Tin thế giới tối thứ Tư

Tay vợt vĩ đại Martina Navratilova: Quần vợt Úc đang ‘đầu hàng’ trước Trung Quốc vì Bành Soái

Nina Nguyen

Cô Bành Soái (Shuai Peng) (bên phải) của Trung Quốc và cô Tạ Thục Vi (Hsieh Su-wei) (bên trái) của Đài Bắc mỉm cười khi họ chụp ảnh với chiếc cúp Đôi Nữ trong Ngày 12 của Giải Vô địch Quần vợt Sân cỏ Wimbledon tại Câu lạc bộ Quần vợt và Quần vợt Sân cỏ toàn nước Anh ở London, Anh Quốc vào ngày 06/07/2013. (Ảnh: Clive Brunskill/Getty Images)

Huyền thoại quần vợt Martina Navratilova đã cáo buộc ban tổ chức Úc Mở rộng đang “đầu hàng” trước Bắc Kinh sau khi trục xuất những người hâm mộ ủng hộ cô Bành Soái (Peng Shuai) ra khỏi Công viên Melbourne vì từ chối cởi áo của họ với thông điệp ủng hộ cho tay vợt đôi Trung Quốc này.

Cảnh quay xuất hiện vào cuối tuần (22-23/01) khi nhân viên bảo vệ của Quần vợt Úc và cảnh sát Victoria yêu cầu khán giả cởi bỏ áo thun in dòng chữ “Bánh Soái đang ở đâu?” (“Where is Peng Shuai?”) và tịch thu các tấm biểu ngữ của họ. Quần vợt Úc (TA) đã bảo vệ lập trường của mình khi nói rằng mặc dù họ đang lo lắng cho sức khỏe của cô Bành, nhưng giải đấu này “không cho phép quần áo, biểu ngữ hoặc bảng hiệu có tính chất thương mại hoặc chính trị.”

Bà Navratilova, người Séc đã về hưu, từng giành 59 danh hiệu Grand Slam, cho biết bà nghĩ Quần vợt Úc đã “sai lầm” về vấn đề này.

“Thể thao luôn ở tuyến đầu trong các vấn đề xã hội, thúc đẩy họ tiến lên, còn chúng ta thì đang thụt lùi. Tôi thấy họ thực sự, thực sự hèn nhát,” bà nói với kênh Tennis Channel.

“Tôi nghĩ rằng họ đã sai về vấn đề này. Đây không phải là một tuyên bố về chính trị; mà đây là một tuyên bố về nhân quyền. Và rất có khả năng là cô Bành Soái có thể sẽ thi đấu ở đây nhưng, cô ấy đã không thể rời khỏi đất nước đó?”

Bà lưu ý rằng mặc dù Quần vợt Úc Nữ “đã từng rất mạnh mẽ về vấn đề này và những cầu thủ quần vợt đã “thực sự chấp nhận mạo hiểm với túi tiền của họ,” nhưng một số tổ chức thể thao quốc tế vẫn không thể hiện mức độ quan tâm tương tự đối với tình trạng sức khỏe của cô Bành Soái.

“Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp (ATP) khá dè dặt về vấn đề này. Còn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), à, chúng ta biết lập trường của họ là thế nào rồi. Và việc người Úc đang đầu hàng về vấn đề này, để Trung Quốc bảo cho họ cần làm gì tại chính giải của họ. Thì tôi chỉ thấy họ thực sự yếu đuối.”

Một số vận động viên quần vợt chuyên nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về sự an toàn của cô Bành, trong đó tay vợt người Pháp Nicolas Mahut, tay vợt đánh đôi đứng thứ 5 thế giới, bắt đầu lên tiếng về sự cố mặc áo thun này.

“Chuyện gì đang xảy ra vậy!? Thật là hèn nhát! Điều gì sẽ xảy ra nếu quý vị không có nhà tài trợ Trung Quốc?” anh Mahut đã đăng một bài trên Twitter hôm 24/01. Anh đã để hashtag #1573, ám chỉ đến một trong những nhà tài trợ chính của giải Mở rộng này, thương hiệu rượu cao cấp của Trung Quốc Guojiao 1573.

Anh Mahut là một người ủng hộ mạnh mẽ cho vận động viên quần vợt Trung Quốc này, người tuần trước đã mời cô Bành đến trao chiếc cúp của người chiến thắng tại giải Angers Loire P2i Mở rộng đã diễn ra vào hôm Chủ Nhật (23/01).

Trong khi đó, nữ tay vợt Alize Cornet của Pháp, người đã giành được sáu danh hiệu đơn và ba danh hiệu đôi tại WTA Tour, cho biết cô rất bất ngờ trước vụ việc áo thun này.

Cô cho biết, “Tôi nghĩ rằng mọi người nên có thể bày tỏ sự ủng hộ của họ với cô Bành Soái.”

“Hiện vẫn chưa chắc chắn lắm về tình trạng của cô ấy, nhưng tôi nghĩ rằng thực tế để làm sáng tỏ được câu chuyện này, nói chung nó sẽ tốt cho cô ấy … Bây giờ tất nhiên chúng tôi đang chờ đợi thêm chi tiết mà chúng tôi chưa có cho đến giờ phút này, nhưng chúng tôi vẫn cầu mong mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp.”

Ông Drew Pavlou, người sáng lập đảng chính trị liên bang “Liên minh Dân chủ Drew Pavlou,” cho biết nhóm của ông đã lên kế hoạch phát 1000 áo thun “Bành Soái đang ở đâu?” tại Công viên Melbourne tuần này sau khi quyên góp được hơn 15,000 USD trên một trang GoFundMe.

Hôm 23/01, nhà hoạt động Max Mok nói với The Age rằng ông không tin tưởng vào tuyên bố của TA khi cho rằng tình trạng của cô Bành đang là “mối quan tâm hàng đầu” của họ.

Ông nói: “Đạo đức giả là một cách nói nhẹ nhàng, và đó chỉ là một cách để họ né tránh một thảm họa PR mà thôi.”

Cô Nina Nguyen là phóng viên người Việt Nam tại Sydney và chuyên về tin tức của Úc. Quý vị có thể liên lạc với cô ấy tại nina.nguyen@epochtimes.com.au.

Thanh Tâm biên dịch

PTT Đài Loan tới Honduras trong bối cảnh lo ngại mất thêm một đồng minh nữa vào tay Trung Quốc

Frank Fang

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) nói chuyện với giới truyền thông tại Phi trường Quốc tế Đào Viên Đài Loan ở Đài Loan hôm 25/01/2022, trước khi lên đường đến Honduras. (Ảnh: Ann Wang/Reuters)

ĐÀI BẮC, Đài Loan — Hôm 25/01, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) đã lên đường đến Honduras trong bối cảnh quốc gia Trung Mỹ này có khả năng sẽ cắt đứt liên hệ ngoại giao với hòn đảo để chuyển sang ủng hộ chính quyền Trung Quốc.

Ông Lại dự kiến ​​sẽ tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống mới đắc cử của Honduras – bà Xiomara Castro vào ngày 27/01. Hiện tại, Honduras là một trong 14 đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan vì Đài Bắc đã để mất tám đồng minh vào tay Bắc Kinh kể từ năm 2016.

Honduras và Đài Loan đã là đồng minh ngoại giao trong 80 năm tính đến năm 2021. Tuy nhiên, mối bang giao này hiện đang lung lay không vững sau khi bà Castro tuyên bố trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái của mình rằng một khi trở thành tổng thống bà sẽ “lập tức mở quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc đại lục”.

Chuyến công du của ông Lại hiện đang được theo dõi sát sao vì có khả năng ông sẽ gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, người đang dẫn đầu phái đoàn tổng thống tới dự lễ nhậm chức của bà Castro. Hoa Kỳ hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Đài Loan mặc dù hai bên không có liên hệ ngoại giao chính thức.

“Vì Tổng thống Castro chuẩn bị thúc đẩy các chính sách mới, nên Đài Loan sẽ đề cao tinh thần ngoại giao thực chất và hỗ trợ lẫn nhau, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với Honduras, đồng thời vượt qua nhiều khó khăn thách thức để mang lại lợi ích cho nhân dân của cả hai nước,” ông Lại nói trong một cuộc họp báo ngay trước khi ông lên chuyến bay.

Như một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Đài Loan trong việc thắt chặt mối quan hệ với chính phủ của bà Castro ngay từ đầu, ông Lại cho biết ông sẽ mang vật tư tiếp tế đến để giúp Honduras chiến đấu với dịch COVID-19.

Bên cạnh việc gặp bà Castro, ông Lại cho biết ông sẽ “tương tác và trao đổi” với các nhà lãnh đạo, phó lãnh đạo, và đại diện của “các đồng minh và các quốc gia thân thiện”. Ông không nêu đích danh bà Harris hay bất kỳ ai khác.

Chuyến thăm này sẽ cho thế giới thấy rằng Đài Loan “sẽ dũng cảm gánh vác trọng trách đối với sự ổn định trật tự không những của khu vực mà còn của quốc tế,” ông Lại nói.

Ông nói thêm, “Cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rằng Đài Loan là một người bạn đáng tin cậy và Đài Loan có khả năng giúp đỡ cộng đồng quốc tế”.

Theo Hãng thông tấn Trung ương do chính phủ Đài Loan điều hành, phái đoàn của ông Lại sẽ dừng chân ở Los Angeles trước khi đến Honduras. Họ sẽ trở về Đài Loan vào ngày 30/01 sau khi dừng chân ở San Francisco.

Trung Quốc không muốn thấy ông Lại và bà Harris có bất kỳ tương tác nào ở Honduras. Khi được hỏi về khả năng tương tác của hai nhà lãnh đạo trong một cuộc họp báo hôm 20/01, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc “kiên quyết phản đối” bất kỳ “trao đổi chính thức” nào giữa Đài Loan và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Ông Triệu cũng không tán thành quyết định của Hoa Kỳ trong việc cho phép ông Lại quá cảnh qua các thành phố của Hoa Kỳ.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi Đài Loan tự quản là một phần lãnh thổ của họ và phải được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết. Do đó, Bắc Kinh phản đối bất cứ điều gì có thể ám chỉ đến việc Đài Loan trên thực tế là một quốc gia, chẳng hạn như Đài Bắc trở thành một thành viên của các tổ chức quốc tế, các quan chức chính phủ ngoại quốc đến thăm hòn đảo, hoặc các quan chức chính phủ Đài Loan quá cảnh qua các quốc gia có quan hệ chính thức với Bắc Kinh.

Tám đối tác ngoại giao mà Đài Loan đã để rơi vào tay Bắc Kinh kể từ năm 2016 là: Nicaragua, Kiribati, Quần đảo Solomon, Sao Tome và Principe, Panama, Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, và El Salvador. Nicaragua là quốc gia gần đây nhất thay đổi công nhận ngoại giao khi cắt đứt quan hệ với Đài Bắc hồi tháng 12 năm ngoái.

Bắc Kinh đã tự hào vỗ ngực rằng họ sẽ tiếp tục giành giật các đối tác ngoại giao của Đài Loan. Ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, cho biết hôm 18/01 rằng “[số] đồng minh ngoại giao của Đài Loan về 0 chỉ là vấn đề thời gian”.

Tháng 11/2021, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc họp qua điện thoại rằng Hoa Kỳ muốn thấy Honduras giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Hôm 21/01, Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin) nói trên Twitter rằng ông đã nói chuyện với bà Harris và yêu cầu bà “gặp mặt trực tiếp” ông Lại ở Honduras.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Hồng Ân biên dịch

CDC thêm 15 quốc gia vào danh mục ‘rủi ro cao’ nên hạn chế du lịch

Jack Phillips

Mọi người xếp hàng để vào nhà ga số 2, khi các quy định chặt chẽ hơn đối với du khách quốc tế bắt đầu, tại Phi trường Heathrow, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng, London, Anh, hôm 18/01/2021. (Ảnh: Henry Nicholls/Reuters)

Hôm thứ Hai (24/01), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chỉ định thêm 15 điểm đến có rủi ro COVID-19 “Rất Cao”, trong đó có một số hòn đảo thiên đường du lịch ở Caribe.

Cơ quan này cho biết người Mỹ không nên đi du lịch đến các địa điểm sau: Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Fiji, Guadeloupe, Jamaica, Kuwait, Mông Cổ, Niger, Peru, Romania, Saint Barthelemy, Saint Martin, Tunisia, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Những điểm đến đó được liệt vào danh mục “Cấp độ 4,” nghĩa là có hơn 500 ca nhiễm COVID-19 được báo cáo trên 100,000 người trong vòng 28 ngày qua.

“Đừng đi du lịch quốc tế chừng nào quý vị đã chích ngừa đầy đủ,” một khuyến nghị của CDC cho biết. “Chích ngừa vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nặng, làm chậm sự lây lan của COVID-19 và làm giảm số lượng các biến thể mới. CDC khuyến khích quý vị chích một liều vaccine COVID-19 bổ sung nếu quý vị đủ điều kiện. Những người chưa được chích ngừa đầy đủ nên tuân theo các khuyến cáo bổ sung trước, trong, và sau khi đi du lịch”.

CDC hiện đang phân loại khoảng 116 quốc gia nằm trong chỉ định “Cấp độ 4” của mình, bao gồm cả Canada. Cảnh báo này không ngăn cấm hoạt động đi lại đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, mà nó chỉ đóng vai trò như là một lời khuyến nghị.

Cơ quan này cũng viết rằng, “Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên khắp thế giới đang thay đổi, nhưng CDC vẫn đang theo dõi nguy cơ COVID-19 ở các điểm đến trên thế giới và đưa ra các khuyến nghị về du lịch”.

Hầu hết các quốc gia Âu Châu vẫn còn nằm trong chỉ định “Cấp 4” của CDC trong nhiều tuần qua, bao gồm Anh Quốc, Hy Lạp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, và Pháp.

Hôm thứ Hai, CDC cũng đã bổ sung 10 quốc gia vào danh mục chỉ định “Cấp 3”, bao gồm Djibouti, Equatorial Guinea, Guatemala, Ấn Độ, Nhật Bản, Kosovo, Kyrgyzstan, Mali, Cộng hòa Congo, và Senegal.

Danh sách chỉ định mới này được đưa ra vài tuần sau khi cơ quan này tăng nguy cơ du lịch bằng du thuyền lên Cấp độ 4, nói rằng cần phải tránh đi tàu trong bối cảnh có bùng phát dịch COVID-19 trên nhiều du thuyền. Hôm thứ Hai, CDC đã không sửa đổi bản hướng dẫn của mình.

CDC cảnh báo trên trang web của mình, “Chủng virus gây ra bệnh COVID-19 này dễ lây lan giữa những người ở tập trung trong các khoang gần nhau trên tàu, và khả năng bị nhiễm COVID-19 trên du thuyền là rất cao, ngay cả khi quý vị đã được chích ngừa đầy đủ và đã được chích một liều vaccine COVID-19 bổ sung”.

Hôm 20/01, CDC đã thêm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ vào trong danh mục Cấp độ 4, bao gồm Albania, Argentina, Australia, Bahrain, Bermuda, Bolivia, Cape Verde, Egypt, Grenada, Guyana, Israel, Panama, Qatar, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, São Tome và Principe, Sint Maarten, Suriname, Bahamas, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Turks và Caicos, và Uruguay.

COVID-19 là căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.

Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
Thanh Tâm biên dịch

Phát hiện 5 hành tinh dễ sống nhất giống như trên Trái đất

Ngọc Mai

TRAPPIST-1e là một hành tinh giống Trái đất và có khí hậu ôn hòa. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Tạp chí Space liệt kê một số hành tinh có thể là “bản sao của Trái đất” hoàn hảo nhất trong số hơn 4.000 ngoại hành tinh đã được xác nhận.

1. TRAPPIST-1e

Đây là hành tinh dễ sinh sống nhất trong số 7 hành tinh giống Trái đất trong hệ thống TRAPPIST. Trong khi một số anh em của TRAPPIST-1e có thể là hành tinh dưới đáy đại dương, một loại hành tinh có nhiều nước đến nỗi các nhà khoa học vẫn nghi ngờ về khả năng bảo tồn sự sống của nó, thì TRAPPIST-1e lại là một hành tinh. Tinh thể đá hoàn toàn giống Trái đất và có khí hậu ôn hòa.

2. Proxima Centauri- b

Với khoảng cách chỉ 4 năm ánh sáng, Proxima Centauri b là đối tượng được các nhà thiên văn quan tâm đặc biệt. Nó nằm hoàn toàn trong vùng sinh sống của ngôi sao mẹ, một ngôi sao nhỏ hơn và mát hơn nhiều so với Mặt trời, phát ra ánh sáng màu cam dịu. Hành tinh có thể nhận bức xạ cực tím lớn do ở gần ngôi sao mẹ của nó. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Hành tinh này lớn hơn Trái đất 1,27 lần, cũng có khí hậu ôn hòa, nhưng trở ngại duy nhất đối với sự sống là nó có thể nhận bức xạ cực tím lớn do ở gần ngôi sao mẹ của nó.

3. Kepler-1649c

Ngoại hành tinh này có kích thước tương tự Trái đất và được NASA chính thức xác nhận vào năm 2020. Kết quả nghiên cứu chi tiết hơn được công bố vào năm 2021 cho thấy hành tinh này có khí hậu mát hơn Trái đất vì nó nhận được ánh sáng từ các ngôi sao mẹ bằng khoảng 75% ánh sáng Trái đất nhận từ Mặt trời. Nhưng nó vẫn là thông số hoàn hảo cho cuộc sống. Kepler-1649c cách Trái đất 300 năm ánh sáng.

4. Kepler-452b

Hành tinh này có kích thước gấp 1,6 lần Trái đất quay quanh một ngôi sao lớn hơn 10% so với Mặt trời. Dữ liệu khá rõ ràng đã được thu thập mặc dù nó cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng. Đây là một hành tinh đá cùng loại với Trái đất và nằm trong vùng có thể sinh sống được của ngôi sao mẹ của nó. Các nghệ sĩ mô tả Kepler-452b như một Trái đất thứ hai. (Ảnh: NASA)

5. Kepler-442b

Hành tinh lớn hơn Trái đất 33% này là một trong những ứng cử viên hiếm hoi mà các nhà khoa học khẳng định là “đủ ánh sáng để duy trì một sinh quyển lớn”. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, cho biết các nhà khoa học đã xem xét nhiều điều kiện có thể cho sự sống thông qua dữ liệu quang phổ và nhận thấy rằng quá trình quang hợp rất có thể xảy ra trên hành tinh.

Hành tinh này quay quanh ngôi sao mẹ của nó 112 ngày một lần và cách chúng ta 1.194 năm ánh sáng.

Ngọc Mai

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà sẽ tái tranh cử năm 2022

Huyền Anh

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà sẽ tái tranh cử năm 2022
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington hôm 08/12/2021. (Ảnh: Getty Images)

Sau nhiều tháng suy đoán về tương lai của bà trong Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã thông báo rằng bà sẽ tái tranh cử hôm thứ Ba (24/01).

Trong một video được đăng trực tuyến, bà Pelosi cho biết, “Tôi đang ứng cử để tái đắc cử vào Quốc hội và trân trọng tìm kiếm sự ủng hộ của quý vị”, giải thích rằng bà tin việc mình tái đắc cử có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của Đảng Dân Chủ và Tổng thống Joe Biden.

Bà cho biết thêm, “Mặc dù chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng cũng cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện cuộc sống của người dân”. Bà cũng viện dẫn vụ xâm phạm Điện Capitol vào ngày 06/01/2021 là một trong những lý do khiến bà tái tranh cử.

Lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện vào năm 1987, chính trị gia 81 tuổi này là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hạ viện và được dự kiến ​​sẽ từ chức, đặc biệt là khi đảng của bà có nguy cơ mất đa số vào giữa nhiệm kỳ năm 2022. Hồi tháng 11/2020, bà Pelosi đã nhắc lại rằng với tư cách là chủ tịch Hạ viện, nhiệm kỳ hiện tại cũng sẽ là nhiệm kỳ cuối cùng của bà.

Dựa trên thông báo hôm thứ Ba của bà, không rõ liệu bà Pelosi có tiếp tục tranh cử chức vụ chủ tịch Hạ viện nữa hay không.

Trong một số cuộc phỏng vấn vào năm 2021, bà Pelosi đã tìm cách phủ nhận những đồn đoán về việc bà sẽ về hưu.

“Mọi người cứ tự đưa ra quyết định về thời điểm về hưu” và “không cần phải tuân theo quan niệm của người khác,” bà nói với MSNBC hồi tháng 06/2021 và không giải thích gì thêm. Vài tháng sau đó, vào tháng 10/2021, bà Pelosi đã tỏ ra lưỡng lự khi một phóng viên CNN hỏi về những đồn đoán về việc bà rời nhiệm sở.

Tuyên bố của bà Pelosi diễn ra sau khi một số thành viên của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã công khai đề xướng rằng, bà Pelosi nên trao quyền lãnh đạo của mình cho những tài năng trẻ. Dân biểu Đảng Dân Chủ ở NewYork, Alexandria Ocasio-Cortez đã nói với các hãng thông tấn vào năm 2020 rằng cần có sự lãnh đạo mới cũng là một trong số những tài năng trẻ này.

Nỗ lực tái tranh cử của bà Pelosi có thể xuất phát từ mục đích ngăn chặn nhóm Đảng Dân Chủ của bà khỏi bị ‘chảy máu’ thành viên hơn nữa. Cũng trong hôm thứ Ba (24/01), Dân biểu lâu năm Jim Cooper (Dân Chủ-Tennessee) tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử sau khi khu vực bầu cử quốc hội của ông bị tái phân phối.

Ông Cooper, người đã có 32 năm tại vị, cho biết: “Quý vị đã ủng hộ tôi hơn hầu hết bất kỳ ai trong lịch sử Tennessee, khiến tôi trở thành thành viên Quốc hội phục vụ lâu thứ ba của tiểu bang”.

Quyết định của ông Cooper có nghĩa là đã có ít nhất 29 nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ sẽ về hưu vào năm 2022. Hồi giữa tháng 01/2022, Dân biểu Jim Langevin (Dân Chủ-Rhode Island) và Dân biểu Jerry McNerney (Dân Chủ-California) đều đã tuyên bố về hưu.

Đối với các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, Đảng Cộng Hòa cần đạt được 5 ghế trong Hạ viện gồm 435 thành viên. Thông thường đảng nào thắng ở Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống thì sẽ mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ tiếp theo.

Các thành viên Đảng Cộng Hòa vào thời điểm đó cho rằng những thông báo mới nhất này là dấu hiệu cho thấy việc Đảng Dân Chủ chiếm đa số đang gặp rủi ro.

Ông Mike Berg, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội, cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tháng 01/2022: “Không ai muốn tranh cử với tư cách là một thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện vì đa số của họ đã không còn”.

Theo The Epoch Times

Trung Quốc tung loại máy bay mới, chuyên gia hiến kế cho Đài Loan

Phong Lan

Hình minh họa từ video của Ace Of Defense.

Lần đầu tiên máy bay chiến đấu điện tử J-16D của Trung Quốc đã được nhìn thấy ở vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Su Ziyun, giám đốc Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng của Viện nghiên cứu Đài Loan, ngày 25/1, đề nghị Đài Loan nên tăng cường khả năng tác chiến điện tử.

Vào ngày 24/1, Trung Quốc đã điều 13 máy bay đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, trong số đó có các máy bay chiến đấu điện tử J-16D lần đầu tiên xuất hiện.

Su Ziyun cho biết, J-16D có ba phương thức chính được sử dụng trong tác chiến điện từ.

Phương thức thứ nhất có tên là Soft kill (Tiêu diệt mềm). Phương thức này nghĩa là J16D có thể gửi các sóng điện từ tương tự đối phương nhằm gây nhiễu và chặn tín hiệu của đối phương.

Phương thực thứ hai được gọi là Hard kill (Tiêu diệt cứng): Sau khi bắt được sóng vô tuyến, hướng và khoảng cách, J-16D sẽ phá hủy chính xác nguồn phát ra thông tin vô tiến điện của đối phương.

Phương thức thứ ba là tấn công mạng: J-16D trực tiếp xâm nhập vào mạng liên lạc không dây của đối phương và cung cấp thông tin sai để đánh lừa cũng như kiểm soát hệ thống truyền phát tin của đối phương.

Su Ziyun nói rằng các máy bay chiến đấu điện tử J-16D, thuộc lữ đoàn bay đặc biệt của Trung Quốc, không còn bị giới hạn trong khái niệm truyền thống về tác chiến điện tử. Vì thế Đài Loan cần phải có khả năng tác chiến mạng điện từ ở một mức độ nhất định; nghĩa là, hệ thống quân sự của Đài Loan cần xâm nhập được vào mạng của đối phương để đánh chặn.

Trung tướng Zhang Yanting, cựu Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan, tin rằng đất nước ông phải nỗ lực hết sức để tiến hành khai thác thông tin tình báo và phát triển các biện pháp để đối phó với chiến tranh điện tử. Bên cạnh đó, ông đề nghị Mỹ và Nhật Bản chuyển cho Đài Loan các thông tin cần thiết thu thập được từ Trung Quốc. Ông cho rằng quân đội Mỹ đã nắm được nhiều thông tin từ phía Trung Quốc, vì trong những năm gần đây máy bay Mỹ thường tiếp cận và bay sát các khu vực ven biển Trung Quốc như Quảng Đông, Hải Nam, Hoàng Hải, và Chiết Giang.

Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản: Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng nhau “đương đầu với thách thức chung”

Nguyên Hương

Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản: Hoa Kỳ, Nhật Bản cùng nhau "đương đầu với thách thức chung"
Rahm Emanuel, cựu thị trưởng Chicago và là cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Obama, làm chứng trong buổi điều trần xác nhận trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Dirksen trên Đồi Capitol vào ngày 20/10/2022. Ảnh: Alex Wong / Getty Images

Đại sứ mới được bổ nhiệm của Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Rahm Emanuel, hôm thứ Hai đã chào hàng liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản và nói rằng hai quốc gia sẽ không “né tránh” bất kỳ thách thức và kẻ thù nào làm suy yếu các giá trị dân chủ.

Chủ nhật (22/1), Tân Đại sứ Hoa Kỳ đã đến Tokyo nhận nhiệm vụ. Ông đã gửi lời chào đến người dân Nhật Bản thông qua một đoạn video được phát hành trên tài khoản Twitter của mình hôm thứ Hai (23/1).

Ông nói: “Chúng ta đang đối mặt với một thời điểm quan trọng, nhưng các quốc gia của chúng ta có thể đương đầu với những thách thức chung, đoàn kết với niềm tin về các giá trị chung, lợi ích chung và mục tiêu chung của hai nước chúng ta”, ông nói.

“Công việc này, công việc của chúng tôi sẽ quyết định vận mệnh của tấm gương dân chủ.”

Mô tả liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản là “ngọn hải đăng của khả năng và lời hứa vô tận”, ông Emanuel nói rằng mối quan hệ đối tác đã thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong hơn 60 năm.

“Hai quốc gia của chúng ta sẽ không né tránh bất kỳ thách thức hoặc bất kỳ kẻ thù nào làm suy yếu các giá trị dân chủ. Những gì chúng tôi làm trong quan hệ đối tác trong ba năm tới sẽ quyết định vị thế của Mỹ và Nhật Bản trong 30 năm tới”, ông nói.

Phát biểu của ông được đưa ra sau cuộc hội đàm ảo của Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tuần trước, trong đó hai nhà lãnh đạo thề sẽ “đẩy lùi” những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và thực hiện nhiều cuộc xâm nhập vào Biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku của Nhật bản. Kể từ năm 1895, Nhật Bản là nước quản lý quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, vào những năm 1970, Bắc Kinh bắt đầu khẳng định quyền của mình đối với quần đảo này và gọi quần đảo này là quần đảo Điếu Ngư.

Nhà Trắng lưu ý rằng Biden “khẳng định cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ Nhật Bản, sử dụng toàn bộ khả năng của mình”, bao gồm cả việc áp dụng hiệp ước an ninh Nhật Bản – Hoa Kỳ năm 1960.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những căng thẳng ngày càng gia tăng do Nga huy động hàng chục nghìn quân dọc biên giới với Ukraine. Ông Kishida cam kết rằng đất nước của ông “sẽ hoàn toàn đứng sau Hoa Kỳ” trong việc hành động mạnh mẽ để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.

Họ cũng lên án các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cam kết duy trì sự phối hợp chặt chẽ về vấn đề này, kể cả với Hàn Quốc.

Ông Emanuel, 62 tuổi, là cựu thành viên Hạ viện và là Chánh văn phòng Nhà Trắng đầu tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ông cũng từng là Thị trưởng Chicago từ năm 2011 đến năm 2019.

Ông Emanuel tuyên thệ nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản vào ngày 22/12 năm ngoái. Người tiền nhiệm của ông, Đại sứ William Hagerty đã từ chức vào tháng 7/2019 để tranh cử vào Thượng viện.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Ukraine hạ thấp nguy cơ Nga xâm lược tức thời, kêu gọi bình tĩnh

Lorenz Duchamps

Trong bức ảnh này được trích từ một video do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga cung cấp hôm 25/01/2022, các bệ phóng hỏa tiễn Iskander của lực lượng Lục quân Nga di chuyển vào vị trí trong cuộc tập trận ở Nga. (Ảnh: Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga/AP)

Một quan chức hàng đầu của Ukraine đã kêu gọi bình tĩnh khi ông trấn an người dân cả nước rằng một cuộc xâm lược từ nước láng giềng Nga sẽ không xảy ra ngay lập tức — mặc dù các quan chức thừa nhận rằng có một mối đe dọa thực sự khi các đồng minh NATO tăng cường phòng thủ ở khu vực Biển Baltic trong tuần này.

Hôm thứ Hai (24/01), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết rằng tại thời điểm này, “không có cơ sở để tin rằng Moscow đang chuẩn bị một cuộc xâm lược ngay tức thì và không cần các công dân “phải đóng gói hành lý [của họ]”.

“Đừng lo lắng, hãy ngủ thật ngon,” ông nói và cho biết thêm rằng “có những tình huống rủi ro. Các kịch bản này có khả năng xảy ra và có thể xảy ra trong tương lai,” mặc dù tại thời điểm này “một mối đe dọa như vậy là không tồn tại.”

Hôm thứ Hai, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thông báo với toàn dân rằng tình hình “đang được kiểm soát”, trong khi ông Reznikov khẳng định Nga vẫn chưa thành lập cái mà ông gọi là các nhóm tác chiến, “ý muốn nói rằng ngày mai họ có thể mở một cuộc tấn công.”

Phi hành đoàn mặt đất dỡ các vũ khí và khí tài quân sự khác do quân đội Hoa Kỳ chuyển giao tại Phi trường Boryspil gần Kyiv, Ukraine, hôm 25/01/2022. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Tuyên bố của ông Reznikov và Tổng thống Zelensky trong một nỗ lực trấn an để không làm mất ổn định tình hình và tránh hoang mang được đưa ra khi một lô hàng thiết bị quân sự trị giá hàng triệu dollar khác của Hoa Kỳ đã đến Ukraine hôm thứ Ba.

“Các đối tác của chúng ta đang tăng cường chi viện quân sự. Và hôm nay chúng ta sẽ đón chiếc phi cơ thứ ba của chính phủ Hoa Kỳ trong khuôn khổ viện trợ này,” Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết tại một cuộc họp báo trước khi chiếc phi cơ chở hàng viện trợ phòng thủ tổng trị giá khoảng 200 triệu USD đã đáp xuống một phi trường ở thủ đô của Ukraine.

Một số vòng đàm phán cao cấp hồi đầu tháng này đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào, với khả năng căng thẳng có thể leo thang sau khi NATO thông báo hôm 24/01 rằng họ sẽ đặt thêm lực lượng ở chế độ sẵn sàng và gửi thêm tàu ​​chiến và chiến cơ đến Đông Âu.

Moscow đã nhiều lần phủ nhận ý định xâm lược Ukraine, trong đó phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phương Tây đang thể hiện sự “cuồng loạn” và đưa ra những thông tin “đầy những xảo ngôn”.

Hôm thứ Ba, ông Peskov một lần nữa cáo buộc Hoa Kỳ đang “làm gia tăng căng thẳng” xung quanh Ukraine, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã bị sa lầy trong cuộc xung đột với Nga trong gần tám năm nay.

Chính phủ Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ kích khởi một phản ứng “nhanh chóng” và “nghiêm khắc” nếu quân đội của Nga tiến vào Ukraine. Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất của Kyiv trong việc cố gắng ngăn chặn một cuộc tấn công mới của Điện Kremlin.

Trong bức ảnh được trích từ một video do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga cung cấp hôm 25/01/2022 này, một binh lính Nga bắn một quả đạn cối khi anh tham dự một cuộc tập trận tại một khu thao trường ở Nga. (Ảnh: Dịch vụ Báo chí Bộ Quốc phòng Nga/AP)

Kể từ năm 2014, Hoa Kỳ đã cam kết một khoản viện trợ [cho Ukraine] trị giá hơn 2.7 tỷ USD trong việc cung cấp huấn luyện và trang thiết bị để giúp nước này bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Lời kêu gọi bình tĩnh của Ukraine cũng được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra lệnh cho những thân nhân của các nhân viên chính phủ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kyiv rời khỏi Ukraine và cho phép các công chức không thiết yếu tự nguyện rời đi. Hôm 24/01, Anh Quốc cũng bắt đầu rút một số nhân viên đại sứ quán và những người phụ thuộc khỏi Kyiv trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở biên giới Nga-Ukraine.

Trong các cuộc đàm phán cao cấp ở Âu Châu vào tháng này, Nga đã yêu cầu một số bảo đảm an ninh từ phương Tây, yêu cầu NATO không bao giờ được chấp nhận Ukraine là thành viên và rằng liên minh này sẽ hạn chế các hành động khác, chẳng hạn như đóng quân tại các nước thuộc khối Liên Xô cũ. Một vài trong số yêu cầu này, như cam kết về việc cấm Ukraine vĩnh viễn trở thành thành viên của khối, là không khả thi đối với NATO – tạo ra một bế tắc dường như khó giải quyết khiến nhiều người e sợ rằng bế tắc này chỉ có thể kết thúc bằng chiến tranh.

Mối lo ngại của phương Tây về việc Moscow lên kế hoạch xâm lược nước láng giềng bắt đầu sau khi hàng chục ngàn binh sĩ Nga tập trung gần biên giới Nga-Ukraine. Năm 2014, Nga đã sử dụng lực lượng quân đội của mình để thôn tính Bán đảo Crimea, một hành động dẫn đến các lệnh trừng phạt từ thời Tổng thống Barack Obama. Các cuộc giao tranh giữa các lực lượng Ukraine và phiến quân do Nga hậu thuẫn đã khiến hơn 14,000 người thiệt mạng, và các nỗ lực để đạt được một giải pháp hòa bình đã bị đình trệ.

An Nhiên biên dịch

Related posts