Emmanuel Macron đối mặt thách thức khi để mất đa số tại Quốc hội

Nguồn: Ben Hall, “Emmanuel Macron crashes to earth after losing his hold on parliament,” Financial Times, 20/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chặng đường 5 năm sắp tới sẽ rất khác với Tổng thống Pháp, người được xác định sẽ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của EU.

Thần Juptier[1] đã mất đi tia sét của mình. Hôm Chủ nhật 19/06, các cử tri Pháp đã đưa Emmanuel Macron về lại mặt đất, chỉ hai tháng sau khi ông giành chiến thắng vang dội và tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Tổng thống Pháp.

Liên minh Ensemble (Cùng nhau) của Macron không chỉ để mất đa số tuyệt đối trong vòng bầu cử thứ hai của cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, mà nhiều khả năng sẽ phải chật vật để thông qua các đạo luật trong bối cảnh những người có khả năng ủng hộ họ cao nhất lại là phe trung hữu yếu ớt và chia rẽ.

Sau khi tái đắc cử, Macron đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của EU, với 5 năm cầm quyền đang chờ đợi phía trước, không giống Mario Draghi của Ý, và với một đa số tuyệt đối, không giống Olaf Scholz của Đức. Thế nhưng, giờ đây, ông lại không có sức hút lưỡng đảng như Draghi, cũng chẳng có nền tảng liên minh ổn định như Scholz.

Macron lên nắm quyền vào năm 2017 sau khi tự định vị mình là ‘bức tường thành trung lập’ chống lại các lực lượng chính trị cực đoan. Ông đã lặp lại thành công này vào tháng trước, khi các cử tri một lần nữa không ủng hộ việc để Marine Le Pen, nhà lãnh đạo cực hữu, bước chân vào Điện Elysée. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các phe phái chính trị cực đoan trong nhiệm kỳ thứ hai của Marcon đã hiện rõ trong cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật.

Các đảng cực đoan giờ đã nắm quyền kiểm soát khoảng một nửa số ghế trong Quốc hội Pháp. Jean-Luc Mélenchon, một người chống Mỹ, hoài nghi về châu Âu, thân thiện với Điện Kremlin, hiện là nhà lãnh đạo không thể chối cãi của phe đối lập.

Mélenchon đã khéo léo biến vị trí thứ ba của mình trong vòng bầu cử đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống thành một chiến thắng chính trị. Ông tập hợp thành công một liên minh gồm đảng cực tả, đảng xã hội chủ nghĩa, và đảng xanh dưới sự chỉ huy mạnh mẽ của mình. Những khác biệt sâu sắc về chính sách – đặc biệt là về thái độ với EU – đã bị gạt sang một bên. Cùng nhau, liên minh này đã vươn lên. Đáng chú ý, trong khi cuộc bầu cử tổng thống xoay quanh các chủ đề trung hữu và cực hữu, cuộc bầu cử quốc hội lại thiên về cánh tả, với việc Macron bổ nhiệm Thủ tướng Élisabeth Borne, người có liên hệ tới phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời lặp lại lời kêu gọi của Mélenchon về việc lập kế hoạch nhà nước để chống biến đổi khí hậu.

Sẽ không công bằng nếu mô tả tất cả các thành viên của Nupes (Nouvelle Union populaire écologique et sociale/Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội Mới) là cực đoan. Nhưng điều chắc chắn là những người đứng đầu liên minh này thuộc về cánh tả cứng rắn. Mélenchon muốn được bầu làm thủ tướng, nghĩa là ông sẽ ‘sống chung trong đau khổ’ với tổng thống. Sau khi không đạt được mục tiêu này, người ta cho rằng Mélenchon sẽ phản đối kịch liệt, không chịu nhân nhượng Macron.

Mélenchon đã ăn mừng việc “đánh bại” đảng của Macron, nói rằng nó đã giúp minh oan cho chiến lược của ông. Nhưng bước đột phá quan trọng hơn thực ra thuộc về Le Pen. Đảng Rassemblement national (Tập hợp Quốc gia) cực hữu của bà đã giành được số ghế cao gấp 10 lần so với năm 2017, và quan trọng là con số đó lớn hơn nhiều so với Đảng Cộng hòa trung hữu chính thống.

Đảng Cộng hòa có vẻ đã thể hiện tốt hơn màn trình diễn kém cỏi của họ trong cuộc bầu cử tổng thống. Họ rõ ràng là những đối tác ủng hộ Macron, người đã sử dụng các chính sách và nhân sự của họ. Nhưng đảng này cũng bị chia rẽ sâu sắc về chiến lược và lập trường. Việc bị đảng cực hữu vượt mặt sẽ chỉ khiến họ trở nên khó đối phó hơn. Phản ứng đầu tiên của Christian Jacob, Chủ tịch Đảng Cộng hòa vào tối Chủ nhật, là nói rằng đảng này sẽ ở thế đối lập.

Pháp có một nhà nước tập quyền cao độ. Macron thậm chí còn đưa nó lên một tầm cao mới khi tập trung toàn bộ quyền lực về mình, gạt bỏ các thể chế và xã hội dân sự khác, trong lúc ông điều hành đất nước từ cung điện của mình. Dù họ không hẳn là một cơ quan thiếu chính kiến, nhưng Quốc hội Pháp lâu nay vẫn luôn tuân lệnh Tổng thống. Tuy nhiên, 5 năm tới sẽ là một giai đoạn rất khác. Suy cho cùng, Pháp vẫn là một nền dân chủ nghị viện.

Kết quả bầu cử là một sự sỉ nhục. Một số đồng minh chính trị thân cận nhất của Macron, bao gồm Richard Ferrand, Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm, và Christophe Castaner, lãnh đạo đảng của Macron trong Quốc hội, đã chính thức mất ghế. Nhiều cử tri Pháp sẽ nhìn nhận kết quả này là sự bác bỏ lối quản lý kiêu ngạo, cá nhân hóa quá mức. Số khác sẽ lo sợ rằng nước Pháp, với tất cả những căng thẳng xã hội hiện có, sẽ trở nên không thể điều hành được nữa, tiếp tục làm xói mòn niềm tin vào nền dân chủ và giúp nâng cao sức mạnh của các lực lượng cực đoan.

Macron có nhiệm vụ riêng của mình. Tổng thống Pháp có quyền đối với chính sách đối ngoại và quốc phòng, đồng thời có thể giải tán Quốc hội trong trường hợp cơ quan này rơi vào ‘tình trạng tê liệt.’ Ông cũng có sự linh hoạt về mặt tư tưởng. Nhưng vị tổng thống sẽ cần thêm những kỹ năng chính trị mới và một chút khiêm tốn để cứu vãn nhiệm kỳ thứ hai của mình.

—————————————

[1] Thần Jupiter là biệt danh mà báo giới đặt cho Marcon

Related posts