Châu Âu đang đối mặt với những “ngày nắng nóng lịch sử’

Du khách trên bãi biển Kent ở Anh hồi tháng 6/2022. (Nguồn: I Wei Huang/ Shutterstock)

Châu Âu sẽ phải hứng chịu một đợt nắng nóng vào tuần này, với nhiệt độ tăng cao trên 40°C ở Tây Âu, Nam Âu cũng đang phải đối mặt với những tác động của nắng nóng mùa hè.

Trên khắp Địa Trung Hải, các nhân viên cứu hỏa đang nỗ lực kiểm soát hỏa hoạn, một số dòng chảy trên sông bị khô cạn, hàng ngàn người phải sơ tán. Theo truyền thông địa phương đưa tin, do ảnh hưởng của nhiệt độ cao, đến nay Tây Ban Nha có hơn 360 người qua đời, và Bồ Đào Nha có 238 người tử vong.

Luồng không khí nóng bỏng từ Bắc Phi dự đoán sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc và Đông trong tuần này, đợt nắng nóng đang dồn về Pháp, Đức, Bỉ và Anh.

5 quốc gia dưới đây đang hứng chịu đợt nắng nóng ở châu Âu:

Vương quốc Anh đối mặt với “ngày nóng nhất trong lịch sử”

Các quan chức Chính phủ Anh cảnh báo rằng với nhiệt độ kỷ lục 40°C vào thứ Hai và thứ Ba, người Anh cần chuẩn bị cho “những ngày nóng nhất lịch sử”. Cục Khí tượng đã ban bố báo động đỏ đầu tiên về “nhiệt độ cao bất thường”, nghĩa là những người khỏe mạnh – không chỉ những người dễ bị tổn thương – cũng có thể dễ bị bệnh hoặc tử vong vì nắng nóng.

Anh đã tổ chức một cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày 16/7, đây là cuộc họp lần thứ hai liên quan đến thời tiết nắng nóng. Bộ trưởng Nội các Kit Malthouse cho biết, Vương quốc Anh đang làm việc để đảm bảo áp dụng “các biện pháp khẩn cấp một cách chính xác”, bao gồm “hỗ trợ trường học, y tế, dịch vụ khẩn cấp, các sự kiện lớn và mạng lưới giao thông của Vương quốc Anh”.

Phát ngôn viên Grahame Madge của Cục Khí tượng Vương quốc Anh kêu gọi mọi người nên chăm sóc tốt những người thân hoặc hàng xóm dễ bị tổn thương.

Chính phủ Anh đã đề xuất một số hành động, bao gồm giới hạn tốc độ trên một số đoạn đường sắt, đồng thời đóng cửa một số trường học ở phía nam.

Pháp mở rộng cảnh báo sóng nhiệt “màu da cam”

Tại Pháp, hơn 10.000 người đã phải sơ tán khỏi vùng tây nam của đất nước khi hỏa hoạn bùng phát ở tỉnh Gironde.

Theo truyền thông địa phương đưa tin, hiện vẫn có 3 đám cháy lớn vẫn đang hoạt động và hơn 5.000 ha đất đã bị thiêu rụi. Hôm 16/7, cơ quan khí tượng của Pháp đã mở rộng cảnh báo sóng nhiệt “màu da cam” tới 38 khu vực từ Brittany đến Côte d’Azur.

Khu vực miền Bắc nước Ý chuyển sang tình trạng khẩn cấp

Sông Po dài nhất của Ý đã đạt mực nước thấp kỷ lục mà không có mưa lớn trong nhiều tháng. Sông Po trải dài từ dãy núi Alps đến biển Adriatic và là nguồn cung cấp nước quan trọng để uống, tưới tiêu và sản xuất điện.

Tại khu vực Piedmont thuộc miền bắc nước Ý, ít nhất 170 thành phố đã ban hành hoặc có kế hoạch ban hành sắc lệnh về sử dụng nước, có nghĩa là chính phủ sẽ cấm tất cả các việc sử dụng nước cho mục đích khác, ngoại trừ sử dụng nước cho thực phẩm, sử dụng nước trong gia đình và chăm sóc sức khỏe. Bất cứ ai bị bắt gặp tưới vườn công cộng hoặc tư nhân, rửa sân hoặc ô tô bằng nước có thể bị phạt tới 500 euro.

Do tình trạng nắng nóng, Chính phủ Ý đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với phần lớn miền bắc.

Tây Ban Nha đối mặt với nắng nóng và hạn hán

Gần một nửa diện tích rừng của dãy núi Sierra de la Culebra ở tây bắc Tây Ban Nha đã bị thiêu rụi. Đây là trận hỏa hoạn lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử Tây Ban Nha, khu vực Figueruela de Arriba cháy dữ dội.

Gần Costa del Sol ở miền nam Tây Ban Nha, một địa điểm du lịch nổi tiếng, khoảng 2.300 người đã phải chạy trốn đám cháy rừng đang lan rộng ở vùng núi Sierra de Mijas.

Theo cơ quan chức năng, ngoài nhiệt độ cao, nơi đây cũng thiếu lượng mưa cục bộ, các hồ chứa của Tây Ban Nha ở mức 44,4% tổng sức chứa vào ngày 13/7, giảm so với mức trung bình 65,7% trong giai đoạn này trong 10 năm qua.

Bồ Đào Nha báo cáo 250 vụ cháy vào ngày 15 và 16/7

Từ tuần trước đến nay, hỏa hoạn đã xảy ra ở một số vùng của Bồ Đào Nha, với gần 250 vụ cháy mới được báo cáo vào thứ Sáu (ngày 15/7) và thứ Bảy (ngày 16/7). Phần lớn là ở phía đông bắc thành phố Porto.

Thành phố Lausanne (Lusa) ở miền trung Bồ Đào Nha có nhiệt độ đạt kỷ lục 46,3°C vào ngày 13/7. Chính phủ đã ban hành cảnh báo đỏ tại 16 trong số 18 khu vực với hơn 100 thành phố có nguy cơ bùng phát cháy rừng cao nhất. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mozambique để ở lại theo dõi đám cháy.

Ông Andre Fernandes, chỉ huy lực lượng phòng vệ dân sự quốc gia của Bồ Đào Nha, cho biết hôm 16/7 rằng: “Chúng tôi đang đối mặt với một thách thức gần như chưa từng có về khí tượng.”

Theo Từ Giản, Epoch Times

Related posts