Trung Quốc giành quyền tiếp cận Vịnh Bengal

Antonio Graceffo

Các chiến hạm của Trung Quốc, Nga và Iran tiến hành một cuộc diễn tập quân sự chung ở Ấn Độ Dương hôm 21/01/2022. (Ảnh: Văn phòng quân đội Iran/AFP via Getty Images)

Hoa Kỳ và Ấn Độ nên hợp tác để chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Hoa Kỳ và Ấn Độ đang bị đe dọa vì chính quyền Trung Quốc sắp giành quyền tiếp cận một cảng ở Ấn Độ Dương, nước này đang trên đà đạt được mục tiêu kiểm soát biển vào năm 2030 và ưu thế hải quân vào năm 2049.

ĐCSTQ có một lịch sử lâu dài trong việc lách các biện pháp trừng phạt để hỗ trợ các nhà cầm quyền quân sự của Miến Điện (còn gọi là Myanmar). Các khoản hỗ trợ thậm chí còn cao hơn nhờ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC), một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) chạy từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến một cảng của Miến Điện trên Ấn Độ Dương.

CMEC sẽ cho phép Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) xâm phạm lãnh thổ của Ấn Độ ở Vịnh Bengal. CMEC cũng sẽ cho phép các chuyến hàng chở dầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tránh Eo biển Malacca, nơi mà Hạm đội 7 Hoa Kỳ tuần tra. Mặc dù Hoa Kỳ và Ấn Độ có vẻ mâu thuẫn về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng cả hai có một lợi ích chung trong việc ngăn PLAN tiếp cận Ấn Độ Dương.

Ấn Độ đang vướng vào một hành động đòi hỏi sự cân bằng giữa đồng minh lâu năm của mình là Nga và đối thủ lâu năm là Trung Quốc. Trong vài năm qua, Hoa Kỳ đã tăng cường liên minh với Ấn Độ thông qua Đối thoại An ninh Tứ giác (Quad) và các sáng kiến ​​khác. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine đang đặt tình bạn vừa chớm nở này vào thử thách.

Trong khi Bắc Kinh có thể tìm cách lôi kéo Ấn Độ rời xa Hoa Kỳ, thì sự tức giận của New Delhi về các vụ xâm phạm biên giới của ĐCSTQ trong hai năm qua sẽ không dễ dàng bị lãng quên. Ấn Độ cũng không sẵn sàng bỏ qua mối đe dọa ngày càng tăng mà Trung Quốc gây ra ở Vịnh Bengal. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí đã từ chối một đề nghị gặp mặt Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước.

Một khía cạnh khác của tình hình Ấn Độ Dương là chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Hoa Kỳ tập trung vào Thái Bình Dương, Eo biển Malacca, và Eo biển Đài Loan. Ngược lại, Hoa Kỳ nói chung đã để lại việc phòng thủ Ấn Độ Dương cho Ấn Độ. Báo cáo Chiến lược khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ xác nhận rằng Hoa Kỳ coi Ấn Độ “như một đối tác trong tầm nhìn tích cực của khu vực này”. Tuy nhiên, liệu Ấn Độ có hoàn thành nhiệm vụ đó hay không vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ ước tính đến năm 2030, PLAN sẽ có 67 tàu nổi chủ lực mới và 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới, đủ sức kiểm soát Ấn Độ Dương. Kế hoạch lớn hơn của ĐCSTQ là phát triển quân đội để Trung Quốc có thể kiểm soát các vùng biển vào năm 2030 và thay thế Hoa Kỳ trở thành lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2049.

Ở Ấn Độ, có mối lo ngại rằng các mối đe dọa của ĐCSTQ đối với biên giới đất liền của Ấn Độ, chẳng hạn như cuộc xâm lược vào lãnh thổ Himalaya hồi năm 2020, đang khiến chính phủ mất tập trung trong việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh. Ngoài thực tế rằng Ấn Độ là một bán đảo với 4,350 dặm bờ biển, các chuyên gia an ninh, bao gồm cả Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS), đồng ý rằng Ấn Độ nên tăng cường khả năng hàng hải của mình. Điều này đặc biệt đúng khi Trung Quốc đã thiết lập các cảng tại Gwadar ở Pakistan, Hambantota và Colombo ở Sri Lanka, và sẽ sớm có các cảng ở Miến Điện. Vào tháng 08/2021, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một tuyến hàng hóa chạy từ Cảng Yangon, thuộc Ấn Độ Dương, ở Miến Điện đến Vân Nam.

Hôm 16/09/2021, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin rằng ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát của New Delhi, nói rằng các cảng ở Miến Điện, Pakistan và Sri Lanka đã thể hiện rằng ĐCSTQ đang tiến gần đến Ấn Độ.

Một quan chức hải quân cao cấp của Ấn Độ nói với Business Standard hồi tháng Một rằng có tới 125 tàu ngoại quốc ở Ấn Độ Dương vào bất kỳ thời điểm nào, nhiều nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Nói chuyện với các phóng viên hồi tháng 12/2021, Tham mưu trưởng Hải quân Đô đốc R. Hari cho biết hải quân Ấn Độ có thể đang theo dõi ba tàu PLA vào bất kỳ thời điểm nào.

Toàn cảnh bến tàu do Trung Quốc quản lý của cảng Colombo từ đường Galle Face ở Colombo, Sri Lanka, hôm 02/02/2021. (Ảnh: Ishara S. Kodikara/AFP qua Getty Images)

Ông Anit Mukherjee, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, tác giả một cuốn sách về quân đội của Ấn Độ, nói với Business Standard hồi tháng Một rằng để đương đầu với thách thức của ĐCSTQ, Ấn Độ cần phải củng cố sức mạnh hải quân của mình. Trong lịch sử, hải quân là “quân chủng bị lãng quên” khi nói đến tài trợ quân sự của Ấn Độ, luôn chỉ nhận được một phần ngân sách mà họ yêu cầu.

Trung bình, Ấn Độ chi 15% ngân sách quân sự cho hải quân của mình mặc dù chỉ có ba quân chủng, trong khi Hoa Kỳ, với sáu quân chủng, chi 30% cho hải quân. Số tiền mà ĐCSTQ chi cho hải quân của mình là không rõ ràng; tuy nhiên, tổng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc (252 tỷ USD) gấp hơn 3 lần mức 72.9 tỷ USD của Ấn Độ.

Cuối cùng, nhận thấy sự cần thiết phải bắt kịp, chính phủ Ấn Độ đã tăng ngân sách hải quân lên 44.53% trong năm nay. Hiện tại, hải quân Ấn Độ chỉ có 130 tàu, trong đó nhiều tàu đã có hai thập niên tuổi đời. Vì vậy, mặc dù việc tăng kinh phí là một hành động đáng hoan nghênh và đúng hướng, nhưng tình hình còn lâu mới được giải quyết.

Hoa Kỳ có một số công cụ để hỗ trợ Ấn Độ nâng cao khả năng phòng thủ trên biển. Năm 2012, Sáng kiến ​​Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Hoa Kỳ-Ấn Độ (DCIF) đã được thành lập nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như sản xuất các công nghệ quốc phòng. Ngoài ra, Hoa Kỳ có các chương trình khác nhằm tài trợ cho quân đội ngoại quốc và cung cấp cho họ các trang thiết bị liên quan đến quốc phòng. Cả tài trợ Quân sự Ngoại quốc (FMF) và Chương trình bán Trang bị Quốc phòng dư thừa (EDA) đều đã được áp dụng cho Ai Cập và Israel và có thể được mở rộng sang cho cả Ấn Độ.

Một điểm gây trở ngại trong quan hệ hợp tác Hoa Kỳ-Ấn Độ luôn là việc Hoa Kỳ từ chối cung cấp cho Ấn Độ tàu ngầm hạt nhân và các loại vũ khí tiên tiến khác, buộc Ấn Độ phải phụ thuộc vào việc mua từ Nga. Giờ đây, trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine, hoạt động mua bán vũ khí của Ấn Độ với Nga đang mâu thuẫn với Đạo luật Chống đối thủ của Hoa Kỳ Thông qua các Biện pháp Trừng phạt. Vì Hoa Kỳ sẽ không bán cho Ấn Độ những vũ khí mới nhất, nên Ấn Độ phải duy trì nền quốc phòng mà không có chúng, hoặc duy trì quan hệ với Nga.

Việc ngăn cản ĐCSTQ giành quyền kiểm soát Ấn Độ Dương có thể buộc Hoa Kỳ phải áp dụng một chính sách Ấn Độ Dương mới và tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với Ấn Độ thông qua Nhóm Quad và các chương trình khác. Hoa Thịnh Đốn có thể phối hợp với New Delhi bằng cách hỗ trợ phát triển sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự của Ấn Độ. Để làm được điều này, Hoa Kỳ sẽ phải đánh giá xem liệu mối bang giao của Ấn Độ với Nga có vượt trội hơn sự giúp đỡ mà New Delhi có thể trao cho Hoa Thịnh Đốn trong việc chống lại Bắc Kinh hay không. Tương tự, Ấn Độ sẽ phải quyết định xem liệu việc giành được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong việc chống lại ĐCSTQ có đáng để từ bỏ mối bang giao với Nga hay không.

Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc”).

Vân Du biên dịch

Related posts