Những động thái trái khoáy của Việt Nam

Hoàng Trường (VOA)

clip_image002
Xã hội dân sự Việt Nam bày tỏ ủng hộ Ukraine. Từ trái sang: TS Đinh Hoàng Thắng, bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời Ukraine, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, và GS Nguyễn Đình Cống.

Phải hành động ngay bằng những kết nối thiết thực này trong liên khu vực, chứ không phải thúc đẩy các động thái trái khoáy thách thức Mỹ, khối NATO và nhóm G-7.

Một nghịch lý lạ lẫm: Chất lượng cuộc sống của người dân bị xếp thứ 62 trên thế giới, thua cả 6 nước ASEAN, nhưng chính quyền Việt Nam lại thách thức G-7 và NATO bằng cách tiếp tục quan hệ với Nga. Trong khi đó, chính Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, hôm 29/6, Mỹ đưa một công ty Việt Nam vào danh sách đen, vì đã hỗ trợ quân đội Nga.

Việt Nam “điếc không sợ súng”

Cuối tháng 6 vừa qua, trên lục địa châu Âu vừa diễn ra hai sự kiện hết sức quan trọng đối với hòa bình và an ninh của thế giới. 30 nhà lãnh đạo quốc gia của Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã họp Thượng đỉnh tại Madrid/ Tây Ban Nha (từ 28 – 30/6). Trước đó, từ 26 – 28/6, Hội nghị Thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ (G-7) đã được tổ chức tại một lâu đài ở vùng Bavarian Alps (Đức). Cả hai cuộc Thượng đỉnh được tổ chức trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine ngày càng tàn khốc. Các nhà phân tích chính trị cho rằng các nhà lãnh đạo G-7 và NATO đã đồng lòng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ca ngợi “lập trường minh bạch” của NATO đối với Nga và cho biết, kết quả các Hội nghị Thượng đỉnh cho thấy “có thể phải đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết”.

Được tổ chức vào thời điểm cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 5 với nguy cơ leo thang ngày càng nghiêm trọng, Hội nghị Madrid được đánh giá là một trong những Thượng đỉnh quan trọng nhất của NATO trong nhiều thập kỷ qua. Trong thông điệp gửi đi trước thềm Thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cuộc họp 3 ngày tại Madrid sẽ chứng kiến những thay đổi quan trọng nhất của NATO trong cả một thế hệ, nhằm đối phó với các thách thức an ninh đặt ra sau khi Nga xâm lăng Ukraine. Tại Thượng đỉnh, NATO nhất trí coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp” nhất đối với an ninh của các đồng minh sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. NATO tuyên bố sẽ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang đang bị tấn công của Kyiv. Khối này nói rằng, họ ủng hộ hết mình “lực lượng phòng thủ anh hùng” của Ukraine. Sau khi hoàn thành Hội nghị Thượng đỉnh với nội dung chính là bàn về cuộc xâm lược của Nga và các biến động địa-chính trị mà cuộc chiến gây ra, NATO đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia Liên minh.

Trước đó, tối 27/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước Nga đã trở thành tổ chức khủng bố lớn nhất trên thế giới: “Phải đưa điều này thành sự thật pháp lý. Và tất cả mọi người trên thế giới phải biết rằng mua hoặc vận chuyển dầu của Nga, duy trì liên lạc với các ngân hàng Nga, nộp thuế cho nhà nước Nga đồng nghĩa với việc đưa tiền cho những kẻ khủng bố”. Trong một phát biểu khác vào ngày 28/6, ông Zelensky khẳng định Ukraine sẽ chiến thắng dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa. “Kẻ thù sẽ không thể nhận ra sức mạnh mà chúng ta có để sẵn sàng chiến đấu cho các quyền và tự do của chúng ta. Bọn không có sức mạnh thì có bao giờ tước bỏ được sức mạnh của người khác… Đó là lý do tại sao chiến thắng là điều sẽ đến với chúng ta. Sự trừng phạt là điều không thể tránh khỏi đối với kẻ thù. Ngày đó nhất định sẽ đến. Và hòa bình cũng sẽ tới”.

Cùng lúc với những biến động dữ dội bên trời Âu, hôm 28/6, Mỹ bắt đầu đưa một Công ty ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, có tên là King-Pai Technology (Technology Kim Phái), vào danh sách đen. Trước đó, từ 25 – 28/6/2022, ba chiến hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga vừa cập cảng quốc tế Cam Ranh để thực hiện chuyến thăm xã giao tỉnh Khánh Hòa. Cuối tháng 4/2022, tờ “Quân Đội Nhân Dân” loan tin, Nga và Việt Nam đã có cuộc họp trực tuyến để chuẩn bị cho cuộc thi “xe tăng hành tiến”, một nội dung trong Army Games 2022 do Nga dự định tổ chức. Tuy nhiên, trước tình hình hiện Nga phải huy động cả những xe tăng từ thời chiến tranh Việt Nam đưa sang chiến trường Ukraine thì tin về tập trận “xe tăng hành tiến Nga – Việt” có vẻ đi vào quên lãng. Ngày 26/6, tờ “Politico” (Mỹ) cho biết, sau khi Việt Nam bắt bỏ tù nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Ngụy Thị Khanh, Anh cùng với Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà. Michael Sutton, Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường Goldman phát biểu: “Đã đến lúc Hoa Kỳ nên thực sự ‘vứt bỏ găng tay xuống sàn’ và tuyên bố rõ với Việt Nam rằng, những việc làm như thế này này sẽ không thể dung thứ”.

Vị thế hiện nay của đất nước

Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN và đứng thứ 62/165 nước trên thế giới về chất lượng sống, theo đánh giá của tạp chí CEOWORLD có trụ sở chính ở New York (Mỹ). Bảng xếp hạng mang tên “Những nước tốt nhất thế giới về chất lượng cuộc sống, 2021”, được CEOWORLD công bố hôm 20/6, nêu tên Phần Lan ở vị trí số 1, tiếp theo là 8 nước ở Bắc Âu và Tây Âu. Nhật Bản và Hàn Quốc của châu Á lần lượt có xếp hạng thứ 10 và 13. Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – xếp thứ 14. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đứng vị trí số 37, vẫn còn cách xa các nước đứng đầu. Nga đứng thứ 43. Trong số các thành viên của ASEAN, Singapore đứng thứ 19, kém 19 bậc là Thái Lan ở vị trí 38. Tiếp theo là Philippines, 39; Malaysia, 41; Brunei, 49; Indonesia, 58. Với một vị thế quốc tế như thế, hiển nhiên, ưu tiên của mọi ưu tiên đối với Việt Nam, là hãy bắt kịp các thành viên ASEAN khác.

Trước vấn nạn nội xâm đang hoành hành, tham nhũng tràn lan khắp các tỉnh thành, khắp các bộ, ban ngành, mà vẫn chưa tìm được biện pháp khả thi để chặn đứng. Đất nước hiện rơi vào thế yếu đến mức không dám lên tiếng khi CPC để cho Trung Quốc căn cứ Hải quân khủng ngay cạnh đảo Phú Quốc. “Ngoại giao cây tre” tả tơi trước cơn cuồng phong do Trung Quốc giật dây CPC tạo nên.

Theo giới quan sát, nhiều người dân trong nước lẫn khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thường phàn nàn, chỉ trích về nạn ô nhiễm, tai nạn giao thông, tắc đường, ngập lụt, thiếu trường học và bệnh viện, ít cơ hội việc làm, thu nhập thấp, giá nhà đất quá cao, thực thi luật pháp không công bằng giữa người dân và quan chức. Tuy nhiên, CEOWORLD, Tạp chí chuyên phục vụ các lãnh đạo doanh nghiệp với hơn 12,4 triệu lượt xem, cho biết 165 nước được đánh giá, xếp hạng căn cứ vào 10 tiêu chí gồm: chi phí đời sống phải chăng, ổn định kinh tế, điều kiện tốt cho gia đình, thị trường việc làm tốt, bình đẳng thu nhập, ổn định và trung tính về chính trị, an toàn, ảnh hưởng văn hóa, hệ thống giáo dục công và hệ thống y tế công phát triển tốt.

Giới think-tank đã chỉ ra rằng Việt Nam sở dĩ thắng được các cuộc chiến tranh thời hiện đại là nhờ có cường quốc làm đồng minh. Đó là Liên Xô và Trung Quốc trong các cuộc kháng chiến nổi tiếng trước đây. Nay để có thể bẻ gãy mọi âm mưu tấn công Việt Nam từ bên ngoài thì không có đường nào khác là khẩn trương từ bỏ chính sách không liên minh quân sự, mà phải “chọn bạn mà chơi”. Nhưng đối với ĐCSVN, nếu cực chẳng đã phải “chọn bạn”, một cách quán tính và bản năng, họ sẽ chọn Nga.

Đó là một trong những tính toán dẫn đến các động thái trái khoáy của Việt Nam như đã thấy ở trên.

Nhìn vào cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine, không cần phải trình độ chuyên gia cũng có thể suy ra, trong chiến tranh hiện đại, không một quốc gia nào, với các nước vừa và nhỏ lại càng không thể tự vệ một mình. Vì thế, hướng lựa chọn để trở thành một bộ phận của không gian “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (FOIP) sẽ là một tất yếu, nếu ban lãnh đạo Hà Nội biết đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết. Trước mắt, Việt Nam nên tham gia ngay sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (viết tắt là IPMDA) nhằm tăng cường sự hợp tác với các đối tác khu vực để giải quyết vấn đề nhân đạo, thảm họa thiên nhiên và đánh bắt cá trái phép trong không gian FOIP. Phải hành động ngay bằng những kết nối thiết thực này trong liên khu vực, chứ không phải thúc đẩy các động thái trái khoáy thách thức Mỹ, khối NATO và nhóm G-7.

H.T.

Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam.

Related posts