Trung Quốc thống trị lĩnh vực chế biến đất hiếm khiến ngành quốc phòng Hoa Kỳ lao đao

Hannah Ng

Ông Rod Colwell, Giám đốc điều hành của Controlled Thermal Resources (Công ty Nguồn Nhiệt Được Kiểm soát) (Phải) và ông Tracy Sizemore, Giám đốc toàn cầu về vật liệu pin của công ty, đi dọc theo các chậu bùn địa nhiệt gần bờ biển Salton, nơi công ty đang khai thác lithium, ở Niland, California, hôm 15/07/2021. (Ảnh: Marcio Jose Sanchez/AP Photo)

Theo bà Luisa Moreno, chủ tịch của Defense Metals, một công ty khai thác khoáng sản có trụ sở tại Vancouver, Trung Quốc đã kiểm soát hơn 85% thị trường tinh chế khoáng sản đất hiếm toàn cầu, ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ có thể gặp rắc rối nếu việc nhập cảng các nguyên tố này bị ngưng trệ.

Theo bà Moreno, khoáng chất đất hiếm được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả trong các ứng dụng quốc phòng như hỏa tiễn, trong nông nghiệp để sản xuất phân bón, và trong y học.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “China Insider” (Nội tình Trung Quốc) của Epoch TV, bà nói: “Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng các nguyên tố quan trọng này sang Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ có một cuộc khủng hoảng mà theo đó chúng ta sẽ thiếu những nguyên tố dùng trong một số ứng dụng quân sự.”

Khoáng chất đất hiếm cũng rất quan trọng đối với một loạt các công nghệ xanh.

Bà Moreno cho biết: “Trong các ứng dụng công nghệ xanh, chúng được sử dụng để chế tạo động cơ nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong các động cơ thắp sáng hiện nay cho xe điện cũng như tuabin gió.

Và do đó, bà cho thấy rằng phần còn lại của thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi sang công nghệ xanh.

Bà Moreno nói: “Ví dụ, Hoa Kỳ cần những nguyên tố này cho xe điện để tạo ra động cơ nam châm vĩnh cửu và động cơ điện dùng trong xe điện. Vì vậy, … có nhiều nguyên tố khác cũng đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.”

Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về công nghệ chế biến đất hiếm.

Bà nói: “Trung Quốc đã dành nhiều thập niên để nghiên cứu các công nghệ đầy hứa hẹn và khai thác trong giới địa [của đất nước], cũng như bên ngoài, để tìm các mỏ này. Và họ có công nghệ, và họ hiện là chuyên gia trong việc [chế biến] đất hiếm.”

Bà Moreno cũng dẫn chứng về mỏ Mountain Pass ở California, địa điểm khai thác đất hiếm duy nhất của Hoa Kỳ.

Bà nói về mỏ này: “Họ sản xuất một loại tinh chất vô cơ cô đặc trước khi đất hiếm được khai thác. Và thứ đó được xuất cảng sang Trung Quốc, nơi nó được tiếp tục chế biến thành một hợp chất hóa học và sau đó được phân tách thành các nguyên tố.

“Vì vậy, về căn bản đó là nơi Trung Quốc đang thu được rất nhiều khoáng sản quý hiếm khác để chế biến.”

Kiềm chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Bà Moreno nói rằng với nhu cầu ngày càng tăng về đất hiếm trên toàn cầu, Trung Quốc “sẽ không thể cung cấp thường hằng cho thế giới những loại đất hiếm mà chúng ta cần cho các ứng dụng khác nhau”.

Tờ Financial Times đưa tin năm ngoái, ĐCSTQ đã thăm dò khả năng hạn chế xuất cảng khoáng sản đất hiếm được sử dụng trong chiến đấu cơ F-35 của Mỹ cũng như các loại vũ khí tân tiến khác.

Do đó, chuyên gia này kêu gọi Hoa Kỳ và các đồng minh tăng cường tự sản xuất đất hiếm để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bà Moreno nói: “Canada, Hoa Kỳ cùng với các mỏ khác nhau, có thể [hợp tác] cùng với với các khoản đầu tư đáng kể để mang lại sản lượng khai thác đất hiếm nhiều hơn những gì chúng ta có hiện tại, ở Mountain Pass, và sau đó xây dựng chuỗi cung ứng để có thể tách biệt các yếu tố và tạo ra kim loại từ chúng và các hợp chất.”

“Điều quan trọng là các chính phủ ở Canada, Hoa Kỳ, Âu Châu và các nước khác phải hỗ trợ các công ty khai thác cấp cơ sở để họ có thể phát triển các dự án của mình và hỗ trợ sự phát triển của chuỗi cung ứng. Bởi vì nếu điều đó không xảy ra cùng với thị trường vốn, chúng ta có thể sẽ gặp phải tình trạng khan hiếm nghiêm trọng bên ngoài Trung Quốc đối với những yếu tố này.”

Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cô có bằng thạc sĩ về kinh tế phát triển và quốc tế tại Đại học Khoa học Ứng dụng Berlin.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts