Biden đúng, Putin phải ra đi

New York Times

Tác giả: Bret Stephens

Trúc Lam, chuyển ngữ

5-4-2022

Vladimir Putin. Nguồn: Mikhail Svetlov/ Getty Images

Những cảnh kinh hoàng về vụ giết người hàng loạt ở ngoại ô Kyiv khiến mọi người khiếp sợ và không ai ngạc nhiên.

Sự tàn bạo đối với thường dân đã trở thành quân bài của chế độ Putin kể từ khi mới thành lập – từ vụ đánh bom chung cư ở Moscow năm 1999, các bằng chứng chi tiết đều nhắm vào Vladimir Putin và các tay sai trong cơ quan an ninh của ông ta, cho đến vụ sát hại Anna Politkovskaya, Alexander Litvinenko, Sergei Magnitsky và Boris Nemtsovnh, tới những hành động tàn bạo của Nga ở Grozny, miền đông Ukraine, Aleppo và bây giờ là Bucha.

Hầu hết, thế giới đều nhận thấy rằng, việc bào chữa để hòa hợp với Putin dễ dàng hơn là chống lại ông ta. Một ví dụ: Năm 2015, Đức nhận khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Năm 2021, con số này đã tăng lên 55%. Berlin hiện là một trở ngại ngoại giao lớn đối với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, và Đức tiếp tục mua khí đốt, dầu và than của Nga, trị giá 2 tỷ USD mỗi tháng.

Nói một cách đơn giản nhưng chính xác rằng, Đức – sau nhiều năm quyết liệt chống lại áp lực quốc tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga – thấy mình ở vị trí tài trợ cho nhà nước Nga. Đó là tiền giúp để giữ cho đồng rúp lưu hành và cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin tiếp tục hoạt động. Chắc chắn đây không thể là vai trò mà Berlin mong muốn.

Nhưng điều này đòi hỏi một sự rõ ràng về mục tiêu của phương Tây trong cuộc khủng hoảng này. Chúng ta muốn hòa bình ngay bây giờ – hoặc ít nhất là càng sớm càng tốt? Chúng ta muốn Ukraine đạt được một chiến thắng rõ rệt đối với Nga? Và chúng ta có muốn Putin ra đi không?

Lợi thế của hòa bình hiện nay – một lệnh ngừng bắn sau đó là một thỏa thuận thương lượng – là sẽ chấm dứt cả giao tranh ngay lập tức lẫn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Đây không phải là chuyện nhỏ và mọi người rất muốn thực hiện, đặc biệt nếu Putin ám chỉ một sự leo thang khiến phương Tây khiếp sợ. Một sự cám dỗ khác là, giả sử Nga phải chịu một “thất bại chiến lược”, như [ngoại trưởng Mỹ] Antony Blinken lập luận trên CNN hôm Chủ Nhật [3-4-2022] rằng, một thỏa thuận ngừng bắn sẽ là một chiến thắng cho cả Ukraine lẫn phương Tây, trong khi tạo cho Putin “hướng đi” được cho là ông ta cần tới.

Các vấn đề liên quan tới hành động này là gì? Nó sẽ củng cố hầu hết các lợi ích lãnh thổ của Nga trong chiến tranh. Nó sẽ cho phép các lực lượng Nga tiếp tục khủng bố những người Ukraine. Nó sẽ cho Putin cơ hội thể hiện với người dân trong nước rằng ông ta là người chiến thắng. Và nó sẽ cung cấp cho ông ta sự lựa chọn để khởi động lại cuộc xung đột vào một ngày nào đó trong tương lai – một phiên bản tái hiện chính xác những gì đã xảy ra sau cuộc xâm lược Ukraine đầu tiên của Nga, vào năm 2014.

Phương án thứ hai là giúp Ukraine tìm kiếm một chiến thắng quân sự mang tính quyết định. Điều đó không chỉ đơn giản là đánh lui quân Nga trong vùng lân cận của Kyiv. Điều đó cũng có nghĩa là phải quét sạch chúng ra khỏi mọi khu vực khác mà chúng đã chiếm giữ kể từ tháng 2, nếu không phải là những vùng mà Nga đã chiếm giữ vào năm 2014

Điều này đòi hỏi sẽ thêm nhiều tháng giao tranh đẫm máu, một nguy cơ nhỏ nhưng thực sự là cuộc chiến tranh rộng lớn hơn và những hậu quả kinh tế lâu dài khi cố gắng loại bỏ phương Tây khỏi việc sử dụng năng lượng của Nga. Phương án này cũng sẽ đòi hỏi phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mà nước này cần để giành được chiến thắng: Tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không tầm xa, tàu sân bay bọc thép chống mìn v.v…

Các nhà phê bình cho rằng, phương án này sẽ đặt lợi ích lâu dài của Ukraine lên trên lợi ích trước mắt của phương Tây. Nhưng phương Tây cũng quan tâm sâu sắc đến việc chứng kiến ​​Nga thua cuộc một cách dứt khoát. Điều này sẽ cứu vãn nguyên tắc, rằng các nước có chủ quyền không thể bị thay đổi bằng vũ lực. Nó sẽ ngăn chặn các hình thức tương tự của chủ nghĩa phiêu lưu, hơn hết là nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm Đài Loan. Nó sẽ khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc phi tự do lặng lẽ hoặc không lặng lẽ ủng hộ Putin, từ Tucker Carlson ở Fox News đến Marine Le Pen ở Pháp, trở lại vũng lầy của họ.

Nó cũng có thể làm suy yếu nghiêm trọng quyền lực chính trị của Putin. Để lập luận rằng, phương Tây không có hứng thú khi muốn nhìn thấy ông ta thất bại là giả vờ lần này rằng, ông ta sẽ rút mình vào một góc và mặc kệ thế giới làm gì thì làm.

Điều này mở ra câu hỏi lớn hơn về những gì phương Tây có thể làm để đẩy nhanh việc Putin rút lui. Xoay quanh chủ đề này luôn có nguy cơ bị cáo buộc vô tâm về việc tìm cách thay đổi chế độ, như thể ai đó suy tính một cách nghiêm túc việc triển khai Lực lượng Dù 82 để chiếm Điện Kremlin.

Nhưng có một loạt lựa chọn mà phương Tây chưa động đến khi nói tới Putin. Chúng ta có thể đóng băng nguồn dự trữ ngoại hối của Nga và các tài sản khác thành tài khoản ký quỹ để tái thiết cho Ukraine, cũng như tái vũ trang và tái định cư cho người tị nạn ở Ukraine. Chúng ta có thể chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của Điện Kremlin ở phương Tây bằng các chiến dịch cung cấp thông tin cho công dân Nga, đặc biệt là khi đề cập đến sự làm giàu bất chính của các nhà lãnh đạo của họ. Chúng ta có thể ấn định một ngày đầy tham vọng để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tất cả các mặt hàng năng lượng nhập khẩu của Nga. Brussels có thể mời Kyiv tham gia vào quá trình gia nhập chính thức Liên minh châu Âu như một dấu hiệu của sự đoàn kết về mặt đạo đức.

Không lựa nào trong số này có thể là viên đạn bạc khi lật đổ chế độ Putin. Nhưng các chế độ đối mặt với thất bại về quân sự, sự nghèo nàn về kinh tế và sự thống trị toàn cầu – như Liên Xô đã làm vào giữa thập niên 1980 và Argentina đã làm sau thất bại ở quần đảo Falklands – là những chế độ có khả năng sụp đổ nhất. Nhiệm vụ của chính quyền Biden là thuyết phục các đồng minh của chúng ta theo đuổi cả ba [phương án], trong khi nỗi kinh hoàng ở Bucha vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí chúng ta.

Related posts