Ông Putin họp với Hội đồng An ninh, tin đồn cho biết xoay quanh việc thống nhất Nga – Belarus
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên lịch họp với các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nga, trong bối cảnh xuất hiện tin đồn cho rằng Nga và Belarus đang tiến tới quá trình thống nhất.
“Vào thứ Sáu, Tổng thống sẽ tổ chức một cuộc họp bàn kế hoạch hành động với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh vào giữa ngày hoặc vào buổi chiều, tùy thuộc vào các sự kiện khác”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov được hãng tin nhà nước Nga TASS dẫn lời.
Đây là cuộc họp bàn thứ hai của ông Putin với Hội đồng An ninh trong tháng. Cơ quan này đã được triệu tập lần gần đây nhất vào ngày 1/7, khi các thành viên tập trung vào thảo luận “hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng”, theo Điện Kremlin.
Cuộc họp mới nhất diễn ra sau hơn 4 tháng kể từ cuộc chiến chống lại Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga đã rất bận rộn trong tuần này, khi ông ra lệnh cải tổ chính phủ của mình và đã ký hơn 60 dự luật chỉ trong ngày thứ Năm. Hôm thứ Sáu, ông Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Denis Manturov, Bộ trưởng Công thương, làm Phó thủ tướng Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với TSN.ua, nhà khoa học chính trị và nhà công luận người Nga Andrei Piontkovsky cho biết ông Putin có thể sẽ ký một “hiệp ước thống nhất” Nga, Belarus và Ukraine trong cuộc họp hôm thứ Sáu.
Piontkovsky cho biết ông tin rằng TT Nga sẽ sử dụng cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych để ký văn bản như vậy.
ÔngYanukovych đã trốn sang Nga vào năm 2014, năm Putin sáp nhập Crimea từ Ukraine. Vào ngày 2 tháng 3, chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, Ukrayinska Pravda dẫn lời một quan chức tình báo Ukraine nói rằng ông Yanukovych đang ở Belarus, chờ được tuyên bố là Tổng thống mới của Ukraine nếu ông Putin chiếm được thủ đô Kyiv.
Ông Putin từng nói trong một diễn đàn song phương ở thành phố Grodno của Belarus ngày 1/7 rằng phản ứng của phương Tây đối với cuộc chiến của ông ở Ukraine đang thúc đẩy Nga và Belarus tiến tới thống nhất.
Ông Putin nói: “Áp lực chính trị và trừng phạt chưa từng có từ phương Tây đang thúc đẩy Nga và Belarus đẩy nhanh quá trình thống nhất. “Xét cho cùng, việc [thống nhất] sẽ giảm thiểu thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp, tạo điều kiện làm chủ việc sản xuất các sản phẩm được yêu cầu, phát triển năng lực mới và mở rộng hợp tác với các nước hữu nghị sẽ dễ dàng hơn.”
Nhật Minh (theo Newsweek)
Sri Lanka muốn vay tiếp Trung Quốc 4 tỷ USD, tự tin rằng Bắc Kinh sẽ đồng ý
Sri Lanka đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về khoản vay lên tới 4 tỷ USD và tin tưởng rằng Bắc Kinh sẽ đồng ý “vào một thời điểm nào đó”, theo một phái viên hàng đầu, Bloomberg đưa tin.
Colombo đang đề nghị Trung Quốc cho vay 1 tỷ USD để trả một khoản nợ tương đương của Trung Quốc sắp đến hạn trong năm nay, Palitha Kohona, đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hôm thứ Sáu. Ngoài ra, Sri Lanka cũng đang đề nghị hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để thanh toán cho hàng nhập khẩu Trung Quốc và kích hoạt khoản hoán đổi tiền tệ trị giá 1,5 tỷ USD giữa hai nước, ông nói thêm.
“Chúng tôi tin tưởng rằng đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ đồng ý với các yêu cầu của chúng tôi vì đây không phải là những yêu cầu vô lý,” ông Kohona nói. “Chúng tôi đã đưa ra yêu cầu tương tự đối với các chủ nợ khác. Sri Lanka cần nguồn tài trợ để mang lại sự ổn định cho hệ thống tài chính của chúng tôi và chúng tôi tin tưởng rằng người Trung Quốc sẽ sớm chấp thuận”.
Quốc gia Nam Á phá sản đã nhận được khoảng 3,8 tỷ USD viện trợ từ nước láng giềng Ấn Độ và đang đàm phán để có thêm. Đất nước cần tiền mặt để trả cho việc mua thực phẩm và nhiên liệu, với tình trạng thiếu hụt trầm trọng khiến lạm phát lên tới 70%, gây ra các cuộc biểu tình bạo lực của công chúng và buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải rời khỏi đất nước và từ chức.
Chính phủ liên bang của Sri Lanka có khoảng 12,6 tỷ USD trái phiếu còn nợ cho các quỹ toàn cầu; tất cả các khoản hoàn trả đều bị đóng băng và đất nước đã vỡ nợ. Sri Lanka nợ các chủ nợ song phương và các bên cho vay đa phương một số tiền tương đương.
Sri Lanka nợ Trung Quốc hơn 3,5 tỷ USD và đang đề nghị Bắc Kinh tái cơ cấu các khoản nợ. Chính quyền Colombo khẳng định Bắc Kinh không phải là tác nhân đẩy nước này đến cảnh vỡ nợ và các khoản vay Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% khoản nợ của Sri Lanka.
Trước đó, quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã nói với Bloomberg News họ cũng nợ Nhật Bản một khoảng tương đương nhưng lãi suất đối với các khoản vay của Trung Quốc cao hơn. Ông Wickremesinghe đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ấn Độ đã thúc giục IMF đối xử bình đẳng với tất cả các chủ nợ của Sri Lanka. Các nhà chức trách Sri Lanka cho biết Trung Quốc lo ngại về khả năng chậm trễ trong việc trả nợ nếu khoản hoán đổi 1,5 tỷ USD đã thỏa thuận được đưa vào các cuộc đàm phán của IMF.
Ông Kohona từ chối cho biết liệu Trung Quốc có cho phép Sri Lanka thực hiện giao dịch hoán đổi hay không nhưng cho biết việc này sẽ không được đưa vào các cuộc đàm phán của IMF.
Ông Kohona hôm thứ Sáu cho biết mối quan hệ của Sri Lanka với “nước láng giềng gần gũi, quan trọng” là Ấn Độ không phụ thuộc vào mối quan hệ “nồng ấm, gần gũi” của hòn đảo với Trung Quốc. Ông nói thêm rằng quan hệ Trung Quốc – Sri Lanka vẫn sẽ tồn tại sau sự ra đi của Rajapaksa, người được coi là thân thiết với Bắc Kinh.
“Tổng thống đã ra đi, nhưng trong những tuần tới, chúng tôi sẽ quyết định người kế nhiệm,” ông Kohona nói.
Lê Vy (theo Bloomberg)
Ông Trump đã quyết định về việc có tham gia hay không cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024
Minh Đăng
Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã đưa ra quyết định về việc có nên tranh cử vào năm 2024 hay không. Vấn đề là hiện ông đang cân nhắc là thời điểm chính thức thông báo quyết định này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí New York được công bố vào ngày 14/07, vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ tiết lộ rằng ông đã quyết định về vấn đề đó, nhưng còn “quyết định lớn” nữa là thời điểm để thông báo.
“Chà, trong suy nghĩ của riêng tôi, tôi đã đưa ra quyết định đó. Vì vậy không có gì ảnh hưởng đến [việc ra quyết định] nữa. Theo suy nghĩ của riêng tôi, tôi đã đưa ra quyết định đó”, cựu Tổng thống Mỹ chia sẻ.
“Tôi sẽ nói rằng quyết định quan trọng của tôi sẽ là liệu tôi thực hiện sớm hay muộn”, ông Trump nói. Ông cũng cho biết vẫn chưa quyết định về việc sẽ công bố trước hay sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Ông nói rằng đã có “một số chuẩn bị nhất định” trong việc công bố quyết định trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022 tới đây.
“Hãy cho mọi người biết. Tôi nghĩ rằng nhiều người thậm chí sẽ không tham gia [tranh cử trong năm 2024] nếu tôi làm điều đó bởi vì, nếu bạn nhìn vào kết quả các cuộc khảo sát, họ thậm chí còn không đăng ký, hầu hết những người này. Và tôi nghĩ rằng bạn sẽ thực sự có phản ứng dữ dội đối với họ nếu họ cũng tham gia tranh cử. Mọi người muốn tôi tranh cử”, ông Trump nói.
“Tôi cảm thấy rất tự tin rằng, nếu tôi quyết định tranh cử, tôi sẽ giành chiến thắng”, ông nói thêm.
Bình luận của ông Trump được đưa ra là tin tức mới nhất trong một loạt gợi ý cho công chúng về cuộc tranh cử năm 2024, mặc dù ông chưa chính thức công bố quyết định của mình.
“Tôi đã tranh cử hai lần, tôi đã thắng hai lần… Và bây giờ với sự chấp thuận của những người vĩ đại của Alaska, chúng tôi có thể phải làm điều đó một lần nữa”, ông Trump nói trong một buổi diễu hành ngày 09/07 ở Alaska, với lưu ý rằng ông đã nhận được “nhiều triệu phiếu bầu nữa” vào năm 2020 so với năm 2016 khi ông đánh bại bà Hillary Clinton. Cựu Tổng thống vẫn khẳng định rằng có sự gian lận bầu cử đáng kể và những bất thường này đã làm mất hiệu lực của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Bất chấp những lo ngại của các nhà quan sát Đảng Cộng hòa (GOP) về điều gì sẽ xảy ra nếu Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis cũng tham gia cuộc đua vào năm 2024, một cuộc thăm dò vào tháng 7 do New York Times và Siena College thực hiện cho thấy sự ủng hộ trong Đảng Cộng hòa cho ông Trump đã gần vượt mặt gấp đôi ông DeSantis.
Ông Trump trước đây đã bác bỏ những lo ngại về mối đe dọa có thể xảy ra bởi một cuộc chạy đua với ông DeSantis.
“Tôi không biết Ron có tranh cử hay không và tôi cũng không hỏi ông ấy. Đó là đặc quyền của ông ấy… Tôi nghĩ mình sẽ thắng”. Trump nói với The New Yorker vào tháng Sáu.
Cựu Tổng thống đã có hơn 200 xác nhận trong giữa nhiệm kỳ năm 2022 và đã thể hiện một thành tích nhìn chung mạnh mẽ với tỷ lệ thành công hơn 90% cho đến nay.
Trong khi đó, các nhân vật của Đảng Cộng hòa đã lưu ý rằng ảnh hưởng của ông Trump trong GOP còn lâu mới suy giảm.
Nhà phê bình Mitt Romney (Đảng Cộng hòa – Utah) của ông Trump nói với Politico vào tháng 5 về những suy nghĩ của ông ấy về cựu Tổng thống, nói thêm: “Tôi không tự huyễn hoặc mình khi nghĩ rằng tôi có một lời thề lớn với Đảng Cộng hòa. Thật khó để tưởng tượng ra có gì đó có thể làm chệch hướng sự ủng hộ dành cho ông ấy [Trump]”.
“Vì vậy, nếu ông ấy muốn trở thành ứng cử viên vào năm [2024], tôi nghĩ ông ấy rất có thể đạt được điều đó”, ông Romney nói.
Minh Đăng
40 quốc gia ra tuyên bố chung kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh Ukraina
Vào thứ Tư (13 tháng 7 theo giờ Mỹ), hơn 40 quốc gia bao gồm Liên minh Châu Âu EU, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã ra tuyên bố chung ủng hộ Ukraine ‘đệ trình lên Tòa án Công lý Quốc tế (ngày 13 tháng 7). Tòa án Công lý Quốc tế kêu gọi Nga “ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự ở Ukraine” và chịu trách nhiệm về việc vi phạm luật pháp quốc tế trong cuộc xâm lược Ukraine.
Trong tuyên bố, các nước nhắc lại ủng hộ việc Ukraine truy tố Nga tại Tòa án Công lý Quốc tế theo Công ước năm 1948 về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng, và cho rằng Nga không có cơ sở pháp lý để hành động quân sự chống lại Ukraine.
Tuyên bố của các nước cho biết: Nga đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình khi từ chối tuân thủ lệnh của tòa án vào tháng 3 để đình chỉ các hoạt động quân sự của mình.
Nga nên cung cấp cho Ukraine “khoản bồi thường toàn diện và khẩn cấp” đối với những thiệt hại do nước này vi phạm luật pháp quốc tế. “Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình”.
Theo chính quyền Ukraine, cần ít nhất 750 tỷ USD để bắt đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Tuyên bố chung viết tiếp: “Chúng tôi một lần nữa hoan nghênh các nỗ lực (kiện tụng) của Ukraine nhằm bảo đảm rằng luật pháp quốc tế được tôn trọng và Tòa án có thể thực hiện chức năng thiết yếu của mình là thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp”.
Tuyên bố cho biết thêm: “Công ước về Diệt chủng, được ký kết sau Thế chiến đệ nhị nhằm ngăn chặn sự tái diễn của những hành động tàn bạo trong chiến tranh, thể hiện một cam kết trang trọng nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng và buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm”. Trong suốt cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhiều cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga đã được báo cáo hoặc ghi lại.
Tuyên bố chung được đưa ra bởi Albania, Andorra, Australia, Áo, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, CH Đảo Sip, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Litva , Luxembourg, Malta, Quần đảo Marshall, Moldova, Monaco, Montenegro, Hà Lan, New Zealand, Bắc Macedonia, Na Uy, Palau, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, San Marino, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ và các nước EU khác.
Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc là tòa án cao nhất của Liên hợp quốc, đặt tại La-Hay, và các kết luận của nó chủ yếu dựa trên các hiệp ước và công ước, nhưng nó không thể thực thi các quyết định của toà án.
Huyền Anh
Thủ tướng Sri Lanka tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời
Thủ tướng Sri Lanka tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời vào thứ 15/7 cho đến khi Quốc hội bầu ra người kế nhiệm ông Gotabaya Rajapaksa, người đã tháo chạy ra nước ngoài và từ chức sau các cuộc biểu tình hàng loạt về sự sụp đổ kinh tế của đất nước.
Các nhà lập pháp Sri Lanka sẽ triệu tập vào 16/7 để chọn một nhà lãnh đạo mới, người sẽ phục vụ phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Rajapaksa dự kiến kết thúc vào năm 2024.
Bầu không khí yên bình được khôi phục tại thủ đô Colombo vào 15/7 sau khi những người biểu tình chiếm đóng các tòa nhà chính phủ rút lui. Trước đó, những rạn nứt sâu sắc của phe đối lập chính trị đã bùng nổ thành những cuộc biểu tình – một giải pháp cho nhiều vấn đề của Sri Lanka.
Khi người dân ăn mừng trên đường phố, thành viên Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardana hứa hẹn về một tiến trình chính trị minh bạch và nhanh chóng sẽ được thực hiện trong vòng một tuần.
Tổng thống mới có thể bổ nhiệm một thủ tướng mới, người sau đó sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn. Sau khi ông Rajapaksa từ chức, áp lực lên thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày càng gia tăng.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, ông Wickremesinghe cho biết ông sẽ bắt đầu các bước thay đổi hiến pháp để hạn chế quyền lực của tổng thống và củng cố Quốc hội, khôi phục luật pháp, trật tự và thực hiện các hành động pháp lý chống lại “quân nổi dậy”.
Không rõ ông đang đề cập đến ai, mặc dù ông nói những người biểu tình thực sự sẽ không dính vào các cuộc đụng độ gần Quốc hội vào tối 13/7 , khi nhiều binh sĩ được cho là bị thương.
“Có một sự khác biệt lớn giữa những người biểu tình và quân nổi dậy. Chúng tôi sẽ có hành động pháp lý chống lại quân nổi dậy”, ông nói.
Ông Wickremesinghe trở thành quyền tổng thống sau khi ông Rajapaksa tháo chạy khỏi Sri Lanka vào 13/7 đến Maldives và sau đó đến Singapore. Văn phòng thủ tướng cho biết, ông Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời vào 15/7 bởi Chánh án Jayantha Jayasuriya.
Sri Lanka thiếu tiền mặt để trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, phân bón, thuốc men và nhiên liệu cho 22 triệu dân của mình. Sự suy giảm kinh tế nhanh chóng của nước này còn gây sốc hơn vì trước cuộc khủng hoảng này, nền kinh tế quốc gia này phát triển, kéo theo sự mở rộng của tầng lớp trung lưu.
Các cuộc biểu tình nhấn mạnh sự sụp đổ đáng kể của gia tộc chính trị Rajapaksa đã cai trị Sri Lanka trong hơn hai thập kỷ qua.
Linh mục Jeewantha Peiris, một linh mục Công giáo và là người lãnh đạo cuộc biểu tình, cho biết đất nước đã “trải qua một hành trình khó khăn”.
Ông nói: “Chúng tôi rất vui khi đây là một nỗ lực tập thể để đấu tranh vì Sri Lanka, được người dân Sri Lanka, thậm chí cả cộng đồng người Sri Lanka tham gia”.
Những người biểu tình đã nấu và phân phát gạo sữa — món ăn mà người Sri Lanka thưởng thức để ăn mừng chiến thắng — sau khi ông Rajapaksa từ chức. Tại địa điểm biểu tình chính trước văn phòng tổng thống ở Colombo, mọi người hoan nghênh việc ông từ chức nhưng nhấn mạnh ông Wickremesinghe cũng nên tránh sang một bên.
“Tôi rất vui vì ông Gotabaya cuối cùng đã ra đi. Lẽ ra ông ấy nên từ chức sớm hơn”, ông Velayuthan Pillai, 73 tuổi, một nhân viên ngân hàng đã nghỉ hưu, nói khi các bài hát yêu nước vang lên từ loa phát thanh.
“Ông Ranil là người ủng hộ ông Gotabaya và các chính trị gia của gia tộc Rajapaksas khác. Ông ấy đã giúp họ. Ông ấy cũng phải đi”, ông nói thêm.
Nền kinh tế của Sri Lanka đang trong đống đổ nát. Và quân đội đã cảnh báo hôm 15/7 rằng họ có quyền phản ứng trong trường hợp hỗn loạn – một thông điệp mà một số người dân cho là đáng ngại.
Ông Abeywardana, thành viên của Nghị viện, kêu gọi công chúng “tạo ra một bầu không khí hòa bình để thực hiện quy trình dân chủ nghị viện thích hợp và cho phép tất cả các thành viên của Nghị viện tham gia vào các cuộc họp và hoạt động một cách tự do và tận tâm”.
Ông Wickremesinghe gần đây cho biết, Sri Lanka đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chủ nợ khác, nhưng tài chính của nước này nghèo nàn đến mức thậm chí việc nhận được một gói cứu trợ cũng khó khăn.
Những người biểu tình cáo buộc ông Rajapaksa và gia tộc chính trị quyền lực của ông đã bòn rút tiền từ kho bạc của chính phủ và đẩy nhanh sự sụp đổ của đất nước bằng cách quản lý nền kinh tế sai phương pháp. Gia đình đã phủ nhận các cáo buộc tham nhũng, nhưng ông Rajapaksa thừa nhận rằng một số chính sách của ông đã góp phần vào cuộc khủng hoảng của Sri Lanka.
Anh Maduka Iroshan, 26 tuổi, một sinh viên đại học và là người biểu tình, cho biết anh rất “xúc động” khi ông Rajapaksa đã từ chức, vì ông đã “phá hỏng ước mơ của thế hệ trẻ”.
Nhiều tháng biểu tình đã đạt đến đỉnh điểm điên cuồng vào cuối tuần trước khi những người biểu tình xông vào nhà và văn phòng của tổng thống cũng như dinh thự chính thức của ông Wickremesinghe. Hôm 13/7, người dân đã chiếm văn phòng của ông.
Hình ảnh những người biểu tình bên trong các tòa nhà — nằm dài trên những chiếc ghế sofa và giường sang trọng, tạo dáng bên bàn làm việc của các quan chức và tham quan những khung cảnh sang trọng — đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Những người biểu tình ban đầu tuyên bố sẽ ở lại cho đến khi một chính phủ mới được thành lập. Tuy nhiên, họ đã thay đổi chiến thuật vào 15/7, dường như lo ngại rằng sự leo thang bạo lực có thể làm suy yếu thông điệp của họ sau các cuộc đụng độ bên ngoài Quốc hội khiến hàng chục người bị thương.
Người biểu tình Mirak Raheem lưu ý rằng việc không có bạo lực là rất quan trọng, mặc dù công việc của họ còn lâu mới kết thúc.
“Đây thực sự là một điều đáng kinh ngạc, thực tế là nó đã xảy ra sau một cuộc biểu tình ôn hòa”, ông Raheem nói. “Nhưng rõ ràng đây mới chỉ là sự khởi đầu, rằng còn một chặng đường dài hơn về loại công việc phải làm, không chỉ là tái thiết nền kinh tế mà còn tạo niềm tin của công chúng vào hệ thống chính trị này”.
Ông Rajapaksa và vợ đã bỏ trốn trong đêm trên một chiếc máy bay quân sự vào đầu ngày 13/7. Hôm thứ 14/7, ông đã đến Singapore, theo Bộ Ngoại giao của thành phố. Bộ này cho biết ông chưa yêu cầu tị nạn và không rõ liệu ông sẽ ở lại hay đi tiếp. Trước đây ông ấy đã nhận được các dịch vụ y tế ở đó, bao gồm cả phẫu thuật tim.
Vì các tổng thống Sri Lanka được bảo vệ khỏi bị bắt khi đang nắm quyền, ông Rajapaksa có thể muốn rời đi trong khi ông vẫn có quyền miễn trừ theo hiến pháp và quyền tiếp cận máy bay.
Một nhà chiến lược quân sự có chiến dịch tàn bạo đã giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 26 năm của đất nước, ông Gotabaya Rajapaksa và anh trai của ông, người đang là tổng thống vào thời điểm đó, được đa số người Sinhalese theo đạo Phật trên đảo ca ngợi. Bất chấp những cáo buộc về hành vi tàn bạo thời chiến, bao gồm ra lệnh tấn công quân sự vào dân thường dân tộc Tamil và bắt cóc các nhà báo, ông Rajapaksa vẫn được nhiều người Sri Lanka yêu thích. Ông đã liên tục phủ nhận các cáo buộc.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times
Trung Quốc: Đợt nắng nóng kỷ lục ảnh hưởng đến 900 triệu người
Một đợt nắng nóng kinh hoàng đã bao trùm lên Trung Quốc, khiến ít nhất hai người tử vong do say nắng và đẩy tải lượng điện lên mức cao nhất trong lịch sử. Các nhà chức trách ở các trung tâm sản xuất cũng đã bắt đầu hạn chế lượng tiêu thụ điện của một số nhà máy.
Theo trung tâm khí tượng quốc gia của đất nước, tính đến ngày 12/07, các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến hơn 900 triệu cư dân. Có tới 71 trạm khí tượng ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến ngày 13/06, tổng cộng 86 thành phố đã ra cảnh báo đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ba nấc, cho thấy nhiệt độ không thấp hơn 40°C (104°F).
Đợt nắng nóng gần đây đã trở thành hiện tượng thời tiết chết người, trong đó nhiều người phải nhập viện vì say nắng và ít nhất hai trường hợp tử vong được báo cáo ở miền nam và miền đông Trung Quốc.
Một nam công nhân 49 tuổi đã qua đời vào ngày 08/07 sau khi anh này ngất xỉu trong khi làm việc, theo The Paper, một cơ quan truyền thông được nhà nước hậu thuẫn. Bài báo cho biết lúc anh nhập viện, nhiệt độ cơ thể anh là 40.7°C (104.7°F). Người đàn ông này đến từ Chiết Giang, tỉnh ven biển phía Đông Trung Quốc giáp với Thượng Hải.
Một trường hợp tử vong khác liên quan đến nhiệt độ cao đã được báo cáo ở tỉnh Tứ Xuyên.
Hoạt động xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng diễn ra dưới tiết trời nóng nực tại một số quận ở Thượng Hải, khiến cho người dân lẫn nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ càng gặp khó khăn hơn nữa.
Thành phố trung tâm thương mại này đã ban bố tình trạng báo động đỏ hôm 14/07, lần báo động thứ ba trong tuần này. Thành phố 25 triệu dân này chỉ đưa ra 17 cảnh báo như vậy kể từ khi việc lưu trữ hồ sơ bắt đầu vào năm 1873.
Mức tiêu thụ điện tăng vọt
Khi nhiệt độ tăng cao, thì nhu cầu về điện cũng tăng lên do các gia đình và doanh nghiệp phải sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, gây thêm căng thẳng cho lưới điện. Hôm 14/07, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho biết tải lượng điện tối đa của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 1.22 tỷ kilowatt hôm 12/07.
Hôm 12/07, Cục Năng lượng tỉnh Chiết Giang và lưới điện nhà nước đã kêu gọi các công ty, nhà máy, và người dân tiết kiệm điện sau khi mức tiêu thụ điện cao kỷ lục được công bố.
Theo tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post), ít nhất hai nhà máy sản xuất polyester ở trung tâm sản xuất của Chiết Giang đã được lệnh giảm bớt lượng điện tiêu thụ của họ bắt đầu từ ngày 12/07, trong đó một nhà máy nói rằng hạn chế này sẽ được áp dụng cho đến cuối tháng Tám.
Mức tiêu thụ điện tăng mạnh diễn ra vài tháng sau khi nước này thoát khỏi đợt khủng hoảng điện năng trên diện rộng. Cuộc khủng hoảng năng lượng — gây ra bởi tình trạng thiếu than — đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng chục triệu người, buộc các nhà máy phải giảm sản xuất hoặc thậm chí đóng cửa, và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Năm nay, đợt nắng nóng này tới sớm hơn thường lệ, và dự kiến sẽ kéo dài thêm hai tuần nữa.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Hồng Ân biên dịch
Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt các thương vụ bán vũ khí trị giá 1,5 tỷ USD
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán hệ thống tên lửa HIMARS cho Estonia, tên lửa cho Na Uy và ngư lôi cho Hàn Quốc trong các thỏa thuận riêng biệt có thể trị giá hơn 1,5 tỷ USD, Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Sáu (15/7).
Các thương vụ diễn ra khi các nước châu Âu tăng cường mua vũ khí trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, làm gia tăng lo ngại an ninh trong khu vực.
Các hệ thống HIMARS do Hoa Kỳ và các đồng minh tài trợ đang được Ukraine sử dụng trong cuộc chiến với Nga.
Gói được phê duyệt cho Estonia sẽ bao gồm tối đa sáu bệ phóng Hệ thống Tên lửa Cơ động Cao M142 (HIMARS), đạn dược, thiết bị hỗ trợ, phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật, Lầu Năm Góc cho biết.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội về việc có thể bán cho Estonia cùng với hai thương vụ quân sự nước ngoài khác vào thứ Sáu.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phê duyệt về việc sẽ có thể bán tên lửa không đối không tầm trung và các thiết bị liên quan cho Na Uy trong một thỏa thuận trị giá lên tới 950 triệu USD và Ngư lôi hạng nhẹ MK 54 cho Hàn Quốc với giá trị ước tính là 130 USD triệu.
Tuy vậy, thông báo không chỉ ra rằng các hợp đồng đã được ký kết hoặc các cuộc đàm phán đã kết thúc hay chưa.
Lầu Năm Góc cho biết Lockheed Martin Corp là nhà thầu chính cho hệ thống HIMARS và Raytheon Technologies là nhà thầu chính cho 205 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 C-8 hoặc D Advanced.
Ngân Hà (theo Reuters)
Ukraine đã nhận được hệ thống phóng tên lửa M270 đầu tiên do Mỹ sản xuất
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov hôm thứ Sáu (15/7) loan báo rằng Kyiv đã nhận được Hệ thống Phóng Đa Rocket (MLRS) đầu tiên. Ông Reznikov viết trên Twitter rằng MLRS sẽ là “sự kết hợp hoàn hảo” với các xe phóng M142 HIMARS đã được Mỹ cung cấp từ trước.
Ông Reznikov không nêu rõ nước nào đã cung cấp cho Ukraine MLRS và chỉ bày tỏ lòng biết ơn chung tới “các đối tác” của Kyiv. Trước đó, Anh Quốc đã công khai cam kết sẽ chuyển cho quân đội Ukraine ít nhất 3 xe phóng tên lửa M270.
M270 MLRS là hệ thống phóng tên lửa tương tự các xe phóng tên lửa M142, nhưng ở thế hệ cũ hơn. Mặc dù M270 MLRS không cơ động bằng các xe HIMARS M142, nhưng lại được trang bị gấp đôi ống phóng tên lửa 227 mm (12 ống phóng so với 6).
Hiện chưa rõ quân đội Ukraine có đưa các xe phóng tên lửa M270 ra chiến trường hay không.
Các quan chức Ukraine khẳng định rằng các hệ thống phóng tên lửa hiện đại do phương Tây cung cấp chỉ được sử dụng để tấn công vào “các kho vũ khí và kho nhiên liệu” của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhưng Moscow và các lãnh đạo ly khai tại Donbass đã cáo buộc Kyiv sử dụng vũ khí này bắn vào các khu vực thường dân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, trong buổi họp báo hôm thứ Năm (14/7), nói rằng quân đội Ukraine cho tới nay đã đang sử dụng “các hệ thống phóng đa rocket do Mỹ cung cấp trên tất cả các mặt trận”.
Nga cũng đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không được “bơm” vũ khí cho Ukraine và khẳng định rằng hành động viện trợ vũ khí như vậy chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và gây tổn hại nhiều hơn cho người dân Ukraine chứ không thay đổi được kết quả cuối cùng của cuộc chiến.
Như Ngọc