Ngoại trưởng Blinken chỉ trích TQ sử dụng các biện pháp trừng phạt để ‘đe dọa’ các quan chức Hoa Kỳ

Eva Fu

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trình bày trong phòng họp của Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/01/2022. (Ảnh: Andrew Harnik/Pool/AFP/Getty Images)

Hôm 10/01, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, các biện pháp trừng phạt gần đây của Bắc Kinh đối với các quan chức tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đánh dấu hành động “chống lại các quyền phổ quát” mới nhất của nhà cầm quyền này. Hành động đó sẽ chỉ thúc đẩy sự chú ý hơn nữa của toàn cầu về các vi phạm nhân quyền của họ.

Tháng trước (12/2021), ông Blinken đã đề cập đến các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh từng công bố là đang nhắm vào bốn ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại thời điểm đó là được ban hành để đáp lại các hành động gần đây của Hoa Kỳ về vấn đề Tân Cương.

Các lệnh trừng phạt dành cho bốn người nói trên là thêm vào các lệnh trừng phạt mà Trung Quốc đã áp đặt vào năm ngoái lên ba thành viên tiền nhiệm hoặc đương nhiệm khác từ ủy ban này, cũng như lên hàng chục quan chức và tổ chức Hoa Kỳ thúc đẩy “nền dân chủ và sự tôn trọng dành cho nhân quyền trên khắp thế giới” — những lệnh trừng phạt mà ông Blinken đã mô tả là “vô dụng”.

Ông nói thêm, các biện pháp trừng phạt trả đũa của nhà cầm quyền này sẽ không thể ngăn cản Hoa Kỳ khai triển “tất cả các công cụ ngoại giao và kinh tế để thúc đẩy việc chịu trách nhiệm” về nhân quyền.

Ông Blinken nói rằng: “Những nỗ lực liên tục của Bắc Kinh nhằm đe dọa và bịt miệng những người lên tiếng vì nhân quyền chỉ góp phần vào sự chú ý ngày càng tăng của quốc tế đối với nạn diệt chủng và tội ác phản nhân loại đang diễn ra ở Tân Cương.”

Ông kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt các hành động đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm cả việc cưỡng chế bỏ tù và từ chối quyền tự do đi lại đối với các thành viên gia đình của các nhà hoạt động người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả những cá nhân đang phục vụ người dân Hoa Kỳ.”

Bắc Kinh đã thu hút sự lên án ngày càng lớn của quốc tế vì đã đưa hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trại giam giữ ở khu vực Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc và tiến hành cưỡng bức lao động, tra tấn, và tuyên truyền chính trị.

Tân Cương
Một hàng rào vòng ngoài được xây dựng xung quanh nơi được chính thức gọi là trung tâm giáo dục kỹ năng nghề ở Đạt Phản Thành thuộc vùng Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc, hôm 04/09/2018. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Chính phủ Hoa Kỳ và một số quốc hội phương Tây đã coi việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ như thế là một tội ác diệt chủng. Tháng 12/2021, Hoa Kỳ và một số đồng minh thông báo rằng họ sẽ không cử phái đoàn chính thức đến Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 để tẩy chay hành động đàn áp này.

Trong tháng qua (12/2021), Hoa Thịnh Đốn cũng đã áp đặt các lệnh cấm đối với hàng chục cá nhân và tổ chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc hỗ trợ các hoạt động lạm dụng của chế độ này ở Tân Cương, bao gồm cả công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime của Trung Quốc và một số công ty công nghệ mà họ phát hiện đang hỗ trợ các nỗ lực giám sát trong khu vực này. Tổng thống Joe Biden cũng đã ký dự luật cấm tất cả hàng hóa nhập cảng từ khu vực này do lo ngại về lao động cưỡng bức.

Tuy nhiên, chế độ này vẫn tiếp tục miêu tả khu vực này như thể là không hề có tình trạng lạm dụng. Ngay trước lễ Giáng Sinh, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã cho chạy một video quảng cáo tại Quảng trường Thời Đại của Thành phố New York, cho thấy một thành phố Tân Cương như là một nơi có “trái ngọt” và “cuộc sống hạnh phúc của mọi người,” mà một nhà hoạt động cho rằng đó là một nỗ lực “tẩy sạch cáo buộc về tội ác diệt chủng.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts