Phòng thí nghiệm Vũ Hán được phép tiêu hủy ‘các tệp tin mật’ khi hợp tác với phòng thí nghiệm Mỹ

Eva Fu

Ảnh chụp từ trên cao phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 17/04/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Một tài liệu pháp lý tiết lộ rằng Viện Virus học Vũ Hán (WIV) có quyền yêu cầu cộng sự của mình, một phòng thí nghiệm Hoa Kỳ tiêu hủy tất cả dữ liệu phát sinh từ công trình hợp tác giữa họ.

Một biên bản ghi nhớ (MOU) cho sự hợp tác này, được ký kết giữa WIV và Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston tại Trường Y Đại học Texas (UTMB), buộc các bên trong số hai phòng thí nghiệm này phải xóa “các tệp tin mật” hoặc các tài liệu theo yêu cầu của bên còn lại.

“Một bên được quyền yêu cầu bên kia tiêu hủy và/hoặc hoàn trả lại các tệp, tài liệu, và thiết bị mật mà không được lưu trữ bất kỳ bản sao lưu nào,” biên bản ghi nhớ do tổ chức “U.S. Right to Know” (“Quyền được Biết của Người dân Hoa Kỳ”) thu được ghi rõ. Right to Know là một tổ chức bất vụ lợi chuyên điều tra nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, thông qua yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA).

Biên bản ghi nhớ này tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa hai phòng thí nghiệm. Biên bản này được ký kết vào năm 2017 và có hiệu lực đến tháng 10 năm nay. Nhưng thỏa thuận nêu rõ, các điều khoản bảo mật sẽ vẫn ràng buộc ngay cả sau khi thời hạn 5 năm của thỏa thuận này hết hiệu lực.

Tài liệu này tiếp tục định nghĩa rộng hơn về những tài liệu nào được coi là “mật”, tạo điều kiện cho tất cả các tài liệu và dữ liệu từ bất kỳ sự hợp tác nào bị yêu cầu tiêu hủy.

“Tất cả các tài liệu hợp tác và trao đổi, mọi chi tiết và dữ liệu sẽ được các bên xem là thông tin mật,” biên bản ghi nhớ nêu rõ.

WIV đã trở thành tâm điểm tranh cãi do ngày càng có nhiều đồn đoán rằng virus COVID-19, hiện đã lấy đi sinh mạng hàng triệu người trên toàn cầu, có thể đã bị rò rỉ từ cơ sở này. Phòng thí nghiệm trên đã phủ nhận các cáo buộc, tuy nhiên Bắc Kinh đã ngăn chặn các nhà điều tra quốc tế lấy dữ liệu và hồ sơ từ cơ sở này, do đó đã ngăn cản tất cả các cuộc điều tra có ý nghĩa vào giả thuyết này.

WIV và Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston chính thức tuyên bố hợp tác vào năm sau để “hợp lý hóa các hoạt động hợp tác thường nhật và nghiên cứu khoa học trong tương lai về các mầm bệnh nguy hiểm,” theo một thông báo chung trên tạp chí Science.

Các chuyên gia cho biết các điều khoản về việc xóa dữ liệu trong biên bản ghi nhớ đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo và có thể cấu thành một hành vi vi phạm pháp luật.

“Thành thật mà nói, điều khoản này hết sức chấn động,” ông Reuben Guttman, một cộng sự tại công ty luật Guttman, Buschner & Brooks PLLC, người tập trung vào việc bảo đảm tính liêm chính của các chương trình của chính phủ, nói với tổ chức Right to Know. “Bất kể khi nào tôi nhìn thấy một tổ chức công, tôi sẽ đều rất lo lắng về việc tiêu hủy hồ sơ.”

“Quý vị không thể chỉ nói một cách bâng quơ rằng ‘Chà, ông biết đấy, người Trung Quốc có thể cho chúng ta biết khi nào thì nên tiêu hủy tài liệu.’ Việc này không hoạt động theo cách đó,” ông nói thêm. “Cần phải có một quy trình tổng thể.”

Ông Christopher Smith, một phát ngôn viên của Trường Y Đại học Texas (UTMB), nói với tổ chức Right to Know rằng phòng thí nghiệm này được “Viện Y tế Quốc gia xây dựng để giúp chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.”

“Là một tổ chức được chính phủ tài trợ, UTMB phải tuân thủ các nghĩa vụ của luật thông tin công cộng hiện hành, bao gồm cả việc lưu giữ tất cả các tài liệu về nghiên cứu và các phát hiện của mình.”

The Epoch Times đã liên lạc với UTMB và phòng thí nghiệm Galveston.

Phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán sau một hàng rào trong chuyến thăm của một nhóm thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được giao nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của căn bệnh do virus corona (COVID-19) gây ra, ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 02/03/2021. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters)

Chịu sự giám sát

Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston là một trong hai phòng thí nghiệm an toàn sinh học cao cấp nhất tại Hoa Kỳ tọa lạc trong trường đại học. Phòng thí nghiệm này bắt đầu hợp tác với WIV vào năm 2013, sự hợp tác bao gồm việc đào tạo các nhà khoa học của WIV và thực hiện các chương trình nghiên cứu chung. Giám đốc đương thời của phòng thí nghiệm Galveston, ông James Le Duc, người đã về hưu vào năm ngoái (2021), từng thực hiện nhiều chuyến thăm tới WIV trong nhiều năm.

Phòng thí nghiệm Galveston cũng là một trong những phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới nhận được mẫu SARS-CoV-2 (virus gây ra COVID-19) từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gần ba tuần sau khi ông Le Duc thúc giục các cộng sự Trung Quốc của mình chia sẻ dữ liệu.

Những tiết lộ trong biên bản ghi nhớ năm 2017 dường như mâu thuẫn với tuyên bố từ các nhà khoa học của WIV, rằng họ sẽ không bao giờ xóa bỏ các thông tin nghiên cứu quan trọng.

Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), người đứng đầu Trung tâm các Bệnh truyền nhiễm Mới nổi thuộc WIV, đã mô tả các cáo buộc về việc phòng thí nghiệm của bà xóa những dữ liệu như vậy là “vô căn cứ và khủng khiếp.”

“Ngay cả khi chúng tôi đưa cho họ tất cả hồ sơ, họ vẫn sẽ nói rằng chúng tôi đã che đậy điều gì đó hoặc chúng tôi đã tiêu hủy bằng chứng,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Hai với tạp chí MIT Technology Review.

Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ bên trong phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 23/02/2017. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Tháng 09/2019, vài tháng trước khi một số nhà nghiên cứu của họ được cho là mắc bệnh với các triệu chứng tương tự COVID, viện nghiên cứu này đã gỡ bỏ cơ sở dữ liệu chính về các mẫu virus của họ ra khỏi nguồn dữ liệu trực tuyến.

Các tiêu chuẩn an toàn của phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng đã thu hút sự giám sát chặt chẽ kể từ khi đại dịch bùng phát ở thành phố này. Đoạn phim từ năm 2017 cho thấy một số nhà nghiên cứu từ cơ sở này đang cho một con dơi ăn nhưng chỉ đeo mỗi găng tay phẫu thuật và chí ít đã có một nhà nghiên cứu chỉ đeo kính mắt thông thường và khẩu trang phẫu thuật khi ra ngoài thu thập các mẫu từ dơi.

Tháng 04/2020, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc điều tra về mối quan hệ của Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston với phòng thí nghiệm Vũ Hán. The Epoch Times đã liên lạc với bộ để yêu cầu bình luận.

Cũng trong tháng Tư, ông Le Duc yêu cầu bà Thạch xem xét bản thảo tóm tắt mà ông chuẩn bị cho trường đại học và các nhân viên của Quốc hội đang điều tra về vấn đề này.

“Vui lòng xem xét cẩn thận và thực hiện bất kỳ thay đổi nào mà bà mong muốn. Tôi cần điều này càng chính xác càng tốt và tôi chắc chắn không muốn xuyên tạc bất kỳ đóng góp quý giá nào của bà,” ông viết trong một thư điện tử gửi cho bà Thạch mà tổ chức Right to Know thu được. Trước đó một ngày bà Thạch đã từ chối trò chuyện với ông Le Duc qua điện thoại “ do tình hình phức tạp,” nhưng khẳng định rằng virus “không phải là một rò rỉ từ phòng thí nghiệm của chúng tôi hay bất kỳ phòng thí nghiệm nào khác.”

Ông Smith, giám đốc quan hệ truyền thông của UTMB, đã nói với tổ chức điều tra này rằng “thông tin mà Tiến sĩ Le Duc cần Tiến sĩ Thạch xem xét là mô tả lại nghiên cứu của bà ấy về virus corona để ông có thể hiểu được.”

Dù vậy, trong thư từ qua lại với những người khác, ông Le Duc thừa nhận rằng ông xem tai nạn trong phòng thí nghiệm là một nguồn có thể gây ra đại dịch.

“Chắc chắn có khả năng rằng một vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm là nguồn gốc của dịch bệnh và tôi cũng đồng ý rằng chúng ta không thể tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc,” ông viết vào hôm 10/04/2020, theo một thư điện tử khác mà tổ chức này có được.

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts