Trung Quốc: doanh thu bất động sản của 100 doanh nghiệp lớn nhất giảm hơn một nửa với năm ngoái

Thanh Đoàn

Trung Quốc: doanh thu bất động sản của 100 doanh nghiệp lớn nhất giảm hơn một nửa với năm ngoái
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau cú sốc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về rủi ro tài chính và sự phát triển quá nóng. Cuối năm ngoái, các nhà chức trách đã bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp kiềm chế đối với lĩnh vực này, bao gồm hạn chế tích lũy nợ.(Ảnh Trung Quốc / Getty Images)

Bất chấp các biện pháp nới lỏng tiền tệ đi ngược lại với xu hướng toàn cầu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tiếp đón nhận tịn xấu, dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi thị trường, sản xuất và dịch vụ trong nước thu hẹp nhất trong hai năm qua, thị trường bất động sản ngày một u ám…

Vào ngày 30/4/2022, First Financial đưa tin, trích nguồn dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu CRIC, doanh thu của 100 công ty bất động sản hàng đầu trong 4 tháng đầu năm giảm 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là mức sụt giảm tăng mạnh so với quý trước đó, số liệu cũng ghi nhận mức sụt giảm doanh thu tháng sau lớn hơn tháng trước. Doanh thu trong quý I/2022 giảm 58,6% so với quý IV/2021. Trong tháng 4/2022, doanh thu giảm cao nhất, giảm 16,2% so với tháng trước đó.

Giao dịch nhà ở thành công (tính theo diện tích), số liệu theo dõi của CRIC trên 30 thành phố lớn, đã giảm 18% so với tháng trước đó. Theo cùng kỳ với năm 2021, số liệu này thậm chí còn giảm mạnh hơn: 58%.

Trong đó, giao dịch tại các thành phố cấp một giảm 19% theo tháng và 47% theo năm; giao dịch tại 26 thành phố cấp hai và ba giảm 18% theo tháng và mức giảm so với cùng kỳ năm trước đã tăng lên 60%.

Dữ liệu từ trung tâm nghiên cứu chính sách Yihan cũng cho kết quả u ám tương tự. 92 trong số 100 doanh nghiệp BĐS hàng đầu Trung Quốc đã sụt giảm mạnh về doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về doanh thu, trong 30 doanh nghiệp BĐS đứng đầu, chỉ có công ty Yuexiu Real Estate trong TOP30 có mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Có 22 các công ty BĐS có doanh thu giảm trên 50%. Có tới 6 công ty mà doanh thu giảm từ 70% trở lên là Sunac, Shimao, Zhongliang, Rongxin, Logan và Zhongnan Land.

Theo dữ liệu từ Viện Chỉ số Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh số trung bình của 100 công ty bất động sản hàng đầu giảm 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ có ba công ty bất động sản có doanh số bán hàng vượt quá 100 tỷ CNY, giảm 6 tỷ CNY so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Shell, diện tích nhà ở thương mại được ký hợp đồng tại 62 thành phố trọng điểm trên cả nước đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu hơn 5 điểm phần trăm so với mức giảm hồi tháng Ba.

Tin tức từ các hãng tư vấn và phân tích thị trường cho thấy tình hình hoạt động chung của thị trường BĐS Trung Quốc đang chậm chạp, và áp lực đi xuống ngày càng gia tăng. Nguyên nhân được đưa ra là sức tiêu dùng suy giảm mạnh, nhà đầu tư không tự tin vay nợ để đầu cơ, bản thân các doanh nghiệp BĐS không thể hoạt động độc lập mà thiếu nguồn vốn từ khu vực ngân hàng thương mại.

Các doanh nghiệp bất động sản không có mong muốn tiếp tục đầu tư để thu hồi đất trong tình trạng doanh thu yếu và áp lực hoàn vốn rất lớn.

Thị trường đất đai ở nhiều thành phố ảm đạm kể từ tháng 4. Trong vòng đấu giá đầu tiên của 19 khu đất thổ cư ở Nam Kinh, 6 khu đất không có đơn vị nào bỏ giá thầu; chỉ 5 trong số 29 khu đất thổ cư ở Thiên Tân được bán thành công.

Để thúc đẩy thị trường BĐS, chính quyền các cấp ở Trung Quốc đã và đang đưa ra các chính sách nới lỏng mới.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Đồng bằng Miền Trung, chỉ trong tháng 4, tính đến ngày 28/4, các thành phố trên cả nước đã hơn 60 lần ban hành chính sách bình ổn thị trường bất động sản, lập kỷ lục hàng tháng mới về bình ổn thị trường bất động sản trong năm 2022. Gần 110 thành phố đã đưa ra các chính sách mới để ổn định thị trường này.

Kể từ tháng 3, chính sách nới lỏng thị trường BĐS đã lan rộng từ các thành phố cấp 3 và 4 sang các thành phố cấp 2, và gần đây đã lan sang các thành phố mạnh cấp 2 như Nam Kinh và Tô Châu.

Thị trường BĐS u ám sẽ đánh mạnh vào chỉ số nợ/tổng dư nợ trong ngân hàng thương mại của Bắc Kinh cũng như đánh mạnh vào túi tiền của các địa phương, vốn dựa vào bán đất đai giá cao để phát triển. Như vậy, tương lai nợ xấu và thiếu tiền đầu tư công hoặc nợ công tăng vọt từ địa phương sẽ là mối đe doạ tài chính lớn nhất của nền kinh tế này. Hoạ vô đơn chí, trong 3 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc chứng kiến dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi nền kinh tế này do bất ổn vĩ mô và lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc không còn hấp dẫn so với trái phiếu chính phủ Mỹ.

Thanh Đoàn

(Theo Secret China)

Related posts