Tài liệu nội bộ: Không chỉ ‘thịt Trung Quốc’, VĐV Olympic 2022 còn cần tránh nhiều thực phẩm khác

Hình ảnh cho thấy vào ngày 23 tháng 6 năm 2021, một số đoàn thể ở New York đã giăng biểu ngữ trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở New York để tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. (Huang Xiaotang / The Epoch Times)

Đông Phương

Gần đây, nhiều nước Âu – Mỹ đã cảnh báo các vận động viên (VĐV) nước ngoài tới tranh tài tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 không mang điện thoại di động cá nhân tới Trung Quốc, hay không ăn “thịt Trung Quốc”. Tài liệu nội bộ do The Epoch Times thu được cho thấy, các VĐV cần phải cân nhắc nhiều hơn, vì có nhiều loại rau được chính quyền Trung Quốc liệt vào danh sách nguy cơ cao.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin vào ngày 11/1 rằng, một số tổ chức chống doping trên thế giới đã cảnh báo các VĐV Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 nên cẩn thận khi ăn các sản phẩm thịt được sản xuất tại Trung Quốc, để tránh vô tình ăn phải “Clenbuterol” (thường được gọi là chất tạo nạc) và các loại thuốc cấm khác. Bài báo cho biết, ở một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, các vấn đề như ô nhiễm thịt đã được biết đến rộng rãi và đã có tiền lệ các VĐV trở thành nạn nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa công khai phản hồi, nhưng tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) – cơ quan ngôn luận của chính quyền đã đăng một bài báo phản bác vào ngày 12/1. Họ nói rằng lực lượng phản Hoa (chống Trung Quốc) đang bôi nhọ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và rằng “thịt của Trung Quốc an toàn hơn của Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, VOA dẫn lời Tổ chức chống doping Hoa Kỳ cho biết, Mỹ có quy trình giám sát và chứng nhận thịt chặt chẽ, nên chưa từng có trường hợp VĐV nào xét nghiệm dương tính với Clenbuterol sau khi ăn thịt sản xuất tại nước này.

Tài liệu nội bộ của ĐCSTQ xác nhận: Cảnh báo của nước ngoài về ‘thịt Trung Quốc’ là đúng

Gần đây, The Epoch Times có được văn bản “Thông báo về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh cùng chất lượng và an toàn nông sản trong dịp ‘Lưỡng Tết’” do Phòng Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Tây An phát đi vào ngày 28/12/2021 (Lưỡng Tết là chỉ khoảng thời gian giữa Tết Dương lịch và Tết Âm lịch). Thông báo yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện Chu Chí “kiểm soát chặt chẽ các cơ sở (xí nghiệp) cung cấp cho Thế vận hội Mùa đông”.

Thông báo này yêu cầu “phải thực hiện giám sát tại chỗ và tăng cường kiểm soát chất lượng toàn bộ quy trình đối với các sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho Thế vận hội”, đảm bảo rằng các sản phẩm nông nghiệp “chỉ có thể được cung cấp cho Thế vận hội Mùa đông nếu thông qua kiểm nghiệm”.

Vào ngày 28/12/2021, Phòng Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Tây An thừa nhận trong “Thông báo” rằng phải kiểm soát các loại thuốc bị cấm như “Clenbuterol”. Ảnh chụp màn hình văn bản thông báo. (The Epoch Times)

Trong phần bố trí công tác “Tăng cường giám sát chất lượng và an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm nông sản”, thông báo này thừa nhận cần phải kiểm soát các loại thuốc bị cấm như “Clenbuterol”. Theo tài liệu, đối với các sản phẩm gia súc và gia cầm, trọng tâm là giám sát mức dư thừa của Enrofloxacin, Ofloxacin, Clenbuterol và các loại thuốc bị cấm khác.

Clenbuterol, Ractopamine, Salbutamol và các “chất tạo nạc” khác đã bị Bộ Nông nghiệp Trung Quốc liệt vào danh sách thuốc cấm cách đây 20 năm. Nhưng trên thực tế, lệnh cấm Clenbuterol đã trở thành một tờ giấy không có giá trị.

Các VĐV Olympic nước ngoài nên tránh ăn gì ở Trung Quốc?

“Thông báo” từ Phòng Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Tây An đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các VĐV Olympic nước ngoài chuẩn bị tới Bắc Kinh: không chỉ “thịt Trung Quốc” mà còn cần cảnh giác cả “rau Trung Quốc”.

Thông báo nêu rõ, ngoài việc thường xuyên kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngay trước khi xuất kho cũng phải kiểm tra lần cuối, “đạt điều kiện mới được cung cấp cho Thế vận hội Mùa đông”.

“Thông báo” của Phòng Nông nghiệp và Nông thôn Tây An đã chỉ ra “ba loại rau” có nguy cơ cao. Ảnh chụp màn hình văn bản thông báo. (The Epoch Times)

Tài liệu này chỉ rõ “ba loại rau” có nguy cơ cao là đậu đũa, rau hẹ, cần tây. Thông báo nhấn mạnh rằng, cần thiết lập một danh sách toàn diện các cơ sở sản xuất các loại rau có nguy cơ cao và giám sát đầy đủ các cơ sở này theo phương thức “1:1”.

Ngoài mặt hàng rau, củ, quả, thịt, thông báo này cũng đưa ra cảnh báo đối với mặt hàng thủy sản.

“Các loại thuốc bị cấm và hạn chế” được đề cập trong “Thông báo” trên bao gồm các chất có hại như thuốc trừ sâu và chất kích thích. Nhưng ở Trung Quốc đại lục, thuốc trừ sâu hoặc phụ gia thức ăn chăn nuôi lại được sử dụng rộng rãi.

Thông báo giám sát thực phẩm của Cục Quản lý và Giám sát Thị trường Bắc Kinh

Trên thực tế, dù là VĐV nước ngoài tới tham dự Thế vận hội Mùa đông hay là người Trung Quốc sống ở đại lục, còn có nhiều thực phẩm khác cần lo ngại hơn, chứ không chỉ là 3 loại rau này.

Phụ nữ Trung Quốc chọn rau tại một chợ rau ở Bắc Kinh. (TEH ENG KOON / AFP / Getty Images)

Tại Bắc Kinh, nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2022, cục quản lý và giám sát thị trường địa phương sẽ ngẫu nhiên lấy mẫu và kiểm tra nhiều loại thực phẩm được bày bán trong thành phố.

Phóng viên The Epoch Times đã tìm được hơn 10 tài liệu “Thông báo Giám sát Thực phẩm” công bố từ tháng 12/2021 trên trang web chính thức của Cục Quản lý và Giám sát Thị trường Bắc Kinh; và phát hiện một danh sách dài các loại thực phẩm cần phải cảnh giác.

Ngoài “ba loại rau” kể trên, trong một tháng rưỡi vừa qua, Cục Quản lý và Giám sát Thị trường Bắc Kinh cũng đã phát hiện Clenbuterol và các loại thuốc trừ sâu có độc tính cao trong các loại thực phẩm sau đây:

Rau củ quả: giá đỗ tương, giá đỗ xanh, cải dầu, cải bó xôi (rau chân vịt), măng, cải chip, gừng, chuối, cam, đào;

Các sản phẩm thịt: thịt bò, thịt gà, thịt cừu;

Các sản phẩm thủy sản: cá trắm cỏ, cá diếc, cá chép, cá sạo, cá tầm, cá trê, cá đù vàng, cá bơn, cá mú cọp, cua biển, tôm tít, v.v.

Điều đáng chú ý là trong số tất cả các loại thực phẩm được lấy mẫu tại Bắc Kinh, các loại nông sản như rau củ quả có tỷ lệ không đạt chuẩn cao nhất.

Hơn nữa, theo dữ liệu công khai của Cục Quản lý và Giám sát Thị trường Bắc Kinh, trong khi Thế vận hội Mùa đông đang đến gần thì tình hình an toàn thực phẩm ở Bắc Kinh dường như cũng đang xấu đi; tỷ lệ lô mẫu không đạt chất lượng đã tăng từ khoảng 1% (của một tháng trước) lên 2%.

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Related posts