Tiến sĩ Việt Nam

Đỗ Duy Ngọc

19-5-2022

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội và cả trên các báo chính thống lẫn ở diễn đàn Quốc hội, người ta nói nhiều về tình hình lạm phát Tiến sĩ ở Việt Nam. Đặc biệt, tất cả đều đề cập và phê phán đến đề tài mà các luận án Tiến sĩ đặt ra. Từ chuyện phát triển bộ môn cầu lông cho công nhân viên chức cho đến Đảng bộ lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở xã, phường, thị trấn. Từ chuyện Đảng bộ lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ cho đến xây dựng nông thôn mới. Ngay cái chuyện nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách đến hành vi nịnh trong tiếng Việt cũng trở thành đề tài luận án.

Lại có một đề tài rất buồn cười là “Sử dụng phần mềm Microsoft Powerpoint trong dạy học Lịch sử” mà cũng là luận án Tiến sĩ, trong khi nó chỉ là một bài học rất sơ đẳng của người áp dụng vi tính trong giảng dạy. Nghe nói riêng đề tài cầu lông cũng có khoảng chục luận án. Còn các đề tài khác thì trùng nhau tá lả, chỉ việc copy và paste .

Thật ra còn nhiều, nhiều lắm các đề tài chẳng khác gì một bản báo cáo hay chỉ là một bài học căn bản đầu tiên khi người học mới bắt đầu. Báo chí đã bàn nhiều về tính học thuật và giá trị của những luận án Tiến sĩ kiểu này rồi, chẳng nên nhắc thêm nữa.

Tuy nhiên, đa số những người phụ trách các cơ quan nhà nước có liên quan thường kết luận, vấn nạn đó là do bệnh thành tích. Thật sự chẳng phải thế, đằng sau những bằng Tiến sĩ tào lao đó đều do đồng tiền chi phối cả. Một Viện Hàn lâm Khoa học một ngày xuất được 18 bằng Tiến sĩ, đạt kỷ lục thế giới rồi còn gì? Người hướng dẫn, kẻ phản biện đều có phong bì, phong bao cả, cho nên cứ nhắm mắt cho điểm 9 với xuất sắc, chẳng chết thằng Tây nào, cứ tiền bỏ túi là được.

Cứ cấp bằng là có tiền, mà tiền đâu có ít, thường là hàng chục, hàng trăm triệu trở lên. Ngu gì không cấp. Bởi thế, người giỏi, có thực lực mà không có tiền thì đành thua. Các cơ quan, các trường, các viện thi nhau cấp bằng. Các ông Giáo sư tranh nhau hướng dẫn nghiên cứu sinh, tranh nhau ngồi vào ghế phản biện để có tiền đút túi. Lương giảng dạy chẳng bao nhiêu so với thu nhập này. Lâu nay bằng cấp này chẳng ra gì, giờ lại hạ chuẩn, không biết còn chút giá trị nào không?

Chẳng có nước nào mà công chức làm việc hành chánh nhà nước mà có lắm Tiến sĩ đến thế! Từ cấp huyện, cấp phường đã có bằng Tiến sĩ. Tiến sĩ nhiều như quân Nguyên mà chẳng có đóng góp gì cho khoa học, cho xã hội, cho học thuật. Toàn các đề tài đọc nghe muốn cười té ghế, tụt quần và tào lao chi địa. Tiến sĩ là người nghiên cứu, là giảng dạy, là đào tạo đội ngũ kế thừa để phát minh, sáng tạo, đào sâu và góp phần vào sự phát triển kiến thức. Có đâu mà toàn chuyện vụn vặt, chưa đáng một bài tập, một tiểu luận của sinh viên hay chỉ là một bản báo công của các đơn vị.

Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo Dục. Tiếc thay cái Bộ Dục này càng ngày càng tệ, ông nào nắm quyền cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ khiến càng ngày càng rách tả tơi. Tiền ngân sách, quỹ viện trợ hàng trăm, hàng ngàn tỷ chẳng biết đi đâu mà con thuyền Giáo Dục càng lúc càng trượt vào hố thẳm. Học phí tăng, giá sách giáo khoa tăng, bằng cấp chẳng có chút giá trị gì.

Ở các nước, muốn lấy được bằng Tiến sĩ phải mất công ngày đêm nghiên cứu, khảo sát, thu thập hộc máu mũi mới đạt được yêu cầu. Ở ta, nhất là cán bộ, ngày họp đêm hội, suốt ngày lo việc nhà nước mà ông nào cũng có bằng Tiến sĩ lận lưng. Giỏi thật chứ! Phải nể chứ!

Trồng người kiểu này thì tiêu. Chẳng trông đợi được gì những người mang mác Tiến sĩ với Giáo sư. Chán bỏ mẹ!

Related posts