Trung Quốc ‘càng quyết tâm’ tăng cường mối quan hệ với Nga giữa bối cảnh cuộc chiến Ukraine

Eva Fu

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) bắt tay Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trước một cuộc hội đàm giữa các ngoại trưởng và quan chức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 24/04/2018 . (Ảnh: Madoka Ikegami-Pool/Getty Images)

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh và Moscow đang “quyết tâm hơn” trong việc thúc đẩy mối liên hệ song phương và mở rộng hợp tác sau một cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov được tổ chức ở miền đông Trung Quốc.

Trong cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông Vương nói với Ngoại trưởng Lavrov rằng mối quan hệ Moscow-Bắc Kinh đã “chịu đựng được những thử thách mới về bất ổn quốc tế” và vẫn tiếp tục đi đúng hướng.

“Trung Quốc đang sẵn sàng hợp tác với Nga để thúc đẩy mối quan hệ Trung-Nga lên cấp độ cao hơn trong một lĩnh vực mới theo chỉ đạo của đồng thuận then chốt mà nguyên thủ hai nước đã đạt được,” ông Vương nói với ông Lavrov, theo bản tóm lược thông tin của Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Nga đã phát động cuộc tấn công vào Ukraine cách đây hơn một tháng và đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc vì hành động này khiến các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây leo thang.

Trước cuộc hội đàm này, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố một đoạn video, trong đó Ngoại trưởng Lavrov xuất hiện để đề xướng về một tầm nhìn xây dựng một trật tự thế giới mới cùng với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi, cùng với quý vị, và với những người ủng hộ chúng tôi sẽ hướng tới một trật tự thế giới đa cực, công bằng, dân chủ.”

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chiếu cảnh quay hai quan chức này chạm khuỷu tay trước những lá quốc kỳ của họ tại cuộc hội đàm ở thành phố Hoàng Sơn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai, tại cuộc hội đàm của họ ở thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc, hôm 30/03/2022. (Ảnh: STR/CCTV/AFP qua Getty Images)

Hai bên đã đồng ý tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược và lên tiếng về các vấn đề toàn cầu “với một tiếng nói thống nhất,” theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga.

“Đây là điều xảy ra khi quý vị liên tục thể hiện sự yếu kém trên vũ đài quốc tế,” Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) nói với The Epoch Times. “Các địch thủ của chúng ta đã trở nên táo bạo.”

“Những tin tức này về việc Trung Quốc và Nga quyết tâm mở rộng hợp tác trong khi ông Vladimir Putin tiếp tục tiến hành cuộc diệt chủng của mình ở Ukraine đang gây lo ngại sâu sắc.”

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” vài tuần trước cuộc xâm lược của Moscow. Kể từ sau cuộc chiến tranh này, Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc xâm lược này và tái khẳng định mối quan hệ “vững như bàn thạch” của họ với Nga, trong một lập trường được nhiều người coi là ngầm ủng hộ Moscow.

Đồng thời, trong khi từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Điện Kremlin, chế độ này đã tuyên bố sẽ tiếp tục mối quan hệ thương mại bình thường với nước này vì các lệnh trừng phạt và tẩy chay tự nguyện từ phương Tây có nguy cơ đẩy Nga vào một cuộc suy thoái sâu rộng.

Sau khi có tin tình báo của Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh đã phát tín hiệu sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế cho nỗ lực chiến tranh của Nga, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo ông Tập trong một cuộc họp trực tuyến gần đây về “những hậu quả” không xác định nếu Bắc Kinh theo đuổi đến cùng hành động đó. Mặc dù sau đó ông đã nhấn mạnh rằng ông “không hề đưa ra lời đe dọa nào”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến từ Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 15/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)

Các quan chức Trung Quốc đã từ chối trực tiếp xác nhận hoặc phủ nhận những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ viện trợ cho Nga.

“Điều hợp nhất giữa Trung Quốc và Nga là nhu cầu qua lại của cả đôi bên về nguồn tài nguyên thiên nhiên — và một mối bất bình chung đối với Hoa Kỳ,” Dân biểu Russ Fulcher (Cộng Hòa-Idaho) nói với The Epoch Times.

Nhưng ông tin rằng mối quan hệ đối tác của hai nước này sẽ không bền chặt như những gì được mô tả.

Ông nói: “Nga và Trung Quốc vẫn có những tranh chấp biên giới đáng kể và sẽ thật ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc phản đối giao dịch thương mại với nền kinh tế trị giá 21 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ để đổi lấy nền kinh tế 1.5 nghìn tỷ USD của Nga.”

Các quan chức Hoa Kỳ đã lưu ý rằng Trung Quốc dường như đang tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây, và đã cảnh báo các công ty Trung Quốc về hậu quả nặng nề nếu họ giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt. Ít nhất hai ngân hàng do Trung Quốc hậu thuẫn đã ngừng cho Nga và Belarus vay vì cuộc chiến Ukraine.

Một số nhà phân tích gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng cơ hội do sự cô lập của Moscow để làm sâu sắc thêm các liên kết kinh tế của mình với quốc gia bị ruồng bỏ này. Một bài diễn văn gần đây của một đại sứ Trung Quốc cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh có thể coi cuộc khủng hoảng này là một cơ hội.

Ông Trương Hán Huy (Zhang Hanhui), đại sứ của Trung Quốc tại Nga, đã kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc ở nước này “không được lãng phí thời gian” để điều chỉnh hoạt động của họ và “lấp đầy khoảng trống” ở thị trường Nga.

Không đề cập đến các lệnh trừng phạt đối với Moscow, ông Trương cho biết “các doanh nghiệp lớn đang đối mặt với những thách thức lớn hoặc thậm chí gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thanh toán,” một lời ám chỉ rõ ràng về việc các công ty phương Tây rời bỏ Nga.

Một hiệp hội thân Bắc Kinh ở Moscow đã dẫn lời ông nói rằng, “Đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ của chúng ta đóng một vai trò nào đó.”

Trong khi đó, hôm thứ Hai (28/03), một giám đốc điều hành hàng đầu của công ty năng lượng nhà nước Sinopec của Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục mua dầu thô và khí đốt từ Nga.

Ông Fulcher cho biết: “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tận dụng mọi lợi ích mà họ có thể đạt được từ tình huống này, nhưng sẽ tiếp tục giữ lập trường không khoan nhượng với tình hình này nhưng cũng không ủng hộ ra bên ngoài.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts