Người dân Nga phải đối mặt với lạm phát giá lương thực

Nicholas Dolinger

Khách hàng xếp hàng cạnh quầy tại một khu chợ ở Omsk, Nga, hôm 18/02/2022. (Ảnh: Alexey Malgavko/File Photo/Reuters)

Giá lương thực ở Nga đã tăng cao đến mức vượt quá tốc độ lạm phát giá lương thực trong toàn khối phương Tây, buộc người Nga phải chi một phần cao bất thường từ thu nhập cá nhân cho lương thực khi nước này tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.

Trong nhận xét với các ký giả của Reuters, giám đốc liên lạc tại Nga của cơ quan lương thực Liên hợp Quốc nói rằng công dân Nga đang chi trung bình 40% thu nhập khả dụng của họ cho thực phẩm, cao gấp đôi tỷ lệ chi tiêu tương ứng cho thực phẩm so với trước cuộc xâm lược Ukraine.

Theo dữ liệu từ Chính phủ Nga, lạm phát giá lương thực lên đến 18.75% vào đầu tháng Tư (so với 7.5% của Liên minh Âu Châu), do các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm giảm nguồn cung cấp thực phẩm quen thuộc ở Liên bang Nga.

Trong khi Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát giá lương thực của riêng mình, phần lớn khu vực Âu Châu đang phải chịu đựng những khó khăn tương tự do hậu quả của cuộc xâm lược, khiến xuất cảng ngũ cốc chủ yếu của cả Nga và Ukraine bị cắt đứt. Ở khắp Trung Đông và Bắc Phi, bóng ma của một cuộc khủng hoảng lúa mì đã xuất hiện, vì hầu hết các quốc gia trong khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất cảng lúa mì từ hai quốc gia Đông Âu tham chiến này.

Ở Nga, lạm phát giá lương thực chỉ là một trong những triệu chứng cấp tính nhất của một nền kinh tế Nga đang bị bao vây, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù đồng rúp (tiền tệ pháp định của Nga) đã tăng trở lại từ mức thấp nhất của tháng Ba vào thời điểm hiện tại, nền kinh tế Nga đã phải chịu ảnh hưởng từ việc cắt xuất cảng của phương Tây sang nước này, cũng như việc các tổ chức tài chính phương Tây từ chối làm ăn với chính phủ Nga.

Ông Nicholas Dolinger là một ký giả kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet”.

Vân Du biên dịch

Related posts