử được cấy dưới cánh tay và đã lập trình con chip này để lưu trữ thông tin tiêm. Với mong muốn thông tin có thể dễ dàng được truy cập chỉ bằng cách quét điện thoại lên chip và mở khóa.

Theo Hannes Sjoblad, bộ phận cấy ghép có giá lên tới 100 euro (tương đương 113,4 USD) cho phiên bản cao cấp. Những con chip này rẻ hơn một nửa giá của các thiết bị theo dõi thể dục đeo được, nhưng có thể kéo dài tới 20 năm, 30 năm hoặc thậm chí 40 năm. Trong khi đó, các sản phẩm theo dõi sức khỏe chỉ sử dụng được từ 3 – 4 năm.

Người điều hành của DSruptive Subdermals cho biết phương pháp lưu trữ thông tin này là một trong những thử nghiệm của công ty và sẽ trở thành một sản phẩm được sử dụng rộng rãi từ nay đến đầu năm 2022.

Trong khi thừa nhận rằng nhiều người coi việc cấy chip điện tử là một phương pháp giám sát cá nhân “đáng sợ”, ông Sjoblad nói rằng mọi người nên coi nó như một thẻ nhận dạng (ID). Các thiết bị này không có pin, không thể tự truyền dữ liệu nên không theo dõi vị trí của người dùng mà chỉ được kích hoạt khi chạm vào điện thoại thông minh. Ông nói, việc cấy ghép là hoàn toàn tự nguyện đối với tất cả mọi người.

Mặc dù phương pháp này vẫn chưa phổ biến nhưng hàng nghìn người ở Thụy Điển đã lựa chọn cấy ghép các thiết bị điện tử dưới da trong những năm gần đây. Phương pháp trên đã loại bỏ nhu cầu ghi nhớ thông tin như chìa khóa thông minh, danh thiếp, thẻ giao thông công cộng và gần đây nhất là thẻ tiêm chủng.

Dự kiến ​​sẽ có hàng nghìn người ở Thụy Điển ủng hộ và bước đầu áp dụng hình thức chứng nhận Covid-19 mới này.

Ngọc Mai

Nhà hoạt động Hồng Kông bị bỏ tù 15 tháng vì tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn

Frank Fang

Cô Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung) của Liên minh Hồng Kông Ủng hộ Các phong trào Dân chủ Ái quốc của Trung Quốc trình bày trong một cuộc họp báo ở Hồng Kông hôm 05/09/2021. (Ảnh: Bertha Wang/AFP/Getty Images)

Hôm 04/01, một nhà hoạt động tổ chức lễ tưởng niệm dưới ánh nến vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn thường niên ở Hồng Kông đã bị kết án 15 tháng tù vì tội xúi giục người khác tham gia vào một cuộc tụ tập trái phép vào năm 2021 để tưởng nhớ các nạn nhân ngày 04/06/1989, đại thảm sát dưới bàn tay của chính quyền Trung Cộng.

“Có thể thấy trước được rằng không gian công cộng để thảo luận về ngày 04/06 sẽ hoàn toàn không còn nữa,” cô Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung) nói trước tòa với đôi mắt ngấn lệ sau khi bị kết án. “Chế độ chuyên chế hám tài hám lợi, và các lằn ranh đỏ sẽ ngày càng bành trướng.”

Cô Trâu, 36 tuổi, một luật sư và cựu phó chủ tịch của Liên minh Hồng Kông về Ủng hộ Các phong trào Dân chủ Ái Quốc của Trung Quốc, đã bị bắt vào ngày 04/06/2021. Hôm đó, hàng trăm người dân địa phương đã tập trung gần một công viên Hồng Kông để tưởng nhớ tới những người đã thiệt mạng năm 1989, bất chấp việc chính quyền Hồng Kông cấm tổ chức các sự kiện như vậy, với lý do lo ngại về virus corona.

Liên minh này, một nhóm ủng hộ dân chủ được thành lập vào tháng 05/1989, là nhà tổ chức lễ tưởng niệm dưới ánh nến hàng năm trước khi liên minh tan rã vào tháng 09/2021, sau khi một số người đứng đầu của tổ chức này bị bắt giữ.

Cảnh sát Hồng Kông cũng đã từng cấm lễ tưởng niệm thường niên này vào năm 2020, với lý do lo ngại về vấn đề y tế tương tự. Những người chỉ trích cho rằng các lệnh cấm này, vốn được đưa ra sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hàng loạt bắt đầu từ tháng 06/2019, là một nỗ lực nhằm bịt miệng những người bất đồng công khai chống lại chính quyền Trung Cộng.

Hàng ngàn người Hồng Kông đã tụ tập trong một buổi cầu nguyện dưới ánh nến hôm 04/06/2020, và phớt lờ lệnh cấm của cảnh sát.

Bất cứ điều gì xoay quanh sự kiện Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn — khi quân đội Trung Quốc được lệnh tàn sát hàng trăm người, hoặc theo một số ước tính, có đến hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đã biểu tình kêu gọi cải cách dân chủ — vẫn luôn là điều cấm kỵ ở Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Cộng vẫn tiếp tục phủ nhận hành động thảm sát người biểu tình, và còn khai triển bộ máy kiểm duyệt của mình để xóa sạch bất kỳ đề cập nào về sự kiện này.

Cáo buộc kích động của cô Trâu xuất phát từ các bài đăng và bài báo trên mạng xã hội của cô đã được đăng tải từ ngày 29/05/2021 đến ngày 04/06/2021. Theo một tài liệu của tòa án, các công tố viên đã đưa ra các bài đăng trên Facebook và Twitter của cô để làm bằng chứng, bao gồm một bài đăng có tiêu đề thế này “Thắp một ngọn nến không phải là một tội ác: Hãy giữ vững lập trường của bản thân,” cũng như một bài mà cô đã viết, “Ánh nến mang sức nặng của lương tâm và người Hồng Kông kiên định với việc nói lên sự thật,” đã được đăng trên tờ Minh Báo của địa phương.

Cô Trâu đã không nhận tội với cáo buộc kích động vào tháng Mười.

Nữ luật sư này nằm trong số tám nhà hoạt động, bao gồm cả người sáng lập tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily, ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh), đã bị kết án tù hồi tháng 12/2021 vì các vai trò của họ trong buổi lễ tưởng niệm dưới ánh nến từng bị cấm vào năm 2020. Cô Trâu đã bị kết án về tội xúi giục nổi loạn và tội tham gia, với mức án 12 tháng tù giam.

Tổng mức án mà cô Trâu nhận được là 22 tháng tù giam, vì bản án năm tháng tù hôm 03/01 của cô sẽ được thi hành cùng lúc với bản án tù tháng Mười Hai của cô.

Cô Trâu đang phải đối mặt với một phiên tòa khác theo luật an ninh quốc gia hà khắc của Bắc Kinh, sau khi cô và hai cựu lãnh đạo khác của liên minh này, ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) và ông Hà Tuấn Nhân (Albert Ho), cũng bị buộc tội kích động lật đổ.

Hôm 04/01, ngay sau khi cô Trâu bị kết tội, nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (HKDC) và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên Twitter chỉ trích gay gắt phán quyết này.

“Bản án thứ hai của nữ luật sư Trâu Hạnh Đồng vì muốn tưởng nhớ cuộc đàn áp Thiên An Môn là một ví dụ đáng xấu hổ khác về cuộc tấn công toàn lực vào quyền tự do ngôn luận và tụ họp ôn hòa ở Hồng Kông,” Tổ chức Ân xá này viết. “Cô Trâu Hạnh Đồng không làm gì sai và mọi người nên được tự do tưởng niệm cuộc đàn áp năm 1989 này. Cô ấy và tất cả các nhà hoạt động khác và những người bảo vệ nhân quyền đã bị giam giữ một cách bất công cần phải được trả tự do ngay lập tức.”

“Các cáo buộc và kết tội có động cơ chính trị vẫn tiếp tục chất lên [các] lãnh đạo xã hội dân sự,” HKDC viết. “TỘI NGÔN LUẬN thứ hai đơn thuần chỉ dựa trên các tweet và bài viết của cô ấy.”

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Thanh Tâm biên dịch

Frank Fang

Lãnh đạo Hồng Kông phủ nhận quyền tự do báo chí của thành phố đứng trước nguy cơ ‘tuyệt chủng’

Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga trình bày trong một cuộc họp báo hàng tuần của bà ở Hồng Kông hôm 04/01/2022. (Ảnh: Bill Cox/The Epoch Times)

Sau khi hai hãng thông tấn độc lập địa phương đóng cửa trong những ngày gần đây, nối tiếp một cuộc trấn áp của cảnh sát đối với một trong số họ hồi cuối tháng 12/2021, nhà lãnh đạo Hồng Kông thân Bắc Kinh, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố rằng quyền tự do báo chí vẫn tồn tại ở thành phố này.

Bà Lâm nói trong một cuộc họp báo hàng tuần của bà hôm 04/01: “Sáng nay, tôi đọc tin tức về việc, bởi vì các hãng thông tấn trực tuyến đóng cửa, nên quyền tự do báo chí ở Hồng Kông đứng trước nguy cơ tuyệt chủng … Tôi thật đúng là không thể chấp nhận những lời cáo buộc kiểu đó.” 

“Các ký giả và tổ chức truyền thông, cũng như tất cả chúng ta, phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp,” bà Lâm nói thêm, trước khi cho biết thêm rằng Hồng Kông không “đàn áp quyền tự do báo chí” mà là đang hành động “tuân theo luật pháp”.

Hôm 29/12, hơn 200 cảnh sát an ninh quốc gia đã đột kích vào văn phòng của Lập Trường Tân Văn (Stand News), chính thức trở thành hãng thông tấn địa phương thứ hai bị cảnh sát Hồng Kông đột kích vào năm 2021. Hồi tháng Sáu năm ngoái (2021), 500 cảnh sát đã đột kích trụ sở của tờ báo địa phương Apple Daily, và chưa đầy 10 ngày sau đó tờ báo này đã cho ra bản in cuối cùng của họ.

Cảnh sát cũng bắt giữ sáu giám đốc điều hành tiền nhiệm và đương nhiệm của tờ Lập Trường Tân Văn, cáo buộc họ tham gia vào “âm mưu xuất bản các ấn phẩm xúi giục nổi loạn”. Bốn người trong số họ, tất cả đều là các cựu thành viên hội đồng quản trị, bao gồm cả ca sĩ Hồng Kông nổi tiếng Hà Vận Thi (Denise Ho), đã được tại ngoại. Hai người khác – trong đó có cựu tổng biên tập Chung Phái Quyền (Chung Pui-kuen) – vẫn bị giam giữ sau khi bị buộc tội xúi giục nổi loạn và bị từ chối bảo lãnh hôm 30/12.

Vài giờ sau cuộc đột kích này, Lập Trường Tân Văn thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động. Cuộc đột kích kể từ đó đã làm dấy lên sự lên án của quốc tế.

Hôm 02/01, Citizen News thông báo rằng họ sẽ ngừng cập nhật trang web của mình vào ngày 04/01 do “môi trường truyền thông đã xấu đi”. Ông Chris Yeung, người đứng đầu hãng thông tấn này, nói với các phóng viên hôm 03/01 rằng quyết định đóng cửa được đưa ra vì nhân viên tại hãng “không còn nắm bắt được một cách rõ ràng các đường lối thực thi pháp luật”.

Hiện tại, trang web của Lập Trường Tân Văn không thể truy cập được và Citizen News đăng một thông điệp ngắn gọn trên trang web của mình để cảm ơn độc giả và tạm biệt họ.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 03/01, Hiệp hội Ký giả Hồng Kông cho biết họ rất “đau lòng” trước quyết định đóng cửa của Citizen News. Hiệp hội cho biết họ sẽ thúc giục chính quyền Hồng Kông thực hiện Luật Căn bản, hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, để bảo vệ quyền tự do báo chí của thành phố.

Cũng trong cuộc họp báo này, bà Lâm đã bác bỏ ý kiến ​​cho rằng chính luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh đang ép các hãng thông tấn ngừng hoạt động.

Bà Lâm nói: “Nếu việc thực thi luật an ninh quốc gia sẽ làm xói mòn quyền tự do báo chí, thì chúng ta sẽ không thấy có bất kỳ quyền tự do báo chí nào ở thế giới phương Tây. Quý vị hãy kể tên quốc gia phương Tây nào không có luật an ninh quốc gia cho tôi xem.”

Luật an ninh quốc gia, vốn có hiệu lực vào mùa hè năm 2020, hình sự hóa các tội danh được xác định chung chung là ly khai, lật đổ, khủng bố, và cấu kết với các lực lượng ngoại quốc với hình phạt tối đa là tù chung thân.

Trong một cuộc thăm dò được công bố hồi tháng Mười Một năm ngoái, Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc ở Hồng Kông phát hiện rằng 84% người được hỏi cho biết môi trường làm việc của thành phố cho các ký giả đã xấu đi kể từ khi thực hiện luật an ninh quốc gia này.

“Nhiều nguồn tin của tôi hiện đang ở trong tù. Một số người đã trốn ra hải ngoại,” một người ẩn danh được hỏi nói với cuộc thăm dò.

Người được hỏi cho biết thêm, “Những người khác hiện từ chối bình luận với các hãng thông tấn ngoại quốc, dựa trên lời khuyên từ luật sư của họ hoặc do – rất chính đáng – sợ rằng việc nói chuyện với một ký giả ngoại quốc có thể hỗ trợ một vụ kiện của công tố viên chống lại họ theo luật an ninh quốc gia.”

Bà Nabila Massrali, nữ phát ngôn viên của Dịch vụ Hành động Ngoại giao Âu Châu, cơ quan ngoại giao của Liên minh Âu Châu, đã nói trên Twitter rằng việc đóng cửa của Citizen News là một ví dụ khác về “môi trường xấu đi cho các kênh thông tấn độc lập” ở Hồng Kông.

Bà Massrali nói thêm: “Quyền tự do báo chí đã liên tục bị xói mòn kể từ khi Luật An ninh Quốc gia được áp dụng.”

“EU nhắc lại #các cam kết quốc tế của Trung Quốc theo Luật Căn Bản của Hồng Kông nhằm tôn trọng độ tự chủ cao và các quyền cũng như tự do của nước này, bao gồm cả quyền tự do báo chí.”

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), thành viên cao cấp của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một bài đăng trên Twitter.

“Các cuộc đàn áp gần đây của #ĐCSTQ lên quyền tự do báo chí ở #HồngKông, bao gồm cả việc đóng cửa Lập Trường Tân Văn & Citizen News, làm rõ những gì chúng ta đã biết từ lâu rằng: #BắcKinh không có ý định cho phép Hồng Kông tồn tại như bất kỳ thứ gì khác ngoài việc nằm dưới quyền cai trị của #TậpCậnBình trong nhà nước độc tài #TrungQuốc,” vị thượng nghị sĩ này viết.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

An Nhiên biên dịch

Related posts