Tin VN sáng thứ Bảy: Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Hai cựu thiếu tướng lãnh tổng 27 năm tù

Vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng giả: Hai cựu thiếu tướng lãnh tổng 27 năm tù

Hai cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển vùng 3 và 4 Lê Xuân Thanh (trái) và Lê Văn Minh. (Ảnh: vtc.vn)

Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên phạt cựu thiếu tướng Lê Văn Minh mức án 15 năm tù, cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh 12 năm tù vì nhận hối lộ để bảo kê đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng giả.

Sau 4 ngày xét xử, chiều 15/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong vụ nhận hối lộ, bảo kê buôn lậu 200 triệu lít xăng giả, xảy ra tại một số đơn vị cảnh sát biển, biên phòng.

Theo đó, HĐXX tuyên cựu đại tá Phùng Danh Thoại, cựu Trưởng phòng Xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 7 năm tù về tội “buôn lậu”.

Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, cựu Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, lãnh án tù chung thân về tội “nhận hối lộ” và 2 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, tổng hình phạt là chung thân.

HĐXX tuyên 11 bị cáo khác cùng phạm tội “nhận hối lộ”, trong đó cựu thiếu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, bị tuyên 15 năm tù; cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, lãnh án 12 năm tù.

9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù giam.

Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (nhân viên cây xăng Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM) bị tuyên 6 tháng 21 ngày tù về tội “không tố giác tội phạm”.

Trong vụ án này, nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021, tại một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam, các bị cáo đã tạo điều kiện cho đường dây của “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) vận chuyển và tiêu thụ xăng lậu trên biển trong thời gian dài.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây đã buôn lậu hơn 204 triệu lít xăng, trị giá gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Số tiền sử dụng hối lộ 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển trong vụ án, được xác định khoảng 38 tỷ đồng, đến nay mới được các bị cáo nộp khắc phục 17,8 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD, bị cáo Lê Xuân Thanh nhận 1,8 tỷ đồng, bị cáo Lê Văn Minh nhận 6,9 tỷ đồng…

Phạm Toàn

Cục trưởng Quản lý giá sai phạm ‘gây hậu quả rất nghiêm trọng’

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính. (Ảnh: mof.gov.vn)

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính, có sai phạm “gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025.

Theo Ủy ban này, Đảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để Cục Quản lý giá và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương đối với mặt hàng kit xét nghiệm COVID-19, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, công tác thẩm định và bình ổn giá.

Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về các ông: Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá; Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng; Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý giá.

“Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước và nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, thông báo nêu.

Liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm nêu trên còn có trách nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 và một số tổ chức, cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, Đảng ủy Cục Quản lý giá chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm; Ban cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy Bộ kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, kỷ luật tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phạm Toàn

Bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế

Bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế.

Kể từ khi cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bị tạm giam để điều tra hồi đầu tháng 6, hôm nay 15/7, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan (51 tuổi, quê Hải Dương) đã được giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

“Bà Lan có khó khăn là chưa được đào tạo từ ngành y nên các thứ trưởng phải cáng đáng nhiệm vụ chuyên môn, để bà Lan tập trung công tác quản lý”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi trao quyết định cho bà Lan trưa nay 15/7.

Quyền Bộ trưởng Y tế nói “rất bất ngờ, bộn bề suy nghĩ khi nhận nhiệm vụ, bởi chỉ được thông báo trước hai ngày”, bản thân không xuất phát từ ngành y nên mọi công việc sắp tới rất mới. Bà Lan hứa sẽ rà soát các định hướng phát triển lâu dài ngành y, trong đó có vấn đề về pháp luật, cơ chế chính sách, đội ngũ cán bộ. Mục tiêu là làm sao để ngành y và hệ thống y tế có sự phục hồi, phát triển trong thời gian tới…

Từ năm 1945 đến nay, Bộ Y tế đã có 14 đời bộ trưởng/người đứng đầu, trong đó duy nhất bà Đào Hồng Lan không có chuyên môn y tế.

Công an Hà Nội nói gì về thông tin hơn 4.000 người tâm thần được cấp giấy phép lái xe

Thanhnien – Mấy ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin “Công an TP. Hà Nội rà soát, xác định hơn 4.000 người tâm thần có giấy phép lái xe” khiến dư luận hoang mang. Nhiều người cho rằng công tác quản lý người mắc bệnh tâm thần chưa được chặt chẽ và để xảy ra việc hơn 4.000 người tâm thần được cấp bằng lái.

Liên quan đến sự việc này, trưa nay 15/7, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.Hà Nội cho biết, những thông tin đang lan truyền là hoàn toàn không chính xác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Theo vị đại diện, ngày 13/7, PC08 Công an TP. Hà Nội tổ chức tổng kết kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022. Trong báo cáo tổng kết có thông tin “Công an TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rà soát, xác định 4.089 người bị tâm thần, kiến nghị Sở GTVT thu hồi GPLX, không cấp GPLX cho các trường hợp này”, được một số cơ quan báo chí đăng tải và khiến dư luận hiểu không đúng.

Đại diện PC08 Công an TP. Hà Nội cho biết, qua rà soát, lực lượng chức năng xác định có hơn 4.000 người bị tâm thần và đề xuất không cấp GPLX cho những người này, chứ không có chuyện người tâm thần được cấp GPLX.

Số người chết vì tai nạn giao thông tăng

VnExpress – 6 tháng đầu năm, số vụ tai nạn và số người bị thương đã giảm, song số người chết tăng 79 so với cùng kỳ năm trước, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Tại buổi sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 chiều 15/7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết nửa năm qua cả nước xảy ra hơn 5.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giảm 10%, người bị thương giảm 17%, song tăng 2,4% số người chết.

26 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó 12 tỉnh thành có số người chết tăng trên 10% gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên, Yên Bái.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ghi nhận 13 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 37 người, bị thương 29 người tại các tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế. Một vụ tai nạn đường thủy tại Quảng Nam làm chết 17 người.

Cả nước còn xảy ra 50 vụ ùn tắc giao thông, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 29 vụ do tai nạn giao thông, sự cố phương tiện, 10 vụ do ảnh hưởng của thiên tai, 9 vụ do lưu lượng xe đông, 2 vụ thi công sửa chữa đường.

Tình hình xe quá tải còn tái diễn tại nhiều địa phương như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hội An

Related posts