Tôn Lực Quân bị bắt đến khi phán quyết mất gần 2 năm: Tập Cận Bình rơi vào hiểm cảnh?

Mạn Vũ

Tập Cận Bình và Tôn Lực Quân (ảnh ghép từ nhiều nguồn).

Tháng 4/2020, cựu Thứ trưởng Bộ Công an là Tôn Lực Quân bị bắt. Hơn một năm sau, ngày 30/9/2021, trên trang web Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đăng bài viết: ‘Nguyên Uỷ viên Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân bị cách chức và khai trừ khỏi đảng do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật’ với sát khí đằng đằng.

Trong đó liệt kê 45 tội danh, nổi bật gồm: bành trướng dã tâm chính trị cực độ, bồi dưỡng thế lực cá nhân, phá hoại nghiêm trọng đoàn kết thống nhất trong đảng v.v. Những tội danh này giống với tội danh của Chu Vĩnh Khang khi ngã ngựa. Do đó nhìn vào thông cáo của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, rõ ràng Tôn Lực Quân phạm tội mưu phản.

Đến ngày 5/11/2021, tờ Tân Hoa Xã đưa tin về vụ bắt giữ Tôn Lực Quân chỉ liệt kê đúng một tội danh là ‘nhận hối lộ’, còn các tội danh nghiêm trọng khác lại bị xoá bỏ.

Nhưng kỳ lạ hơn nữa là đến ngày 13/1 năm nay, trên trang web Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đăng bài viết với nội dung chính là: Tôn Lực Quân bị khởi tố 3 tội danh là nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán và ‘sở hữu súng phi pháp’. Tội ‘sở hữu súng phi pháp’ có có phân tích kỹ lưỡng ở phần sau. 

Về tội nhận hối lộ thì hầu như quan chức nào bị bắt cũng có.

Còn về tội thao túng thị trường chứng khoán, thì đối với người như Tôn Lực Quân thì việc này không có ý nghĩa lớn, bởi vì ông ta có thể thông qua việc ‘mua quan bán chức’ để nhận rất nhiều tiền, hoặc mua cổ phiếu của các công ty niêm yết bằng cách ‘tống tiền’ họ v.v. Do đó, mục đích Tôn Lực Quân thao túng thị trường chứng khoán không phải để kiếm lợi, mà chủ yếu là làm loạn trật tự kinh tế. 

Ở đây, nếu nhìn vào các mốc thời gian sẽ thấy một điều rất bất thường. Tôn Lực Quân dính líu đến âm mưu đảo chính, đáng ra phải bị bắt từ năm 2012 cùng với Chu Vĩnh Khang, nhưng đến 8 năm sau (tháng 4/2020) Tôn Lực Quân mới bị bắt. Hơn một năm sau, tức ngày 30/9/2021, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương mới liệt kê tội danh. Đến ngày 13/1 năm nay 2022, Tôn Lực Quân mới bị khởi tố. Điều này nghĩa là, từ lúc bắt Tôn Lực Quân đến lúc khởi tố mất gần 2 năm!

Thêm vào đó, từ đây đến Đại hội 20 chỉ còn hơn nửa năm, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy Tập Cận Bình hạ bệ một quan chức cấp Phó Nhà nước hoặc cấp Nhà nước nào cả. 

Vậy thì việc việc Tập Cận Bình xử lý chậm trễ Tôn Lực Quân tiết lộ điều gì về tình huống rối ren của ông Tập?

Nhà sử học đồng thời là người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 14/1 đã phân tích cặn kẽ sự việc trên, từ đó nhận định Tập Cận Bình đang rơi vào một tình thế giống như trong Chương thứ ba – Thiên Mưu công thuộc sách Binh pháp Tôn Tử là: “Không biết người, không biết mình, hễ đánh là nguy”.

Giáo sư Chương đã làm rõ đánh giá của mình như sau.

Toà án thông thường rất khó thụ lý những vụ án chính trị

Ngày 30/9, trong thông cáo của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã viết rằng: Tôn Lực Quân chưa bao giờ thiết lập lý tưởng và niềm tin; có dã tâm chính trị bành trướng cực độ; phẩm chất chính trị cực kỳ tồi tệ; quan điểm về quyền lực, về chính trị cực kỳ méo mó; tuỳ tiện nghị luận về phương châm chính trị trung ương; chế tạo và lan truyền tin đồn chính trị; bề ngoài phụng mệnh bên trong vi phạm (1); lừa trên giấu dưới để đoạt lấy tư bản chính trị; bồi dưỡng thế lực cá nhân; kéo bè kết phái; phá hoại nghiêm trọng đoàn kết thống nhất trong đảng v.v.

Nhưng trong quá trình khởi tố, tội danh của Tôn Lực Quân đã giảm xuống chỉ còn 3 tội là: nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán và ‘sở hữu súng phi pháp’. 

Là người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương kể rằng, khi Chu Vĩnh Khang bị khởi tố chỉ có 3 tội danh là nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và tiết lộ bí mật quốc gia. Những tội như ‘bành trướng dã tâm chính trị’, ‘soán đảng đoạt quyền’, ‘kéo bè kết phái’ v.v. không có đề cập đến trong khởi tố chính thức. Điều này cũng dễ giải thích, bởi vì những tội danh trên là tội danh chính trị, còn khi khởi tố là bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, cho nên rất khó móc nối ‘tội danh chính trị’ và ‘trách nhiệm hình sự’ với nhau.

Nếu khởi tố về tội danh ‘soán đảng đoạt quyền’ thì phải đưa ra bằng chứng khi xét xử. Lúc này cái gọi là ‘bí mật quốc gia’ ví như hợp tác với ai, thực hiện những bước cụ thể nào… những điều này Toà án Trung cấp Trường Xuân (thụ án Tôn Lực Quân) không đủ tư cách để làm việc đó.

Giáo sư Chương phân tích thêm rằng, trên thực tế có một vụ án ‘soán đảng đoạt quyền’ xảy ra sau cách mạng văn hoá (CMVH). Đó là vụ án về Bè lũ bốn tên (Tứ nhân bang), lúc đó phải thành lập một tòa án đặc biệt, bởi vì toà án bình thường rất khó thụ lý những vụ án chính trị như vậy, hơn nữa nó còn liên quan đến rất nhiều bí mật quốc gia.

Trong quá trình Giang Thanh biện hộ cho mình, bà đã tiết lộ rất nhiều bí mật quốc gia. Giang Thanh nói: “Tôi là một con cẩu của chủ tịch Mao, ông ấy bảo tôi cắn ai thì tôi cắn người đó”. Khi bà ta nói như vậy, trên thực tế chính là nói với mọi người rằng: kẻ chịu trách nhiệm cho CMVH là Mao Trạch Đông.

Quay trở lại sự việc của Tôn Lực Quân, thì Toà án Trung cấp Trường Xuân chỉ có thế tiếp nhận những vụ án thông thường, chứ không đủ tư cách thụ lý những vụ án chính trị.

Tôn Lực Quân có khả năng ‘mang súng’ trong ‘tình huống không thích hợp’

Ở đây có một tội danh rất kỳ lạ là ‘sở hữu súng phi pháp’. Tôn Lực Quân là Thứ trưởng Bộ Công an nên việc ông ta sở hữu súng là phù hợp với yêu cầu của công việc và hoàn toàn hợp pháp. Vậy thì tại sao Tôn Lực Quân vướng phải tội ‘sở hữu súng phi pháp’?

Giáo sư Chương phân tích, điều này nói lên rằng Tôn Lực Quân đã cầm một khẩu súng bình thường, hoặc một khẩu súng trong tình huống không thích hợp. Đây là vấn đề rất lớn.

Một người mang súng trong hoàn cảnh không đúng sẽ bị nghi ngờ là mưu phản. Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, khi đại thần diện kiến Hoàng đế là tuyệt đối không được mang theo vũ khí, chỉ có đại thần được Hoàng đế đối xử trọng hậu mới có được đãi ngộ đặc biệt đó. 

Trong Tam quốc diễn nghĩa có Đổng Trác, ông không coi Hoàng đế ra gì. Đổng Trác biểu hiện như thế nào? Chính là: “Trác này lạy vua không phải xưng tên, vào chầu không phải bước rảo, lên điện được mang gươm giày”. 

Đại thần bình thường khi diện kiến Hoàng đế, sẽ có một thái giám gọi người ấy, gọi bằng phong hàm, sau đó mới gọi tên. Ví dụ như Tào Tháo, thái giám sẽ gọi là: ‘Hán Thừa tướng, Vũ Bình hầu, lĩnh Ký Châu mục – Tào Tháo’ lên diện kiến Hoàng đế, chính là đặt tên Tào Tháo ở phía sau. 

Bởi vì cổ nhân xưng hô: cấp trên gọi cấp dưới bằng Danh (tên), nếu là ngang tuổi hoặc biểu thị tôn kính thì gọi bằng Tự (tên tự). Ví như Gia Cát Lượng, tự Khổng Minh, Danh (tên) là Lượng, còn tự là Khổng Minh. Cấp trên gọi cấp dưới bằng tên.

Do đó Hoàng đế gọi đại thần bằng tên, Đổng Trác “lạy vua không phải xưng tên” chính là có đãi ngộ cao như vậy. Tiếp đến, Trác còn “vào chầu không phải bước rảo” tức diện kiến Hoàng đế không cần đi nhanh, còn “lên điện được mang gươm giày” thì lên điện có thể mang cả gươm (vũ khí) lẫn giày (chứ không cần bỏ giày ra). Đổng Trác được đãi ngộ như vậy, thì việc soán vị đã không còn xa nữa. 

Trước đây, đại thần không mang vũ khí khi gặp Hoàng đế, hiện tại cũng như thế. Do đó tội ‘sở hữu súng phi pháp’ có thể là vì Tôn Lực Quân mang vũ khí trong hoàn cảnh không thích hợp, bởi vì như thế có thể khiến người ta liên tưởng đến việc hành thích lãnh đạo tối cao.

Từ lý lịch thấy được Tôn Lực Quân thuộc phe Giang – Tăng

Giáo sư Chương đánh giá, ban đầu Tập Cận Bình rất tín nhiệm Tôn Lực Quân, nhưng khi nhìn vào lý lịch, chúng ta thấy rằng ông ta chắc chắn là người của Tăng Khánh Hồng, Chu Vĩnh Khang. Bởi vì Tôn Lực Quân từng giữ chức Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị (Cục 1), cũng từng là Cục trưởng Cục 26. Cả Cục 1 và Cục 26 đều chuyên đàn áp môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Công. Tôn Lực Quân còn là Phó Chủ nhiệm nhiệm Phòng 610. Phòng 610 được Giang Trạch Dân thành lập vào ngày 10/6/1999, là phòng chuyên môn đàn áp áp Pháp Luân Công.

Người đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm nhiệm Phòng 610, nếu không có được Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng tin tưởng thì không thể giữ vị trí đó. Tôn Lực Quân còn đảm nhận Cục trưởng Cục 26, chứng tỏ ông ta là người của Chu Vĩnh Khang. 

Giáo sư Chương nhìn nhận, Tôn Lực Quân có động cơ để hành thích, chính vì ông ta cùng một nhóm với Chu Vĩnh Khang, thuộc về băng nhóm đảo chính. 

Từ nhận thức thông thường về chính trị có thể thấy rằng, nếu không có cấp trên dọn dẹp ở thượng tầng, thì Tôn Lực Quân sẽ không dám hành thích, bởi vì nếu hành thích xong sẽ ra sao, nói không chừng sẽ bị cảnh vệ trung ương bắn, hoặc chết trong lạc đạn. Do đó thượng tầng phải làm xong, thì khi ấy Tôn Lực Quân mới có đất dụng.

Sau khi Tập Cận Bình bắt được Tôn Lực Quân, ngoại giới vẫn có thắc mắc: liệu ông Tập có bắt thêm cấp trên của Tôn Lực Quân như Mạnh Kiến Trụ hay Tăng Khánh Hồng hay không. Nhưng khi nhìn vào tình huống hiện tại, ông Tập vẫn chưa động thủ, vẫn còn dây dưa chần chờ… chưa hạ hạ bệ bất kỳ quan chức cấp Phó Nhà nước nào, huống chi dọn đẹp những con ‘hổ lớn’.

Thêm nữa, Giáo sư Chương cho rằng, người muốn ám sát ông Tập vẫn còn trong Cục Cảnh vệ Trung ương hoặc quân đội. Những người ấy đều là thuộc về ‘ảnh hưởng độc hại’ (2) của Tăng Khánh Hồng và Chu Vĩnh Khang. Do đó Tập Cận Bình phải động thủ nhanh hơn nữa mới có thể dọn dẹp được các đối thủ chính trị, mở đường cho tái đắc cử ở Đại hội 20.

Khốn cảnh của ông Tập: “Không biết người, không biết mình”

Về chính trị: không biết ‘địch – ta’

Tập Cận Bình Đã có thể tiết lộ một số tín hiệu như vậy trong thông điệp đầu năm mới của mình, ông Tập gọi đó là ‘cách mạng bản thân’ tự ngã cách mạng – 自我革命). Ở đây Tập Cận Bình muốn cách mạng nhắm vào ai?

Là người có am hiểu sâu sắc về chính trường và hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ, Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, ý nghĩa từ ‘tự ngã cách mạng’ xuất hiện trong bài viết của tờ GuangMing vào ngày 30/10/2020, ngay trên tit phụ đầu tiên đã nói rằng: “Tự ngã cách mạng là một cuộc cách mạng… hướng mũi dao vào bên trong”.

‘Tự ngã cách mạng’ chính là cách mạng nhắm vào trong nội bộ đảng. Tập Cận Bình vẫn luôn chĩa mũi dao vào trong đảng, làm những cái gọi là chống tham nhũng hủ bại. Nhưng trên thực tế chống tham nhũng hủ bại của ông Tập chính là chống lại kẻ thù chính trị của mình. 

Sau khi Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư vào Đại hội 18 năm 2012, chỉ riêng số cán bộ quản lý cấp trung bị lập án thẩm tra lên đến 440 người, số Uỷ viên Trung ương và Uỷ viên dự khuyết Trung ương khoá 18 lên đến 43 người, 900.000 đảng viên bị khai trừ khỏi đảng.

Tập Cận Bình nói: phải làm ‘tự ngã cách mạng’  chính là muốn truyền đạt đến những đối thủ chính trị của mình. 

Giáo sư Chương đánh giá rằng, thời gian cho ông Tập không còn nhiều vì Đại hội 20 sẽ diễn ra vào năm nay, từ đây đến đó chỉ còn hơn nửa năm nữa.

Tôn Lực Quân bị bắt đã vào tháng 4/2020, tính đến nay đã gần 2 năm, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa thấy Tập Cận Bình hạ bệ bất cứ một quan chức cấp Phó Nhà nước hoặc cấp Nhà nước nào.

Giáo sư Chương nhìn nhận, còn có một khả năng nữa chính là Tập Cận Bình không biết ai là thân tín, ai là kẻ địch. Đáng nhẽ ra Tôn Lực Quân nên bị bắt vào năm 2012 cùng với Chu Vĩnh Khang chứ không phải chờ đến tận 8 năm sau là tháng 4/2020. Tập Cận Bình không bắt Tôn Lực Quân sớm là bởi vì ông Tập không biết trong cơ cấu ĐCSTQ ai là người của mình, bao gồm việc ông Tập cũng không biết Vương Kỳ Sơn có phải là người bên mình hay không, do đó mới không trọng dụng Vương Kỳ Sơn nữa. 

Nếu là như thế thì vị trí của Tập Cận Bình vô cùng nguy hiểm, bởi vì ông Tập đang rơi vào tình huống “không biết người, không biết mình” về mặt chính trị. Hễ là như vậy thì khi ‘giao chiến’ thực sự sẽ lâm vào cảnh “hễ đánh là nguy”.

Về kinh tế: đánh giá sai thực lực Mỹ – Trung

Nhân sự việc Tôn Lực Quân, Giáo sư Chương cũng kể thêm về khốn cảnh của ông Tập vì “không biết người, không biết mình” trong lĩnh vực kinh tế. 

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng là tướng McMaster, trong cuốn sách của mình là ‘Global Battlegrounds – Cuộc chiến bảo vệ thế giới tự do’ tiết lộ vì sao cựu Tổng thống Trump lại quyết tâm tham gia vào cuộc chiến thương mại với ĐCSTQ, bởi vì có một sự việc đã xảy ra trong… Tử Cấm Thành.

Tháng 11/2017, khoảng hơn một năm làm tổng thống, ông Trump đến thăm Bắc Kinh và có Một cuộc hội nghị với Tập Cận Bình ở Tử Cấm Thành, ông Tập đã mở tiệc thết đãi ông Trump. Sau đó đoàn Mỹ còn có buổi gặp ở Đại lễ đường Bắc Kinh, khi ấy Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có một bài phát biểu.

Nội dung chủ yếu trong bài phát biểu là: ĐCSTQ đã có nền tảng công nghiệp và công nghệ, không cần nước Mỹ nữa. Tương lai, Mỹ sẽ cung cấp nguyên liệu thô, sản phẩm nông nghiệp và năng lượng cho Trung Quốc, sau đó để Trung Quốc sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và hàng tiêu dùng.

Ông Trump kiên nhẫn lắng nghe một thời gian dài, cuối cùng đã làm gián đoạn bài phát biểu của Lý Khắc Cường. Sau đó ông Trump nói cảm ơn, đứng dậy, kết thúc cuộc họp, trong khi Lý Khắc Cường vẫn chưa đọc xong bài phát biểu. Tại sao như vậy? Chính là vì Trump nhận ra một vấn đề: ĐCSTQ có dã tâm toàn cầu Và muốn thay thế Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính v.v. ĐCSTQ còn muốn hạ Mỹ xuống thành nước thứ ba, chỉ cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng, sau đó tổ chức sẽ thống trị trật tự thế giới mới của xã hội quốc tế.

Đây là điều mà Trump không thể chấp nhận bởi vì ông muốn ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’, làm sao có thể chấp nhận để nước Mỹ làm quốc gia hạng hai, hạng ba. 

ĐCSTQ có nhìn nhận như vậy vì năm 2008 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, lãnh đạo ĐCSTQ rất tự tin không coi Mỹ ra gì, Mỹ đang gặp khủng hoảng, phải vay tiền Trung Quốc. Do đó ĐCSTQ nhanh chóng xây dựng các chính sách khác nhau như: cộng đồng vì tương lai nhân loại, vành đai và con đường, Made in China 2025… để thống trị trật tự thế giới mới, gạt Mỹ sang một bên. 

Giáo sư Chương đánh giá, đây hoàn toàn là nhận thức phi thực tế, dù là tài chính hay là quân sự. 

Về tài chính, đồng NDT không thể chuyển đổi tự do, làm sao có tư cách nói về việc chủ đạo thế giới, làm sao giải quyết được vấn đề thương mại toàn cầu. Về quân sự, ĐCSTQ làm sao giải quyết vấn đề an ninh toàn cầu trong khi tổ chức này không có năng lực phát động một cuộc chiến cục bộ trong vòng 24h ở bất kỳ đâu trên thế giới. ĐCSTQ không có năng lực về tài chính và quân sự, còn lĩnh vực công nghệ cao lại càng không làm được.

Kinh nghiệm của Huawei liệu có làm cho ông Tập nhận thức lại về sức mạnh của ĐCSTQ hay không. Sau khi Mỹ cấm xuất khẩu chip cho Huawei, mảng kinh doanh di động của tập đoàn này sụp đổ ngay lập tức… Đây kết quả của việc đánh giá sai thực lực của hai bên.

Trong Chương thứ ba – Thiên Mưu công thuộc sách Binh pháp Tôn Tử viết: “Không biết người, không biết mình, hễ đánh là nguy”. Về kinh tế, ông Tập có lẽ đã dần thấy được sai lầm trong việc đánh giá Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Còn về chính trị, mục tiêu lớn nhất của ông Tập trong năm nay là tái đắc cử ở Đại hội 20, nhưng với tình huống hiện tại, bắt giữ Tôn Lực Quân phải mất gần 2 năm, không biết đâu là thân tín, đâu là kẻ địch, thêm vào đó, ‘hổ lớn’ Tăng Khánh Hồng đang ngoài kia cùng với âm mưu đảo chính bất năm xưa… Có thể thấy rằng ông Tập lâm vào thế bất lợi. Gió mây luôn khó đoán và ẩn chứa nhiều biến số bất ngờ, và liệu ông Tập có dọn dẹp được các đối thủ chính trị để mở đường cho việc tái đắc cử được hay không, chúng ta chỉ có thể chờ xem. 

Mạn Vũ

Chú thích:

(1) Nguyên gốc là: Dương phụng âm vi, lúc sáng tỏ thì phụng mệnh, còn trong tối thì vi phạm. Dịch thoát nghĩa là: bề ngoài phụng mệnh bên trong vi phạm.

(2) Nguyên gốc là Lưu độc – 流毒: chất độc còn di lưu lại.

Related posts