Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam

Cheung Kong do người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka-shing) sáng lập sẽ đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam. Là người đứng đầu “Xếp hạng Hurun về Doanh nhân Bất động sản toàn cầu năm 2022”, ông Lý Gia Thành với sở hữu tài sản trị giá khoảng 30,8 tỷ USD luôn là người tiên phong xu thế.

Tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành. (Ảnh: Epoch Times)

Theo Thời báo Sài Gòn (The Saigon Times) của Việt Nam đưa tin ngày 14/4, Tập đoàn Cheung Kong (01113.HK), Tổng công ty ORIX của Nhật Bản (ORIX Corporation) và công ty Việt Nam là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào ngày 13/4 đã cùng với các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi về các vấn đề đầu tư của địa phương. Justin Chiu của Tập đoàn Cheung Kong cho biết tại buổi làm việc rằng chuyến thăm thực địa trong những ngày qua đã giúp ông hoàn toàn tin tưởng vào việc đầu tư tại đây, qua đó ông cũng chia sẻ công lao nhờ đối tác Vạn Thịnh Phát của Việt Nam.

Công ty Cheung Kong có tên đầy đủ là Cheung Kong Holdings Limited, là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất tại Hồng Kông. Cheung Kong nắm giữ tài sản trị giá hơn 80 tỷ USD và hơn 50 tỷ USD vốn chủ sở hữu. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là công ty bất động sản tư nhân lớn nhất Việt Nam, đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc giới thiệu Cheung Kong và ORIX đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Lý Gia Thành được biết đến là một trong những doanh nhân khôn ngoan nhất thế giới với khả năng quan sát nhạy bén những thay đổi của thị trường toàn cầu để đầu tư. Trong những ngày đầu từ Hồng Kông, ông đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, sau đó vào năm 2013 lại bắt đầu bán tài sản ở Hồng Kông và Trung Quốc trên quy mô lớn để vào năm 2020 chuyển sang Anh và châu Âu. Khi đó, ông Lý Gia Thành đã bán rất nhiều tài sản ở Trung Quốc. Năm 2015, tờ Liaowang thuộc cơ quan ngôn luận của Tân Hoa xã nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài báo tựa “Đừng để Lý Gia Thành bỏ chạy”, nhận định rằng “ở Trung Quốc, chu kỳ kinh tế và chu kỳ chính trị có liên quan chặt chẽ với nhau”, và việc Lý Gia Thành bán tài sản ở Trung Quốc “là một dấu hiệu”.

Năm 2021 sau khi tập đoàn Cheung Kong mua đất ở Hồng Kông, nhiều phương tiện truyền thông trực tuyến Trung Quốc cho rằng ông Lý Gia Thành quay trở lại Hồng Kông và Trung Quốc để đầu tư. Nhưng cũng trong năm đó, Cheung Kong đã bán bất động sản Century Plaza ở Thượng Hải Trung Quốc, bao gồm các trung tâm mua sắm và một tòa nhà văn phòng. Vào ngày 11/3 năm nay, Tập đoàn Cheung Kong thông báo bán bất động sản 5 Broadgate ở London với số tiền 729 triệu bảng Anh (khoảng 927 triệu USD) khiến doanh giới chú ý đến động thái tiếp theo của nhà tỷ phú này.

Thông tin Tập đoàn Cheung Kong hợp tác với ORIX của Nhật Bản và một tập đoàn bất động sản Việt Nam đầu tư vào bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy ông Lý Gia Thành đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo.

Vào ngày 30/4, chuyên gia kinh tế và chính trị Albert Song nói với Epoch Times, “Một lần nữa ông Lý Gia Thành vội vàng chuyển tài sản và quan tâm khám phá lãnh thổ đầu tư mới Việt Nam vì nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Vào năm 2020 khi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng nhất nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn vượt xa Trung Quốc và đứng trong hàng đầu thế giới.”

Năm 2021, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục, đồng thời là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã xác lập kỷ lục mới vào năm 2021 với Chỉ số Việt Nam (VN-Index) đạt mức cao kỷ lục 1500,8 điểm vào ngày 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Chuyên gia Albert Song nói: “Việt Nam đã cho thấy sự năng động kinh tế đáng kinh ngạc”.

Xuất khẩu của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2022 tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu của Thâm Quyến Trung Quốc giảm 14% trong quý đầu tiên của năm nay. Thâm Quyến đã trong 29 năm liên tiếp đứng đầu Trung Quốc về xuất khẩu.

Xuất khẩu hàng “Made in Vietnam” vượt qua Thâm Quyến của Trung Quốc

Chuyên gia Albert Song cho rằng việc Việt Nam thực hiện “sống chung với dịch bệnh COVID-19” đã củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp toàn cầu. “Đối với nền kinh tế Việt Nam vốn dựa vào ngoại thương, sự phục hồi nhanh chóng của thương mại xuất nhập khẩu đã trực tiếp thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, nhiều công ty công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ đã chuyển đơn hàng sang Đông Nam Á”.

Việc đầu tư của Tập đoàn Cheung Kong vào Thành phố Hồ Chí Minh không phải là bước đầu tiên để ông Lý Gia Thành chuyển sang Việt Nam. Vào tháng 4/2020, FWD Group Holdings Limited (FWD Group), công ty của người con trai thứ của ông Lý Gia Thành là Lý Trạch Giai (Richard Li) đã được chấp thuận để mua lại Vietcombank-Cardif – một liên doanh bảo hiểm nhân thọ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu.

Về vị trí của Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, Albert Song cho rằng: “Nguy cơ tách rời giữa Trung Quốc và chuỗi công nghiệp toàn cầu đang gia tăng, châu Âu và Mỹ đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam đang trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng mới. Năm nay đơn đặt hàng nhiều nhà máy ở Việt Nam đã đầy, nhiều công ty Trung Quốc tự nguyện chuyển sang Việt Nam và tổng kim ngạch thương mại cả năm dự kiến ​​sẽ vượt 800 tỷ USD”.

Ông Albert Song có 27 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính Trung Quốc, tập trung vào nghiên cứu các lĩnh vực chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Theo Tư Tề, Epoch Times

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Related posts