Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến tình hình về cuộc chiến Nga-Ukraine


Chính phủ Đức cung cấp cho Ukraine vũ khí Liên Xô để bắn hạ máy bay Nga

Hiếu Bá Linh, biên dịch

3-3-2022

Tên lửa đất đối không Strela đang hoạt động. Nguồn:dpa

Theo các nguồn tin trong Bộ Kinh tế Đức, Bộ này đã phê duyệt việc chuyển giao 2.700 tên lửa phòng không “Strela” cho Ukraine.

Tên lửa phòng không “Strela” là vũ khí do Liên Xô sản xuất còn nằm trong các kho dự trữ trước đây của Quân đội Nhân dân CHDC Đức (Đông Đức).

Hôm thứ Bảy 26/2, Chính phủ Đức đã quyết định chuyển giao 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không “Stinger” từ kho dự trữ của quân đội Đức cho Ukraine. Và sau đó Ukraine đã nhận được toàn bộ số vũ khí này.

Theo thông tin từ Hãng Thông tấn Đức DPA, ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Đức đã kiểm tra trong những ngày qua xem có còn vũ khí nào khác để cung cấp thêm cho Ukraine. Việc giao các loại vũ khí thích hợp được tìm thấy, hiện đã được Bộ Kinh tế phê duyệt.

Ngoài ra, các đối tác NATO là Hà Lan và Estonia cũng đã được sự đồng ý của Đức để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Những vũ khí này do CHLB Đức sản xuất hoặc từ các kho dự trữ của CHDC Đức mà Đức đã chuyển giao cho Hà Lan và Estonia sau khi nước Đức thống nhất.

Nga chỉ trích việc Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố hôm thứ Bảy 26/2: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đánh dấu một bước ngoặt. Nó đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến của chúng ta. Trong tình huống này, chúng tôi có nhiệm vụ cố gắng hết sức để hỗ trợ Ukraine trong việc phòng thủ trước đội quân xâm lược của Vladimir Putin. Đức luôn luôn đứng về phía Ukraine“.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock và Phó Thủ tướng Đức, Robert Habeck, đã nói: “Sau cuộc tấn công trâng tráo của Nga, Ukraine phải có khả năng tự vệ. Nước này có quyền tự vệ. Chính phủ Đức cũng đang hỗ trợ Ukraine cung cấp khẩn cấp khí tài cần thiết“.

Hôm thứ Bảy 26/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ sự hài lòng về việc Đức thông báo cung cấp vũ khí. “Đức vừa thông báo chuyển giao súng phóng lựu chống tăng và tên lửa Stinger cho Ukraine. Cứ tiếp tục như thế, thưa ngài Thủ tướng Olaf Scholz“, Zelensky viết trên Twitter.

Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích quyết định của chính phủ Đức gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không “Stinger” vào cuộc xung đột. Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga nói:

Với quyết định này, Cộng hòa Liên bang Đức không chỉ đánh thức những bóng ma của Chiến tranh Lạnh mà còn cả những con quỷ của cuộc chiến tranh ‘nóng’. Vũ khí đang được gửi từ nước Đức để chống lại binh lính Nga. Thành thử những lời của Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc gặp với Putin ở Moscow về hòa giải giữa người Đức và người Nga sau Chiến tranh thế giới thứ hai là đặc biệt trơ trẽn’.”

Quân đội Nga chiếm được thành phố lớn đầu tiên của Ukraine 

Một chiếc xe tải và xe tăng quân sự được nhìn thấy trên đường phố ở Kherson, Ukraine, hôm 01/03/2022. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Nga đã chiếm được một cảng biển chiến lược của Ukraine và bao vây một cảng khác khi Moscow cố gắng cắt đứt nước láng giềng khỏi Biển Đen.

Hôm thứ Năm (03/03), quân đội Nga cho biết họ đã kiểm soát thành phố Kherson có dân số 280,000 người, khiến nơi đây trở thành thành phố lớn đầu tiên thất thủ kể từ khi một cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tuần trước (hôm 24/02).

Các phương tiện bọc thép của Nga đã xuất hiện trên những con phố vắng vẻ của Kherson, trong các video do một người dân chia sẻ với hãng thông tấn AP.

Trong khi đó, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Mariupol, ở ngoại ô của thành phố cảng chiến lược ở Biển Azov này. Các kết nối điện và điện thoại đều hầu như không còn hoạt động ở Mariupol, nơi phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nước uống.

Nga đang đẩy mạnh tấn công trên nhiều mặt trận, ngay cả khi Điện Kremlin cho biết họ đã sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc giao tranh đã khiến hơn 1 triệu người phải tị nạn.


Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moscow đã sẵn sàng đàm phán về Ukraine

Ngoại trưởng Nga nói rằng Moscow đã sẵn sàng đàm phán để chấm dứt giao tranh ở Ukraine nhưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, phái đoàn Nga đã đề ra các yêu cầu của mình cho các nhà đàm phán Ukraine vào đầu tuần này và hiện đang chờ phản hồi của Kyiv trong vòng đàm phán diễn ra hôm thứ Năm (03/03).


Tổng thống Zelensky: 16,000 tình nguyện viên ngoại quốc đến chiến đấu vì Ukraine

Hôm thứ Năm (03/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có 16,000 “tình nguyện viên” ngoại quốc đang đến Ukraine để bang trợ nước này.

Trình bày trong một bài diễn văn qua video, ông nói rằng những người lính này đang đến để bảo vệ “quyền tự do và quyền được sống”.

“Tôi chắc chắn rằng điều này sẽ thành công,” ông cho biết thêm.

Ông Zelensky cũng nghi ngờ về ý định gửi viện trợ nhân đạo đến Ukraine của Moscow, kêu gọi Nga học các cụm từ về “hoàn trả và đóng góp”.

“Các vị sẽ phải hoàn trả đầy đủ cho tất cả những gì các vị đã làm với chúng tôi, với đất nước của chúng tôi, và với mỗi người dân Ukraine,” ông nói.

Tổng thống Zelensky đã đưa ra những bình luận trên trong một thông điệp được quay bởi Văn phòng Tổng thống Ukraine. Trong thông điệp, ông nói bằng tiếng Nga với những người lính của quân xâm lược, bảo họ “hãy về nhà, về nhà của các anh.”

Với một loạt xe tăng và các phương tiện khác dường như bị đình trệ trong nhiều ngày bên ngoài thủ đô Kyiv, giao tranh vẫn tiếp diễn trên nhiều mặt trận trên khắp Ukraine.


Ngoại trưởng Lavrov: Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine cho đến cùng

Hôm thứ Năm (03/03), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông tin rằng một số nhà lãnh đạo ngoại quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh chống lại Nga và Moscow sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho “đến cùng”.

Hôm thứ Năm (03/03), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông tin rằng một số nhà lãnh đạo ngoại quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh chống lại Nga và Moscow sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine cho “đến cùng”.

Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga không có ý nghĩ nào về chiến tranh hạt nhân.

Ông cũng cho biết ông không nghi ngờ gì về việc một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ được tìm thấy và một vòng đàm phán mới sắp bắt đầu giữa các quan chức Ukraine và Nga.

Tuy nhiên, ông cho rằng cuộc đối thoại của Nga với phương Tây phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời cáo buộc NATO đang tìm cách duy trì uy thế tối cao và cho rằng Nga có rất nhiều thiện chí nhưng không thể để bất kỳ ai phá hoại lợi ích của mình.

Moscow sẽ không để Ukraine giữ cơ sở hạ tầng đe dọa Nga, ông nói.

Moscow cũng không thể dung thứ cho những gì ông nói là một mối đe dọa quân sự từ Ukraine, ông nói và cho biết thêm rằng ông tin Nga đúng trong vấn đề Ukraine.

Ông nói: “Ý nghĩ về hạt nhân liên tục xoay trong đầu các chính trị gia phương Tây nhưng không phải trong đầu người Nga. Tôi bảo đảm với quý vị rằng chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hình thức khiêu khích nào làm chúng tôi mất cân bằng.”

Ông nói, Nga không cảm thấy bị cô lập về mặt chính trị, và câu hỏi về cuộc sống của Ukraine như thế nào nên được người dân nước này xác định.


Các nhà sản xuất vaccine chuẩn bị ứng phó với những rắc rối liên quan tới Nga 

Một công ty dược phẩm của Nam Hàn sản xuất vaccine COVID-19 của Nga cho biết họ đang chuẩn bị ứng phó với những phức tạp trong kinh doanh khi phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu leo ​​thang các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mở rộng gần đây của Hoa Kỳ bao gồm các biện pháp có tính nhắm thẳng hướng đến Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga, một quỹ tài sản quốc gia do một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladmir Putin điều hành chuyên tiếp thị vaccine Sputnik trên toàn cầu.

Ông Kim Gi-young, một quan chức của công ty GL Rapha có trụ sở tại Seoul, cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ không trực tiếp cản trở việc sản xuất các mũi vaccine này vì các biện pháp này không nhằm vào các nguồn cung cấp y tế thiết yếu.

Tuy nhiên, công ty này lo ngại về các vấn đề tiềm ẩn gia tăng từ khía cạnh tài chính khi Nam Hàn tham gia cùng Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Âu Châu để loại các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu.

“Hiện tại, chúng tôi đang theo dõi tình hình diễn biến ra sao,” ông Kim nói.


UAE cho biết người Ukraine vẫn có thể nhập cảnh mà không cần thị thực

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cho biết những người mang hộ chiếu Ukraine sẽ vẫn đủ điều kiện để được cấp thị thực khi đến quốc gia vùng Vịnh này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao UAE hôm thứ Năm (03/03) được đưa ra để đáp lại việc truyền thông dẫn lời Đại sứ quán Ukraine tại UAE nói rằng quốc gia vùng Vịnh này đang áp dụng lại các yêu cầu về thị thực đối với người Ukraine và đình chỉ thỏa thuận đi lại miễn thị thực giữa hai nước.

Phụ thuộc vào xuất cảng lúa mì của Nga và Ukraine, đất nước UAE giàu năng lượng là nơi cư ngụ của khoảng 15,000 cư dân Ukraine trong số khoảng 8 triệu người ngoại quốc và 1 triệu công dân của Tiểu Vương Quốc. Trước đại dịch virus corona, khoảng 250,000 du khách Ukraine đã đến thăm UAE.

UAE, giống như các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác, không công nhận các cá nhân đào thoát khỏi chiến tranh và không cho phép người tị nạn từ Syria, Iraq, và từ các cuộc chiến tranh khác xin tị nạn hoặc tìm kiếm tái định cư.

UAE, nơi tọa lạc của các thành phố Abu Dhabi và Dubai, hồi cuối tuần trước đã bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. UAE cũng là chủ tịch của Hội đồng Bảo an.


Một thành viên của OSCE thiệt mạng trong trận pháo kích ở Kharkiv

Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu (OSCE) cho biết một trong những thành viên của họ đã thiệt mạng trong trận pháo kích ở thành phố Kharkiv của Ukraine.

Bà Maryna Fenina đã thiệt mạng khi đang đi lấy nhu yếu phẩm cho gia đình mình, OSCE cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư (02/03). Bà Fenina đã làm việc với phái đoàn giám sát của tổ chức này tại Ukraine.

Thông cáo báo chí trên cho biết: “Tại Kharkiv và các thành phố và thị trấn khác ở Ukraine, hỏa tiễn, đạn pháo, và rocket đang tấn công các tòa nhà dân cư và các trung khu thành thị, tước đi sinh mạng và làm bị thương thường dân vô tội — cả phụ nữ, đàn ông, và trẻ em.”

Chủ tịch OSCE, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau, và Tổng thư ký Helga Maria Schmid đã gửi lời chia buồn của họ.

“Chúng tôi gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất đến gia đình bà Maryna. Bà Maryna là một thành viên quan trọng của Phái đoàn Giám sát Đặc biệt (SMM), và các đồng sự của chúng tôi ở Ukraine vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình bà ấy để cung cấp sự hỗ trợ của chúng tôi,” thông cáo báo chí cho biết.

Tổ chức này đã thành lập phái đoàn giám sát ở Ukraine vào năm 2014 theo yêu cầu của chính phủ Ukraine và sự đồng thuận của 57 quốc gia thành viên. Phái đoàn này quan sát và báo cáo về tình hình Ukraine và nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại.


Thị trưởng cho biết quân đội Nga đang ở Kherson

Quân đội Nga đang ở thành phố Kherson thuộc miền nam Ukraine và tiến vào tòa nhà hội đồng thành phố, thị trưởng cho biết sau một ngày tranh cãi về việc liệu Moscow đã chiếm được thành phố lớn đầu tiên của Ukraine trong cuộc xâm lược đã kéo dài tám ngày của họ hay chưa.

Thành phố cảng Kherson ở Biển Đen, một thủ phủ của miền nam Ukraine với khoảng 250,000 dân, có vị trí chiến lược vì là nơi sông Dnipro chảy vào Biển Đen và sẽ là thành phố quan trọng đầu tiên rơi vào tay Moscow.

Sáng hôm thứ Tư (02/03), Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã chiếm được Kherson, nhưng vài giờ sau, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky trả lời rằng phía Ukraine vẫn đang cố thủ địa điểm này.

Cuối ngày thứ Tư, Thị trưởng Igor Kolykhayev cho biết quân đội Nga đã tiến vào các tuyến đường của thành phố.

“Hôm nay có những vị khách có vũ trang đến ủy ban điều hành thành phố,” ông nói trong một tuyên bố. “Tôi không hứa với họ bất cứ điều gì… Tôi chỉ yêu cầu họ không bắn người dân.”

Ông kêu gọi thường dân chỉ nên đi bộ trên các đường phố dưới ánh sáng ban ngày và theo nhóm nhỏ.


Lượng người Ukraine tị nạn vượt mức 1 triệu trong vòng 7 ngày

Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết 1 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu cách đây chưa đầy một tuần vào ngày 24/02, một cuộc di cư chưa từng có tiền lệ trong thế kỷ này vì tốc độ của nó.

Con số từ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho thấy lên tới hơn 2% dân số Ukraine đang chạy nạn trong vòng chưa đầy một tuần. Ngân hàng Thế giới thống kê dân số nước này ở mức 44 triệu người vào cuối năm 2020.

Cơ quan Liên Hiệp Quốc này đã dự đoán rằng có tới 4 triệu người cuối cùng có thể sẽ rời Ukraine nhưng cảnh báo rằng dự báo đó thậm chí còn có thể được điều chỉnh thêm lên.

Trong một thư điện tử, phát ngôn viên Joung-ah Ghedini-Williams của UNHCR cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy chúng ta đã vượt mốc 1 triệu” tính đến nửa đêm ở Trung u, dựa trên số liệu do chính phủ các quốc gia thu thập.

Trên Twitter, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn Filippo Grandi viết: “Chỉ trong bảy ngày, chúng ta đã chứng kiến ​​cuộc di cư của một triệu người tị nạn từ Ukraine sang các nước láng giềng.”


Tổng thống Biden ca ngợi việc Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hoan nghênh cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm thứ Tư (02/03) của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm yêu cầu Moscow ngừng ngay lập tức cuộc tấn công vào Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga, nói rằng điều đó “thể hiện mức độ phẫn nộ của toàn cầu trước cuộc tấn công khủng khiếp của Nga vào một nước láng giềng có chủ quyền.”

Trong một tuyên bố vào tối ngày thứ Tư (02/03), ông Biden cho biết cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc công nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “tấn công chính nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu — và tất cả những gì Liên Hiệp Quốc đại diện cho.”

Cuộc bỏ phiếu về nghị quyết có tên “Cuộc xâm lược Ukraine” cho ra kết quả 141-5, với 35 phiếu trắng.

Trình bày tại bài diễn văn Thông điệp Liên bang hôm thứ Ba (01/03), Tổng thống Biden cho biết: “Cùng nhau, chúng ta phải — và chúng ta sẽ — buộc Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Chúng ta sẽ chứng minh rằng tự do luôn chiến thắng chuyên chế.”


Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra về tội ác chiến tranh tiềm tàng ở Ukraine

Hôm thứ Tư (02/03), công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại La Haye, Hà Lan đã mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh, tội ác phản nhân loại hoặc tội diệt chủng tiềm tàng ở Ukraine kể từ năm 2013, trong đó cũng gồm xung đột do cuộc xâm lược của Nga gây nên.

Công tố viên Karim Khan cho biết ông đã bắt đầu cuộc điều tra sau khi 39 quốc gia thành viên của tòa án này yêu cầu điều tra, trong một quy trình được gọi là quy trình giới thiệu.

“Những giấy giới thiệu này cho phép Văn phòng của tôi tiến hành mở cuộc điều tra về Tình hình ở Ukraine từ ngày 21/11/2013 trở đi, do đó bao gồm mọi cáo buộc trong quá khứ và hiện tại về tội ác chiến tranh, tội ác phản nhân loại hoặc tội diệt chủng được thực hiện trên bất kỳ phần nào của lãnh thổ Ukraine bởi bất kỳ cá nhân nào,” ông Khan nói trong một tuyên bố.

Ông cho biết thêm: “Công việc của chúng tôi trong việc thu thập bằng chứng đã bắt đầu.”

Related posts