TT Biden công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới

Naveen Athrappully

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Căn cứ Không quân Yokota ở Fussa, Tokyo hôm 22/05/2022. (Ảnh: Yuichi Yamazaki/Getty Images)

Từ Tokyo, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đang khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) mới cùng 12 quốc gia khác trong khu vực. Các nước này đã cùng nhau ghi danh trở thành những thành viên đầu tiên của mối quan hệ đối tác kinh tế tập trung vào khu vực Á Châu-Thái Bình Dương này.

TT Biden nói, “Khuôn khổ này là một cam kết hợp tác với các bằng hữu và đối tác thân thiết của chúng tôi trong khu vực về những thách thức quan trọng nhất đối với việc bảo đảm tính cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21.” Khuôn khổ mới này sẽ không bao gồm Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Các nhà lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang hội kiến tại Tokyo để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ lần hai. Ngoài việc ra mắt IPEF, TT Biden sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương riêng biệt với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc mới nhậm chức Anthony Albanese.

Theo thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc hôm 22/05, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói rằng một cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng “sẽ không nằm trong nghị trình chính thức của Bộ Tứ”, nhưng các quốc gia sẽ thảo luận về “các vấn đề an ninh quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Ông Sullivan nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đài Loan, mong muốn “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế của chúng tôi với Đài Loan, bao gồm cả các vấn đề công nghệ cao, trong đó có chất bán dẫn và chuỗi cung ứng,” xét đến tầm quan trọng của hòn đảo tự trị này trên các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cũng nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với chính sách Một Trung Quốc được đạo dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba thông cáo chung và sáu bảo đảm.

Trước khi chính thức ra mắt khuôn khổ do Hoa Kỳ lãnh đạo nói trên, trong một tuyên bố hôm 22/05, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Hoa Kỳ đang hình thành “các vòng tròn nhỏ” dưới ngọn cờ “tự do và cởi mở” để kiềm chế Trung Quốc.

Ông nói: “Các dữ kiện sẽ chứng minh rằng cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về bản chất là một chiến lược nhằm tạo ra sự chia rẽ, kích động đối đầu, và phá hoại nền hòa bình.”

Bàn về việc liệu IPEF có phải là một “câu lạc bộ khép kín” như Bắc Kinh cáo buộc hay không, ông Sullivan đã trả lời rằng khuôn khổ này có thành phần thành viên đa dạng, và “ngoài những quốc gia sẽ tham dự buổi ra mắt vào ngày mai, các quốc gia khác sẽ tham gia trong những tháng và năm sắp tới.”

Ông cho biết IPEF “không phải là một thỏa thuận an ninh” và sẽ giải quyết hầu hết các chính sách kinh tế tập trung vào các nền kinh tế kỹ thuật số và “các chuỗi cung ứng an toàn và bền bỉ.”

Bên cạnh đó, chương trình này tìm cách ràng buộc các quốc gia trong khu vực chặt chẽ hơn thông qua các tiêu chuẩn chung trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên trước buổi lễ ra mắt chính thức IPEF rằng trong khi Trung Quốc hiện đang thể hiện một sự hiện diện kinh tế đáng kể trong khu vực, thì các quốc gia khác trong khu vực không tin rằng họ đang tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình.

Ông Kishida nói: “Hãy nhìn vào bản chất của sự hiện diện của họ: Họ có tuân thủ các quy tắc quốc tế không? Còn về các dự án phát triển của họ. Họ có quan tâm đến các sáng kiến ​​bền vững không? Họ phải làm điều đó vì họ là một cường quốc. Họ có trách nhiệm lớn kể cả trong lĩnh vực kinh tế; họ phải đạt được kỳ vọng về trách nhiệm đó. Vì vậy, Nhật Bản sẽ hợp tác với Hoa Kỳ và đối diện với Trung Quốc, thuyết phục họ đạt được kỳ vọng về trách nhiệm tuân thủ các quy tắc quốc tế của mình.”

Kể từ sau đại dịch, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn rất nhiều, góp phần gây ra tình trạng thiếu sản phẩm trên toàn thế giới và cũng là nguyên nhân dẫn đến áp lực lạm phát.

Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến vấn đề đóng cửa các cảng của Ukraine thêm phần bế tắc, dẫn đến việc tăng giá lương thực và tình trạng thiếu hụt liên quan, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng ở Phi Châu và Á Châu. Các chính sách “zero COVID” của Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến Trung Quốc bị kìm hãm trong vòng cương tỏa cũng đang góp phần tạo ra những áp lực cho nguồn cung toàn cầu.

Nhật Bản muốn nhiều quốc gia hơn tham gia IPEF, điều này có thể khiến buổi lễ ra mắt hôm thứ Hai (23/05) đánh dấu một khởi đầu của các cuộc thảo luận hơn là đưa ra kết quả sau cùng.

Bàn về khả năng của Mỹ trong việc xây dựng các liên minh cùng có lợi ở Á Châu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái, ông Sullivan nói, “Khi quý vị nhìn thấy phạm vi tham gia của IPEF vào ngày mai, chúng tôi tin rằng đó sẽ là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các nước muốn đặt cược vào Hoa Kỳ [và] thực sự muốn trở thành một phần của thỏa thuận kinh tế với Hoa Kỳ, nơi chúng ta cùng nhau thiết lập các quy tắc.”

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.

Minh Ngọc biên dịch

Related posts