Cáo buộc của Nga về vũ khí sinh học ở Ukraine cho thấy sự nguy hiểm của thông tin sai lệch

Văn Thiện

Thông tin sai lệch của Nga, được Trung Quốc khuếch trương, đang làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể leo thang. (Ảnh: Getty Images)

Vào ngày 11/3/2022, Vasily Nebenzya, Đại sứ Liên hợp quốc của Nga, nói với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng Moscow đã phát hiện ra bằng chứng về nghiên cứu vũ khí sinh học do Mỹ tài trợ ở Ukraine. Các quan chức Mỹ bác bỏ cáo buộc đó, nói rằng Nga đã lợi dụng LHQ để truyền bá thông tin sai lệch, và cảnh báo rằng những cáo buộc đó có thể là lời cảnh báo trước về việc nước này sử dụng vũ khí sinh học.

Sau bài phát biểu của quan chức Nga vài ngày, các quan chức Trung Quốc cũng lặp lại cáo buộc đó. Một số nhân vật cánh hữu nổi tiếng ở Mỹ đã khuếch đại các cáo buộc bằng cách hiểu sai lời khai tại Thượng viện từ Bộ trưởng Ngoại giao các vấn đề chính trị Victoria Nuland về việc Mỹ hỗ trợ nghiên cứu sinh học ở Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian lặp lại những cáo buộc của các quan chức Nga rằng Mỹ đang tham gia vào việc phát triển vũ khí hóa học bất hợp pháp ở Ukraine. (Ảnh: Getty Images)

Cáo buộc của Nga là một phần trong chiến lược truyền bá thông tin sai lệch trước và trong cuộc xâm lược Ukraine. Điều này nhằm mục đích tăng cường sự ủng hộ cho cuộc chiến từ bên trong nước Nga, làm suy yếu tinh thần của người Ukraine và gieo rắc rối loạn và bất hòa ở Mỹ và châu Âu. Các tuyên bố về chiến tranh sinh học cho thấy thông tin sai lệch có những tính chất rất nguy hiểm: khó phản bác và gây ra hậu quả rất lớn.

Cờ giả, khiêu khích và thông tin sai lệch

Trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Moscow đang chuẩn bị các cuộc tấn công cờ giả, đó là các cuộc tấn công vào chính lực lượng của Nga để tạo cớ xâm lược của Ukraine. Scott Radnitz của Đại học Washington giải thích lịch sử lâu dài của các cuộc tấn công cờ giả và sự khó khăn để loại bỏ chúng trong thời đại của vệ tinh, điện thoại thông minh và Internet.

Radnitz cũng giải thích rằng các cuộc tấn công cờ giả chỉ là một trong nhiều công cụ trong bộ công cụ tuyên truyền của Nga. Các công nghệ thông tin phổ biến là mảnh đất màu mỡ cho các chiến dịch sai lệch thông tin. Ông viết: “Với sự phổ biến của các chiến dịch thông tin sai lệch, việc tạo ra một lý lẽ biện minh cho chiến tranh không đòi hỏi chi phí hoặc rủi ro thông qua hoạt động cờ giả – chứ chưa nói đến một cuộc tấn công thực sự”.

Ông viết thêm: “Khi bắt đầu xâm nhập Crimea vào năm 2014, Điện Kremlin đã sử dụng ‘các biện pháp tích cực’, bao gồm cả thông tin sai lệch và lừa dối, để ngăn chặn sự phản kháng của người Ukraine và đảm bảo sự chấp thuận trong nước. Nga và các quốc gia hậu Xô Viết khác cũng có xu hướng cáo buộc một ‘hành động là khiêu khích’, từ đó coi bất kỳ hành động quân sự nào là một phản ứng hợp lý hơn là một động thái khơi mào chiến tranh”.

Chiến tranh thông tin

Các chiến dịch thông tin sai lệch là một phần trong phương pháp chiến tranh công nghệ cao của Nga, bao gồm thu thập thông tin tình báo, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử. Justin Pelletier từ Viện Công nghệ Rochester giải thích cách thức hoạt động của các phương thức tác chiến tổng hợp này và cách Nga sử dụng chúng ở Ukraine.

Thông tin sai lệch là một phần trong chiến lược chiến tranh thông tin của Nga. Ông viết: “Có một cuộc chạy đua đang diễn ra để kiểm soát việc tường thuật về những gì xảy ra ở Ukraine”.

Có rất nhiều thông tin về Ukraine trên các phương tiện truyền thông xã hội, và phần lớn trong số đó không được xác minh hay công khai. Ông viết: “Điều này nhấn mạnh việc chắc chắn về một sự thật là khó khăn như thế nào với một lượng lớn thông tin thay đổi nhanh chóng trong một tình huống nhạy cảm, rủi ro cao như chiến tranh”.

Bản chất của thông tin sai lệch

Kate Starbird của Đại học Washington giải thích rằng sự khó khăn trong việc xác định sự thật đã được trù tính trước. Bà viết, các chiến dịch thông tin là sự pha trộn giữa sự thật, dối trá và niềm tin có thể có mục đích và chiến lược cụ thể nhưng cũng có mục đích phá hoại các xã hội dân chủ.

Bà viết: “Khái niệm thông tin sai lệch thường gợi nhớ đến những tuyên truyền dễ phát hiện được rêu rao bởi các nhà nước độc tài, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Mặc dù thông tin sai lệch phục vụ cho một chương trình nghị sự, nhưng nó thường được ngụy trang trong các sự kiện và được khởi xướng bởi những cá nhân vô tội và thường có ý nghĩa tốt”.

Bà viết: “Thông tin sai lệch có nguồn gốc từ hoạt động dezinformatsiya được các cơ quan tình báo của Liên Xô sử dụng để cố gắng thay đổi cách mọi người hiểu và giải thích các sự kiện trên thế giới. Sẽ hữu ích khi nghĩ rằng thông tin sai lệch không phải là một mẩu thông tin hay thậm chí là một câu chuyện đơn lẻ, mà là một chiến dịch, một tập hợp các hành động và tường thuật được tạo ra và lan truyền để lừa dối vì mục đích chính trị.”

Bài học từ các nước Baltic

Rất khó nhưng không phải là không thể phản bác thông tin sai lệch. Hàng chục năm chiến dịch thông tin sai lệch của Nga đã mang lại cho các quốc gia mục tiêu kinh nghiệm trong việc ứng phó. Terry Thompson của Đại học Johns Hopkins mô tả cách các quốc gia vùng Baltic đã tự bảo vệ mình trong những năm gần đây.

Latvia là nơi có Trung tâm Truyền thông Chiến lược Xuất sắc, một tổ chức của NATO chống lại ảnh hưởng của Nga, bao gồm việc công bố các báo cáo về các hoạt động thông tin sai lệch của Moscow. Thompson viết: “Nhóm ‘Yêu tinh vùng Baltic’ – những người tình nguyện theo dõi thông tin sai lệch của Nga trên Internet – đã hoạt động tích cực vào năm 2015 sau sự kiện Quảng trường Maidan ở Ukraine.

Ông viết: “Thông tin sai lệch là một phần quan trọng trong nỗ lực tổng thể của Nga nhằm làm suy yếu các chính phủ phương Tây… Các phản ứng hiệu quả nhất sẽ liên quan đến sự phối hợp giữa các chính phủ, các công ty công nghệ thương mại và ngành công nghiệp tin tức và các nền tảng truyền thông xã hội để xác định và xử lý thông tin sai lệch”.

Văn Thiện

Related posts