Nathan Chen: Người hùng Hoa Kỳ bị Trung Quốc miệt thị

John Mac Ghlionn

Vận động viên đạt huy chương vàng Nathan Chen của Đội Hoa Kỳ, ăn mừng trong lễ trao huy chương Trượt băng Nghệ thuật Đơn Nam vào Ngày thứ 6 của Thế vận hội Olympic Mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Beijing Medal Plaza ở Bắc Kinh hôm 10/02/2022. (Ảnh: Richard Heathcote/Getty Images)

Ai là những người thực sự tạo nên Trung Quốc? Cốc Ái Lăng (Eileen Gu) hay người phụ nữ bị xiềng xích? Những câu hỏi này gần đây đã được đặt ra bởi cô Viên Lị (Li Yuan), một ký giả chuyên mục của tờ New York Times. Câu trả lời là cả hai.

Trung Quốc là một đất nước có hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói và phải chịu nhiều sự lạm dụng tồi tệ nhất. Đó cũng là một quốc gia mà thỉnh thoảng, một người (ngoài lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình) lại được chú ý. Họ có được 15 phút nổi tiếng; họ thấy mình được tán dương. Tuy nhiên, những lời tán tụng này là thoáng qua, và những người hùng của ngày hôm nay nhanh chóng trở thành mẩu tin của ngày hôm qua.

Ngay lúc này đây, vận động viên Cốc mà tôi đã thảo luận rất chi tiết cách đây vài ngày, đang tận hưởng 15 phút nổi tiếng của cô ấy. Tuy nhiên, khi Thế vận hội Mùa Đông qua đi, cô ấy sẽ nhanh chóng trở thành dĩ vãng. Có lẽ không hoàn toàn bị lãng quên như người phụ nữ nghèo ở tỉnh Giang Tô, người được tìm thấy với một sợi dây xích quanh cổ. Nhưng một vài tuần nữa, cô Cốc sẽ bị lãng quên.

Bây giờ, mặc dù cô Cốc và người phụ nữ bị xích, được xác định là Dương Mỗ Hiệp (Yang Mouxia), đều phản ánh về Trung Quốc, nhưng một người phản ánh về đất nước này nhiều hơn người kia. Quý vị có thể đoán được người nào phản ánh ở cấp độ nào.

Đối với mỗi cô Cốc, thì có hàng triệu cô Dương Mỗ Hiệp. Cứ 7.4 giây lại có một phụ nữ ở Trung Quốc bị hành hung. Đây là một đất nước mà sự lạm dụng, bằng cả lời nói lẫn thể chất, đang tràn lan.

Đây là một quốc gia mà phân biệt chủng tộc dường như là một sở thích của nhiều công dân. Tháng trước (01/2022), cầu thủ bóng rổ người Mỹ Sonny Weems đã phải hứng chịu sự lạm dụng chủng tộc khủng khiếp từ “những người hâm mộ” khi thi đấu ở Trung Quốc.

Gần đây hơn, vận động viên trượt băng nghệ thuật người Mỹ Nathan Chen, hiện đang thi đấu cho Đội Hoa Kỳ tại Thế vận hội Mùa Đông, đã bị chỉ trích nặng nề trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc. Vô địch Thế giới ba lần, vô địch Chung kết Grand Prix ba lần, và vô địch quốc gia Mỹ sáu lần ở môn trượt băng nghệ thuật, anh Chen là một vận động viên thượng hạng. Sinh ra tại thành phố Salt Lake với cha mẹ là người Trung Quốc nhập cư, không giống như cô Cốc nói đến ở trên, anh Chen là một người Mỹ kiêu hãnh.

Anh Chen đã có màn trình diễn anh dũng tại Bắc Kinh, đạt huy chương vàng Olympic đầu tiên trong nội dung cá nhân dành cho nam. Người Mỹ đã ăn mừng chiến thắng của anh, nhưng người Trung Quốc thì không. Trên thực tế, họ đã nhắm vào chàng trai 22 tuổi này với những lời lẽ thậm tệ, gán cho anh là một “kẻ phản bội”. Anh Chen đã được yêu cầu “biến khỏi Trung Quốc”, với một số bình luận trên mạng xã hội phàn nàn rằng Chen “quá trắng”. Vâng, “quá trắng”.

Vận động viên Nathan Chen tranh tài trong bài thi trượt băng tự do dành cho nam trong Giải vô địch Trượt băng Nghệ thuật Hoa Kỳ ở Nashville, Tennessee. hôm 09/01/2022. (Ảnh: Mark Zaleski/AP Photo)

Phân biệt chủng tộc ở Trung Quốc đã được ghi nhận rõ rệt trong nhiều năm. Nhưng sự lạm dụng nhắm vào anh Chen liên quan đến nhiều hơn là “chỉ” phân biệt chủng tộc. Nó liên quan đến một từ gọi là Hán gian, một thuật ngữ miệt thị dành riêng cho những kẻ phản bội. Đây là một từ ghép giữa chữ “Hán”, dùng để chỉ nhóm dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc, và chữ “gian”, một từ dùng để chỉ các hoạt động bất chính. Hán gian là một từ thực sự mang tính chỉ trích cay độc. Nó tương đương với việc sử dụng từ “phản quốc” tại quê nhà.

Hán gian gắn chặt với chủ nghĩa độc tôn bản sắc. Vâng, tôi biết, chủ nghĩa độc tôn bản sắc thường được gán cho những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng, những người ủng hộ các lợi ích chính trị của một nhóm dân tộc rất cụ thể. Tuy nhiên, Trung Quốc có hình thức chủ nghĩa độc tôn bản sắc riêng của họ. Hãy gọi nó là “chủ nghĩa độc tôn bản sắc với các đặc trưng Trung Quốc”.

Trong một bài báo được xuất bản hồi năm 2019, một học giả tên là Trương Thần Thần (Chenchen Zhang) đã thảo luận về sự trỗi dậy của tư tưởng chủ nghĩa dân túy ở Trung Quốc. Loại chủ nghĩa dân túy này — điều mà tôi gọi là chủ nghĩa dân túy bệnh hoạn (vì chủ nghĩa dân túy không phải lúc nào cũng là điều xấu) — đã túm chặt xã hội Trung Quốc.

Tác giả bài báo này viết: “Những năm vừa qua đã chứng kiến một diễn ngôn mới nổi trên mạng xã hội Trung Quốc kết hợp các tuyên bố, từ vựng và phong cách” của những nhân vật đáng nghi vấn ở các nước phương Tây “với các hình thức chủ nghĩa dân tộc và phân biệt chủng tộc trước đây trong không gian mạng Trung Quốc.”

Nói cách khác, chủ nghĩa dân túy bệnh hoạn gây ra một “sự thù địch” đối với những người không phải là người Trung Quốc. Trong mắt những người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy của Trung Quốc, “tội” của anh Chen khi đại diện cho Hoa Kỳ — địch thủ lớn nhất của Trung Quốc — là một tội không thể tha thứ.

Trong hai thập niên qua, sự phát triển nhanh chóng của truyền thông trực tuyến ở Trung Quốc đã dẫn đến việc tạo ra các không gian kỹ thuật số năng động cho phép “các công dân tham dự các cuộc thảo luận công khai mà trước kia không thể làm được,” cô Trương lưu ý.

Mặc dù “các kênh truyền thông mới ở Trung Quốc” đã cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) “phát triển các biện pháp kiểm duyệt và thuyết phục tinh vi để củng cố chế độ độc tài”, chính những nền tảng này cũng đã sản sinh một loại ý thức mới, ý thức dân tộc cực đoan.

Với lối nhận thức này, nó rất giống một trò chơi có tổng bằng không (người được kẻ mất). Hoặc là quý vị trở thành một người như cô Cốc, một người hùng trong mắt hàng triệu người Trung Quốc, hoặc quý vị là anh Chen, một “kẻ phản bội”, một người rõ ràng là “quá trắng” để thực sự trở thành người Trung Quốc. Không có bất kỳ điều gì trong những yếu tố này đáng để khiến anh ấy bận tâm.

Anh Chen không chỉ là một vận động viên tài năng. Anh ấy là một người hùng Hoa Kỳ, một chàng trai trẻ đáng được tán thưởng nhiệt liệt ngay khi trở lại đất Mỹ.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Phù Du biên dịch

Related posts