Thương Lê (BBC News Tiếng Việt)
Từ chính sách trải thảm đỏ đón nhân tài được triển khai mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cho tới thông điệp “chọn người tài chứ không chọn người nhà” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dường như không mang lại nhiều hiệu quả.
Gần đây nhất, chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2022 không thu hút được nhân tài mới đang là đề tài được bàn luận trong những ngày đầu tháng 6/2022.
Cụ thể, sau ba năm triển khai, thành phố chỉ tuyển được 5 chuyên gia, trong khi kế hoạch là tuyển 20 người tài cho các sở và khu công nghệ cao.
BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với những trí thức trẻ xung quanh chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam.
Lí do nhân tài không về
Không muốn làm trong khối nhà nước, môi trường làm việc không phù hợp hoặc đãi ngộ chưa hấp dẫn… là những lí do khiến nhiều trí thức trẻ ngần ngại về Việt Nam cống hiến.
“Mình nghĩ yếu tố đầu tiên là tài chính, đặc biệt là bạn nào về Việt Nam làm trong khối nhà nước thì lương rất thấp,” Xuân Quỳnh, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại đại học Boston, Mỹ theo chương trình học bổng Fulbright, nói với BBC News Tiếng Việt.
Theo Xuân Quỳnh, nếu làm ở Mỹ, cô sẽ có thu nhập cao hơn ở Việt Nam. Một trong những lý do là ngành công tác xã hội còn mới ở Việt Nam do đó mức lương sẽ không được như bên Mỹ.
Mức trợ cấp theo quy định hiện nay của chính phủ UBND TP.HCM cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt chỉ 100 triệu đồng, và chỉ áp dụng một lần.
Lương hằng tháng của chuyên gia, nhà khoa học chỉ bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số bảng lương chuyên gia cao cấp. Giáo sư, phó giáo sư hưởng bậc 2 (hệ số 9,40), tương đương khoảng 14 triệu đồng/ tháng, các trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80), tương đương khoảng 13,1 triệu đồng/ tháng.
“Cơ chế tài chính mà chỉ cỡ 10 triệu đồng sẽ không ai làm. Có chuyên gia có thể phải trả hàng chục nghìn đô hoặc hơn,” Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói với báo chí ngày 6/6.
“Xét về đãi ngộ và môi trường làm việc thì Việt Nam chưa thể đuổi kịp các nước phát triển trong thời gian ngắn,” theo Lưu Duy Trân, hiện đang là nghiên cứu sinh năm thứ hai ngành Thương mại Quốc tế tại ĐH Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Xuân Quỳnh cho rằng môi trường làm việc bên Mỹ rất chuyên nghiệp, công bằng và có tính hỗ trợ. Điều này thì không phải công ty hay doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng xây dựng được.
“Ở Mỹ, khi một nhân viên hoàn thành một việc tốt, họ thường nhận được nhiều email cảm ơn và khích lệ của đồng nghiệp, còn chuyện này thì ít thấy ở Việt Nam”, Xuân Quỳnh nói.
Trong khi đó, Trí Nguyễn (tên nhân vật đã được thay đổi), đang làm nghiên cứu Tiến sĩ chuyên ngành Voice & speech technology tại Phần Lan nói rằng nhà nước Việt Nam cứ nhắc đi nhắc lại việc “trải thảm đỏ cho nhân tài”, nhưng tới nay nhiều nhân tài vẫn chưa thấy cái “thảm đỏ’ đó như thế nào.
“Mình thật sự không rõ chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam như thế nào và gồm những gì, nên ít nhất mình có thể nói là khâu tuyên truyền thông tin có lẽ chưa hiệu quả, nhưng đương nhiên có thể chỉ là do bản thân mình không đủ quan tâm để tìm hiểu”, anh nói.
Về không phải vì chính sách thu hút nhân tài
Trong số bốn bạn trẻ BBC phỏng vấn, ba bạn chọn sau khi du học xong sẽ trở về Việt Nam làm việc. Tuy nhiên các bạn đều cho rằng họ về vì mục tiêu cá nhân, chứ không phải về theo chính sách thu hút nhân tài.
Với Xuân Quỳnh, cô muốn về Việt Nam để phát triển lĩnh vực sức khỏe tinh thần, hiện vẫn còn mới mẻ tại đây.
“Tôi theo chuyên ngành Công tác xã hội lâm sàng trong y tế và chuyên về lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ. Ở Việt Nam ngành này còn quá mới và thiếu nhân lực.
“Tôi muốn người bệnh ngoài được chăm sóc về thể chất còn được chăm sóc tâm lý xã hội. Nếu tôi về Việt Nam thực hành và dạy lại thì kiến thức này sẽ được nhân rộng, và sẽ có nhiều người thực hành Công tác xã hội lâm sàng trong y tế hơn; như vậy người bệnh sẽ được hưởng nhiều chăm sóc hơn,” Quỳnh nói với BBC.
Với Vũ Minh Hoàng, người từng có nhiều năm du học tại Anh, Mỹ, hiện đang là giảng viên Sử học tại ĐH Fullbright Việt Nam, về nước là do cơ hội việc làm trong ngành anh học tốt hơn ở nước ngoài.
“Lý do lớn nhất khiến tôi về Việt Nam là công việc. Ở những ngành nhân văn và khoa học xã hội, tìm được vị trí tốt ở các trường tốt trên quốc tế cạnh tranh rất kịch liệt. Có những vị trí có thể 60-100 người chọn một, mà những người kia cũng đều có bằng Tiến sĩ ở các đại học danh giá,” giảng viên trẻ Minh Hoàng cho biết.
Làm việc ở Việt Nam ít áp lực hơn, là một trong những lý do Lưu Duy Trân chọn quay về, sau khi kết thúc chương trình học tại Hàn Quốc.
“Tôi gần như chắc chắn sẽ trở lại Việt Nam cống hiến, không chỉ vì việc đó là quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, mà bởi vì sau một thời gian sống, học tập tại một vài quốc gia khác nhau, tôi nhận thấy rằng cơ hội để phát triển tại Việt Nam là rất lớn trong tương lai, cả về khía cạnh nghiên cứu học thuật lẫn kinh doanh.
“Áp lực làm việc tại Hàn Quốc là rất lớn. So với Hàn Quốc, Việt Nam tương đối ít áp lực hơn. Hơn nữa, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu lớn ở Việt Nam đang phát triển vượt bậc, vươn tới tầm châu Á và một số thậm chí còn được xếp vào các bảng xếp hạng danh tiếng của thế giới.
“Do đó, khi phải so sánh giữa việc “về” hay “ở” thì việc lựa chọn về Việt Nam trở nên dễ dàng hơn so với trước đây,” Duy Trân nói với BBC.
Nhận định về chương trình thu hút nhân tài VN
Nhận xét về chương trình thu hút nhân tài ở quê nhà, Vũ Minh Hoàng nói: “Quyết định 17 của TP.HCM năm 2019 về căn bản là tốt và cần thiết khi đưa được những người có tài năng về làm việc tại Việt Nam ở những vị trí then chốt. Khiếm khuyết là quyết định này chưa tính đến chuyện gì xảy ra sau khi trợ cấp hợp đồng đầu tiên hết hạn.”
Theo Minh Hoàng, khi những người làm tốt công việc của mình sau vài năm không những không được tăng lương, lên chức mà lại bị trừ lương, việc họ ra đi không có gì đáng ngạc nhiên.
Giảng viên Đại học Fulbright cũng nhận định sự bất bình đẳng giữa chuyên gia người Việt và chuyên gia nước ngoài là một trong những lí do nhân tài ra đi.
“Phần lớn các nơi ở Việt Nam vẫn phân biệt đối xử về lương bổng và các ưu đãi khác giữa người nước ngoài và trong nước. Làm như vậy không chỉ là thiếu đạo đức, mà cũng ngược với xu hướng toàn cầu hóa, khi mà người Việt có tài năng có thể bình đẳng cạnh tranh được với bất cứ ai khác trên toàn cầu. Nếu họ phải chịu phân biệt đối xử ngay ở nước nhà, sẽ khó mà giữ được họ ở đây.”
Xuân Quỳnh đánh giá trong nhiều năm qua Việt Nam đã gửi rất nhiều nhân lực ra nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ, hợp tác với các nước trong các chương trình học bổng như học bổng chính phủ Anh, Úc và Fulbright của Mỹ.
“Điều này cho thấy rằng chính phủ có định hướng đúng trong việc phát triển và thu hút nhân tài. Tuy nhiên việc theo dõi và gắn kết với những nguồn nhân lực này trong quá trình họ tham gia học tập ở nước ngoài chưa nhiều,” Xuân Quỳnh nói.
Tuy nhiên, cô cho rằng kế hoạch sử dụng nhân tài sau khi họ về nước vẫn chưa rõ ràng, do đó gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám” nhiều.
“Nhiều bạn trong suốt quá trình đi học hầu như không tham gia vào công việc hay các dự án ở Việt Nam, khi về sẽ bị sốc vì chưa quen với sự thay đổi. Nhiều bạn thì khi về nước không được phân công công tác hợp lý và lương không phù hợp nên sau khi ở Việt Nam một thời gian thì lại rời đi. Phải có đam mê lắm thì mới ở lại được.”
Mỗi năm, trường đào tạo quản lý uy tín hàng đầu thế giới INSEAD đều có Báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh về nhân tài trên toàn cầu (Global talent competitiveness index) của 134 quốc gia.
Có bốn tiêu chí chủ yếu để đánh giá một quốc gia có thu hút, khai thác sử dụng được nhân tài hay không, gồm: Hỗ trợ (phát hiện) nhân tài; Thu hút nhân tài; Bồi dưỡng nhân tài và Giữ được nhân tài.
Theo Báo cáo INSEAD năm 2021, Việt Nam đứng thứ 82, đạt 40.85 điểm, xếp sau các nước trong khu vực như Thái Lan (68) Philippines (70) và Indonesia (82).
Làm thế nào để giữ chân người tài?
Mặc dù nhiều lí do khiến nhân tài có đi không về, nhưng một tín hiệu tích cực là là tinh thần hướng về quê hương của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
“Tôi khá chắc chắn một điều là người Việt ở nước ngoài ai cũng muốn đóng góp vào việc xây dựng quê hương, dù ở bất kỳ đâu hay trong cương vị gì. Vì vậy, khi điều kiện vật chất chưa cho phép, Việt Nam có thể tạo ra mạng lưới “nhân tài đất Việt” để trước mắt tập hợp nhân tài, ghi nhận các ý kiến đóng góp, tạo ra các cơ hội cho sự trở về sau này”, Duy Trân nói với BBC.
Theo anh, cùng với chiến lược giữ chân và thu hút nhân tài trong dài hạn, trước mắt Việt Nam có thể triển khai các chương trình kết nối nhân tài trên phạm vi toàn cầu thông qua hình thức diễn đàn hoặc hình thành các mạng lưới nhân tài, chuyên gia theo từng khu vực, chuyên ngành cụ thể.
Trong khi đó, Minh Hoàng cho rằng điều cần thiết là tích cực đầu tư cho những người Việt có tài năng và dành cho họ những ưu đãi bình đẳng với các chuyên gia nước ngoài.
Xuân Quỳnh đề xuất có thêm nhiều chương trình hỗ trợ và gắn kết với nhân tài trong quá trình họ đi học, tạo cơ hội để họ có thể vẫn tham gia vào các hoạt động học thuật hay dự án tại Việt Nam. Đồng thời, cô cũng mong muốn có chính sách rõ ràng, minh bạch về kế hoạch sử dụng nhân tài sau khi học xong, trong đó đề cập tới đãi ngộ.
“Mức lương cũng phải phù hợp, đặc biệt trong khối nhà nước,” Quỳnh cho biết.
Nước ngoài thu hút nhân tài như thế nào?
Theo Duy Trân, riêng ở Hàn Quốc, chính phủ có các chương trình lớn như Brain Korea 21 (BK21) nhằm mạnh tay chi tiền cho các nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như khoa học ứng dụng thông qua các trường đại học và viện nghiên cứu, đặc biệt là các ngành hot và tiềm năng như vật liệu nano, công nghệ sinh học, công nghệ hiển thị, pin…
Ngoài ra, các tập đoàn lớn ngoài việc tự thành lập viện R&D (nghiên cứu và phát triển) riêng cũng còn rót tiền cho các trường để thực hiện các dự án nghiên cứu. Từ những khoản ngân sách khổng lồ đó, các trường đại học ở Hàn Quốc có điều kiện tuyển sinh viên tài năng từ các quốc gia đang phát triển thông qua các gói học bổng. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội tiếp tục ở lại làm việc tại các trường đại học, hoặc được giới thiệu ứng tuyển sang các tập đoàn lớn.
Hiệu quả của các chương trình trên là một lượng lớn các sinh viên tài năng từ các quốc gia đang phát triển (chủ yếu từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan…) đến Hàn Quốc để thực hiện nghiên cứu thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu (thể hiện thông qua bài báo khoa học, pattern, sở hữu trí tuệ…) đều thuộc sở hữu của Hàn Quốc (hoặc đứng tên trường đại học Hàn Quốc), qua đó tăng cường tiềm lực quốc gia.
Phần Lan cũng thu hút được nhiều nhân tài nhờ chính sách cấp visa 2 năm sau khi tốt nghiệp để sinh viên tập trung tìm việc làm.
“Những năm gần đây chính phủ cũng vừa có học bổng chính phủ để thu hút du học sinh, và bản thân các trường đại học thường cũng có nhiều suất học bổng trường rất hấp dẫn. Trong lúc theo học, sinh viên còn có thể chọn theo học các môn khác ngoài chương trình của mình (hoàn toàn miễn phí) để nâng cao năng lực bản thân và khám phá các lĩnh vực mới”, Trí Nguyễn cho biết.
Chính phủ Anh cũng vừa công bố chính sách thị thực mới dành cho “những cá nhân tài năng”, có hiệu lực từ ngày 30/5. Lộ trình này nhằm thu hút những người trẻ giỏi và sáng giá nhất đến Anh trong thời gian đầu sự nghiệp.
Chương trình dành cho sinh viên tốt nghiệp trong vòng 5 năm qua tại các trường hàng đầu thế giới ngoài Vương quốc Anh. Những cá nhân xuất sắc này đủ điều kiện xin thị thực bất chấp việc họ sinh ra ở đâu. Ngoài ra, họ cũng không cần thư mời làm việc khi nộp thị thực vào Anh.
Những ứng viên thành công sẽ nhận được thị thực làm việc trong vòng 2 năm nếu họ có bằng tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ, hoặc 3 năm đối với người đã hoàn thành bậc tiến sĩ.
Sau đó, họ cũng có thể chuyển sang thị thực dành cho người lao động dài hạn nếu họ đáp ứng được một số yêu cầu nhất định.
Trong khi đó, Vũ Minh Hoàng, từng theo học tiến sĩ tại Đại học Cornell University ở Mỹ, nói với BBC: “Các nước OECD (Tổ chức Hợp Tác và Phát triển Kinh tế) thì thường thuế và chi phí sinh sống cao, đổi lại với việc phúc lợi xã hội tốt và môi trường ổn định, ít rủi ro hơn trong nước. Vậy nên những người thích ổn định hơn, hoặc những người muốn đạt đỉnh cao trong một số ngành kỹ thuật mà kinh tế Việt Nam chưa đáp ứng được, thì nhiều khi sẽ chọn ở lại”.
“Còn những du học sinh muốn làm cá lớn trong chiếc ao nhỏ hơn, có khả năng tích lũy nhiều hơn, và thích sống gần gia đình, bè bạn, thích được sống trong môi trường quê hương quen thuộc và khí hậu ấm áp, thì nhiều người sẽ chọn về Việt Nam.”
T.L.