Nord Stream 2 trở thành con cờ chính trị trong viễn cảnh Nga xâm lược Ukraine

Huyền Anh

Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD của Nga đang là tâm điểm gây chú ý trong căng thẳng Nga-Châu Âu. (Ảnh Getty Images)

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, với việc Nga tập trung hàng chục nghìn binh sỹ gần biên giới 2 nước, dấy lên lo ngại Moscow có thể xâm lược nước láng giềng. Như vậy, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD là tâm điểm trong căng thẳng Nga-phương Tây, gây chia rẽ các nước Châu Âu khác và khiến nội bộ Mỹ lục đục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói với NPR hôm thứ Tư (26/1) rằng, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga với Đức sẽ không được cấp phép hoạt động nếu quân đội Nga xâm lược Ukraine.

Yếu tố năng lượng: tâm điểm trong căng thẳng Nga-Mỹ

Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD của Nga đang khiến Mỹ rơi vào tình thế khó khăn với một số đồng minh châu Âu, gây chia rẽ các nước châu Âu và nội bộ Mỹ.

Trước khi có Nord Stream 2, đã có Nord Stream 1. Vào năm 2005, Đức và Nga đã ký một thỏa thuận xây dựng Nord Stream 1 – đường ống trị giá 6 tỉ USD qua Biển Baltic. Và 10 năm sau (2015), Đức ký tiếp một thỏa thuận xây dựng Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD để mở rộng công suất dọc theo tuyến đường này.

Đường ống này trải dài khoảng 760 dặm qua Biển Baltic từ Nga đến Đức và sẽ tăng gấp đôi khả năng vận chuyển khí đốt tự nhiên ở Bắc Cực của Nga tới quốc gia châu Âu của Nord Stream.

Một biển báo hướng giao thông hướng tới lối vào của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, đông bắc Đức, vào ngày 7/9/2020. (Ảnh Getty Images)

Nếu Nord Stream 2 đi vào hoạt động, Nga sẽ không còn phải trả phí trung chuyển khí đốt qua Ukraine, đồng thời cả Nga và châu Âu ít phải phụ thuộc vào đường ống chạy qua Ukraine.

Đức coi Nord Stream 2 là một dự án thương mại cần thiết cho ngành công nghiệp Đức và muốn nó đi vào hoạt động.

Nord Stream 2 càng trở nên nóng hơn khi Nga tăng cường quân dọc theo biên giới Ukraine. Nord Stream 2 ngày càng được coi là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine.

Ông Stefan Meister tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức nhận định rằng, ngay cả khi chưa hoạt động, tuyến đường ống đã làm chia rẽ sâu sắc mối quan hệ Mỹ – Châu Âu – Đức.

Cơ quan quản lý thị trường năng lượng của Đức vào hồi tháng 11 đã tạm thời đình chỉ quá trình cấp phép hoạt động cho Nord Stream 2, sau khi ra phán quyết rằng nhà điều hành của nó ở Đức không tuân thủ các điều kiện do luật pháp Đức đưa ra.

Nord Stream 2 cũng bị các quan chức Ukraine phản đối vì lo ngại Nga có thể sử dụng nó như một vũ khí chống lại họ.

Ông Price nói với NPR rằng, Nord Stream đóng vai trò là “đòn bẩy” cho cả Hoa Kỳ và Đức cũng như cộng đồng xuyên Đại Tây Dương.

Nord Stream 2: điểm nhấn trong tương lai của Ukraine

Ukraine, quốc gia bị kẹt ở giữa và số phận của nước này có khả năng đan xen với số phận của Nord Stream 2. Ukraine cũng phản đối kịch liệt Nord Stream 2 vì nước này mất nhiều nhất nếu đường ống dẫn khí đi vào hoạt động.

Ukraine coi đây là một mối đe dọa lớn. Nga đã trả cho Ukraine xấp xỉ 2 tỉ USD phí trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ nước này.

Nhưng thực sự, điều quan trọng là Ukraine coi cơ sở hạ tầng đường ống là chính sách bảo hiểm của riêng mình với cả Nga và Châu Âu. Nga muốn bán khí đốt cho Châu Âu; Châu Âu cần mua khí đốt của Nga. Chừng nào Ukraine còn đóng vai trò trung chuyển khí đốt thì ít nhất Nga có thể cân nhắc tình hình Ukraine.

Mỹ và Đức công nhận điều này. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đây đã nói rằng, khí đốt phải tiếp tục chảy qua Ukraine sau khi có Nord Stream 2, và Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz đã nhắc lại quan điểm đó vào tháng 12.

Trong một thỏa thuận hồi tháng 7 giữa Mỹ và Đức, hai bên thống nhất rằng, cần tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến năm 2024, vì lợi ích của Ukraine và Châu Âu. Thỏa thuận này cũng hứa hẹn Đức sẽ tìm kiếm các biện pháp trừng phạt nếu Nga sử dụng “năng lượng làm vũ khí”.

Ông Price nói: “Rõ ràng đây không phải là đòn bẩy cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi muốn nói rất rõ ràng: Nếu Nga xâm lược Ukraine, bằng cách này hay cách khác, Nord Stream 2 sẽ không được cấp phép hoạt động và chúng tôi muốn nói rất rõ ràng về điều đó”.

Bình luận của ông Price được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây ngày càng lo ngại sau khi ông Putin được cho là đã điều hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược có thể xảy ra.

Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.

Bức tranh phức tạp về căng thẳng Nga-Ukraine

Vào tháng 12 năm 2021, Nga yêu cầu  NATO từ chối Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cu là thành viên của liên minh, đồng thời yêu cầu các thành viên NATO giảm quy mô triển khai quân ở Trung và Đông Âu.

Washington và các đồng minh NATO đã từ chối yêu cầu của Nga nhưng đã đưa ra một số đề xuất thay thế, đồng thời cho biết họ sẵn sàng đối thoại với Moscow.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) tổ chức một cuộc họp báo chung tại Phòng phía Đông của Nhà Trắng vào ngày 15/7/2021 tại Washington, DC. Trong chuyến thăm chính thức cuối cùng của bà tới Washington, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về các ưu tiên chung của họ về biến đổi khí hậu và quốc phòng, đồng thời ông Biden bày tỏ quan ngại về đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 của Nga. (Ảnh Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đã đặt 8.500 quân trong tình trạng “cảnh giác cao độ” để hỗ trợ việc bảo vệ các đồng minh NATO nhưng lưu ý rằng “chưa có quyết định triển khai” bất kỳ quân nào vào thời điểm này.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ “thực sự có đủ đòn bẩy” và liệu các hành động của họ có khả năng ngăn cản Nga hay không, ông Price cho biết: quyền quyết định nằm trong tay Tổng thống Nga Putin. Chỉ có ông mới xác định được con đường mà hai bên theo đuổi: đối thoại và ngoại giao hoặc phòng thủ và răn đe”, theo thông tin từ cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư với NPR.

Ông Price nói: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để bày tỏ quan điểm theo cách chân thành nhất, rằng đối thoại và ngoại giao là con đường mà chúng tôi mong muốn chứ không phải phòng thủ và răn đe”.

“Chúng tôi đã chi tới hơn 650 triệu USD hỗ trợ an ninh phòng thủ trong năm ngoái. Tương đương gần 300 tấn hàng hỗ trợ an ninh phòng thủ cho Ukraine. Và không ít lần chúng tôi nói về phản ứng nhất quán, nhanh chóng, nghiêm khắc mà Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẵn sàng phối hợp nếu Nga tiếp tục các hành động xâm lược”.

Hoa Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã cung cấp cho Nga các đề xuất bằng văn bản vào hôm thứ Tư (26/1) nhằm giải quyết các mối quan ngại của Nga đồng thời tăng cường an ninh cho các quốc gia thành viên NATO.

Trong khi đó, bà Emily Haber, đại sứ của Đức tại Hoa Kỳ hôm thứ Tư cho biết trên Twitter rằng, “Hoa Kỳ và Đức đã cùng tuyên bố vào mùa hè năm ngoái: nếu Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí hoặc nếu có hành vi vi phạm chủ quyền Ukraine, Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt”.

Bà nói thêm rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock “đã tuyên bố rõ ràng: lúc đó sẽ chẳng còn gì có thể đem ra bàn cãi, kể cả Nord Stream 2”.Theo The Epoch Times

Related posts