‘China Town’ của nhà văn Thuận được ra mắt bản tiếng Anh

Minh Hoa

Đây là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Thuận được ra mắt bằng tiếng Anh. Nguồn: Goodreads.

Cuốn “China Town” (tạm dịch: Khu phố Tàu) của tác giả Thuận đã được nhà xuất bản Publisherweekly ra mắt bằng tiếng Anh.

Sau khi xuất bản lần đầu bằng tiếng Việt năm 2005, cuốn China Town đã thu hút sự quan tâm của độc giả, được Nguyễn An Lý dịch ra tiếng Anh và gần đây đã được giới thiệu ra quốc tế.

Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Publisherweekly, China Town – tác phẩm đầu tay ra mắt bằng tiếng Anh của nhà văn Thuận là một phép thử về khả năng ghi nhớ và độc thoại nội tâm của một người phụ nữ.

Năm 2004, một phụ nữ Việt Nam giấu tên và con trai bị mắc kẹt trên một chuyến tàu ở Paris khi cảnh sát điều tra về nghi ngờ đoàn tàu có bom.

Khi con trai ngủ say, người phụ nữ này đã có một khoảng thời gian độc thoại nội tâm bất tận về người chồng Trung Hoa tên Thụy từng bỏ cô để tới một khu phố Tàu, nhớ về khoảng thời gian thơ ấu ở Hà Nội, những năm cô học tiếng Anh ở nước Nga Xô Viết và khi cô chuyển đến Paris để dạy tiếng Anh.

Vào thời điểm cô đang sống tại Hà Nội, chồng cô, Thụy đã bỏ đi tới Chợ Lớn – khu phố Tàu tại TP.HCM và không bao giờ trở lại. Không còn hy vọng gặp lại chồng, cô đã cùng con trai nhỏ tên là Vĩnh lên đường sang Pháp. Từ khu phố Tàu ở Paris, cô liên tục nghĩ về chồng cô ở một khu phố Tàu khác trên một lục địa khác. Cô đã gọi những khu phố Tàu là một “điều bí ẩn” – vì đây vừa là nơi chồng cô đã biến mất và cũng vừa là một từ ẩn dụ cho danh tính là người Việt gốc Hoa của chồng mình.

Có tới hơn 100 khu phố Tàu trên khắp thế giới và nơi đây được cho là có nhiều nét đặc sắc rất riêng. Ảnh: TLS/Getty.

Trong tác phẩm China Town, tác giả Thuận đã đưa người đọc trở lại dòng chảy quá khứ của nữ nhân vật chính, khi cô nhớ về lúc ấu thơ, về cuộc gặp đầu tiên với bạn nam kỳ lạ và hay cười tên Thụy, hay khi cô đi học tại Leningrad và phải bỏ dở khi Liên Xô sụp đổ, và cả những trải nghiệm của việc đi dạy tiếng Anh tại Paris và câu chuyện tình cảm của cô với một anh chàng người Pháp.

Xen lẫn một số đoạn trích từ một cuốn tiểu thuyết khác do chính Thuận viết, tác phẩm China Town được lồng ghép giữa nhiều hồi ức khác nhau và vẽ nên bức chân dung của một người phụ nữ đang cố gắng tìm hiểu về quá khứ của mình. Trong khi nữ nhân vật chính tuyên bố: “Bạn phải quên đi để sống” thì tác giả Thuận đã đưa người đọc đến gần hơn với câu hỏi cốt lõi của cuốn tiểu thuyết: Liệu có thực sự quên đi quá khứ được để sống hay không?

Trong bài đánh giá về tác phẩm này, cây viết Lamorna Ash của trang Times Literary Supplement cho rằng đây là một tác phẩm rất khác biệt với những tác phẩm khác của các nhà văn đến từ Việt Nam, Lào hay Campuchia, vốn thường khắc hoạ chiến tranh và hiện thực cuộc sống khắc nghiệt. Cuốn China Town thể hiện sự dí dỏm một cách sắc bén nhưng vẫn xen lẫn sự tuyệt vọng và bi kịch của một kiếp người.

Related posts