Tin thế giới trưa thứ Sáu

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn, đã bắt được nghi phạm

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn thuyết trong một cuộc họp báo tại dinh thủ tướng vào ngày 28/08/2020 ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Franck Robichon/Pool/Getty Images)

Đài truyền hình NHK đưa tin, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng chảy máu sau khi bị bắn ở Nara, một thành phố ở phía tây Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe, thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản, đang có bài diễn văn cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Dân Chủ Tự Do Nhật Bản thì ông ngã quỵ xuống và dường như đã bị bắn vào ngực, theo nhiều bản tin.

Một phóng viên của NHK cho biết cô đã nghe thấy những âm thanh giống như hai tiếng súng liên tiếp và sau đó nhìn thấy ông Abe chảy máu. Đoạn phim từ nhà ga đã nắm bắt được khoảnh khắc ông ngã xuống. Vụ việc diễn ra gần Ga Yamato-Saidaiji.

Theo đài NHK, ông Abe, 67 tuổi, dường như không có dấu hiệu của sự sống.

Ông Yoichi Masuzoe, cựu thống đốc thứ 19 của Tokyo, cho biết trên Twitter lúc 12 giờ 4 phút chiều giờ địa phương rằng ông Abe đang trong tình trạng “ngưng tim ngưng thở.”

Fuji News Network đưa tin, hai viên đạn bắn trúng ngực trái của ông Abe từ phía sau lưng, dẫn lời các quan chức của Đảng Dân Chủ Tự Do.

NHK đưa tin dẫn nguồn cảnh sát cho biết, một người đàn ông nghi là tay súng đã bị tạm giữ tại hiện trường vì tình nghi có âm mưu ám sát vào khoảng 11 giờ 30 phút sáng và một khẩu súng đã được thu hồi tại hiện trường. Nghi phạm được cho là một công dân ngoại quốc khoảng 40 tuổi.

Nhật Bản có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Để có được một khẩu súng, một cá nhân phải trải qua nhiều bài thi và kiểm tra của cảnh sát. Thông thường, mỗi năm chỉ có vài trường hợp tử vong do súng.

Câu chuyện này là tin thời sự, vui lòng kiểm tra lại để cập nhật thông tin.

Cô Mimi Nguyen Ly đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Cô sống tại Úc.

Ngoại trưởng Trung Quốc gặp người đồng cấp Nga ở Bali trước thềm hội nghị G20

Hồng Ân biên dịch

Russian Foreign Minister Sergei Lavrov and Chinese Foreign Minister Wang Yi shake hands as they meet in Denpasar, Indonesia July 7, 2022. Russian Foreign Ministry/Handout via REUTERS

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Bali vào ngày thứ Năm (7/7) trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng G20.

Bất chấp những lời chỉ trích, Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với Nga, trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tìm cách cô lập chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin khỏi trật tự ngoại giao và tài chính toàn cầu vì cuộc tấn công quân sự nhằm vào nước láng giềng.

Ông Lavrov đã thông báo cho ông Vương “về việc thực hiện các nhiệm vụ chính của chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, đồng thời nhắc lại luận điệu của Moscow rằng mục đích của họ là “phi hạt nhân hóa” đất nước, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Cả Trung Quốc và Nga đều nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây đã lách luật quốc tế và không thể chấp nhận được.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đến Bali vào cuối ngày 7/7 và sẽ có cuộc hội đàm song phương với ông Vương trong ngày 9/7. Ông Blinken dự kiến ​​sẽ nhắc lại cảnh báo với Bắc Kinh về việc họ ủng hộ Nga tại cuộc hội đàm sắp tới với ông Vương.

Tuy nhiên, ông từ chối cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga, mặc dù họ đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu đầu tiên kể từ khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 2/2022.

Ngoại trưởng Blinken gặp ông Lavrov lần cuối vào tháng 1/2022 tại Geneva, nơi nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo Nga về những hậu quả to lớn nếu nước này tiếp tục và xâm lược Ukraine, nhưng họ vẫn tiến hành cuộc chiến vào ngày 24/2.

Washington cho rằng, Nga nên bị tước bỏ tư cách thành viên của diễn đàn quốc tế. Quan điểm này cũng được một số đồng minh phương Tây đồng thuận.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai Ngoại trưởng Lavrov và Vương Nghị nhấn mạnh “sự cần thiết của việc duy trì và phát triển G20” trong cuộc họp của họ.

Hội nghị ngoại trưởng G20 diễn ra tại đảo Bali trong ngày 7 và 8/7. Tại hội nghị, ngoại trưởng các nước bàn về cách giải quyết các khủng hoảng hiện tại, bao gồm khủng hoảng Ukraine, việc khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Ông Blinken dự định sẽ tận dụng cuộc họp – mở đầu cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào tháng 11 – để vận động các đồng minh vốn không ủng hộ lập trường của họ về Ukraine, chẳng hạn như Ấn Độ, rút ​​khỏi liên minh Moscow.

Tuy nhiên hy vọng của ông về một mặt trận thống nhất của phương Tây chống lại cuộc xâm lược của Nga đã bị giáng một đòn mạnh sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss rút khỏi cuộc họp vào phút cuối, theo một nhà ngoại giao.

Bà Truss sẽ không tham dự các cuộc hội đàm với những người đồng cấp của mình trong ngày 8/7, mà thay vào đó là một quan chức cấp cao của Anh, nhà ngoại giao nói với AFP. Bà Truss đã rút ngắn chuyến đi của mình sau khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ của ông trong ngày 7/7.

Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập đối với Nga và từ chối lên án cuộc xâm lược của nước này tại Ukraine.

Cuộc gặp giữa ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 2 trước thềm Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh đã đánh dấu “kỷ nguyên mới” của quan hệ quốc tế và “không có giới hạn” giữa hai quốc gia.

Ông Tập cũng đảm bảo với Putin về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với “chủ quyền và an ninh” của Nga trong một cuộc điện đàm hồi tháng trước.

Hoa Kỳ đã nhanh chóng bày tỏ quan điểm, lên án Trung Quốc “thắt chặt mối quan hệ chặt chẽ với Nga” mặc dù họ tuyên bố là sẽ trung lập.

Nhật Minh (Theo AFP)

Sri Lanka phá sản, Bộ Ngoại giao Đài Loan chỉ trích “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ

Người dân Sri Lanka đang gặp khó khăn trong việc mua các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm. Nhiều cuộc biểu tình nỗ ra phản đối chính phủ của ông Gotabaya. (Ảnh minh họa: Cuộc biểu tình hôm 9/4 ở Sri Lanka/Shutterstock)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Ou Jiangan hôm 7/7 đã chỉ trích “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một trong những nguyên nhân chính khiến Sri Lanka phá sản, cựu Thủ tướng Mahathir của Malaysia cũng có cùng quan điểm này.

Theo Liberty Times Đài Loan, vào ngày 5/7, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka tuyên bố tại Quốc hội rằng Sri Lanka đã phá sản và chìm trong suy thoái trầm trọng; tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng sẽ tiếp diễn và còn khó khăn đến năm 2023.

Hiện nay, Sri Lanka đã không thể nhập khẩu các nguồn cung cấp quan trọng vì hết ngoại tệ, trong vài tháng qua, nước này đã bị mất điện kéo dài, lạm phát trầm trọng, thiếu lương thực và nhiên liệu, người dân thậm chí buộc phải sử dụng củi để nấu ăn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Ou Jiangan nói rằng an ninh của Sri Lanka đã bị sụp đổ, quân đội và cảnh sát được trang bị súng để duy trì trật tự, cảnh bạo lực xã hội thường xuyên xảy ra, thủ đô Colombo cũng đã rơi vào tình trạng khẩn cấp. Bà cho biết hơn 60 người Đài Loan vẫn an toàn và văn phòng phụ trách sẽ giữ liên lạc với họ để cung cấp hỗ trợ khi cần thiết. Sri Lanka hiện được liệt vào danh sách cảnh báo đỏ trong “Thang xếp hạng cảnh báo du lịch nước ngoài”.

Bà Ou Jiangan đề cập rằng từ năm 2012, Sri Lanka đã vay nặng lãi của ĐCSTQ thông qua kế hoạch “Vành đai và Con đường” và đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhưng không mang tính kinh tế, dẫn đến gánh nặng nợ nước ngoài; thêm nữa là bùng nổ của dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) và chiến tranh Nga xâm lược Ukraine khiến giảm mạnh nguồn ngoại hối, trong khi doanh thu du lịch không còn cùng nạn thiếu lương thực và giá năng lượng tăng cao… nên tình trạng vỡ nợ nước ngoài là rất nghiêm trọng. Sri Lanka đã không thể mua các nhu yếu phẩm của cuộc sống như thực phẩm, dầu diesel, khí đốt tự nhiên…

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Sankei của Nhật Bản, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia cho biết thập kỷ qua, ĐCSTQ đã cung cấp các khoản vay hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng của Sri Lanka như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, nhà máy phát điện và các thành phố cảng gây gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, cộng thêm những cú sốc dây chuyền gần đây làm trầm trọng thêm tình trạng suy sụp kinh tế của nước này.

Ngoài ra cũng phải kể tình trạng chính trị trong nước khi cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa của Sri Lanka và các thành viên trong gia đình giữ các chức vụ chính thức quan trọng (ví dụ như người em trai Bashir Rajapaksa của ông ta giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính và sau đó là thành viên quốc hội), bị người dân cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.

Nguồn tin từ doanh nhân Đài Loan ở Sri Lanka cho biết, do kinh tế Sri Lanka suy sụp, nguồn cung cấp điện bị gián đoạn trong một thời gian dài nên người dân phải dùng máy phát điện chạy bằng dầu diesel. Tuy nhiên, từ cuối tháng Sáu không có nhiên liệu diesel khiến tình hình càng khó khăn hơn, ngoài ra giao thông về cơ bản bị đình trệ hoặc tê liệt gây khó cho người lao động đi làm cũng như sinh viên đi học.

Trạch Húc, Vision Times

Quốc hội Nga thông qua hai dự luật kiểm soát sâu rộng nền kinh tế thời chiến

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phía trước) và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự phiên họp của Hội đồng những người đứng đầu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Sochi, Nga, ngày 11/10/2017. (Ảnh: Maxim Shemetov / AFP / Getty Images)

Quốc hội Nga vừa gấp rút thông qua hai dự luật áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với nền kinh tế, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho lực lượng vũ trang và buộc nhân viên tại một số công ty phải làm việc ngoài giờ.

Sau khi được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật, các dự luật sẽ cho phép chính phủ Nga áp dụng “các biện pháp kinh tế đặc biệt” trong thời kỳ mà Điện Kremlin gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

“Trong bối cảnh các hoạt động của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đang diễn ra bên ngoài lãnh thổ Nga, bao gồm cả trên lãnh thổ Ukraine, chúng ta cần sửa chữa vũ khí và trang thiết bị quân sự, đồng thời cần cung cấp phương tiện vật chất và kỹ thuật”, trích một ghi chú đi kèm một trong các dự luật.

Hai dự luật đã được Điện Kremlin đệ trình lên Duma Quốc gia Nga (hạ viện) vào ngày 30/06. Sau khi được thông qua trong lần đọc đầu tiên, ông Vyacheslav Volodin – Chủ tịch Duma Quốc gia Nga – cho biết các cuộc thảo luận thêm sẽ được tổ chức kín vì vấn đề an ninh quốc gia.

Theo một trong những dự luật, nhà nước Nga sẽ có thể mua hàng hóa và dịch vụ cần thiết để tiến hành các hoạt động quân sự đặc biệt từ một nhà cung cấp duy nhất mà không cần phải thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ cần thiết để tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” cho các lực lượng vũ trang.

Dự luật thứ hai cho phép chính phủ yêu cầu nhân viên của một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho quân đội Nga làm việc ngoài giờ.

Chính phủ Nga cũng có thể bắt buộc một số nhân viên làm việc vào ban đêm, vào cuối tuần hoặc trong các ngày lễ với mức lương cao hơn.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Related posts