‘Ngày tàn’ của ông Tập Cận Bình có đẩy Trung Quốc và thế giới vào tai họa chiến tranh?

Gordon G.Chang

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm 110 năm Cách mạng Tân Hợi tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 09/10/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Khi những tài xế xe tải chiếm lĩnh thủ đô Ottawa của Canada, và làm phong bế các cửa khẩu vào Mỹ, một số người gọi đó là “cuộc nổi dậy trên toàn quốc”. Các cuộc biểu tình quần chúng đã xảy ra trên khắp thế giới dân chủ. Người dân đã chịu đựng quá đủ trong hai năm với những quy định và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khác.

Ở đất nước đông dân nhất thế giới, nơi duy trì các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt nhất thế giới thì lại không như vậy. Không có cuộc biểu tình nổi tiếng nào của người dân được biết đến ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phản đối các nỗ lực chống virus corona.

Tuy nhiên, Trung Quốc không ổn định, và ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với “Ngày tàn” của mình, như một bài luận gần đây của các nhân vật đối lập đã viết. Sự chống đối không phải ở trong xã hội nói chung mà ở cấp cao nhất của Đảng Cộng sản này. Như ông Gregory Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với Viện Gatestone thì, ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo trông có vẻ quyền lực của Trung Quốc, có “một lượng cực lớn kẻ thù trong nước.”

Ông Tập đã tạo ra sự đối kháng đó. Sau khi trở thành người cai trị Trung Quốc vào cuối năm 2012, ông Tập đã thâu tóm quyền lực từ tất cả những người khác và sau đó bỏ tù hàng chục nghìn địch thủ trong các cuộc thanh trừng, mà ông ấy gọi là chiến dịch “chống tham nhũng”.

Ông Tập cũng lợi dụng dịch bệnh này để giành lợi thế to lớn. Như ông Copley, cũng là tổng biên tập của tạp chí Chính sách Chiến lược Quốc phòng & Ngoại giao, cho thấy, “Chính sách ‘zero COVID’ của ông Tập quả thực chẳng mấy liên quan đến ngăn chặn sự lây lan của COVID mà chủ yếu để trấn áp những kẻ thù trong nước của ông ấy, cả trong quần chúng lẫn trong Đảng.”

“Số lượng cực lớn” kẻ thù này hiện đang bắt đầu phản công lại. Ông Tập là người dễ bị tấn công nhất trong việc ông chỉ huy nền kinh tế đình trệ của đất nước. Vì một điều, chiến dịch hà khắc chống COVID — xét nghiệm trên diện rộng, truy vết tiếp xúc quá kỹ càng, phong tỏa nghiêm ngặt — tất nhiên đã làm suy yếu sức tiêu thụ, thứ mà Bắc Kinh luôn rao là cốt lõi của nền kinh tế.

Bắc Kinh đang hoảng loạn, khi bổ sung thêm gần một nghìn tỷ USD tổng tín dụng mới vào tháng trước, một mức tăng kỷ lục. Các nhà kỹ trị Trung Quốc cũng trở nên lén lút, bắt đầu làm cái mà ông Andrew Collier của hãng Global Source Partners, người được nhiều người theo dõi, gọi là “kích thích mờ ám” — một sự kích thích do các chính quyền địa phương và các tổ chức của họ tạo ra, cho phép chính quyền trung ương tránh việc báo cáo chi tiêu.

Trung Quốc cần một nền kinh tế sôi động để giải quyết những khoản nợ khổng lồ, phần lớn bị tăng lên khi Bắc Kinh kích thích quá mức nền kinh tế, đặc biệt là bắt đầu từ năm 2008. Khi tính cả cái gọi là “nợ ẩn”, thì tổng số nợ của nước này lên tới đâu đó khoảng gần 350% tổng sản phẩm quốc nội.

Không lạ khi các công ty Trung Quốc hiện đang vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đến mức có thể làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc — và kéo theo cả các hệ thống tài chính và chính trị của nước này.

Trong ba thập kỷ, một nhà lãnh đạo Trung Quốc về căn bản đã miễn nhiễm với những lời chỉ trích bởi vì các nhân vật cao cấp nhất trong Đảng Cộng Sản đều tham gia vào tất cả các quyết định có tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi ông Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực thì cũng đi cùng với việc chịu trách nhiệm — nói cách khác, không có ai khác để đổ trách nhiệm. Với mọi thứ không diễn ra theo chiều hướng của Trung Quốc trong những năm gần đây, thì ông Tập, thường được gọi là “Chủ tịch của Mọi thứ”, đang hứng chịu nhiều chỉ trích.

Có những dấu hiệu cho thấy bất hòa gia tăng giữa các lãnh đạo cao cấp. Trong tín hiệu báo lâm nguy gần đây nhất, “Fang Zhou và Trung Quốc” — “Fang Zhou” [Phương Chu] là một bút danh có nghĩa là “thuyền lớn” — đã viết một bài luận dài 42,000 chữ, có tiêu đề “Đánh giá Khách quan về Tập Cận Bình”. Bài viết dài chống lại ông Tập này, được đăng hôm 19/01 trên trang 6park do Trung Quốc hậu thuẫn, có vẻ là tác phẩm của một vài thành viên trong bè phái Thượng Hải của Đảng Cộng sản này, do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đứng đầu. Phe của ông Giang đã đang liên tục công kích ông Tập và hiện đang dẫn đầu cáo buộc chống lại ông ấy.

Bài viết của Phương Chu lồng ghép những chỉ trích được phát ngôn trước đây nhưng làm một cách toàn diện. Phương lên án ông Tập đã hủy hoại nền kinh tế, cùng với những vấn đề khác.

“Ông Tập sẽ là người tạo ra thất bại của chính ông ấy,” Phương viết trong phần cuối của bài luận, trong một mục có tiêu đề “Kết cục của Tập Cận Bình” hay “Ngày tàn”. “Phong cách cai trị của ông ấy đơn giản là không bền vững; nó sẽ tạo ra những sai lầm chính sách còn mới hơn và lớn hơn.”

Phương Chu lưu ý rằng ông Tập đã có thể tận dụng lợi thế của một phe đối lập yếu ớt nhưng đã không thể đạt được nhiều thành tựu. Ông Geremie Barme của Hiệp hội Á Châu, người đã dịch bài luận này, tóm tắt tư tưởng của Phương Chu như sau: “Các chính sách của ông Tập là thụt lùi và sao chép, những thành công của ông ấy rất nhỏ và ông ấy mắc nhiều sai lầm.” Phương Chu tin rằng ông Tập “xứng đáng bị điểm dưới không.”

Ông Tập không phải là người sẽ để cho một thập niên không được điểm nào cản trở quá trình tiếp tục cai trị của mình. Các quy tắc của Đảng Cộng sản quy định ông ấy phải từ chức tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, sẽ được tổ chức vào một thời điểm nào đó trong mùa thu này nếu như truyền thống đó vẫn còn [áp dụng]. Rõ ràng ông Tập muốn có một nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba phá vỡ tiền lệ để ông ấy có thể trở thành “Kẻ độc tài Trọn đời” như một số người ngoài cuộc nhận định. Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng ông Tập sẽ có được nhiệm kỳ mới đó.

Cũng có thể. Bài luận của Phương Chu cho thấy các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản đang mạo hiểm sự ổn định bằng cách bộc lộ những bất đồng trước công chúng. Do đó, ông Tập Cận Bình giờ đây nhận ra mình đang ở trong cuộc chiến sinh tử.

Thật không may, các vấn đề của ông Tập có thể trở thành của chúng ta. Vì nhiều lý do chính trị nội bộ khác nhau, ông Tập có ngưỡng rủi ro thấp và có nhiều lý do để chọn một quốc gia nào đó để làm chệch hướng sự chỉ trích của giới lãnh đạo cao cấp và sự bất bình của người dân.

Năm 1966, Mao Trạch Đông, người cai trị đầu tiên của Trung Cộng, bắt đầu cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài cả thập niên để đánh bại các kẻ thù chính trị ở Bắc Kinh. Hiện nay ông Tập đang làm nhiều điều tương tự, đặc biệt là với chủ trương “thịnh vượng chung” của mình, một chính sách có thể đưa Trung Quốc trở lại những năm 1950.

Tuy nhiên, không giống như ông Mao, ông Tập có quyền lực đẩy thế giới vào tai họa chiến tranh, và ông ấy có lý do để đột ngột tấn công sớm.

Ông Tập đang nhắm đến Hoa Kỳ. Ngày 29/08 năm ngoái, tờ Nhân dân Nhật báo, một ấn phẩm quyền lực nhất của Trung Quốc, đã cáo buộc Mỹ tiến hành các cuộc tấn công “dã man” vào đất nước Trung Quốc. Vào ngày 21 của tháng đó, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo khổ nhỏ do Nhân dân Nhật báo kiểm soát, đã nói bóng gió rằng Hoa Kỳ đang hợp tác với “các kẻ thù” của Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tin rằng cuộc đấu tranh của họ với Hoa Kỳ là có thực – tháng 05/2019, tờ Nhân dân Nhật báo của chính quyền tuyên bố một “cuộc chiến tranh nhân dân” với Hoa Kỳ – nhưng sự thù địch này đã trở nên rõ ràng hơn nhiều trong năm vừa qua.

Chủ nghĩa chống Mỹ thâm độc cho thấy ông Tập Cận Bình đang tạo ra một lý do để tấn công nước Mỹ. Chính quyền Trung Quốc thường sử dụng phương tiện truyền thông của mình để cảnh báo trước và sau đó gửi đi tín hiệu về các hành động của họ.

Nước Mỹ hiện đã được cảnh báo.

Từ Viện Gatestone

Ông Gordon G. Chang là một viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, một thành viên Ban Cố vấn của viện, và là tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (“Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc”).

Yến Nhi biên dịch

Related posts