Tik Tok là ‘công cụ gián điệp’: Dữ liệu người dùng Mỹ được truy cập ở Trung Quốc

Quang Nhật

Tik Tok là 'công cụ gián điệp': Dữ liệu người dùng Mỹ được truy cập ở Trung Quốc
Logo của mạng xã hội Trung Quốc TikTok trên một chiếc điện thoại di động, được chụp vào ngày 21/1/2021. (Ảnh: Loic Venance/AFP/Getty Images)

Sau khi các đoạn ghi âm nội bộ bị rò rỉ cho thấy dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ từ ứng dụng Tik Tok bị truy cập nhiều lần ở Trung Quốc, các nhà lập pháp Mỹ cảnh báo ứng dụng video cực ngắn này là một trong những “công cụ gián điệp” của Bắc Kinh trên đất Mỹ. Sắc lệnh cấm Tik Tok và Wechat ở Mỹ của cựu tổng thống Donald Trump hồi tháng 8/2020 đã bị chính quyền ông Joe Biden chặn lại vào tháng 7/2021.

Ít nhất từ ​​tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, các kỹ sư ở Trung Quốc đã có quyền truy cập vào dữ liệu của ứng dụng Tik Tok tại Hoa Kỳ, theo bản ghi âm bị rò rỉ của 80 cuộc họp nội bộ được BuzzFeed News trích dẫn. Bài báo này cho biết dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ đang chảy về Bắc Kinh, các nhân viên Hoa Kỳ không được phép truy cập độc lập.

Một công cụ gián điệp đắc lực của Bắc Kinh

TikTok là ứng dụng video ngắn, thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh. Kể từ khi ra đời, ứng dụng này đã thu hút sự lo lắng ở Hoa Kỳ và bất kể quốc gia nào nơi Tik Tok có mặt. Nghi vấn đặt ra là dữ liệu riêng tư từ người dùng có thể bị truy cập bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bởi vì luật pháp của chế độ Bắc Kinh buộc các công ty phải hợp tác vô điều kiện khi được yêu cầu.

Trong nội dung các video cuộc họp nội bộ rò rỉ, một giám đốc của hãng này đã đề cập đến một kỹ sư ở Bắc Kinh, với tư cách là “Quản trị viên chính”, có “quyền truy cập vào mọi điều”.

“Không có gì ngạc nhiên, TikTok chỉ là một trong các công cụ gián điệp để Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào thông tin cá nhân vốn luôn được bảo mật của người Mỹ”, Hạ nghị sĩ Ken Buck, đảng Cộng hoà Mỹ, nói với The Epoch Times. Ông nói “Mỹ nên có hành động mạnh mẽ để ngăn chặn chiến dịch gián điệp này của ĐCSTQ”.

Tik Tok đã tìm cách giảm thiểu mối quan hệ của nó với Bắc Kinh. Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực cấm Tik Tok hoạt động tại Mỹ. Hiện nay, công ty này vẫn duy trì tuyên bố công khai rằng dữ liệu người dùng Mỹ để tại nước Mỹ, không chia sẻ với chính quyền Trung Quốc ngay cả khi được Bắc Kinh yêu cầu.

Tuy nhiên, Luật Tình báo quốc gia Trung Quốc yêu cầu tất cả các tổ chức và công dân phải “hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia theo quy định của pháp luật” và “bảo vệ bí mật hoạt động tình báo quốc gia mà họ biết”. Do đó, các công ty Trung Quốc không có lựa chọn nào khác. Thực tế, không một doanh nghiệp nào của Trung Quốc có thể tồn tại mà không tuân thủ vô điều kiện các yêu cầu từ chế độ này.

Tháng 8 năm ngoái, một công ty được nhà nước hậu thuẫn có liên hệ với cơ quan giám sát internet hàng đầu của Bắc Kinh đã nắm giữ 1% cổ phần tại một trong các công ty con của ByteDance, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tiềm tàng mà Bắc Kinh có thể thực hiện đối với nền tảng này.

“Không nghi ngờ gì nữa, bất kỳ dữ liệu người dùng nào của Hoa Kỳ được thu thập bởi một công ty tư nhân ở Trung Quốc cũng có thể được thu thập bởi ĐCSTQ”, Hạ nghị sĩ Lee Zeldin (Đảng Cộng Hoà, New York), nói với The Epoch Times. 

Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng 10 năm ngoái, ông Michael Beckerman, phó chủ tịch kiêm người đứng đầu chính sách công ở châu Mỹ của TikTok, đã phủ nhận việc nhân viên ByteDance có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ. Tik Tok lưu trữ các bản sao lưu dữ liệu ở Singapore.

Zeldin cho biết, các đoạn ghi âm bị rò rỉ cho thấy rằng ông Beckerman “đã nói dối Quốc hội, đây là một trọng tội”.

“Dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Mỹ, nhiều người trong số họ chỉ là thanh thiếu niên, đã bị chính phủ Trung Quốc truy cập và có thể được sử dụng cho bất kỳ hoạt động bất chính nào cũng sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo trong chính phủ và khu vực tư nhân của chúng ta, cũng như cho bất kỳ ai sử dụng ứng dụng này”, ông nói.

“Chính phủ Hoa Kỳ cần khẩn trương xác định dữ liệu nào đã được thu thập, phạm vi mà chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập và dữ liệu người dùng Mỹ đã bị sử dụng như thế nào”.

Ngay trước khi có bài báo trên Buzzfeed ngày 17/6, TikTok đã thông báo rằng họ đang di chuyển tất cả dữ liệu người dùng Hoa Kỳ sang các máy chủ của Oracle ở Hoa Kỳ. Tik Tok nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng các trung tâm dữ liệu của Hoa Kỳ và Singapore để lưu trữ sao lưu, nhưng họ dự kiến ​​sẽ xóa dữ liệu người dùng Mỹ theo thời gian.

‘Mọi công nghệ đến từ Trung Quốc đều được vũ khí hóa’.

Một cựu chuyên gia kiểm duyệt internet Trung Quốc, Liu Lipeng, từng nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng TikTok đã tìm cách thuê những người như ông để giám sát người dùng Hoa Kỳ. Vào năm 2018, ông Liu đã phỏng vấn với ByteDance cho vị trí quản lý nội dung TikTok, công ty này yêu cầu ông kiểm duyệt thông tin ở mức toàn cầu.

“Họ đang trực tiếp kiểm duyệt bài phát biểu của người Mỹ,” ông Lipeng nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020.

Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp vào tháng 8/2020 để cấm TikTok và siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc với lý do các ứng dụng này thu thập rất nhiều dữ liệu của người Mỹ, “cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc truy cập vào thông tin cá nhân và quyền riêng tư bất khả xâm phạm của người Mỹ – có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí các nhân viên và nhà thầu Liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện các hoạt động gián điệp”.

Sắc lệnh này của ông Trump bị đình trệ bởi một số vụ kiện và phán quyết của toà.

Nhưng đáng tiếc hơn nữa là vào tháng 7/2021, Tổng thống Joe Biden đã thu hồi lệnh hành pháp này, thay vào đó chỉ đạo Bộ Thương mại đánh giá nền tảng để xác định xem liệu Tik Tok và Wechat có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.

Ông Casey Fleming, một nhà phân tích an ninh mạng và Giám đốc điều hành của công ty cố vấn chiến lược BlackOps Partners, nói rằng vì tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh, thế giới nên gióng lên hồi chuông cảnh báo về công nghệ từ Trung Quốc.

Ông Fleming nói với “China Insider” của EpochTV, “bạn phải hiểu rằng mọi công nghệ đến từ Trung Quốc đều được vũ khí hóa”.

Ông Fleming cho biết dữ liệu cá nhân “rất, rất có giá trị” vì nó vẽ nên bức tranh về những người được kết nối với họ, các giao dịch kinh doanh của họ, hoạt động trên điện thoại thông minh và những gì họ sẽ làm trong tương lai, ông Fleming cho biết. Ông nói thêm, ứng dụng này cũng là một hình thức kiểm soát tâm lý.

“Điều mà hầu hết mọi người không thực sự hiểu là các giá trị và mục tiêu của ĐCSTQ hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ và thế giới tự do”, ông Fleming chia sẻ. “ĐCSTQ muốn hoàn toàn kiểm soát nó. Vì vậy, không có công ty độc lập nào ở Trung Quốc, ĐCSTQ hoàn toàn chỉ huy và kiểm soát ở đó”.

Bất kỳ ai tham gia kinh doanh hoặc theo đuổi mục đích khác ở Trung Quốc “đều phải tuân theo luật của ĐCSTQ”.

TikTok đã không trả lời yêu cầu bình luận trước thời điểm viết bài.

Quang Nhật 

(Theo The Epoch Times)

Related posts