Bài toán tự lực về quặng sắt của Trung Quốc còn nan giải dù nhiều năm khai thác

Anne Zhang

Mỏ quặng sắt Fortescue Solomon nằm trong Thung lũng các vị Vua ở vùng Pilbara, Tây Úc. Năm 2020, hơn 60% lượng quặng sắt nhập cảng của Trung Quốc đến từ Úc. (Ảnh: David Gray/Reuters)

Là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đã phụ thuộc vào nhập cảng do nguồn quặng sắt của nước này không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Theo dữ liệu công khai của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, tính đến năm 2021, tài nguyên quặng sắt chưa được khai thác của Trung Quốc, bao gồm cả quặng thô và quặng chứa sắt, vào khoảng 26.9 tỷ tấn, chiếm 10% trữ lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, hơn 90% quặng sắt của Trung Quốc là loại kém. Cấp quặng trung bình của nước này, được đo bằng hàm lượng sắt, chỉ là 35%, thấp hơn nhiều so với 52% của Brazil và 48% của Úc. Đồng thời, quặng sắt của Trung Quốc nằm sâu trong lòng đất khiến chi phí khai thác rất cao. Do đó, các công ty thép Trung Quốc phải nhập cảng lượng lớn quặng sắt.

Các nhà chức trách Trung Quốc đang ráo riết tìm các nguồn thay thế cho nguyên liệu thô này, kể từ khi mối bang giao với Úc – nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới – trở thành thù địch, hai năm trở lại đây.

Hồi giữa tháng Năm, Mạng lưới Khai thác Mỏ Trung Quốc đã công bố kết quả khảo sát địa chất trong Kế hoạch Phát triển Năm năm lần thứ 13 (2016-2020) của nước này, cho thấy nguồn quặng sắt mới của Trung Quốc đã giảm hơn 90% so với giai đoạn Kế hoạch Phát triển Năm năm lần thứ 12 (2011-2015).

Cụ thể hơn, từ năm 2016 đến năm 2020, 23 khu vực sản xuất quặng sắt mới đã được phát hiện ở Trung Quốc, với tổng tài nguyên là 855 triệu tấn. Tài nguyên quặng sắt mới này thấp hơn 94% tổng lượng trong giai đoạn 2011-2015.

Nguồn quặng sắt mới lớn nhất này nằm ở khu vực khai thác Sơn Trang ở huyện Đông A, tỉnh Sơn Đông, với nguồn tài nguyên bổ sung là 210 triệu tấn; nhưng loại quặng thấp vì hàm lượng sắt không vượt quá 30%. Ngoài ra, tại khu vực khai thác Trương Gia Oa ở Lai Vu, tỉnh Sơn Đông và khu vực khai thác Triệu Gia Trang ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, tài nguyên quặng sắt mới lần lượt được phát hiện là 107 triệu tấn và 186 triệu tấn. Nhưng chất lượng ở đó cũng tương đối thấp.

Một trong số ít các mỏ chất lượng cao, được phát hiện ở Vũ Thành, tỉnh Sơn Đông, có hàm lượng sắt khoảng 69%, nhưng tổng trữ lượng chỉ là 15 triệu tấn. Một mỏ giàu sắt khác nằm ở Thành phố Cách Nhĩ Mộc (Golmud), tỉnh Thanh Hải, chỉ có trữ lượng 26 triệu tấn.

Là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giởi, sản lượng thép thô của Trung Quốc là 1.03 tỷ tấn vào năm 2021, theo Cục Thống kê Trung Quốc. Dựa trên tính toán rằng một tấn thép thô cần 1.6 tấn quặng sắt, các doanh nghiệp Trung Quốc lẽ ra phải tiêu thụ khoảng 1.65 tỷ tấn quặng sắt vào năm 2021. Cùng năm đó, sản lượng quặng sắt toàn cầu là 4.2 tỷ tấn, với nhu cầu của Trung Quốc chiếm khoảng 40% sản lượng toàn cầu.

Sản lượng quặng sắt của Trung Quốc còn lâu mới đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước. Năm 2021, số đó là 580 triệu tấn, trong khi nhập cảng quặng sắt trong cùng năm là 1.12 tỷ tấn.

Hầu hết quặng sắt nhập cảng của Trung Quốc trước đây đến từ Úc và Brazil. Theo thống kê của Prospective Economist, vào năm 2020, 66% quặng sắt nhập cảng của Trung Quốc đến từ Úc, và 21% đến từ Brazil.

Tuy nhiên, mối bang giao giữa Trung Quốc và Úc tiếp tục xấu đi kể từ tháng Tư năm 2020, sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của chủng virus corona mới.

Để giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt của Úc, ngoài việc thăm dò các nguồn khoáng sản mới ở Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực thu mua thêm các nguồn tài nguyên chất lượng cao ở ngoại quốc để kiểm soát chuỗi cung ứng quặng sắt, nhưng kế hoạch của họ gần đây đã gặp trở ngại lớn.

Hồi tháng Ba năm nay, dự án khai thác quặng sắt Simandou ở Guinea, Phi Châu mà ĐCSTQ đặt nhiều hy vọng, đã bị chính phủ địa phương đình chỉ.

Mỏ quặng sắt Simandou có hơn 2 tỷ tấn quặng sắt cao cấp — chứa hơn 60% hàm lượng sắt. SMB-Win Consortium, một tập đoàn được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, đã giành được quyền khai thác đối với các khu vực khai thác số 1 và số 2 ở Simandou vào năm 2019; trong khi Tập đoàn Nhôm của Trung Quốc sở hữu 40% cổ phần của các khu khai thác Simandou số 3 và số 4.

Hồi tháng Chín năm ngoái, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Guinea. Hôm 10/03 năm nay, chính phủ quân sự Guinea đã ra lệnh tạm dừng mọi hoạt động tại mỏ sắt Simandou.

Chính phủ mới cho biết việc đầu tiên cần phải làm là tìm ra phương thức hoạt động để bảo vệ lợi ích của Guinea, và bất kỳ nhà phát triển nào tham gia khai thác tại quốc gia này đều phải xây dựng một tuyến đường sắt xuyên Guinea.

Cô Anne Zhang là nhà văn của The Epoch Times tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2014.

Vân Du biên dịch

Related posts