Phong tỏa kéo dài 400 triệu dân sẽ giáng đòn mạnh vào 5 lĩnh vực kinh tế Trung Quốc

Lê Minh

Khách hàng đang lựa chọn hàng hóa tại một cửa hàng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 03/10/2021. (Ảnh: Getty Images)

Nhà máy ngừng sản xuất. Xe tải kẹt cứng trên cao tốc. Container chất đống tại các cảng. Tàu vận chuyển vẫn đang đợi dỡ hàng. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ sớm phải trả giá đắt khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết tâm dập COVID-19 bằng các đợt phong toả cực đoan.

Đã 3 tuần kể từ khi Thượng Hải phong thành. Việc đóng cửa đột ngột thành phố giàu có đóng góp đến 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm này bắt đầu từ ngày 28/03. Giới chức đã cho phép 4,8 triệu người dân được rời khỏi nhà vào hôm 12/04; nhưng phần còn lại của thành phố 25 triệu dân vẫn tiếp tục bị phong tỏa. Các ca nhiễm đạt mức cao kỷ lục hôm 14/04; do vậy việc phong tỏa sẽ không sớm được nới lỏng.

Nhiều trung tâm sản xuất và thương mại lớn khác ở Trung Quốc cũng phải ngừng mọi hoạt động. Theo ước tính của các nhà phân tích tại ngân hàng Nomura của Nhật Bản, khoảng 373 triệu người trên toàn Trung Quốc đang chịu cảnh phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, chiếm 40% lực lượng nền kinh tế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng nền kinh tế nước này, do chính sách phong tỏa, sẽ ngày càng trở nên trì trệ. Tân Hoa Xã đưa tin, ông Lý nói với các quan chức địa phương trong một cuộc hội thảo ngày 11/04: “[Chúng ta] cần phối hợp giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội”.

Các nhà kinh tế dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% đề ra cho năm nay. Họ còn lo lắng rằng nếu tiếp tục phong tỏa, các tác động có thể vượt xa ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Hôm 14/04, ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp đánh giá: “Khi nền kinh tế Trung Quốc hắt hơi, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cảm lạnh. Xu hướng này thật đáng lo ngại”.

Chip thiếu trầm trọng

Theo ngân hàng Natixis, một nửa sản lượng chip của Trung Quốc được sản xuất tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử, trong đó 10% đến từ Thượng Hải.

Tuần trước, nhiều nhà sản xuất chip cho biết việc thắt chặt kiểm soát ở Thượng Hải và Côn Sơn đã khiến các nhà máy phải ngừng hoạt động. Một quan chức tại Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan tiết lộ vào hôm 10/4 rằng khoảng 161 công ty Đài Loan ở Thượng Hải và Côn Sơn đã ra thông báo tạm thời dừng hoạt động; 41 trong số họ là các nhà sản xuất hàng điện tử.

Hôm 12/04, công ty Pegatron Corp của Đài Loan, nhà lắp ráp chủ chốt iPhone cho Apple, đã cho dừng hoạt động các nhà máy của họ ở Thượng Hải và Côn Sơn để tuân thủ yêu cầu phòng dịch COVID-19. Doanh nghiệp cho biết họ sẽ hoạt động trở lại ngay sau khi chính quyền cho phép, nhưng không đưa ra ngày cụ thể.

Unimicron Technology Corp, công ty sản xuất bảng mạch in (PCB) cho nhiều tập đoàn bao gồm Apple Inc và Intel, cũng thông báo đóng cửa nhà máy của họ ở Côn Sơn cho đến ngày hôm nay (19/04). Nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Trung Quốc phải dừng hoạt động do thiếu chip. (Ảnh: Madmaxer / Getty Images)

Ngành công nghiệp ô tô đình trệ

Các nhà sản xuất ô tô cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa. Siêu nhà máy của Tesla ở Thượng Hải vẫn chưa hoạt động trở lại. Cơ sở này của Tesla đã sản xuất hơn 65.000 ô tô trong tháng 2 và phải ngừng hoạt động kể từ ngày 28/03, theo Reuters.

Đối thủ của Tesla ở Trung Quốc, tập đoàn Nio, cho biết vào hôm 09/04 rằng một nhà máy của họ ở Hợp Phì phải ngừng hoạt động vì các nhà cung cấp cho nhà máy này ở các thành phố khác đã tạm thời đóng cửa.

“Nếu các nhà cung ứng ở Thượng Hải và ở các khu vực lân cận không tìm được cách để tiếp tục sản xuất thì vào tháng 5, có thể tất cả các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động”, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất ô tô điện Xpeng nói vào tối 14/04.

Các đợt phong tỏa của Trung Quốc cũng khiến doanh số bán ô tô tại quốc gia này sụt giảm. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho thấy, doanh số bán hàng tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới trong tháng 3 đã giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức tăng 18,7% trong tháng 2.

Tập đoàn phụ tùng ô tô khổng lồ Bosch của Đức cho biết họ đã tạm thời đóng cửa 2 địa điểm ở Thượng Hải và Trường Xuân – một thành phố phía bắc Trung Quốc bị phong tỏa từ ngày 11/03. Hai nhà máy khác của Bosch đang hoạt động với một hệ thống “khép kín”. Đại diện của Bosch thừa nhận đã có nhiều tác động tiêu cực ngắn hạn lên hậu cần và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Sản xuất gián đoạn

Theo tính toán của một tổ chức tư nhân, các hoạt động sản xuất trong tháng 3 đã bị thu hẹp với tốc độ khủng khiếp nhất kể từ tháng 2/2020 – khi chính quyền Trung Quốc mới tung ra chính sách “zero-COVID”.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Caixin, dựa trên khảo sát các công ty vừa và nhỏ, đã giảm xuống con số 48,1 trong tháng 3 sau khi tăng nhẹ trong tháng 2.

Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì dây chuyền sản xuất. Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch một nhóm doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, nói với một hãng truyền thông hôm 06/04 rằng, trong khi một vài doanh nghiệp được phép duy trì hoạt động với một hệ thống “khép kín” (công nhân ngủ và làm việc trong khuôn viên nhà máy), thì nhiều công nhân không còn muốn tiếp tục như vậy.

Vận tải ứ tắc

Bà Ernan Cui, một nhà phân tích của Gavekal, cho biết lưu lượng xe tải trên toàn Trung Quốc đã giảm 40% so với hồi giữa tháng 3. Các hoạt động ở xung quanh Thượng Hải chỉ bằng 15% mức bình thường.

Các tài xế xe tải đường dài đang cảm thấy nhức nhối. Một lái xe tiết lộ với báo chí trong nước rằng anh ấy đã mất hơn 2 tuần để giao hàng đến Thượng Hải, vốn thường chỉ mất 2 ngày. Người lái xe bị mắc kẹt trên đường cao tốc trong nhiều ngày vì tại nhiều trạm kiểm soát, anh phải xuất trình kết quả âm tính COVID-19 được thực hiện trong vòng 48 giờ. Anh cũng phải vật lộn mỗi khi đi qua các trạm kiểm soát vì mã sức khỏe trên điện thoại thông minh của anh, vốn cần phải có màu “xanh” để được thông qua, đã tự động bị vô hiệu khi đi qua các khu vực rủi ro cao.

Các phương tiện truyền thông được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn ước tính có khoảng 30 triệu tài xế xe tải bị mắc kẹt trên đường do lệnh phong tỏa.

Thời gian vận chuyển kéo dài đang ảnh hưởng xấu đến chuỗi cung ứng. Nhiều nhà khai thác tàu container cho biết các đợt phong tỏa chống COVID-19 ở Thượng Hải đã khiến hầu hết tài xế không thể lấy container ra vào cảng. 

Cảng biển tắc nghẽn

Trong khi Thượng Hải tuyên bố rằng các cảng của họ đang hoạt động bình thường với sự hỗ trợ đặc biệt, dữ liệu của Refinitiv cho thấy số lượng tàu container đang chờ ngoài khơi thành phố và ở Chu San đã tăng hơn gấp đôi – lên 118 – kể từ đầu tháng 4, gần gấp 3 lần con số một năm trước đó.

Đầu tháng 4, phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc ước tính rằng hoạt động hàng tuần tại cảng Thượng Hải, từng là nơi bận rộn nhất thế giới, đã giảm 40%. Các container hàng hóa chất đống tại cảng Yantian ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc sau khi Covid-19 bùng phát giữa các công nhân cảng hôm 22/06/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Dữ liệu chính thức công bố ngày 13/04 cho thấy hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm 0,1% – lần giảm đầu tiên kể từ tháng 08/2020.

Các chủ tàu, như tập đoàn Maersk, khuyến nghị khách hàng chuyển hướng các chuyến hàng từ cảng Thượng Hải sang các điểm đến khác ở Trung Quốc; tuy vậy giới phân tích không mấy lạc quan về khuyến nghị này.

Các nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính BBVA cho biết: “Nếu cảng Thượng Hải ngừng hoạt động, rất khó để các cảng lân cận bù đắp nổi, vì công suất hoạt động của cảng Thượng Hải là quá lớn. Đến lúc đó, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trực tiếp cảm nhận được tác động xấu từ việc phong tỏa Thượng Hải”.

Ông Tập vẫn kiên trì theo đuổi zero-COVID

Nhà kinh tế trưởng tại ING, ông Iris Pang, cho biết trong một thông báo hôm 07/04, nếu tình trạng phong tỏa kéo dài đến tháng 4, Thượng Hải sẽ bị thiệt hại 6% GDP – tương đương mức thiệt hại 2% GDP của cả nước.

ING đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho năm 2022 từ 4,8% xuống còn 4,6%.

Theo một ghi chú hôm 30/03, ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp cho biết sự kiên định của chính quyền Bắc Kinh đối với zero-COVID “chắc chắn sẽ tạo ra cơn gió ngược phả vào tăng trưởng kinh tế vốn đã giảm tốc [của Trung Quốc]”.

Đối mặt với tình hình này, hôm 13/04, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình vẫn tái khẳng định việc theo đuổi chính sách zero-COVID, mặc dù các biện pháp phong tỏa cực đoan cho đến nay vẫn chưa thể khống chế được các đợt bùng phát Omicron. Trong khi đó, các hạn chế hà khắc đang châm ngòi cho ‘quả bom’ tức giận ở Thượng Hải; từ đó đặt ra một bài kiểm tra đối với ông Tập – người đang khao khát nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm nữa.

Ông Tập nói với các quan chức trong một chuyến thị sát tới Hải Nam: Không được nới lỏng công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, cần phải vượt qua mệt mỏi và lười biếng. Kiên trì là chiến thắng.

Nhưng dân thường Trung Quốc hẳn đã thấy vô cùng mệt mỏi.

Ông Chen Xin, người điều hành một xưởng thêu tư nhân ở tỉnh Quảng Đông, cho biết kể từ cuối tháng 3, ông đã không thể giao khoảng 70-80% đơn đặt hàng vì khách hàng không thể nhận được. “Tình hình hiện nay là, tác động của chính sách còn lớn hơn cả tác động của dịch bệnh”, ông nói.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Related posts