Đàm phán về khủng hoảng Ukraine chuyển hướng đến Moscow và Washington

Nguyên Hương

Tổng thống Putin ở Crimea, vùng đất của Ukraine bị Nga chiếm và sau đó sáp nhập vào Nga năm 2014 Ảnh: Getty Images

Thứ Hai (7/2) đã chứng kiến sự tăng cường của các nỗ lực quốc tế nhằm xoa dịu tình hình bế tắc đối với Ukraine, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm với Putin tại Điện Kremlin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Washington gặp Tổng thống Biden để điều phối các chính sách khi lo ngại về một cuộc xâm lược của Nga.

Việc 100.000 binh sĩ Nga đóng quân và tập trận gần Ukraine đã làm phương Tây lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan hôm Chủ nhật cảnh báo rằng Nga có thể xâm lược Ukraine “bất kỳ ngày nào và sẽ gây ra một cuộc xung đột với “cái giá phải trả rất lớn về con người”.

Nga đã phủ nhận mọi kế hoạch tấn công nước láng giềng nhưng yêu cầu Mỹ và các đồng minh cấm Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác gia nhập NATO, ngừng triển khai vũ khí và rút lực lượng NATO khỏi Đông Âu. Washington và NATO bác bỏ những yêu cầu của Nga.

Nhà Trắng cho biết, Chủ nhật (6/2), trước khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 7/2, Tổng thống Pháp Macron đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về “các nỗ lực ngoại giao và răn đe đang diễn ra. Theo kế hoạch, ông Macron sẽ ​​tới Ukraine vào thứ Ba (8/2). Một binh sĩ Ukraine đang tuần tra: NATO và Mỹ lo lắng về sự tăng cường của quân đội Nga ở biên giới phía Đông Ukraine

“An ninh và chủ quyền của Ukraine hay bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác không thể là đối tượng cho sự thỏa hiệp. Đồng thời, việc Nga đặt vấn đề về an ninh của chính mình là hợp pháp”, ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Pháp Journal du Dimanche. Tổng thống Pháp tin rằng “mục tiêu địa chính trị của Nga ngày nay rõ ràng không phải là Ukraine, mà là làm rõ các quy tắc chung sống với NATO và EU”.

Trước cuộc gặp với ông Putin, ông Macron nói với các phóng viên rằng ông cảm thấy “rất có cơ sở để có thể lạc quan”.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ sẽ không có chiến thắng tức thời. Trước mắt, chúng ta có thể ngăn chặn một số điều. Nhưng sẽ không thể tự nhiên có phép màu. Có rất nhiều căng thẳng, hồi hộp. Đó cũng là lý do tại sao cách đây vài tuần, tôi quyết định bắt đầu cuộc thảo luận”.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peskov, mô tả chuyến thăm của ông Macron là “rất quan trọng”, nhưng tìm cách xoa dịu kỳ vọng, nói rằng “vì tình hình quá phức tạp nên chỉ một cuộc họp sẽ không thể đem lại bước đột phá mang tính quyết định”.

Ông nhấn mạnh rằng “bầu không khí vẫn căng thẳng” khi Hoa Kỳ và các đồng minh của họ tiếp tục phớt lờ các yêu cầu an ninh của Moscow.

Trong cùng ngày thứ Hai (7/2), Thủ tướng Đức Scholz gặp Tổng thống Biden tại Washington. Sau đó, từ ngày 14 đến 15/2, ông Scholz sẽ tới Kyiv và Moscow.

Hôm Chủ nhật, Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan nhắc lại rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga tới Đức “sẽ không tiến lên phía trước” nếu Nga tấn công Ukraine.

Ông Biden và ông Scholz dự kiến ​​sẽ giải quyết vấn đề này trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Scholz trở thành người đứng đầu chính phủ Đức gần hai tháng trước.

Trước chuyến thăm, Nhà Trắng đã cố gắng hạ thấp việc Đức từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, tăng cường quân đội của nước này ở Đông Âu hoặc đưa ra các biện pháp trừng phạt mà nước này sẽ hỗ trợ chống lại Nga – lập trường thận trọng đã thu hút sự chỉ trích ở nước ngoài và bên trong nước Đức.

Các quan chức Nhà Trắng, những người đã thông báo ngắn gọn với các phóng viên trước cuộc họp đã nhấn mạnh rằng, Đức là nước đóng góp hàng đầu trong viện trợ phi quân sự cho Ukraine và đã ủng hộ quyết định của Mỹ tăng cường sự hiện diện của quân đội ở Ba Lan và Romania để chứng minh cam kết của quốc gia này với NATO.

Chủ nhật (6/2), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã nêu ra khả năng rằng nước này có thể gửi thêm quân đến Litva để củng cố sườn phía Đông của NATO.

Tổng thống Biden đã triển khai thêm quân đội Hoa Kỳ đến Ba Lan, Romania và Đức. Chủ nhật (6/2), vài chục binh lính và thiết bị tinh nhuệ của Hoa Kỳ đã đổ bộ vào vùng Đông Nam Ba Lan gần biên giới với Ukraine. Hàng trăm lính bộ binh của Sư đoàn Dù số 82 chuẩn bị đến.

Vào năm 2015, Pháp và Đức đã giúp tạo ra một thỏa thuận hòa bình cho miền Đông Ukraine trong nỗ lực chấm dứt xung đột giữa các lực lượng Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn năm 2014. Trước đó, Nga thôn tính Bán đảo Crimea của Ukraine.

Thỏa thuận được ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus đã giúp ngăn chặn giao tranh quy mô lớn, nhưng những nỗ lực nhằm dàn xếp chính trị đã bị đình trệ và các cuộc giao tranh thường xuyên tiếp tục diễn ra dọc theo danh giới ở trung tâm công nghiệp của Ukraine được gọi là Donbas.

Các nhà lãnh đạo của Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã gặp nhau lần cuối tại Paris vào năm 2019 trong cái gọi là hội nghị thượng đỉnh định dạng Normandy, nhưng họ không giải quyết được các vấn đề chính.

Trong bối cảnh căng thẳng về việc xây dựng quân đội của Nga, các cố vấn tổng thống của bốn quốc gia đã gặp nhau tại Paris vào ngày 26/1 nhưng không đạt được bất kỳ tiến bộ rõ ràng nào và đồng ý gặp lại ở Berlin sau hai tuần.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã thúc đẩy một hội nghị thượng đỉnh Normandy bốn bên khác, nhưng Điện Kremlin cho biết một cuộc họp như vậy sẽ chỉ có ý nghĩa nếu các bên nhất trí về các bước tiếp theo để trao quy chế đặc biệt cho phe nổi dậy ở miền đông.

Ông Putin và các quan chức của ông đã thúc giục Pháp, Đức và các đồng minh phương Tây khác khuyến khích Ukraine thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận năm 2015, trong đó dự kiến ​​một quyền tự trị rộng rãi cho khu vực Donbas và một lệnh ân xá sâu rộng cho phe ly khai. Thỏa thuận quy định rằng chỉ sau khi các điều kiện đó được đáp ứng, Ukraine mới có thể khôi phục quyền kiểm soát biên giới của mình với Nga tại các khu vực nổi dậy.

Thỏa thuận Minsk bị nhiều người Ukraine coi là sự phản bội lợi ích quốc gia và việc thực hiện nó đã bị đình trệ. Trong thời gian căng thẳng mới nhất, các nhà chức trách Ukraine đã cảnh báo phương Tây không nên gây sức ép để Ukraine thực hiện thỏa thuận.

Tuần trước, Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói với hãng tin AP rằng nỗ lực của Ukraine nhằm thực hiện thỏa thuận Minsk có thể gây ra bất ổn nội bộ mà Moscow sẽ ảnh hưởng. Quân nhân Ukraine với xe tăng của họ gần chiến tuyến đụng độ với quân ly khai do Nga hậu thuẫn gần Lysychansk, Ukraine, vào ngày 7/4/2021. (STR / AFP qua Getty Images)

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước này đã nhận được hơn 1.000 tấn vũ khí và vật tư quân sự từ các đồng minh, lưu ý rằng một loạt chuyến thăm của các quan chức phương Tây đã giúp răn đe Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock chuẩn bị hội đàm tại Kyiv và sau đó sẽ đi đến khu vực gần danh giới phía Đông. Chính phủ Anh cho biết Ngoại trưởng Liz Truss sẽ thăm Moscow vào thứ Năm và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ gặp những người đồng cấp Nga vào thứ Sáu.

Nguyên Hương 

Theo AP

Related posts