Xây nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ, Vinfast được Biden mang ra khoe ‘thành tích chính sách’

Ngọc Minh

Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy, Cựu Giám đốc điều hành Vinfast Jim DeLuca, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc Thiết kế VinFast Dave Lyon và David Beckham chụp ảnh trong buổi ra mắt xe VinFast tại Paris Motor Show ở Parc des Expositions, Porte de Versailles, Pháp, ngày 2/10/2018. (Ảnh: Thierry Chesnot / Getty Images)

“Hôm nay, VinFast công bố sẽ xây nhà máy sản xuất xe điện và pin tại North Carolina – nhà máy 4 tỷ USD, tạo ra 7.000 việc làm. Đó là ví dụ mới nhất về chiến lược kinh tế của chúng ta đã phát huy tác dụng”, tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ @POTUS ngày 29/3 vừa qua đăng tải thông tin.

Lời cam kết ‘xanh’ từ đại gia Việt khiến Biden hân hoan

Trang thông tin chính thức của Nhà Trắng cũng cho biết, việc VinFast xây dựng nhà máy 4 tỷ USD tại Mỹ, cùng với các nỗ lực của Ford, GM và Siemens đầu tư trở lại vào Mỹ và tạo việc làm thể hiện nỗ lực của chính phủ Tổng thống Joe Biden trong việc xây dựng một nền kinh tế năng lượng sạch, xây dựng lại chuỗi cung ứng tại Mỹ và giảm chi phí cho người dân Mỹ.

Chia sẻ trên Twitter vào sáng ngày 30/3, ông Nguyễn Quốc Dũng – Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết: “Hàng nghìn mẫu ô tô điện của VinFast sẽ được sản xuất và tạo ra hàng nghìn việc làm, giúp hành tinh của chúng ta xanh hơn”.

Nhà máy của VinFast sẽ được đặt tại khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Hạt Chatham với diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.

Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ được khởi công ngay trong năm 2022 sau khi nhận được giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ được vận hành vào tháng 7/2024. Công suất giai đoạn 1 dự kiến là 150.000 xe/năm. 

Thống đốc bang Bắc Carolina, Ông Roy Cooper phát biểu: “Bắc Carolina đang nhanh chóng trở thành trung tâm của nền kinh tế năng lượng sạch. Dự án tầm cỡ của VinFast sẽ mang đến nhiều việc làm tốt cho địa phương, cũng như một môi trường trong lành hơn khi ngày càng nhiều xe điện xuất hiện trên đường phố, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.”

Bà Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu chia sẻ: “Những cam kết mạnh mẽ của Bắc Carolina về phát triển năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải biến nơi đây thành địa điểm lý tưởng để VinFast phát triển các sản phẩm xe điện cao cấp, thông minh và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, xe của VinFast sẽ đi kèm với chương trình cho thuê pin, nghĩa là chi phí của pin – phần đắt nhất của xe chạy bằng điện – không bao gồm trong giá bán xe.

Sự kiện Vinfast xây nhà máy ở Mỹ là một trong chuỗi những động thái mà chính phủ Mỹ cho rằng giúp giảm ô nhiễm môi trường, nhưng có đúng là động thái dùng xe điện thay cho xe xăng mà chính phủ Mỹ có thật sự giúp giảm ô nhiễm môi trường hay không vẫn là vấn đề đáng bàn cãi. Xe điện sẽ sử dụng lượng lớn pin lithium thay vì sử dụng xăng như các loại xe thông thường, và đáng tiếc là chúng không hề thân thiện với môi trường.

Pin điện – Ngành gây ô nhiễm kinh hoàng

Lithium là thành phần thiết yếu của pin được sử dụng trong ô tô điện và năng lượng tái tạo. Khoảng 90% lithium trên thế giới được sản xuất bởi Australia, Chile và Trung Quốc. Theo IEA, Trung Quốc thống trị lĩnh vực chế biến kim loại để sử dụng trong pin với gần 60% thị trường.

Khai thác kim loại vốn là một trong những ngành công nghiệp độc hại nhất ở Mỹ và trong số đó, sản xuất lithium là ngành gây ô nhiễm kinh hoàng nhât đối với môi trường. Khai thác lithium cần nhiều nước hơn so với khai thác sắt, coban, đồng và các vật liệu khác.

Hiện tại, các nhà sản xuất xe hơi lớn như General Motors Co., Volvo và các nhà sản xuất ô tô khác cần lithium để thực hiện lời hứa với chính quyền Biden về loại bỏ dần động cơ đốt trong. GM đã hợp tác với Công ty TNHH Tài nguyên Nhiệt có Kiểm soát để chiết xuất lithium từ biển Salton của California. Tesla có hợp đồng với Piedmont Lithium, công ty đang theo đuổi dự án North Carolina. Và Nhà Trắng coi những thỏa thuận đó là bằng chứng cho thấy các biện pháp khuyến khích năng lượng xanh của họ đang phát huy tác dụng. 

Theo IEA, sản xuất một tấn lithium cacbonat gây ra lượng khí thải cao gấp ba lần so với sản xuất một tấn thép.

Giáo sư Wu Feng tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh cho biết: “Một cục pin điện thoại 20 gam có thể gây ô nhiễm nước cho 3 bể bơi tiêu chuẩn, và nếu bị bỏ hoang trên đất, nó có thể gây ô nhiễm 1 km vuông đất trong khoảng 50 năm”.

Những loại pin này chứa các kim loại nặng như coban, mangan và niken, chúng không thể tự phân hủy.

Ông Li Yongwang, Tổng giám đốc Synfuels Trung Quốc, cho biết rằng pin của các phương tiện năng lượng mới có khả năng gây ô nhiễm hơn nhiều so với ô nhiễm khí thải của các phương tiện chạy bằng nhiên liệu.

Ông nói rằng trong khi ô nhiễm khí thải có thể được kiểm soát, việc tái chế pin năng lượng mới rất khó, chi phí cao, và sau khi tổng lượng xe điện đạt 10% tổng số xe, những vấn đề “thảm khốc” sẽ xảy ra.

Ông Cao Hongbin, một nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Quy trình của Học viện Khoa học Trung Quốc, nói rằng pin bị loại bỏ vẫn chứa điện áp cao, dao động từ 300-1000 volt. Nếu chúng không được xử lý không đúng cách trong quá trình tái chế, tháo dỡ và xử lý, nó có thể dẫn đến cháy, nổ, ô nhiễm kim loại nặng và phát thải hữu cơ, cùng nhiều thứ khác.

Nếu như vậy, việc Vinfast xây dựng nhà máy quy mô lớn ở Mỹ có khả năng nào giúp giảm ô nhiễm cho môi trường cho Mỹ hay toàn cầu?

Ngọc Minh

Related posts