Tổng thống Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, viện trợ cho Ukraine

Nick Ciolino

Tổng thống Joe Biden khi tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương trong một hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Trụ sở NATO ở Brussels hôm 24/03/2022. (Ảnh: Evelyn Hockstein/Pool/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Năm (24/03), Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga cùng với gói viện trợ mới nhất dành cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai nước đang diễn ra.

Theo thông cáo từ Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ đang một lần nữa thêm vào danh sách các mục tiêu Nga bao gồm 400 cá nhân và tổ chức mới chịu lệnh trừng phạt “cấm hoàn toàn.” Đợt mới nhất này bao gồm 48 công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, hơn 300 thành viên của cơ quan lập pháp Nga, cũng như các thành viên hội đồng quản trị và người đứng đầu các tổ chức tài chính Nga.

Tòa Bạch Ốc cho biết cùng với thông báo của ông Biden, Nhóm Bảy (G-7) quốc gia và EU đã công bố một sáng kiến ​​nhằm ngăn chặn Nga né tránh các lệnh trừng phạt đã được đưa ra. Nỗ lực này bao gồm việc tham gia với các chính phủ khác trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự như các lệnh trừng phạt mà G-7 và các đối tác khác đã áp đặt.

G-7 và EU cũng tuyên bố sẽ chặn các giao dịch liên quan đến vàng có liên kết đến Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, nói rằng điều đó đã được quy định trong các lệnh trừng phạt hiện hành.

Chính phủ Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp thêm 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho người Ukraine và những người đã chạy khỏi nước này cũng như 320 triệu USD nhằm “hỗ trợ khả năng phục hồi của xã hội và bảo vệ nhân quyền ở Ukraine và các nước láng giềng.”

Hoa Kỳ cũng đã công bố kế hoạch tiếp nhận tới 100,000 người tị nạn Ukraine “thông qua đầy đủ các con đường hợp pháp, bao gồm cả Chương trình Tuyển sinh Người tị nạn của Hoa Kỳ.”

Các thông báo trên được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO mà ông Biden tham dự tại Brussels, Bỉ hôm thứ Năm, đánh dấu một tháng Nga xâm lược Ukraine.

Liên minh an ninh quốc tế này thông báo thành lập bốn nhóm tác chiến mới ở Slovakia, Romania, Bulgaria và Hungary, với hứa hẹn bổ sung lực lượng và năng lực trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Sáu sắp tới.

Ông Biden cho biết: “Tuyên bố chung của chúng tôi hôm nay nói rõ rằng NATO vẫn mạnh mẽ và đoàn kết hơn bao giờ hết.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt trong cuộc họp thông qua liên kết video. Ông Zelensky đã lặp lại các yêu cầu tiếp tục và tăng cường hỗ trợ an ninh của phương Tây, nhưng đáng chú ý là không có yêu cầu nào về vùng cấm bay. Theo một quan chức chính phủ cao cấp, cũng không có yêu cầu gia nhập NATO trong bài diễn thuyết của ông.

Điều này diễn ra khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở các thành phố lớn của Ukraine và một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông muốn các quốc gia “không thân thiện” bắt đầu trả tiền cho năng lượng của Nga bằng đồng rúp — một động thái có thể buộc các nước Âu Châu phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng của Nga để giúp hồi sinh đồng tiền đã suy yếu này.

Các quan chức cho biết nhiều diễn giả tại cuộc họp NATO cũng đưa ra lời kêu gọi đối với Trung Quốc để nước này không viện trợ cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine và để thực hiện đúng vai trò của mình với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ông Nick Ciolino chuyên đưa tin về Tòa Bạch Ốc.

Tịnh Nhi biên dịch

Related posts