Người dân đã mua căn hộ lo mất trắng nếu chỉ sở hữu 50 năm

Hội An

Đề xuất nhà chung cư có thời hạn sử dụng 50- 70 năm của Bộ Xây dựng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một người dân cho hay, khi mua căn hộ chung cư doanh nghiệp nói sở hữu vĩnh viễn nên mới vay tiền mua mà nợ chưa trả hết, giờ cơ quan nhà nước đề xuất như trên nếu thành sự thật thì người dân mất trắng tài sản.

Đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến có đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo đó, giấy chứng nhận cấp cho khách hàng mua căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50, 70 năm thay vì được sở hữu, sử dụng lâu dài như hiện nay. 

Cần phân biệt giữa sở hữu lâu dài và 50 năm. Sở hữu lâu dài thì đất đó vẫn của người mua kể cả trường hợp niên hạn công trình bị hết, còn nếu thời hạn 50 năm, hết thời gian đó, nhà nước được quyền thu hồi toàn bộ bao gồm đất.

Giả sử, tại thời điểm 50 năm sau, vị trí đó được quy hoạch lại không phải tòa nhà chung cư nữa mà là một công trình công cộng hoặc tuyến đường giao thông thì nhà nước được quyền thu hồi không bồi thường do hết thời hạn.

Người dự định mua đắn đo, người mua rồi lo mất trắng

Dự định mua một căn chung cư giá hơn 3 tỷ đồng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), ông Đào Sỹ bỗng đắn đo sau khi nghe tin Bộ Xây dựng đề xuất áp niên hạn cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư có thời hạn 50-70 năm.

“Tích cóp nhiều năm mới mua được căn hộ, nếu chỉ sở hữu 50-70 năm thì sau này, tôi và các con sẽ ở đâu? Chẳng ai bỏ ra một số tiền lớn như vậy để mua một thứ chỉ sở hữu được 50 hay 70 năm”, ông nói trên báo Zing.

Ông Phương, dân chung cư quận 8, TP.HCM lo nhà hết hạn sở hữu sẽ mất trắng, không biết đi về đâu nếu dự thảo sở hữu chung cư 50 năm thành Luật.

Ông Phương cho biết trên báo VnExpress rằng, tính đến năm 2022, ông và gia đình đã dọn về chung cư được hơn 9 năm, đã đóng 95% giá trị căn nhà và trả dứt nợ gốc lẫn lãi cho ngân hàng (vay mua trả góp) nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng). Ông cho biết, hàng năm cư dân đều đấu tranh, kiến nghị nhiều lần về việc đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng với chủ đầu tư và cả chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Theo hợp đồng mua bán nhà ký với chủ đầu tư, bên mua căn hộ được sở hữu lâu dài nên gần chục năm qua, dù chưa có sổ hồng, hàng trăm hộ dân tại chung cư này vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Ông Phương chia sẻ, nay Bộ Xây dựng có dự thảo cấp sổ hồng chung cư 50-70 năm, nhiều người ở đây lo bị mất tài sản khi thời gian sở hữu nhà hết hạn.

“Tôi đã ngoài 50 tuổi, căn hộ là tài sản cả đời sẽ để lại cho con cái. Nếu dự thảo thành luật, căn hộ bị giới hạn thời gian sở hữu thì tài sản này sẽ mất giá theo thời gian. Đến khi hết hạn sở hữu, nhà sẽ mất trắng, gia đình tôi biết đi đâu về đâu”, ông Phương đặt câu hỏi.

Ngụ tại chung cư Sài Gòn Home, quận Bình Tân, anh Hùng, 35 tuổi cho hay, nhiều ngày qua theo dõi thông tin dự thảo sở hữu căn hộ 50-70 năm, anh cũng thấy bất an về tương lai vì tất cả người dân chung cư này mòn mỏi chờ sổ hồng nhiều năm nhưng vô vọng. Anh Hùng giải thích, trước đây chung cư được sở hữu lâu dài, nên anh mua nhà với mục đích an cư, ổn định và tích lũy tài sản cả đời.

“Nếu biết có dự thảo sở hữu chung cư 50 năm, tôi sẽ không trả tiền một lần để mua căn hộ. Tôi thà chấp nhận ở thuê, dồn vốn liếng làm việc khác. Nếu dự thảo sở hữu căn hộ 50 năm thành luật, khi tôi về hưu nhà đã hết hạn, tôi và gia đình sẽ đối mặt với tương lai bấp bênh”, anh Hùng chia sẻ.

Còn chị Huyền, 37 tuổi, ở Hà Nội, cho biết đã mua nhà chung cư tại một dự án thuộc địa bàn phường Yên Hòa quận Cầu Giấy từ cách đây 7 năm. Giá trị căn nhà thanh toán với chủ đầu tư lúc đó là 3,3 tỷ.

“Đó là tiền tiết kiệm cả đời của bố mẹ chồng, bố mẹ tôi và tiền tích lũy cả hai vợ chồng sau khoảng nhiều năm đi làm. Chúng tôi cũng phải vay lãi ngân hàng và trả đến 6,7 năm mới hết khoản nợ đó. 10 năm tôi lấy chồng thì có đến 6,7 năm trả nợ”, chị kể.

Theo chị Huyền, “khi mua nhà, doanh nghiệp nói đây là loại hình sở hữu vĩnh viễn. Chủ đầu tư giải thích rằng nếu sau này tòa nhà cũ nát, quyền sở hữu vẫn được đảm bảo mãi mãi, kể cả đến thế hệ con cháu. Đó chính là lý do chúng tôi quyết định dồn tiền mua chung cư bởi muốn nó là tài sản cho con cháu, để thế hệ sau không phải lo nghĩ về nhà cửa nữa”, chị nói.

Chị nhìn nhận, nếu thời gian sở hữu bị giới hạn 50-70 năm, căn hộ chung cư từ vị thế tài sản sẽ trở thành tiêu sản, giống như chiếc xe ôtô. Chị cho biết, nếu chính sách này thành sự thật, gia đình chắc chắn sẽ tính bán chung cư đi bằng bất kỳ giá nào, kể cả lỗ để có thể chuyển sang đất nền.

Chuyên gia: Không thể vin vào lý do… để đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng cần hết sức thận trọng khi đưa việc giới hạn thời gian sở hữu 50-70 năm vào luật thay vì sở hữu lâu dài như trước đây, vì có thể tạo ra cú sốc tâm lý rất lớn. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ở thời điểm hiện nay, các nhà làm luật chưa nên áp dụng niên hạn sở hữu nhà chung cư.

Ông Châu phân tích, người Việt có tập quán sở hữu nhà ở lâu dài từ trước khi thị trường bất động sản được hình thành theo cơ chế thị trường như hiện nay. Tùy vào khả năng tài chính, người có nhiều tiền mua nhà đất (nhà liền thổ như nhà phố, biệt thự), ít tiền cũng tích góp mua chung cư (nhà cao tầng). Mục đích mua nhà là để ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình, vừa tích lũy tài sản vừa sở hữu lâu dài, thậm chí thừa kế cho con cái. Vì vậy, giới hạn thời gian sở hữu chung cư sẽ khiến toàn thị trường căn hộ bị cú sốc suy giảm.

Ông Châu kiến nghị chỉ nên giới hạn thời gian sử dụng chung cư khi công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Khi đó, nhà chung cư không còn an toàn để sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình này đồng thời phải đảm bảo quyền sở hữu căn hộ, diện tích xây dựng khác và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở. Cụ thể, nếu nhà chung cư phải đập đi xây lại, những người sở hữu cũ phải được quyền chọn lựa tái định cư hoặc nhận suất bồi thường theo giá thị trường, để họ được an cư, đảm bảo cuộc sống.

“Công trình nào cũng có tuổi thọ và sẽ bị xuống cấp theo thời gian. Không thể vin vào lý do nhà ở, công trình xây dựng có niên hạn sử dụng mà lại đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là không phù hợp”, ông Châu nhấn mạnh.

Related posts