Cập nhật tình hình chiến sự Nga-Ukraine

Logo của Deutsche Bank ở một trong những chi nhánh của họ ở Frankfurt am Main, miền tây nước Đức hôm 04/02/2021. (Ảnh: Armando Babani/AFP/Getty Images)

Deutsche Bank sẽ ngừng hoạt động ở Nga, đảo ngược hướng đi sau phản ứng dữ dội

Deutsche Bank, ngân hàng vấp phải những lời chỉ trích gay gắt từ một số nhà đầu tư và chính trị gia vì tiếp tục mối liên hệ với Nga, cho biết hôm thứ Sáu (11/03) trong một quyết định bất ngờ rằng họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại nước này.

Deutsche Bank gia nhập hàng ngũ của Goldman Sachs và JPMorgan Chase, những ngân hàng lớn đầu tiên của Hoa Kỳ rút lui sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. Những hành động đó đã tạo áp lực cho các đối thủ phải theo sau.

Deutsche Bank đã phản kháng lại áp lực cắt đứt quan hệ, cho rằng họ cần hỗ trợ các công ty đa quốc gia kinh doanh tại Nga.

Nhưng vào tối hôm thứ Sáu ở Frankfurt, ngân hàng này đã đột ngột đảo ngược hướng đi.

Ngân hàng cho biết: “Chúng tôi đang trong quá trình cắt giảm hoạt động kinh doanh còn lại của mình ở Nga trong khi trợ giúp các khách hàng đa quốc gia không phải người Nga của mình giảm bớt các hoạt động của họ.”

“Sẽ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào ở Nga,” Deutsche Bank cho hay.

Trước đó một ngày (10/03), Giám đốc Điều hành Christian Sewing của Deutsche Bank đã giải thích cho nhân viên lý do ngân hàng này không rút lui.

“Câu trả lời là điều này sẽ đi ngược lại các giá trị của chúng ta,” ông viết. “Chúng ta có những khách hàng không thể rời khỏi Nga trong một đêm.”

IAEA: Bắt đầu sửa chữa đường dây điện tại Chernobyl

Hôm thứ Sáu (11/03), Ukraine nói với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng các kỹ thuật viên đã bắt đầu sửa chữa các đường dây điện bị hư hại tại nhà máy điện Chernobyl đã ngừng hoạt động để khôi phục nguồn cung cấp điện, cơ quan hạt nhân Liên Hiệp Quốc này cho biết.

Hôm thứ Tư (09/03), các nhà chức trách Ukraine cho biết Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân 1986, đã bị đánh sập khỏi lưới điện, và đang hoạt động bằng điện dự phòng từ các máy phát điện khẩn cấp.

Theo IAEA, cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine cho biết hôm thứ Sáu rằng các công nhân đã sửa chữa một phần của đường dây, nhưng những chỗ khác có vẻ như vẫn còn hư hại. Các nỗ lực sửa chữa sẽ tiếp tục bất chấp “tình hình khó khăn” bên ngoài nhà máy này, vốn bị quân Nga chiếm giữ từ đầu cuộc xâm lược.

Cơ quan quản lý Ukraine cho biết nhiên liệu bổ sung đã được phân phối cho các máy phát điện, nhưng điều quan trọng là phải sửa đường dây điện càng sớm càng tốt. IAEA nhắc lại rằng việc ngắt kết nối “sẽ không có tác động nghiêm trọng đến các chức năng an toàn thiết yếu tại địa điểm này.”


Giám đốc viện nghiên cứu: Cơ sở hạt nhân Kharkiv an toàn nhưng chiến tranh gây ra rủi ro lớn

Hôm thứ Sáu (11/03), người đứng đầu một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở thành phố Kharkiv, miền đông bắc Ukraine cho biết nơi tọa lạc của viện này đã bị đạn pháo của Nga tấn công trong các cuộc giao tranh gần đây, nhưng cơ sở chứa nhiên liệu hạt nhân chính vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, ông cảnh báo bất kỳ thiệt hại nào trong tương lai đối với thiết bị trong cơ sở chính đều có thể gây nguy hiểm.

Ông Mykola Shulga, tổng giám đốc của Viện Vật lý và Công nghệ thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Kharkiv cho biết: “Cơ sở này nếu để trong tình trạng hoạt động bình thường thì không có bất kỳ nguy hiểm nào.”

“Tuy nhiên, nếu có thiệt hại vật chất thì có thể xảy ra rò rỉ nhiên liệu hạt nhân, các nguyên tố phóng xạ (có thể thoát ra ngoài),” ông nói với Reuters bên trong cơ sở này.

“Đây rõ ràng sẽ là một vấn đề lớn, rất lớn đối với môi trường. Nói cách khác, những gì sẽ xảy ra sẽ tương đương với điều xảy ra trong tình huống tương tự ở bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào.”

Trong khi các khu vực bên trong của viện không bị hư hại, một số bức tường bên ngoài của tòa nhà đã bị hư hại do mảnh đạn và các cửa sổ đã bị thổi bay.

Ukraine và các đồng minh lo ngại về nguy cơ mà cuộc xâm lược của Nga đặt ra đối với các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, bao gồm các nhà máy điện và trung tâm nghiên cứu.

Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, hiện nằm trong tay Nga. Trong khi giao tranh với các lực lượng Ukraine trong khu vực này, một đám cháy đã bùng phát trong một tòa nhà tại địa điểm này.


Ukraine cho biết tình hình ‘rất nguy cấp’ tại thành phố bị bao vây Mariupol 

Hôm thứ Sáu (11/03), Ukraine cho biết tình hình ở Mariupol hiện đang rất nguy cấp khi các lực lượng Nga thắt chặt vòng vây xung quanh thành phố cảng Biển Đen này và số người thiệt mạng do các cuộc pháo kích của Nga và cuộc bao vây kéo dài 12 ngày lên tới gần 1,600 người.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mariupol hiện đã bị bao vây hoàn toàn, và các quan chức Ukraine cáo buộc Nga cố tình ngăn cản dân thường ra ngoài và ngăn chặn các đoàn xe nhân đạo đi vào.

Hôm thứ Sáu, các cuộc pháo kích của Nga đã một lần nữa ngăn những người di tản rời thành phố. Trong một diễn biến khác, quân đội Nga cũng đã chặn một số xe buýt của những người đang cố gắng chạy khỏi khu vực Kyiv, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trong một bài diễn văn qua video.

Cố vấn Bộ Nội vụ Vadym Denysenko không chắc rằng nỗ lực mới nhất để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Mariupol sẽ thành công, và một nỗ lực mới để di tản dân thường dường như đã thất bại.

“Tình hình rất nguy cấp,” ông Denysenko nói.


Ukraine tuyên bố phản lực cơ của Nga bắn vào Belarus trong nỗ lực cờ giả 

Hôm thứ Sáu (11/03), các quan chức Ukraine nói rằng Belarus có khả năng đang lên kế hoạch xâm lược lãnh thổ Ukraine, cáo buộc Nga đang cố gắng lôi kéo đồng minh của họ vào cuộc xung đột.

Hôm 11/03, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cáo buộc rằng các quan chức biên giới đã thu được thông tin chi tiết cách phi cơ Nga cất cánh từ một phi trường của Belarus, băng qua Ukraine và bắn vào làng Kopani ở Belarus.

“Cơ quan Biên phòng Quốc gia nhận được thông tin rằng phi cơ Nga cất cánh từ phi trường Dubrovytsia (Belarus), đi vào lãnh thổ Ukraine, đảo qua các khu vực đông dân cư của chúng tôi ở Horodychi và Tumen, sau đó thực hiện một cuộc không kích vào khu vực đông dân cư của Kopani (Belarus),” Bộ Tư lệnh Lực lượng Phòng không cho biết trên mạng xã hội. Họ đăng một video dường như cho thấy một phần của vụ việc này.

The Epoch Times không thể xác minh tuyên bố này ngay bây giờ. Bộ Quốc phòng Nga đã không công khai phản hồi các cáo buộc.


Nga cho biết họ có đủ người mua nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi bị trừng phạt

Liên bang Nga một lần nữa đã phát đi tín hiệu là họ không cho rằng tác hại nghiêm trọng sẽ xảy đến với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của mình trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế và sự cô lập của quốc tế, cho rằng họ sẽ tiếp tục tìm người mua, ngay cả khi Âu Châu và Hoa Kỳ ngừng kinh doanh với các nhà xuất cảng dầu của Nga. 

“Chúng tôi sẽ không thuyết phục bất cứ ai mua dầu và khí đốt của chúng tôi,” Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 10/03. “Nếu họ muốn thay thế nó bằng thứ gì đó, họ được hoan nghênh, chúng tôi sẽ có thị trường cung cấp, chúng tôi đã có rồi.”

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine bằng sự phản đối kịch liệt, nhưng sự cô lập về kinh tế không phải là tất cả. Nga vẫn liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, Cuba, Venezuela, Belarus, và Syria, đồng thời nước này có thể sẽ tiếp tục giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào xuất cảng của Nga trong những năm gần đây.


Tổng thống Phần Lan thúc giục ngừng bắn trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã nói chuyện trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (11/03) với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine.

Văn phòng của ông Niinistö cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã thông báo với ông Putin rằng ông đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó trong ngày và ông Zelensky đã sẵn sàng để nói chuyện trực tiếp với ông Putin.

Tuyên bố trên cho biết ông Niinistö kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và di tản dân thường một cách an toàn, nhưng cũng nói chuyện với ông Putin về an ninh của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Ukraine.

Ông Niinistö là một trong số ít các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn thường xuyên đối thoại với ông Putin kể từ khi lãnh đạo Phần Lan này nhậm chức vào năm 2012.


Tổng thống Biden: Xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO là Đệ Tam Thế Chiến

Tổng thống Joe Biden cho rằng Hoa Kỳ và NATO nên tránh giao tranh với Nga ở Ukraine vì nó sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh của mình ở Âu Châu và gửi đi một thông điệp rất rõ ràng minh hiển. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO với toàn bộ sức mạnh của khối NATO đoàn kết và vững mạnh,” Tổng thống Biden nói sau khi ông tuyên bố thêm các hình phạt kinh tế đối với Moscow hôm thứ Sáu (11/03) từ Tòa Bạch Ốc.

Ông nói thêm, Hoa Kỳ và NATO “sẽ không gây chiến chống lại Nga ở Ukraine” bởi vì “xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga là Đệ Tam Thế Chiến, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn chặn.”


Liên Hiệp Quốc: ‘Báo cáo đáng tin cậy’ về bom, đạn chùm

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhận được “những báo cáo đáng tin cậy” rằng quân đội Nga đang sử dụng bom, đạn chùm ở Ukraine, kể cả ở những khu vực đông dân cư vốn bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế, người đứng đầu về mặt chính trị của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu (11/03) .

Phó Tổng Thư ký Rosemary DiCarlo nói trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự đang bị pháo kích ở Mariupol, Kharkiv, Sumy, và Chernihiv, và “sự phá hủy hoàn toàn xảy ra đối với những thành phố này là khủng khiếp.”

Bà cho biết, hầu hết các thương vong dân sự được văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận — 564 người thiệt mạng và 982 người bị thương tính đến hôm thứ Năm (10/03) — “là do vũ khí nổ có phạm vi tác động rộng, bao gồm pháo hạng nặng và hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng, cũng như hỏa tiễn và các cuộc không kích.”

“Các cuộc tấn công bừa bãi, bao gồm cả những cuộc tấn công sử dụng bom, đạn chùm, có tính chất công phá đối với các mục tiêu quân sự và dân thường hoặc đối tượng dân sự mà không có sự phân biệt, đều bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế,” bà DiCarlo nói. “Việc chỉ thị các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các đối tượng dân sự, cũng như cái gọi là oanh tạc khu vực ở các thị trấn và làng mạc, cũng bị cấm theo luật quốc tế và có thể cấu thành tội ác chiến tranh.”

Related posts