Frank Yue
Bắc Kinh có khả năng sẽ nới lỏng hoặc dỡ bỏ chính sách virus corona “zero [COVID] năng động” lâu nay khi Trung Quốc đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng lớn.
Theo truyền thông nhà nước, hôm 05/03, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên thay đổi ngôn từ của mình về đại dịch, từ bỏ việc nói về chính sách “zero COVID năng động” mà thay vào đó kêu gọi các quan chức của đảng phải “nắm vững điểm mấu chốt của việc ngăn chặn dịch COVID tái bùng phát trên quy mô lớn”. Ông đưa ra tuyên bố này trong một bài diễn văn trước đoàn đại biểu đến từ khu vực Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, những người đã tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – một hội nghị thường niên của cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của nước này.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể chuyển sang một chiến lược ít hà khắc hơn zero COVID.
“‘Zero COVID năng động’ là chính sách ứng phó của đất nước chúng ta trong một khoảng thời gian nhất định”, ông Tăng Quang (Zeng Guang), trưởng nhóm dịch tễ học của CDC Trung Quốc, đã viết trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc, vào ngày 27/02. “Chính sách đó không phải là vĩnh viễn bất biến.”
Mặc dù phần lớn bài đăng của ông bênh vực cho lập trường zero COVID đang diễn ra của Trung Quốc, nhưng nó dự đoán rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ từ bỏ chính sách này, bao gồm cả xét nghiệm trên diện rộng, cách ly, và phong tỏa.
“Trong tương lai không xa, [Trung Quốc] chắc chắn sẽ đưa ra lộ trình cho thấy cách chung sống với virus theo kiểu Trung Quốc vào một thời điểm thích hợp,” vị giám đốc CDC này nói thêm.
Trước đó hôm 15/02, một nhà dịch tễ học khác của CDC Trung Quốc là Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou) đã bày tỏ tại một diễn đàn do Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương tổ chức rằng, cả doanh nghiệp tư nhân lẫn người dân sẽ phải đối mặt với áp lực sinh tồn nghiêm trọng nếu chính sách này cứ kéo dài mãi. Ông nói, Bắc Kinh đang xem xét việc thay đổi chính sách zero COVID của mình khi thế giới sắp sửa đi trên con đường khôi phục lại hoàn toàn.
Ông Ngô cũng lưu ý rằng các ca nhiễm COVID-19 sẽ giảm xuống một cách tự nhiên ngay cả khi không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Lấy Ấn Độ làm ví dụ, một quốc gia đã trải qua số ca nhiễm lên tới đỉnh điểm vào tháng Tư và tháng Năm năm 2021 và sau đó chứng kiến đà giảm mạnh.
Giáo sư kinh tế Antonio Graceffo nói rằng các chính sách COVID-19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dành cho nước này rõ ràng đang hủy hoại nền kinh tế của họ và khiến cho dân chúng khổ sở. Nhà phân tích này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 03/03, “lựa chọn thông thái chính là phải kết thúc điều đó ngay bây giờ.”
Đồng thời, ông Graceffo cũng chỉ trích giới chính trị nước này vì đã đặt tên cho chính sách mới là lộ trình chung sống với virus theo kiểu Trung Quốc. Ông nói: “Bắc Kinh luôn giữ quan điểm rằng họ sẽ không đi theo những gì phương Tây làm hoặc những gì các nước khác đang làm hoặc những gì khoa học đã chứng minh.” “Họ sẽ tìm đường cho riêng mình,” ông nói về luận điệu từ giới chức của ĐCSTQ.
Nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Chia-lung) cho biết tác động của chính sách zero COVID của ĐCSTQ đối với nền kinh tế Trung Quốc là trực tiếp và rõ ràng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng đồng thời khiến cho hoạt động sản xuất chập chờn và gây ra các vấn đề xã hội khác, bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và tình trạng thất nghiệp đối với nhiều người dân Trung Quốc.
Vào khoảng ngày 02/03, các quận ở Hohhot, một địa cấp thị trong khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, được chỉ định là các khu vực có nguy cơ cao và trung bình theo sau các báo cáo về những ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Tuy nhiên, một số quận đã áp dụng lệnh phong tỏa trong khi những quận khác thì không, một người được phỏng vấn họ Phong tại Đại học Sư phạm Nội Mông nói với The Epoch Times.
“Các quan chức ĐCSTQ biết [chính sách] Zero COVID là bất khả thi,” nhà bình luận Chao Jie sống tại Nhật Bản nói với The Epoch Times. Ông nói, điều đó giải thích tại sao chính quyền địa phương đã nới lỏng thông lệ đang diễn ra ở một phần của thành phố này.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Hồng Ân biên dịch