Tổng thống Biden cảnh báo ông Tập về ‘hậu quả’ nếu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho Nga

Tổng thống Joe Biden gặp gỡ trực tuyến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ Phòng Tình Huống tại Tòa Bạch Ốc, hôm 18/03/2022. (Ảnh: Tòa Bạch Ốc qua AP)

Hôm thứ Sáu (18/03), Tổng thống Joe Biden đã tổ chức một cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, sau những cáo buộc từ chính phủ Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang cân nhắc hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Tổng thống Biden đã nêu chi tiết những nỗ lực của chúng ta để ngăn chặn và sau đó đáp trả cuộc xâm lược [vào Ukraine], bao gồm cả việc áp đặt phí tổn lên Nga,” bản thông báo về cuộc điện đàm của Tòa Bạch Ốc cho biết.

“Ông ấy mô tả những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga khi nước này tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào các thành phố và dân thường Ukraine,” bản thông báo tiếp tục.

“Tổng thống nhấn mạnh sự ủng hộ của ông ấy đối với một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý về tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở, nhằm quản lý sự cạnh tranh giữa hai nước chúng ta.”

TT Biden cũng bày tỏ rằng chính sách của Hoa Kỳ về Đài Loan không thay đổi, đồng thời phản đối những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng. Cuối cùng, TT Biden và ông Tập đã giao nhiệm vụ cho các chính phủ của họ theo dõi việc thực hiện theo kết quả của cuộc gọi này và cung cấp thông tin cho nhau trong những ngày và tuần tới.

Ông Tập đã từ chối gọi cuộc chiến ở Ukraine là một “cuộc chiến tranh” trong cuộc điện đàm, thay vào đó gọi nó là một “cuộc khủng hoảng”, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc. Tân Hoa Xã đã đưa tin về một số chủ điểm trong cuộc điện đàm này ngay sau khi nó kết thúc.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải làm việc cùng nhau để “gánh vác phần trách nhiệm quốc tế của chúng ta và làm việc vì hòa bình và an ninh của thế giới,” đồng thời lưu ý rằng thế giới hiện không hòa bình cũng chẳng có an ninh, Tân Hoa Xã đưa tin.

Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo vào cùng ngày rằng TT Biden không nhận được bất kỳ bảo đảm cụ thể nào từ ông Tập là Trung Quốc sẽ hành động theo cách này hay cách khác.

Bà cũng nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh chưa đồng ý về bất kỳ chi tiết cụ thể nào liên quan đến các “hậu quả” mà Hoa Kỳ sẽ đưa ra, hoặc liệu sẽ có bất kỳ sự khác biệt nào trong phản ứng dựa trên việc Trung Quốc hỗ trợ kinh tế hay quân sự cho Nga hay không.

Bà Psaki nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể đưa ra các chi tiết cụ thể. Chúng tôi vẫn đang thảo luận [với các đồng minh G7]. Chúng tôi có một loạt các công cụ có thể được xem xét và các biện pháp trừng phạt chắc chắn là một trong những công cụ đó.”

Khi được hỏi tại sao chính phủ không cho người Mỹ biết bất kỳ chi tiết nào về cuộc thảo luận giữa ông Biden và ông Tập, bà Psaki nói rằng đó là cách “mang tính xây dựng nhất” để có một cuộc đối thoại.

Mối quan hệ Trung-Nga

Cuộc gặp trực tuyến này là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập kể từ tháng 11/2021, khi hai nhà lãnh đạo tổ chức một cuộc họp qua video kéo dài ba giờ đồng hồ. Cuộc gặp đó đã kết thúc với một thỏa thuận rằng hai nhà lãnh đạo sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán trong tương lai theo định hướng duy trì sự ổn định chiến lược.

Ngược lại, cuộc họp hôm thứ Sáu phần lớn được coi là cơ hội để ông Biden đánh giá lập trường ông Tập trong vấn đề chiến tranh Ukraine và mối quan hệ với Nga nói chung.

Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết về cuộc họp này: “Đây là cuộc trò chuyện về lập trường của Chủ tịch Tập.”

“Việc này phụ thuộc vào phía Trung Quốc để tự quyết định xem họ muốn đứng ở đâu, vị trí của họ là gì khi lịch sử đang được viết lên.”

Bà Psaki nói rằng cuộc gặp này là kết quả của cuộc đàm phán kéo dài bảy giờ đồng hồ được thực hiện tại Rome hồi đầu tuần này giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi).

Các cuộc đàm phán đó diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một bức điện ngoại giao cáo buộc ĐCSTQ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Kể từ đó, giới lãnh đạo Liên minh Âu Châu được cho là khẳng định họ đã nhìn thấy “bằng chứng rất đáng tin cậy” rằng ĐCSTQ đang cân nhắc việc gửi hỗ trợ quân sự cho Nga.

Ông Tập và Tổng thống Nga Vladamir Putin đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” hồi đầu tháng Hai, chưa đầy ba tuần trước cuộc xâm lược của Moscow. Kể từ khi đó, các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng hợp tác giữa Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục phát triển trong thập niên tới, khi hai quốc gia tìm cách làm suy yếu ưu thế của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.

Một cựu quan chức Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bị đưa vào thế đối đầu trong một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Trong khi đó, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy lực lượng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gần đây nói rằng Trung Quốc đang âm mưu phá hoại trật tự quốc tế tự do.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đối thủ cạnh tranh chiến lược có ảnh hưởng lớn nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt”, Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết hôm 09/03 khi đề cập đến chính quyền này bằng tên chính thức.

“Họ đang thực hiện một chiến dịch chuyên dụng sử dụng tất cả các hình thức sức mạnh quốc gia để cố gắng lật đổ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vì lợi ích của chính họ trước tổn thất của tất cả các nước khác.”

Các quan chức Hoa Kỳ cho rằng cuộc gặp hôm thứ Sáu giữa ông Biden và ông Tập sẽ là cơ hội để gây áp lực lên ĐCSTQ nhằm tác động đến ông Putin và ngăn chặn Nga tiếp tục sát hại và tàn phá thêm nữa ở Ukraine, nơi họ bị cáo buộc thực hiện nhiều tội ác chiến tranh và tội ác phản nhân loại.

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc nói riêng có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình với Tổng thống Putin và bảo vệ các quy tắc và nguyên tắc quốc tế mà nước này tuyên bố sẽ ủng hộ,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (17/03).

“Thay vào đó, có vẻ như Trung Quốc đang đi theo hướng ngược lại khi từ chối lên án cuộc xâm lược này trong khi tìm cách thể hiện mình là một trọng tài trung lập, và chúng tôi lo ngại rằng họ đang cân nhắc việc trực tiếp hỗ trợ thiết bị quân sự cho Nga để sử dụng ở Ukraine.”

Do đó, ông Blinken nói rằng Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu viện trợ cho cuộc chiến tranh của Nga, mặc dù ông không nói rõ những biện pháp cụ thể nào sẽ được thực hiện nếu ông Tập không tuân thủ các yêu cầu của Mỹ.

Ông Blinken nói: “Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào mà họ thực hiện để hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga, và chúng tôi sẽ không ngần ngại áp đặt các phí tổn.”

Không có câu trả lời rõ ràng nào từ phía chính phủ về những phí tổn được đề cập đó sẽ là gì.

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với giới báo chí hôm thứ Sáu về việc liệu có bất kỳ “lằn ranh đỏ” cụ thể nào mà Bắc Kinh không thể vượt qua hay có các biện pháp trừng phạt cụ thể nào có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc hay không, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jalina Porter nói rằng không có chi tiết cụ thể nào để đưa ra.

Bà Porter nói: “Chúng tôi đã khuyến khích các đồng minh và đối tác của mình tập hợp lại để lên án cuộc chiến vô nghĩa này.”

Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

An Nhiên biên dịch

Related posts