Tin thế giới trưa thứ Ba: Bộ trưởng Tài chính: Hoa Kỳ muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào đất hiếm TQ

Bộ trưởng Tài chính: Hoa Kỳ muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào đất hiếm TQ

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen (Ảnh: Getty Images)

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, Hoa Kỳ muốn chấm dứt “sự phụ thuộc quá mức” vào đất hiếm, tấm pin mặt trời và các mặt hàng quan trọng khác từ Trung Quốc để ngăn chính quyền Bắc Kinh cắt nguồn cung như đã từng làm với các nước khác.

Bà Yellen nói với Reuters, bà đang thúc đẩy tăng cường quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với Hàn Quốc và các đồng minh đáng tin cậy khác để cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, đồng thời ngăn chặn khả năng thao túng tiềm ẩn của các đối thủ địa chính trị.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên đường tới Seoul ngày 18/7: “Các chuỗi cung ứng có năng lực phục hồi đồng nghĩa với việc đa dạng các nguồn cung và loại bỏ đến mức có thể các khả năng mà đối thủ địa chính trị có thể thao túng và đe dọa an ninh của chúng ta.”

Bà Yellen sẽ dự kiến sẽ nêu ra các quan ngại của mình trong bài phát biểu về chính sách lớn tại Seoul vào ngày 19/7, sau khi đi tham quan các cơ sở của tập đoàn công nghệ LG trong chặng cuối cùng của chuyến thăm 11 ngày tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Theo các đoạn trích từ bài phát biểu, bà Yellen sẽ tạo ra một cú huých mạnh mẽ cho việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của Mỹ để dựa vào các đối tác thương mại tin cậy hơn. Bà cũng cho rằng động thái này sẽ giúp chống lại lạm phát và đối phó “các hành vi thương mại không công bằng” của Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn nhận xét, Hàn Quốc có “thế mạnh to lớn về nguồn lực, công nghệ, khả năng” và các công ty của họ, bao gồm cả LG, đã đầu tư vào Hoa Kỳ.

Bà nhấn mạnh: “Họ có năng lực đáng kể để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến,” một điều đặc biệt quan trọng do Hoa Kỳ “phụ thuộc rất lớn” vào Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cũng nhận định, điều quan trọng là giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu cụ thể của Trung Quốc, vì trong quá khứ Bắc Kinh đã từng cắt nguồn cung cho một số quốc gia, như Nhật Bản; hay áp dụng các biện pháp gây áp lực khác lên Úc và Lithuania.

“Họ đã sử dụng các biện pháp cưỡng ép để gây áp lực lên một số quốc gia có hành vi mà nước này coi là không thể chấp nhận. Đó là lý do chúng tôi không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc,” bà Yellen nêu rõ.

Dù vậy, bà Yellen cho rằng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc không phải là “hoàn toàn tiêu cực hay leo thang lên đến tình trạng cực kỳ thù địch”.

Bà khẳng định: “Chúng tôi có những lo ngại thực sự đối với Trung Quốc và chúng tôi đang thúc ép họ, nhưng tôi không muốn truyền tải một bức tranh chỉ có các hành động thù địch leo thang với Trung Quốc.”

Nhật Minh (Theo Reuters)

Nga thất bại trong việc bảo vệ xe tăng trước vũ khí của Mỹ

Việc Nga không triển khai chiến lược xe tăng tốt nhất của mình, T-90M, đã khiến quân đội nước này thiệt hại nhiều hơn. (Ảnh xe tăng T-90M được nhìn thấy tại Quảng trường Đỏ ở Moscow ngày 9/5).

Theo một báo cáo mới từ The Moscow Times, một tờ báo điện tử tiếng Anh của Nga, việc quân đội Nga không sử dụng các xe tăng một cách chiến lược trong cuộc chiến khiến họ gia tăng thêm tổn thất.

Nick Reynolds, một chuyên gia quân sự tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh ở London, nói với Moscow Times: “Xe tăng được cho là chiến đấu như một phần của đội hình kết hợp, nhưng xét về cách chúng được sử dụng về mặt chiến thuật, Nga đã không làm điều đó một cách hiệu quả.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân tiến đánh Ukraina vào cuối tháng 2 với hy vọng chiếm được Kyiv nhanh chóng, nhưng các lực lượng Ukraina đã kháng cự kiên cường, mạnh mẽ hơn mong đợi. Gần 5 tháng diễn ra giao tranh, những điểm yếu trong quân đội Nga ngày càng lộ rõ ​​khi họ phải vật lộn để đạt được các mục tiêu của mình.

Theo một báo cáo hồi tháng 4 từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Nga ước tính có hơn 2.800 xe tăng trong các đơn vị quân đội và 10.000 chiếc khác đang được cất giữ trong kho.

Nhiều xe tăng trong số này được coi là có công nghệ tiên tiến – đặc biệt là xe tăng T-90M, được coi là mạnh nhất mà Putin sở hữu. Những chiếc xe tăng này bao gồm hệ thống ngắm đa kênh, tháp pháo có nhiều lớp giáp hơn, và một khẩu súng chính mạnh hơn so với nhiều loại xe tăng khác.

Bất chấp sức mạnh của nó, một số xe tăng T-90M của Nga đã bị phá hủy trong cuộc chiến. Theo Moscow Times, việc không sử dụng một cách chiến lược các xe tăng mạnh hơn đã khiến quân đội nước này suy yếu, gây ra tổn thất hàng loạt cho các xe tăng khác.

Các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm cả Hoa Kỳ đã ủng hộ Ukraina, cung cấp hỗ trợ quân sự và vũ khí. Các loại vũ khí này đã góp phần khiến Nga thiệt hại về xe tăng và các loại vũ khí khác, buộc Nga phải đưa các xe tăng cũ hơn từ thời Liên Xô ra tiền tuyến.

Bộ Quốc phòng Ukraina ước tính rằng Nga đã mất 1.687 xe tăng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2, ngoài ra còn có hàng ngàn xe bọc thép và các vũ khí tiên tiến khác.

Khi cuộc chiến vẫn đang tiếp tục, những điểm yếu trong quân đội Nga đang được bộc lộ.

Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh, Sir Tony Radakin hôm Chủ nhật cho biết, các nhà lãnh đạo Nga đang chật vật đối phó khi tinh thần binh sĩ xuống thấp.

Tình báo Anh hôm thứ Hai thì cho biết tổn thất lớn đã buộc quân đội Nga phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển quân, điều này có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả tương lai của quân đội.

Trần Phong

Ukraina đàm phán về tên lửa có tầm bắn xa hơn HIMARS

Tên lửa đạn đạo ATACMS vừa được Mỹ trang bị đầu đạn mới.

Ukraine đang tìm kiếm tên lửa ATACMS có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa đồng ý giao chúng vì cho rằng loại vũ khí này không cần thiết để sử dụng trên chiến trường.

Tuy nhiên, kế hoạch viện trợ gần đây nhất của Washington đề cập đến “tên lửa có tầm bắn xa hơn bao giờ hết”. Nếu sở hữu loại vũ khí này, quân đội Ukraine sẽ có thể tấn công các mục tiêu trong toàn bộ khu vực do Nga chiếm đóng.

Pháo phản lực HIMARS đang tàn phá hậu phương quân đội Nga. Hầu như mỗi ngày, quân đội Ukraine đều báo cáo về các cuộc tấn công thành công vào kho vũ khí. Nga buộc phải đặt các kho vũ khí xa tiền tuyến.

Như đã thông báo, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS bổ sung . Gói viện trợ 400 triệu đô la mới cũng bao gồm 1 nghìn tên lửa pháo M982 Excalibur. Ngoài ra, còn có những “tên lửa có tầm bắn lớn hơn trước” nhưng chưa được tiết lộ

Các chuyên gia phỏng đoán đó có thể là tên lửa GMLRS với tầm bắn mở rộng (lên đến 150 km), hoặc thậm chí là MGM-140 ATACMS với tầm bắn lên đến 300 km.

Đây chính xác là loại vũ khí mà Ukraine đặc biệt quan tâm. Đại diện Kyiv thông báo rằng họ đang đàm phán với Mỹ về việc giao hàng. Đây là những tên lửa được bắn từ các bệ phóng MLRS và HIMARS và có thể thay đổi hoàn toàn cục diện trên chiến trường.

Bất kỳ mục tiêu nào trên toàn bộ lãnh thổ do Nga chiếm đóng sẽ nằm trong tầm ngắm của ATACMS.

Tên lửa cũng có thể vươn xa ra ngoài biên giới Ukraine, có thể tới lãnh thổ Belarus và Nga.

Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ không ủng hộ Ukraina sử dụng thiết bị của họ để tấn công lãnh thổ Nga. Vì lý do này, trong quá trình giao những chiếc HIMARS đầu tiên cho Ukraine, họ đã thông báo rằng việc chuyển giao hệ thống ATACMS dường như không cần thiết.

Trần Phong

Related posts