‘Tự tạo hỗn loạn’ – Toàn cảnh Olympic Bắc Kinh 2022

Thanh Tâm | DKN 6 giờ trước 50 lượt xem

Sau hàng loạt các sự kiện đáng tiếc liên tiếp xảy ra, Olympic Bắc Kinh 2022 chắc chắn sẽ được ghi nhớ là một kỳ“Thế vận hội loạn tự tạo”. (Ảnh: China Revealed – The BL)

Vậy là Thế vận hội Bắc Kinh 2022 đã kết thúc sau nửa tháng diễn ra, song ngoảnh đầu nhìn lại, đó là chặng đường đầy trắc trở, với vô vàn sự kiện náo động, gây tranh cãi và những câu hỏi hóc búa được đặt ra cho Ủy ban Olympic Quốc tế. Nỗ lực áp dụng công nghệ và những giải pháp tốn kém cũng được nêu bật, với những câu chuyện đáng buồn phía sau. Thế vận hội này đã đặt ra những bài kiểm tra nghiêm ngặt nhất cho thương hiệu Olympic.

Sau hàng loạt các sự kiện đáng tiếc liên tiếp xảy ra: từ một khởi đầu không mấy thuận lợi là hứng chịu tẩy chay ngoại giao, đến hình ảnh bi thảm bị “đưa nhầm” vào lễ khai mạc, các quốc gia dân chủ kêu gọi nhân quyền vào đúng ngày khai mạc, tiếp đến hàng loạt các tình tiết bất thường trong suốt thời gian diễn ra các cuộc thi đấu, cho tới những thiệt hại to lớn về môi trường; Olympic Bắc Kinh 2022 chắc chắn sẽ được ghi nhớ là một kỳ“Thế vận hội loạn tự tạo”.

>> Xem video trên kênh YouTube “China Revealed”:

Vạn sự khởi đầu nan

Một cuộc tẩy chay ngoại giao đúng là một khởi đầu tồi tệ cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022. Mặc dù chính quyền Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ các nước tham gia tẩy chay ngoại giao, cho rằng các nước này đang chính trị hóa thể thao, song chính Trung Quốc đã từng tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội trong một thời gian dài, cũng lại vì lý do chính trị.

Chính quyền Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị chỉ trích với cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu vực Tân Cương và gần đây là vụ việc của ngôi sao quần vợt Bành Soái, người đã tố cáo một cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ có hành vi tấn công tình dục mình lên mạng xã hội.

Mặc dù Mỹ là quốc gia đầu tiên nêu ý tưởng và có ảnh hưởng lớn đến việc tuyên bố tẩy chay ngoại giao, nhưng Litva mới là quốc gia đầu tiên xác nhận tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 12 năm ngoái. Vin-ni-út và Bắc Kinh đã có một mối quan hệ rạn nứt trong quá khứ, xuất phát từ việc công chúng Litva ủng hộ một Đài Loan tự trị, mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của họ.

Gần như ngay sau đó, vào ngày 6 tháng 12 năm 2021, chính quyền Biden thông báo rằng họ sẽ không cử phái đoàn chính thức của Hoa Kỳ đến Thế vận hội. Nhà Trắng đã đưa ra lý do tẩy chay là “nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương đang diễn ra” .

Ngày 8/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chính phủ của ông đã quyết định tham gia cuộc tẩy chay. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố sẽ không cử bất kỳ quan chức hay đại diện ngoại giao nào tới Olympic và Paralympic Bắc Kinh, tiếp đó, Bỉ, Đan Mạch, Estonia cũng tham gia tẩy chay.

New Zealand, Áo, Slovenia, Thụy Điển, Hà Lan cũng tuyên bố sẽ không cử quan chức chính phủ tới Trung Quốc, nhưng không gọi đây là hành động tẩy chay ngoại giao mà chủ yếu là do các yếu tố liên quan đến COVID-19. Hai ngày trước lễ khai mạc Thế vận hội, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông không có ý định đến Bắc Kinh dự Thế vận hội.

Ấn Độ quyết định tham gia tẩy chay vào phút chót trước lễ khai mạc Thế vận hội, sau khi biết tin người rước đuốc trong buổi lễ là một chỉ huy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã được nhận danh hiệu quân sự vì tham gia các cuộc đụng độ ở Galwan (đụng độ bạo lực với quân đội Ấn Độ). 

Arindam Bagchi, người phát ngôn chính thức Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: “Thực sự đáng tiếc khi phía Trung Quốc đã lựa chọn chính trị hóa một sự kiện như Thế vận hội”. Ông nói thêm: “Đại biện của Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh sẽ không tham dự lễ khai mạc hay bế mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022”.Kênh truyền hình thể thao Ấn Độ Doordarshan cũng dừng phát sóng các buổi lễ của Olympic theo kế hoạch trước đó.

Vụ việc dẫn đến phản ứng của Ấn Độ là một trong những ví dụ cho thấy việc Trung Quốc chỉ trích hành động chính trị hóa thể thao của các nước khác chẳng qua là “nói một đằng, làm một nẻo”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc nhân quyền của chính quyền Biden, nói rằng chúng “hoàn toàn vô căn cứ và không phản ánh sự thật”. Ông Triệu nói: “Chính trị hóa thể thao là đi ngược lại tinh thần Thế vận hội và làm tổn hại đến quyền lợi của các vận động viên từ tất cả các quốc gia”.

Ấy vậy mà, chính phía Trung Quốc lại có những hành động như chọn một vận động viên Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương và người chỉ huy có công trong xung đột biên giới với Ấn Độ làm những người cầm ngọn đuốc Olympic.

Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc dường như đã quên rằng vào năm 1952, khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quyết định mời cả Trung Quốc và Đài Loan tham dự Thế vận hội, chính ĐCSTQ đã bị kích động bởi xung đột chính trị và từ đó tẩy chay Thế vận hội trong nhiều thập kỷ. Mãi cho tới kỳ Thế vận hội Hồ Placid năm 1980, Trung Quốc mới tham dự trở lại. Rõ ràng hành động tẩy chay này của Trung Quốc xuất phát từ xung đột chính trị giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan, song có lẽ trong từ điển của ĐCSTQ, nó vẫn không thuộc định nghĩa “chính trị hóa thể thao”.

Thông điệp “bị truyền tải nhầm” trong Lễ khai mạc

Đường đến lễ khai mạc đã gian nan, nhưng trong chính buổi lễ khai mạc Thế vận hội, lại tiếp tục xảy ra một sự cố – một sự nhầm lẫn tai hại, làm giảm chất lượng buổi lễ.

Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh do đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chỉ đạo nghệ thuật, với màn trình diễn ngập tràn “hoa tuyết” mà cao trào là hình ảnh một bông tuyết khổng lồ.

“Đây là một hình ảnh xuyên suốt mà chúng tôi đã dày công thiết kế, nơi mỗi bông tuyết – mỗi quốc gia và khu vực, tụ hội về Bắc Kinh và cùng nhau kết thành bông tuyết rực rỡ nhất”. Trong một cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu đã dùng câu thơ “Yên sơn tuyết hoa đại như tịch” (tạm dịch: Núi Yên hoa tuyết to tựa chiếu) trong bài thơ 

“Bắc phong hành” của nhà thơ Lý Bạch, để thuyết minh về màn trình diễn trong lễ khai mạc Thế vận hội.

Đồng thời, trong buổi tường thuật trực tiếp lễ khai mạc, người dẫn chương trình Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đọc lại hai câu trong bài thơ này của Lý Bạch: 

“Yên sơn tuyết hoa đại như tịch,
Phiến phiến xuy lạc Hiên Viên đài”

(tạm dịch:

Núi Yên hoa tuyết to tựa chiếu
Tấm tấm rụng lấp đài Hiên Viên)

Đài Hiên Viên là tên của gò đất được cho là nơi sinh của Hoàng đế Hiên Viên. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cũng lại trích dẫn những câu thơ trên.

Tuy nhiên, như nhiều người Trung Quốc và Giáo sư gốc Hoa Chương Thiên Lượng đã chỉ ra, bài thơ này diễn tả nỗi đau đớn và bi phẫn tột cùng của người góa phụ ở U Châu tưởng nhớ chinh phu đã xả thân nơi trận mạc. Phu quân chết nơi biên ải, không người chôn cất, xương cốt phơi chốn hoang, góa phụ ước rằng hoa tuyết trên núi Yên có thể làm tấm chiếu đắp cho thi thể người chồng quá cố. Vì vậy, ý nghĩa và bối cảnh của bài thơ thật khiến người ta xót lòng.

Một điều tình cờ khác là Lý Bạch đã mượn những lời này của người góa phụ U Châu để lên án ông vua đương thời vì muốn làm lớn để ghi công to nên đã mù quáng tin tưởng vào các tướng sĩ biên cương, nhiều năm liên tục dốc hết binh lực để gây chiến, đẩy nhân dân vào bi kịch. Hình ảnh này vô tình khiến nhiều người đặt nghi vấn về động cơ tổ chức một kỳ Thế vận hội hoành tráng và tốn kém như vậy.

Song, những câu chuyện không vui trong ngày khai mạc vẫn chưa dừng lại ở đó.

Những động thái mạnh mẽ từ quốc tế trong đúng ngày khai mạc

Vào ngày 4 tháng 2, ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Hạ viện Quốc hội Anh đã bỏ phiếu về hai sửa đổi đối với Đạo luật Mô người năm 2004, cáo buộc ĐCSTQ phạm tội ác chống lại loài người như cưỡng bức mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công và dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hai sửa đổi nhằm ngăn chặn công dân Anh đồng lõa với việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng bằng cách đảm bảo rằng công dân Anh sẽ không đến các quốc gia như Trung Quốc để cấy ghép nội tạng, đồng thời ngừng các hoạt động lưu diễn trưng bày xác chết từ Trung Quốc.

Cùng ngày, Quốc hội Pháp đã ra thông báo thảo luận và biểu quyết về dự luật chống buôn bán nội tạng người, yêu cầu các cơ quan nghiên cứu y tế và sức khỏe của Pháp kiểm tra xem các đối tác ngoài châu Âu có tôn trọng các quy tắc đạo đức của Pháp hay không.

Nhà tài trợ của dự luật, Frédérique Dumas, nói rằng, ở hầu hết các quốc gia, nội tạng không rõ nguồn gốc đến từ hoạt động buôn bán trái phép của các tổ chức bất hợp pháp, nhưng ở Trung Quốc, tội phạm này được tổ chức bởi ĐCSTQ. Dự luật trích dẫn công trình nghiên cứu của nhà báo điều tra kỳ cựu Ethan Ganttman, người đã ước tính rằng có khoảng 25.000 đến 50.000 người Duy Ngô Nhĩ trẻ tuổi bị mổ cướp nội tạng mỗi năm.

AFP đưa tin rằng dự luật nêu trên đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, thật trùng hợp, lại đúng vào ngày chính thức khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Dù sao thì cuộc thảo luận này đã một lần nữa đưa vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ ra ánh sáng và thu hút sự chú ý của dư luận.

Xung quanh thời điểm diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội, hàng loạt sự kiện khác cũng thu hút sự chú ý đến vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ.

Tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã tham dự Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), điều trần về “Thế vận hội Bắc Kinh và các khía cạnh của áp bức”.

Bà Pelosi một lần nữa chỉ trích hoạt động đàn áp nhân quyền đang tiếp tục lan rộng của Bắc Kinh và kêu gọi các vận động viên không mạo hiểm lên tiếng vì điều này có thể chọc giận Bắc Kinh, gây nguy hiểm bản thân các vận động viên cũng như gia đình của họ.

Ở Đức, một sự kiện rất hy hữu cũng đã xảy ra. Các bình luận viên của Đài truyền hình ZDF đã biến buổi bình luận lễ khai mạc thành một dịp đặc biệt để chế giễu Bắc Kinh. Ví dụ, khi màn hình chiếu cảnh Tập Cận Bình và Chủ tịch IOC Thomas Bach, người dẫn chương trình Ulf Röller đã bình luận rằng ông Tập và ông Bach rất trân trọng nhau. Ông Bach có Thế vận hội trong tay còn ông Tập thì có quyền lực và tiền bạc, vậy nên hai ông “không hẹn mà gặp”.

Tại Praha, thủ đô của Séc, các nhà hoạt động nhân quyền và các nạn nhân bị xâm phạm nhân quyền, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công bị bức hại ở Trung Quốc trong hơn 20 năm, đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Praha để phản đối việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022. Những người tham gia cho biết các cuộc biểu tình nhằm vạch trần sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và thật vô lý khi thế giới cho phép một chính quyền phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người đăng cai sự kiện thể thao trọng đại này.

Trước đó, vào lúc 12 giờ sáng (GMT) ngày 28/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đưa tin, 243 tổ chức nhân quyền đã đưa ra một tuyên bố chung rằng Thế vận hội 2022 khai mạc “giữa những tội ác tàn bạo và những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác của chính phủ Trung Quốc”.

Tuyên bố kêu gọi sự chú ý đến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các nhóm sắc tộc và những người theo tôn giáo từ tất cả các nhóm tín ngưỡng độc lập, cũng như cuộc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà hoạt động nữ quyền, các luật sư, nhà báo và những nhóm khác.

Bên cạnh những hoạt động nổi bật trên, các cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội cũng liên tiếp diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới như Đài Loan, Australia, Indonesia, Philippines, Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản… trước và trong lễ khai mạc tại Bắc Kinh.

Ngoại giao Olympic: Lợi lộc và lạ lùng

Mặc dù theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, thành phần tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông tối ngày 4 tháng 2 có sự góp mặt của Thủ tướng Papua New Guinea James Marape, tuy nhiên sau đó người ta xác nhận rằng ông Marape đã được test và cho kết quả dương tính với COVID khi đến Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 2.

Có vẻ như các nhà chức trách Trung Quốc vì để tạo ra những con số ấn tượng đã bất chấp kết quả xét nghiệm của Marape, vẫn cho phép ông tiếp tục tham dự lễ khai mạc. Nếu không phải vậy, có lẽ các hãng truyền thông Trung Quốc đã ngang nhiên lừa dối dư luận.

Ngày 25/1, một tuần trước Thế vận hội, ông Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến qua video để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á, trong đó có Kazakhstan.

Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Tập đề cập đến việc Trung Quốc sẵn sàng mở cửa thị trường cho các nước Trung Á và sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ các quốc gia Trung Á. Đồng thời nước này đang lên kế hoạch cung cấp 1.200 học bổng chính phủ cho 5 quốc gia Trung Á này trong vòng 5 năm tới.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố “Trung Quốc sẽ tài trợ miễn phí 500 triệu USD cho các nước Trung Á trong 3 năm tới”.

Các nguyên thủ quốc gia của 5 nước Trung Á cho biết họ rất háo hức đón chờ được tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh tại Trung Quốc diễn ra vào tuần sau đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã hứa hẹn một loạt các khoản đầu tư lớn vào các nước Mỹ Latinh tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Trong khi vô hiệu hóa các hoạt động tẩy chay ngoại giao của Mỹ và các nước phương Tây, Trung Quốc cũng tranh thủ cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng ở “sân sau của Mỹ”.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo, trong cuộc gặp với Tổng thống Argentina Alberto Fernandez vào ngày 6 tháng 2, Chủ tịch Tập đã kêu gọi: “Hãy thúc đẩy việc thành lập một diễn đàn cho Cộng đồng Trung Quốc – các quốc gia Mỹ Latinh và cùng nhau xây dựng một Cộng đồng Trung Quốc – Latinh chung vận mệnh”.

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Argentina, Fernandez, đã đề cập đến “Tin tuyệt vời” trên tài khoản Twitter của mình và nói: “Chúng tôi đã thu hút hơn 23 tỷ USD từ đầu tư của Trung Quốc cho các dự án khác nhau”. Vốn theo khuynh hướng chính trị cánh tả, vào sáng ngày 5/2, ông Fernandez đã đến thăm Nhà tưởng niệm Mao Chủ tịch ở Quảng trường Thiên An Môn, nơi an táng thi hài của Mao Trạch Đông và chắp tay trước bụng đứng im tưởng niệm. Cùng ngày, Phủ Tổng thống Argentina đã công bố hình ảnh Tổng thống Fernandez đặt vòng hoa trước tượng Mao Trạch Đông trong phòng trước của Nhà tưởng niệm và hình ảnh ông bước ra từ lễ đài trên tài khoản Twitter chính thức.

Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso, một cựu tài phiệt có khuynh hướng trung hữu, cũng nhận được nhiều quà tặng từ Trung Quốc. Vào ngày 6, Tổng thống Lasso đã đề cập đến kết quả của các cuộc đàm phán trên Twitter của mình, nói rằng, “Chúng tôi đã quyết định bắt đầu một cuộc họp chính thức để giải quyết vấn đề nợ nần và Trung Quốc đã tặng 2,5 triệu liều vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 3-5 tuổi”.

Từ ngày 25 tháng trước đến ngày 6 tháng này, ông Tập đã gặp tổng cộng 20 lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và đại diện của các tổ chức quốc tế khác nhau.

Đáng chú ý nhất là cuộc gặp mặt của ông Tập với Tổng thống Nga Putin. Người ta nhận thấy khi ông Putin bước vào sảnh đón trong cuộc gặp với ông Tập, ông không bắt tay ông Tập nồng nhiệt như thường lệ. Điều kỳ lạ hơn nữa là Putin cũng không xuất hiện tại bữa tiệc do Tập Cận Bình tổ chức vào ngày hôm sau.

Ngày 6/2, ông Vladislav Kitayev, Vụ trưởng Vụ Lễ tân của Văn phòng Tổng thống Nga, đã đưa ra lời giải thích vì sao không có cái bắt tay nào trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo. Trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình, ông Kitayev nói rằng không có yếu tố chính trị trong vấn đề này và yêu cầu này xuất phát từ phía Trung Quốc, đây là biện pháp để phòng tránh nguy hiểm do chủng virus Corona mới gây ra. Rõ ràng, mối quan ngại đến từ Bắc Kinh chứ không phải Moscow, vốn chỉ đang hợp tác. Trong khi chính quyền Trung Quốc liên tục phô trương các thành tựu chống dịch và thổi phồng sự kinh hoàng của dịch bệnh ở phương Tây, thì động thái này của Bắc Kinh dễ khiến người ta đặt nghi vấn về hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch cũng như nỗi lo sợ virus của nhà lãnh đạo.

Theo báo chí đại lục, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, các bộ phận liên quan và doanh nghiệp của hai bên đã ký tổng cộng 15 văn kiện hợp tác liên quan đến ít nhất ba lĩnh vực quan trọng. Thứ nhất, Nga sẽ cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc trong vòng 10 năm. Thứ hai là tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc lên 25%, lên 48 tỷ mét khối mỗi năm. Thứ ba, tất cả các vùng của Nga đều có thể cung cấp lúa mì và lúa mạch cho Trung Quốc.

Những thỏa thuận này đã giúp giảm đáng kể áp lực trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Điều đặc biệt đáng chú ý là trong cuộc gặp, Putin đã đề nghị phía Trung Quốc thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng Euro, đồng tiền giúp ông tăng cường khả năng thương lượng trong các cuộc đàm phán với châu Âu, nhưng đối với Tập Cận Bình, người luôn muốn thúc đẩy toàn cầu hóa đồng Nhân dân tệ, yêu cầu đó của Putin chẳng khác nào “một gáo nước lạnh”.

Tự tạo hỗn loạn

Ngay từ tuần đầu tiên diễn ra Thế vận hội, hàng loạt tranh cãi đã nổ ra, trong đó phần lớn là do phía Trung Quốc tự tạo ra hỗn loạn và nhận phải sự chỉ trích tiêu cực của dư luận.

Vào đêm khai mạc Thế vận hội, khi hãng truyền thông Hà Lan NOS Journaal đang phát sóng trực tiếp tại Bắc Kinh, nhân viên “đeo băng đỏ” của Trung Quốc đã bất ngờ buộc phóng viên rời khỏi địa điểm bằng cách túm, xô đẩy và quát mắng người phóng viên này.

Các phóng viên có mặt tại hiện trường đã vô cùng sửng sốt và giải thích bằng tiếng Trung rằng buổi truyền hình trực tiếp đang được phát sóng, song họ vẫn không thể thoát khỏi sự cưỡng chế vô lý và tàn bạo.

Lực lượng “băng tay đỏ” rất phổ biến ở Trung Quốc đại lục và các nhà báo thường xuyên phải chịu những hành vi ngược đãi kiểu này, nhưng trong mắt người phương Tây, họ không có quyền áp bức người khác. ĐCSTQ không nên cho rằng “băng tay đỏ” là chuyện thường và có thể xuất hiện một cách đáng xấu hổ vào ngày khai mạc Thế vận hội như vậy.

Một điều lạ lùng khác là cách ĐCSTQ sắp đặt để Bành Soái xuất hiện trở lại trước công chúng trong Thế vận hội. Trước đó, mặc dù vụ việc Bành Soái vẫn chưa kết thúc, nhưng tin tức xoay quanh đã nguội dần và chính phủ Trung Quốc tiếp tục im lặng và hành xử kín đáo trong vấn đề này. Tuy nhiên, đến lúc này, ĐCSTQ đã thay đổi cách tiếp cận và chủ động quảng bá sự xuất hiện của ngôi sao quần vợt trong Thế vận hội Mùa đông.

Ngày 7/2, Bành Soái đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ báo thể thao L’Equipe của Pháp. Cô nói rằng cô đã gặp chủ tịch IOC Thomas Bach và thông báo giải nghệ. Cô một lần nữa phủ nhận việc bị Trương Cao Lệ tấn công tình dục, đồng thời khẳng định mình không hề mất tích.

Tuy nhiên, điều kiện để Bành Soái nhận lời phỏng vấn mà phía Trung Quốc đưa ra có thể nói lên rất nhiều điều. Tờ L’Equipe cho biết họ phải chấp nhận 3 điều kiện:

Thứ nhất, những câu hỏi mà L’Equipe đưa ra phải được gửi trước cho phía Trung Quốc. Thứ hai, Bành Soái chỉ được phép trả lời bằng tiếng Trung, mặc dù cô cũng thông thạo tiếng Anh, lý do là đã có một quan chức của Ủy ban Olympic Trung Quốc đảm nhận việc phiên dịch. Thứ ba, L’Equipe chỉ có thể đưa tin theo đúng từng câu chữ trong câu trả lời của Bành Soái mà không được phép điều chỉnh, bỏ sót hay giải thích thêm bất kỳ điều gì.

Một số hỗn loạn khác đến từ những sai phạm nghiêm trọng đã xảy ra trong các cuộc tranh tài. Nhật báo Phố Wall ngày 11 tháng 2 đưa tin rằng phương châm Olympic “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” đã biến thành “buồn hơn, im lặng và đáng sợ” ở Bắc Kinh. Nhiều sự kiện khác nhau tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh làm dấy lên nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang làm mọi cách để “loại bỏ” các vận động viên khác nhằm ngăn họ giành huy chương.

Một cuộc tranh chấp đã khiến tâm lý bài Trung tăng mạnh ở một quốc gia láng giềng – Hàn Quốc. “Hãy để nước chủ nhà Trung Quốc lấy hết huy chương đi, hãy để nước chủ nhà Trung Quốc lấy hết huy chương đi…”, ngày 7 tháng Hai, tờ Seoul Shinmun chỉ đăng một câu như vậy lặp lại 10 dòng trong một bài báo. Mở đầu mỗi đoạn là một câu như vậy, thể hiện sự bất bình của người dân xứ Hàn trước hành động của Trung Quốc trong Thế vận hội Mùa đông.

Trong trận bán kết nội dung 1.000 mét nam của môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn, các tuyển thủ Hàn Quốc Hwang Dae-heon và Lee June-seo lần lượt xếp thứ nhất và thứ nhì trong bảng của họ, nhưng trọng tài đã hủy kết quả với lý do cả hai đều phạm lỗi và hai vận động viên người Trung Quốc đã thay thế vị trí của họ. Ở trận chung kết, các vận động viên Trung Quốc lần lượt giành Huy chương Vàng và Bạc. Trước đó, Hwang Dae-heon của Hàn Quốc được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch.

Hiệp hội Thể thao Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo tại trung tâm truyền thông chính của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 2, nói rằng họ đã kháng cáo lên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về việc xử phạt không công bằng đối với các vận động viên Hàn Quốc và cho rằng các trọng tài đã “thiên vị”. Một lá thư kháng nghị cũng đã được gửi lên Liên minh Trượt băng Quốc tế (ISU) và một vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS). Tuy nhiên, ISU đã bác bỏ kháng nghị của Hàn Quốc.

Ngoài ra, các quan chức từ Phần Lan, Đức, Bỉ, Ba Lan và Nga cho biết các vận động viên của họ đã trải qua “cơn ác mộng” trong cái gọi là khách sạn cách ly ở Bắc Kinh, như kết nối Internet kém hoặc thậm chí không có Internet, thực phẩm kém chất lượng, không đủ khẩu phần và không có dụng cụ thể dục. Việc không được tiếp cận với các thiết bị tập luyện và khó khăn trong việc giao tiếp với các đồng đội đã trở thành rào cản lớn đối với các vận động viên đang cố gắng chuẩn bị cho các cuộc tranh tài.

CNN hôm 9/2 đưa tin Làng Olympic Bắc Kinh ngày càng hứng chịu nhiều lời phàn nàn về đồ ăn. Các vận động viên, giới truyền thông và các nhân viên đã đăng trên mạng xã hội về chất lượng thực phẩm tồi tệ và thực đơn nghèo nàn của nhà hàng.

Vận động viên người Nga Valeria Vasnetsova chẳng may bị dương tính với COVID-19, cô đã than thở rằng thức ăn trong khu cách ly ở Bắc Kinh rất nghèo nàn, 5 ngày ăn cùng một món đến phát ngán. Cô đã không thể chịu được và bị đau bụng, thậm chí ngày nào cũng khóc.

Huấn luyện viên đội trượt tuyết đổ đèo người Đức, Christian Schwaiger chỉ trích: “Đồ ăn ở Olympic rất đáng đặt nghi vấn vì nó không phải là một bữa ăn. Không có thức ăn nóng, chỉ có khoai tây chiên, một vài loại hạt và sô-cô-la, chẳng có gì khác”.

Chưa hết, một trận đấu giữa đội tuyển Trung Quốc và đội tuyển Nhật Bản tiếp tục thêm một cú bồi vào hình ảnh Olympic Bắc Kinh vốn đã vô cùng tệ hại. Trong trận đấu khúc côn cầu trên băng dành cho nữ vào ngày 6 tháng 2, bài hát kháng Nhật có tên “Bảo vệ sông Hoàng Hà” đã được phát trên sân, khiến dư luận Nhật Bản dậy sóng. Một lần nữa, “chính trị hóa thể thao” được nhắc lại, và lần này lời nhắc nhở là dành cho Trung Quốc.

Hệ thống dự báo thời tiết “100 mét, 10 phút” và tuyết nhân tạo

Chính phủ Trung Quốc đã rất nỗ lực để tạo ấn tượng tốt nhất có thể cho Thế vận hội Mùa đông khi đầu tư phát triển dự án dự báo thời tiết “100 mét, 10 phút” từ vài năm trước.

People Daily Online, tờ báo tiếng Anh của chính phủ Trung Quốc, đã đăng một bài báo vào ngày 17 tháng 2 với tiêu đề “Ứng dụng của các thành tựu khoa học công nghệ tại Thế vận hội Mùa đông phản ánh với thế giới về sức mạnh của Trung Quốc trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng”. Theo bài báo, “hệ thống dự báo thời tiết chính xác với chu kỳ theo dõi 10 phút và độ phân giải 100 mét đảm bảo cho các cuộc thi diễn ra suôn sẻ trong vùng núi của khu vực thi đấu Diên Khánh”.

Năm 2018, Trung Quốc đã khởi động một nghiên cứu đặc biệt quan trọng về “Công nghệ then chốt để dự báo điều kiện thời tiết và đảm bảo an toàn cho Thế vận hội Mùa đông”, với sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp xã hội.

Theo Ji Chongping, kỹ sư trưởng của Trạm Khí tượng Bắc Kinh, dự án ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và mất 4 năm để chế tạo 441 bộ phương tiện phát hiện ba chiều hiện đại ở Bắc Kinh, Diên Khánh, Trùng Khánh và các khu vực lân cận.

Cục khí tượng Trung ương và trạm khí tượng các tỉnh, thành phố xung quanh đã thành lập các nhóm dự báo thời tiết cho các trận đấu trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông. Nhóm dự báo của ban tổ chức đã tiến hành huấn luyện dự báo tại chỗ trong khu vực thi đấu trong 5 mùa đông liên tiếp, được họ gọi là “5 năm mài gươm”.

Nhưng trong khi dành rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đảm bảo tiến trình suôn sẻ của Thế vận hội Mùa đông, cách ứng phó của chính phủ Trung Quốc với thảm họa lũ lụt ở Trịnh Châu vào ngày 20 tháng 7 năm 2021 lại hoàn toàn gây thất vọng.

Hãy cùng xem lại bài báo đăng trên Sina.com vào ngày 21/7/2021 với tiêu đề: “Một cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống trạm khí tượng Trịnh Châu, sau đó thì sao?”, trong đó viết rằng “Cheng Xiaotiao, một thành viên của Ủy ban Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia kiêm cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Kiểm soát Lũ lụt và Giảm nhẹ Thiên tai thuộc Viện Khoa học Thủy điện và Thủy năng Trung Quốc đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với The China News Weekly rằng sẽ có mưa lớn vào thời điểm dự báo, bộ phận dự đoán thời tiết ban đầu cho rằng mưa chủ yếu sẽ tập trung ở Tiêu Tác, nhưng cuối cùng lại là Trịnh Châu, đã có chút sai lệch. Đây là sai sót khó tránh khỏi trong khoa học công nghệ khí tượng thủy văn hiện nay”.

Thật đáng tiếc, nếu tâm huyết đầu tư và phát triển hệ thống “100 mét, 10 phút” được áp dụng để bảo vệ sinh kế của người dân khỏi thiên tai thì có lẽ thảm kịch thương tâm như ở Trịnh Châu đã không xảy ra.

Đường đua Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh được xây dựng trong khu vực lõi của Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Tùng Sơn (Songshan). MarketWatch mới đây đã dẫn lời Carmen de Jong, Giáo sư thủy văn tại Đại học Strasbourg của Pháp, rằng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng đảm bảo con đường này có đủ tuyết và ở tình trạng tốt nhất. Một khẩu súng bắn tuyết đã được sử dụng để tạo ra 2,5 triệu mét khối tuyết nhân tạo cho đường đua. Lượng nước mà nó tiêu thụ tương đương với lượng nước tiêu thụ hàng năm của 12.000 người.

Theo một chuyên gia về bảo tồn nguồn nước nổi tiếng định cư ở Đức, Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), ở khu vực Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu, khí hậu tương đối khô và lượng mưa không đủ. Do tốc độ phát triển nhanh chóng của thủ đô, nguồn nước ngầm của Bắc Kinh bị tiêu thụ còn lại rất eo hẹp, chỉ đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở đô thị.

Để giảm bớt vấn đề thiếu nước của Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một động thái lớn, khởi động một dự án con của Dự án chuyển nước Nam – Bắc. Vào ngày 10 tháng 2, Vương Duy Lạc nói với The Epoch Times: “Khoảng tháng 11 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã chuyển 50 triệu mét khối nước đến Trương Gia Khẩu, một phần được trữ trong hồ chứa Mật Vân ở Bắc Kinh”.

Ông Vương ước tính rằng, với sức chứa hiện tại của hồ Mật Vân, lượng nước đủ cho Bắc Kinh sử dụng trong một năm ngay cả khi trời không mưa. Hàng nghìn hộ dân cũng đã được tái định cư để xây dựng kênh đào và phục vụ hoạt động tạo tuyết lớn nhất trong lịch sử Thế vận hội. Theo báo cáo điều tra của Business Insider ngày 30/1, Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh tiêu tốn 38,5 tỷ USD, gấp 24 lần kinh phí ban đầu là 1,6 tỷ USD. Những con dốc hẹp phủ đầy tuyết trắng cuối cùng cũng được hoàn thành trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tùng Sơn, nơi tổ chức các cuộc thi trượt tuyết đổ đèo, bao phủ diện tích hơn 1.000 sân bóng đá.

Tuy nhiên, có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tùng Sơn, bao gồm cả đại bàng vàng và các giống lan quý hiếm. Trong vài năm qua, hơn 20.000 cây xanh đã bị chặt để xây dựng khu nghỉ dưỡng trượt tuyết.

Vào ngày 25/1, BBC kênh tiếng Trung dẫn lời bà Carmen de Jong rằng điều này đã khiến khu bảo tồn thiên nhiên mất 25% diện tích lớp phủ bề mặt và “việc mất đi lớp đất mặt sẽ làm tăng đáng kể xói mòn đất, sạt lở đất, ô nhiễm nước và các nguy cơ đối với môi trường sống của động vật”. Ngoài ra, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cho dù sử dụng bất kỳ loại tuyết nào thì các dốc trượt tuyết nhân tạo cũng đều có thể làm xói mòn đất và phá hủy thảm thực vật.

Về vấn đề này, ông Vương Duy Lạc nói: “Nếu bạn sử dụng mưa nhân tạo hoặc tuyết nhân tạo để biến một khu vực khô hạn thành một khu vực ẩm ướt, thì đó không phải là làm phúc cho khu vực đó, mà là một thảm họa”, vì bản thân khu vực đó thuộc vùng bán khô hạn, quá nhiều nước sẽ phá hủy hệ sinh thái nguyên sinh.

Ông cũng chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc luôn tin rằng bàn tay con người giúp cải tạo môi trường sinh thái, song thực tế không phải như vậy. “Định nghĩa của hệ sinh thái tốt là không có sự can thiệp của con người, những loài sinh vật nguyên sơ trong khu vực này, những gì nguyên sơ, sẽ tự nó khôi phục lại”.

Vương Duy Lạc cho rằng việc đặt địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, Trương Gia Khẩu và Diên Khánh là một quyết định sai lầm. Theo ông, một vị trí tốt hơn nên là ở phía Đông Bắc, nơi có điều kiện khí hậu và nước tương đối tốt.

Ngoài ra, Đông Bắc Trung Quốc là một trong những khu vực có nền kinh tế lạc hậu nhất Trung Quốc. Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đề xuất một số kế hoạch để hồi sinh khu công nghiệp ở Đông Bắc, nhưng đã thất bại, dẫn đến một cuộc di cư ồ ạt của người dân Đông Bắc.

Ông Vương nhấn mạnh: “Nếu Thế vận hội Olympic được tổ chức ở vùng Đông Bắc, đó sẽ là động lực to lớn cho sự tái sinh của vùng Đông Bắc. Khi đó, việc đầu tư sẽ có hiệu quả cao hơn”. Theo ông, một số lượng lớn các cơ sở được xây dựng ở Bắc Kinh, Trương Gia Khẩu và Diên Khánh có khả năng ít được đưa vào sử dụng trong tương lai khi cần nhiều tuyết nhân tạo, bởi chi phí của chúng rất cao. Tuy nhiên, ông Vương cũng nói rằng, “Chính phủ Trung Quốc không bao giờ bàn về lợi ích kinh tế mà chỉ bàn về lợi ích chính trị, ngay cả vé xem các trận thi đấu cũng đem tặng”. Với việc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, Bắc Kinh đã trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới tổ chức cả Thế vận hội Mùa hè và Mùa đông.

Thế vận hội Bắc Kinh 2022 diễn ra trong một ‘vòng tròn khép kín’ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và nó cũng diễn ra phía sau Vạn Lý Trường Thành. Tuy vậy, thế giới có quyền được biết những gì đằng sau “trường thành”, bởi vì Thế vận hội không phải của riêng Trung Quốc, và ĐCSTQ cũng không nên biến nó thành một sân khấu riêng để khoa trương hình ảnh của mình với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Tác giả: Anne Walker- The BL
Thanh Tâm biên dịch

Related posts