Tại sao quốc gia Âu Châu lớn này lại đón nhận Trung Quốc?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Elysee ở Paris hôm 25/03/2019. Ông Tập đã có chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày tại Pháp, nơi ông đã ký một loạt thỏa thuận kinh tế và song phương. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images)

Vào tháng 12/2021, một số quốc gia, bao gồm cả Úc, Hoa Kỳ, và Canada, đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông mới vừa diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

Mang tính biểu trưng hơn là có ý nghĩa quan trọng, những nước này đã gửi một thông điệp gây hấn thụ động đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng). Nói một cách ngắn gọn, các hành vi vi phạm nhân quyền là không chấp nhận được. Một tuyên bố không gây tranh cãi, nhưng cần được lặp lại — một cách mạnh mẽ và có sức thuyết phục.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không quan tâm đến việc truyền tải thông điệp cụ thể này. Thay vào đó, ông ấy chọn dán nhãn cuộc tẩy chay ngoại giao này là “vô nghĩa”. Ông Macron tuyên bố Pháp không có kế hoạch tham gia cùng Úc, Hoa Kỳ, và Canada.

Tại sao như vậy?

Ông Macron ám chỉ cuộc tẩy chay này chỉ là “một biện pháp mang tính biểu trưng”. Đúng, nhưng một hành động tẩy chay, một sự phản đối nào đó, thì tốt hơn là không có gì cả. Một kiểu thông điệp nào đó cho Trung Quốc tốt hơn là không có thông điệp nào cả.

Nhưng nói thế cũng không hoàn toàn công bình cho ông Macron. Ông ấy đã gửi một thông điệp tới Trung Quốc, đại loại như sau: chúng ta hãy làm việc cùng nhau.

Ngày 03/01, như tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc đưa tin, “Trong một cuộc đối thoại kinh tế trực tuyến, Trung Quốc và Pháp cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính song phương.” Người ta nói rằng các quan chức “đã tuyên bố sẽ cộng tác trong các lĩnh vực như tài chính, năng lượng hạt nhân, hàng không và bảo vệ môi trường.” Lĩnh vực thứ tư đặc biệt nực cười khi xét thấy Trung Quốc dường như đang tận tâm hủy hoại môi trường chứ không phải là bảo vệ nó.

Theo bài báo này trên tờ Hoàn Cầu, Đối thoại Kinh tế và Tài chính Cấp cao Trung-Pháp lần thứ tám, “đã nhấn mạnh sự hợp tác thực dụng và bền bỉ giữa hai nước vào thời điểm một số quốc gia Âu Châu áp dụng một phương thức tiếp cận thù địch đối với Trung Quốc.”

Bây giờ, quý vị hãy tự hỏi, tại sao một quốc gia Âu Châu — chẳng hạn như Lithuania — lại áp dụng cách tiếp cận thù địch với một cường quốc thù địch?

Lời đáp cho câu hỏi đó rõ ràng đến nhức nhối. Một lần nữa, nói tóm lại, là không thể tin được Trung Quốc.

Một đôi cọc cạch

Như tờ Hoàn Cầu đã lưu ý, cả Pháp và Trung Quốc đã cam kết “hỗ trợ các đơn xin của các tổ chức tài chính Pháp đủ điều kiện để thành lập các công ty chứng khoán sở hữu 100% vốn [ngoại quốc] ở Trung Quốc.” Điều này chứa tất cả các yếu tố của một cuộc hôn nhân hoàn hảo ở một miền đất hứa đầy bạo ngược.

Gần đây hơn, theo một bài báo được tờ Deutsche Welle (DW) công bố hôm 24/02, tiết lộ một số cơ sở hạ tầng quan trọng trong những năm tới, Paris và Bắc Kinh có kế hoạch thâm nhập lục địa Phi châu. Chưa toại nguyện với việc khai phá thị trường Phi Châu, hai nước còn có kế hoạch thâm nhập thị trường Đông Nam Á và Đông Âu.

Như bài báo của DW nêu bật, Trung Quốc và Pháp “có kế hoạch cùng xây dựng bảy dự án cơ sở hạ tầng trị giá hơn 1.7 tỷ USD (1.9 tỷ USD) ở Phi Châu, Đông Nam Á và Đông Âu, đưa Pháp trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập cơ chế hợp tác liên chính phủ, [khai thác] thị trường bên thứ ba, với Trung Quốc.”

Các chai rượu được trưng bày trong một cửa hàng rượu vang ở Paris hôm 03/10/2019. Diễn thuyết tại Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố một thỏa thuận giữa Liên minh Âu Châu và Trung Quốc về việc bảo vệ lẫn nhau đối với các sản phẩm thực phẩm và rượu, ký ngày 06/11/2019. Trong số 26 sản phẩm của Pháp được bảo hộ là rượu Champagne, rượu vang bao gồm rượu từ các vùng Bordeaux và Burgundy, rượu Cognac và một số loại pho mát như Roquefort. (Ảnh: Kamil Zihnioglu/AP Photo)

Chúng tôi được biết những người đề xuất hy vọng rằng liên kết đối tác này “sẽ làm cho các khoản đầu tư ngoại quốc của Trung Quốc minh bạch hơn.”

Tuy nhiên, những người hoài nghi (bao gồm cả tôi), “cho rằng mối quan hệ này có thể chỉ đơn giản là cấp cho Bắc Kinh một cơ hội phát triển bề nổi khi đối mặt với xung đột ngày càng tăng với Hoa Kỳ.”

Vào giữa tháng Hai, Bắc Kinh và Paris đã ký kết Danh sách Dự án Thí điểm Hợp tác Thị trường bên thứ ba Trung-Pháp ở Vòng 4, trong đó cam kết đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài cơ sở hạ tầng, như môi trường và năng lượng tái tạo. Cần hoài nghi với mức độ đáng kể về việc ĐCSTQ có ý định giúp giảm bớt mọi lo lắng về môi trường — phần lớn là vì các cam kết về môi trường của ĐCSTQ không được giám sát kỹ lưỡng. Họ chưa bao giờ, và rất có thể là sẽ không bao giờ, [thực hiện cam kết đó].

Trong một thông cáo báo chí gần đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), một cơ quan lập kế hoạch cao cấp của Trung Quốc, cho rằng “các doanh nghiệp Pháp có lợi thế đặc biệt về sản xuất tiên tiến, bảo vệ môi trường và xây dựng kỹ thuật, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng cơ bản xây dựng, năng lượng, xây dựng thiết bị và mạng internet.”

Theo các tác giả của thông cáo báo chí này, các doanh nghiệp từ cả Trung Quốc và Pháp “bổ sung cho nhau, và có một tiềm năng rất lớn để hợp tác thị trường bên thứ ba.”

Từ Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân Quốc tế, ông Eric K. Hontz nói với tờ DW rằng vì ĐCSTQ có “sự hiện diện lớn ở nhiều khu vực Pháp ngữ,” nên “việc Trung Quốc và Pháp sẽ tìm kiếm một số hình thức hợp tác về các vấn đề cơ sở hạ tầng là hoàn toàn tự nhiên”.

Liên kết đối tác mới của Trung Quốc và Pháp sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với mối bang giao Pháp-Hoa Kỳ?

Ông Hontz không cho rằng liên minh Bắc Kinh-Paris “đánh dấu một sự thay đổi ghê gớm trong mối bang giao” giữa hai quốc gia [Pháp, Hoa Kỳ] vốn có truyền thống gần gũi. Thay vào đó, ông tin rằng liên minh giữa Paris và Bắc Kinh mang lại cho người Pháp cơ hội “tiếp tục gắn bó và đưa bản thân cũng như ngành công nghiệp của mình tiến sâu vào các thị trường này.”

Mục tiêu của Trung Quốc ở đây là gì?

Với căng thẳng leo thang giữa Liên minh Âu Châu và Trung Quốc, liệu ĐCSTQ có thể sử dụng Pháp để có được một đòn bẩy nào đó? Họ có thể sử dụng Pháp để gột rửa tai tiếng của mình?

Xét cho cùng, bằng cách hợp tác với Pháp, quốc gia thương mại lớn thứ năm trên thế giới (và thứ hai trong EU sau Đức), Trung Quốc có một đồng minh hùng mạnh, một thành viên EU đáng kính, có rất nhiều quyền lực.

Tất nhiên, những câu hỏi này, giống như hầu hết các câu hỏi quan trọng, cần có thời gian để đưa ra lời giải đáp. Tuy nhiên, khi nói đến ĐCSTQ, thì luôn tồn tại những động cơ kín đáo. Bí mật hay có mưu đồ, và không thiếu các chiêu trò đánh lạc hướng. Có vẻ như Pháp là một con tốt khác trong ván cờ địa chính trị của Bắc Kinh.

Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Yến Nhi biên dịch

Related posts