Lạm bàn việc đốt lò

Lê Học Lãnh Vân

Đốt lò, nhìn từ góc độ trừ tham nhũng, là việc nên làm. Được lãnh đạo bởi một người như ông Nguyễn Phú Trọng chưa từng có tai tiếng xấu gì về lem nhem tiền bạc, việc đốt lò đã khiến không ít người nức lòng.

Từ một vài khúc củi nhỏ ban đầu, đến nay số củi cho vào lò đã nhiều hơn và các thanh củi cũng lớn hơn nhiều. Khi các quan “nhất phẩm đại thần” được xướng danh là củi, người dân không còn ngạc nhiên hay trầm trồ nữa. Rõ ràng việc đốt lò đã tạo được bầu không khí xem các vị đảng viên cao cấp không phải là người trên trời không thể sờ tới.

Điều rất quan trọng là việc đốt lò cho dân chúng thấy nhiều điều:

a) Những ông quan tham nhũng được thể chế nuông chiều quá mức. Trong khi tai tiếng dính líu tới tham nhũng bị đồn đãi nhiều trong dân, họ vẫn được thăng tiến lên những chức vụ có nhiều cơ hội và quyền lực nên có thể mạnh tay tham nhũng hơn. Họ tiếp tục ăn tợn hơn hàng chục năm cho tới lúc được xác định là củi! Khi ra toà, lòng tự trọng, khí chất quá thấp của họ phơi bày trước bàng dân thiên hạ!

b) Hoạt động của thế giới quan chức được che đậy bởi nhiều bức màn dán chữ MẬT. Khi được vén lên, bức màn cho thấy đàng sau nó bao nhiêu việc động trời, người ta cấu kết nhau và triệt hạ nhau cũng chỉ vì muốn “vơ vét cho đầy túi tham”. Không biết những từ quốc kế dân sinh, sự no ấm của dân chúng, sự phát triển của quốc gia có chỗ đứng trong suy nghĩ, toan tính của những vị quan rất lớn này không?

Chỉ cần cho dân chúng thấy được các điều trên, việc đốt lò đã đáng được hoan nghênh rồi! Cho nên nó cũng dậy được cả một phong trào!

Tuy nhiên, nhìn sự tiến triển của việc đốt lò, một câu hỏi được đặt ra, đốt tới bao giờ?

Đốt lò về bản chất chỉ là hành động trong ngắn hạn đối phó với một trạng thái xã hội bất thường, dù cần thiết để ổn định tình thế trước mắt nhưng không thể là giải pháp căn cơ nhằm xây dựng môi trường sạch tham nhũng lâu bền! Nếu việc đốt lò xảy ra quá lâu, những hệ luỵ không tốt sẽ phát sinh.

Về tâm lý xã hội, người dân thấy sự bắt bớ, trừng phạt xảy ra lâu dài và khắp nơi. Thấy tham nhũng tràn lan, xã hội nhiễu nhương. Thấy tương lai cá nhân và tương lai cộng đồng bất định…

Thấy bộ máy công được tổ chức không hiệu quả trong việc kiểm soát tham nhũng. Dân chúng không còn tín nhiệm, thậm chí khinh rẻ những thành viên của bộ máy công. Người tài và có khí tiết ngoảnh mặt, người xu nịnh và tham nhũng leo cao, sự hợp tác thật lòng giữa dân chúng với chính quyền bị xói mòn…

Đạo đức xã hội xuống cấp. Các giá trị trung thực, liêm chính, tương trợ, lòng nhân ái, tình đồng bào bị xé toang. Khi các nhận vật ăn trên ngồi trước đã xé thì nhiều người trong dân cũng xé theo. Xã hội được vận hành trong bầu không khí nghi ngờ, rình rập nhau…

Chính trường quốc gia phải là một trung tâm lớn nơi trưng bày những chương trình quốc kế dân sinh, những tầm nhìn và kế hoạch phát triển quốc gia… để người dân lựa chọn. Chính trường đó nếu bị choáng chỗ phần lớn bởi hoạt động đốt lò thì còn đâu chỗ cho các hoạt động phát triển quốc gia lâu bền?

Cho tới bây giờ, hình như vẫn còn thấy số củi mục sinh ra quá nhiều so với số củi bị đưa vào lò? Câu hỏi này không phải hỏi về thực tâm đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, mà hỏi về tính hữu hiệu trong thời gian qua của toàn bộ công cuộc chống tham nhũng làm trong sạch chính trường quốc gia. Nếu số củi sinh ra nhiều hơn số củi bị cho vào lò, chẳng lẽ chính trường cứ mãi chạy theo hay bị chi phối bởi việc đốt lò liên tục?

Chắc nhiều người đồng ý rằng cùng với việc đốt lò phải có các giải pháp căn cơ nhằm xây dựng môi trường sạch tham nhũng một cách lâu bền! Khi đó, việc đốt lò cần được dừng càng sớm càng tốt để trả lại cho xã hội trạng thái hoạt động bình thường, lành mạnh. Đó mới là mục tiêu của đốt lò!

Tìm đâu giải pháp căn cơ?

Như đã phân tích, việc đốt lò chỉ ra ít nhất hai điều: a) trước khi chính thức được xếp vào loại củi, các nhân vật cao cấp này được thể chế nuông chiều quá mức, và tiếp theo, b) sự thiếu minh bạch thông tin khuyến khích tham nhũng.

Giải pháp nào cho hai điều trên?

Trên thế giới những quốc gia phát triển nhất, giàu có nhất là những quốc gia có giải pháp căn cơ nhất phòng trừ tham nhũng. Kho tàng kinh nghiệm quản trị quốc gia hàng trăm năm của họ có thể gợi bài học gì cho Việt Nam không?

Các kinh nghiệm tự do bầu cử và ứng cử, cơ chế phân quyền, cơ chế đối lập, việc tách rời hệ thống hành chánh công với hệ thống chính trị…có gợi được ý gì khi Việt Nam tìm giải pháp chống nuông chiều các nhân vật ở vị trí cao?

Các kinh nghiệm tự do ngôn luận, tự do báo chí… có gợi được ý gì khi Việt Nam tìm giải pháp cho việc minh bạch thông tin?

Ngày 06 tháng 6 năm 2022

Related posts