Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các trường đại học Hoa Kỳ đặt ra những rủi ro hiện hữu

John Mac Ghlionn

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi hội đàm với Chủ tịch Đại học Harvard Lawrence Bacow và phu nhân là bà Adele Fleet Bacow tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 20/03/2019. (Ảnh: Andrea Verdelli/Pool/Getty Images)

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang bận rộn phát triển vũ khí công nghệ cao. Vào cuối thập niên này, Trung Quốc sẽ sở hữu những công nghệ quân sự “đột phá” có khả năng gây ra sự hỗn loạn trên diện rộng.

Nói cách khác, Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí “sẽ thay đổi bản chất của chiến tranh.” Điều này làm dấy lên câu hỏi: Vì sao các trường đại học Hoa Kỳ lại giúp Trung Quốc nâng cao sức mạnh quân sự?

Theo một báo cáo mới của tổ chức Quỹ Bảo vệ Các Nền Dân chủ, một số trường đại học của Hoa Kỳ có mối liên hệ mật thiết với nhiều trường đại học khác nhau của Trung Quốc — tất cả những trường này đều liên kết chặt chẽ với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Báo cáo cảnh báo rằng các trường đại học Trung Quốc này tham gia sâu rộng vào quá trình xây dựng quân đội của PLA — kể cả chương trình vũ khí hạt nhân — vốn đang tiếp tục được mở rộng với tốc độ nhanh chóng.

Vậy ai sẽ hưởng lợi khi các trường đại học Hoa Kỳ hợp tác với các doanh nghiệp do Trung Cộng hậu thuẫn? Chỉ gói gọn trong một từ: Trung Quốc.

Như báo cáo trên đã lưu ý, các mối quan hệ đối tác này giúp củng cố “Tổ hợp công nghiệp-quân sự ngày càng được mở rộng hơn của Trung Quốc, bao gồm cả các chương trình hạt nhân, các nền tảng gián điệp mạng, cũng như nghiên cứu các vũ khí nhạy cảm khác.”

Điều này rất đáng lo ngại. Cho đến gần đây nhất, Hoa Kỳ là quốc gia thống trị trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ và vũ khí. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi, Trung Quốc hiện là lực lượng đang dần chiếm ưu thế.

Theo một báo cáo công khai của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, mặc dù các trường đại học Trung Quốc đã tiến bộ đáng kể trong những năm qua, nhưng Trung Quốc vẫn dựa vào việc “có được công nghệ bằng mọi phương tiện sẵn có.”

Như quý vị có thể đoán, “bằng mọi biện pháp có thể,” đều có liên quan đến các hành vi gián điệp và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ (IP). Báo cáo công khai này đã được công bố lại hồi năm 2019; [và] có rất ít sự thay đổi trong hai năm kể từ thời điểm đó. Người ta thừa biết rằng người Trung Quốc đã và đang đánh cắp các ý tưởng và công nghệ từ Hoa Kỳ trong nhiều năm qua.

Năm 2015, Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) đã xuất bản một bài báo thảo luận về sự phát triển thần tốc của quân đội Trung Quốc và thực tế là họ đã (và tiếp tục) “được tăng cường bởi những vũ khí đạo nhái từ kho vũ khí của các quốc gia khác,” kể cả Hoa Kỳ.

Theo bài báo này của USNI, Trung Quốc đã làm nhái một số phi cơ của Hoa Kỳ, kể cả chiến đấu cơ tấn công liên hợp Lockheed Martin F-35 và Northrop Grumman X-47B. Những thiết kế này được thu thập thông qua các chiến dịch gián điệp mạng tập trung cao độ.

Kể từ đầu thế kỷ này, giới chức quốc phòng Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc tiến hành do thám kỹ thuật và nỗ lực hết mình để đánh cắp các dữ liệu có giá trị. Than ôi, đa phần cảnh báo của họ đã bị bỏ qua.

Báo cáo của Quỹ Bảo vệ Các Nền Dân chủ đã thảo luận về những hiểm họa của các Viện Khổng Tử (CI), và cách mà các viện này đóng vai trò là những nền tảng thúc đẩy các khía cạnh của [kế hoạch] hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Trung Quốc.

Với những người chưa biết về các vấn đề này, thì MCF có một mục tiêu và chỉ một mục tiêu duy nhất là: biến PLA trở thành “quân đội đẳng cấp thế giới” vào năm 2049. MCF được giám sát bởi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Ủy ban Trung ương Phát triển Kết hợp Quân sự-Dân sự.

Một nhóm nhân quyền kêu gọi Đại học Tufts đóng cửa Viện Khổng Tử ở Somerville, tiểu bang Massachusett, hôm 13/03/2021. (Ảnh: Learner Liu/The Epoch Times)

Theo báo cáo trên, các hoạt động liên kết mà Viện Khổng Tử của Trung Quốc xúc tác, “bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu và học thuật giữa các tổ chức hàng đầu của Mỹ và các trường đại học Trung Quốc đang hỗ trợ tổ hợp công nghiệp-quân sự của Bắc Kinh.”

Theo MCF, Trung Quốc đang tích cực nhắm mục tiêu vào các công nghệ trọng yếu, bao gồm trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, chất bán dẫn, và công nghệ hàng không vũ trụ.

Tác giả C. JoyBell C. từng viết: “Đừng để kẻ trộm vào nhà quý vị ba lần. Lần đầu tiên là đã quá đủ. Lần thứ hai là một sự rủi ro. Lần thứ ba nghĩa là quý vị thật ngốc.”

Bằng cách cho phép Trung Quốc thành lập các Viện Khổng Tử trên đất Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép Trung Cộng vào đến 120 “ngôi nhà” khác nhau trên khắp nước Mỹ. Mặc dù khá nhiều viện trong số đó đã đóng cửa, nhưng hiện vẫn còn 30 viện đang hoạt động ở Hoa Kỳ. Con số 30 là quá nhiều. Trong thời đại của gián điệp mạng, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ (IP), tấn công mạng, và “chiến tranh thông minh” này, Hoa Kỳ tiếp tục để cho Trung Quốc đè bẹp mình.

Hãy thử hình dung nhé, nếu tình thế đổi ngược lại thì sẽ thế nào. Hãy tưởng tượng nếu tồn tại các tổ chức của Hoa Kỳ tương tự như các Viện Khổng Tử này, và hãy hình dung nếu 30 trong số các viện này hoạt động ở Trung Quốc, thực hiện hoạt động gián điệp và tuyên truyền. Trung Cộng sẽ đáp trả như thế nào? Có thể hình dung rằng không dễ đến thế. Hãy nhớ rằng, Viện Khổng Tử đầu tiên đặt chân tới Hoa Kỳ là vào năm 2004. Vậy là đã gần 20 năm cho việc đánh cắp và lừa dối.

Theo ông Alex Joske, một nhà nghiên cứu làm việc với Trung tâm Chính sách Mạng, các trường đại học phải nâng cao một sự “hiểu biết chín chắn về chính quyền Trung Quốc”. Thông qua việc cộng tác với các nhà nghiên cứu và nhà khoa học được Trung Cộng hậu thuẫn, họ đang cho phép Trung Cộng “củng cố khả năng duy trì quyền lực” vô hạn định.

Các trường đại học của Hoa Kỳ, dù cố ý hay không, đều đang giúp quân đội của đối thủ trở nên hùng mạnh hơn. Tất nhiên, những người có khuynh hướng nhạy cảm hơn khi đọc về điều này sẽ thốt lên những từ ngữ như “phân biệt chủng tộc” và/hoặc “bài ngoại”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc nói lên những sự thật hiển nhiên không phải là phân biệt chủng tộc hay bài ngoại.

Trung Cộng đang sử dụng các trường đại học Hoa Kỳ để tiếp tục nghị trình khá đáng ngại của mình. Đáng buồn thay, hàng chục trường đại học Hoa Kỳ chỉ là đang quá háo hức được giúp một tay.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts